Vì Sao Việt Nam Chưa Cho Phép Dùng Thuốc Sốt Rét điều Trị COVID-19?

Vì sao Việt Nam chưa cho phép dùng thuốc sốt rét điều trị COVID-19? - Ảnh 1.

Một lọ thuốc chloroquine phosphate - Ảnh: NEW YORK POST

Hôm 19-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) đã phê chuẩn việc dùng thuốc chloroquine trong điều trị bệnh COVID-19, nhưng sau đó tuyên bố này đã bị chính FDA bác bỏ.

Ủy viên FDA, ông Stephen Hahn, khẳng định hiện tại chưa có thuốc nào được cơ quan này công nhận để điều trị COVID-19.

Ông còn nói thêm vì chloroquine đã được phê chuẩn cho điều trị các bệnh khác (như sốt rét, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp) nên các bác sĩ có thể kê đơn ngoài hướng dẫn (off-label prescription) cho bệnh nhân nhiễm corona virus nếu muốn, tuy nhiên sự an toàn và hiệu quả của thuốc cloroquine trong điều trị bệnh này chưa được chứng minh đầy đủ.

Loại thuốc quen thuộc

Quinine (hay còn gọi là ký ninh), được phân lập từ vỏ cây cinchona vào năm 1820, là thuốc được dùng để chống sốt rét đầu tiên trong lịch sử.

Ngoài sốt rét, dần dần người ta phát hiện ra chloroquine/hydroxychloroquine còn có thể điều trị các bệnh khác như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin (porphyria cutanea tarda)…

Ngoài ra chloroquine cũng từng được thử nghiệm trong điều trị HIV và SARS dựa vào khả năng ngăn chặn phản ứng tổng hợp nhân lên của các virus này.

Đầu năm 2020, COVID-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Một số thuốc kháng virus đã dùng trước đây cũng được đem ra thử nghiệm lại để xem có tiêu diệt được virus này hay không như remdesivir (thuốc được nghiên cứu cho thấy ức chế SARS và MERS), lopinavir + ritonavir (thuốc trị HIV), favipiravir (thuốc trị cúm)… và cả chloroquine/hydroxychloroquine.

Chloroquine ức chế sự sinh sản của virus dựa vào 2 cơ chế. Thứ nhất, thuốc xâm nhập vào một khoang gọi là túi nội bào ở trên màng tế bào, bình thường túi nội bào này có tính axit nhưng cấu trúc của thuốc làm tăng pH của túi, làm cho nó có tính kiềm. Nhiều loại virus, bao gồm cả SARS-CoV-2, cần tính axit của túi nội bào để có thể xâm nhập vào tế bào vật chủ và sinh sôi nảy nở. Chloroquine đã ngăn chặn con đường quan trọng này.

Thứ hai, thuốc còn ngăn chặn được SARS-CoV-2 bằng cách ức chế cạnh tranh với một thụ thể trên bề mặt tế bào phổi có tên gọi là angiotensin-converting enzyme 2 hay ACE2. Virus corona cần gắn kết với thụ thể ACE2 này để bắt đầu phản ứng hóa học làm thay đổi cấu trúc của thụ thể, vỏ của virus hòa lẫn vào vỏ của tế bào, qua đó giúp virus xâm nhập vào trong tế bào. Một liều vừa đủ của chloroquine sẽ gắn hết vào ACE2, từ đó gián tiếp ức chế sự nhân đôi của virus.

Như vậy có thể thấy nhóm thuốc chloroquine/hydroxychloroquine sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với 1 thuốc khác rất có triển vọng trong việc giải quyết bài toán điều trị.

Song bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đặt ra là: Liều lượng thuốc thế nào? Tác dụng phụ nào của thuốc đáng ngại nhất khi dùng trên bệnh nhân COVID-19 và phải được theo dõi ra sao? Cần phối hợp thuốc gì để đạt được hiệu quả tốt nhất? Thuốc phối hợp là thuốc gì, liều lượng bao nhiêu? Cần phải có thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng với quy mô lớn mới có thể trả lời được những câu hỏi này.

Việt Nam chưa công nhận

Hiện tại việc điều trị COVID-19 tại Việt Nam đã có hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Trong phác đồ này, Bộ Y tế chưa công nhận sử dụng chloroquine trong điều trị các trường hợp viêm phổi do corona.

Các bệnh viện trên toàn quốc vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn và đem lại kết quả khá khả quan với 17 bệnh nhân đã khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân khác đang hồi phục và chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Thuốc chloroquine từng được xếp vào danh mục thuốc độc bảng B theo quyết định số 2032/1999/QĐ-BYT, do đó đây là một loại thuốc có thể xem là gây nguy hiểm chết người nếu được dùng không đúng chỉ định và liều lượng.

Một số tác dụng phụ cực kỳ nguy hiểm của nhóm thuốc chloroquine/hydroxychloroquine là rối loạn về máu và hệ tạo máu, gây giảm bạch cầu (tăng nguy cơ nhiễm trùng), giảm tiểu cầu (tăng nguy cơ chảy máu)…. Thuốc cũng có thể gây rối loạn tim mạch, rối loạn về mắt, rối loạn về gan thận, rối loạn tiêu hóa, rối loạn trên da, hạ đường huyết.

Gần đây đã ghi nhận một số trường hợp tự ý sử dụng thuốc chloroquine để điều trị hoặc phòng ngừa COVID-19 đem lại hậu quả rất nặng nề. Tại bang Arizona, Mỹ một cặp vợ chồng hơn 60 tuổi đã trộn một lượng nhỏ chloroquine phosphate với nước và uống để ngừa coronavirus. Sau đó người chồng tử vong còn người vợ trong tình trạng nguy kịch.

Tại Việt Nam, đã có một nam bệnh nhân uống 15 viên thuốc sốt rét chloroquine 250mg để dự phòng corona do nghe theo mạng Internet, sau đó phải đưa vào viện cấp cứu rửa ruột và sử dụng than hoạt tính.

Tóm lại, hầu hết các loại thuốc điều trị virus đều là thuốc có độc lực cao, tác dụng phụ nhiều, do đó trước khi một thuốc nào được chấp nhận sử dụng rộng rãi trên người cũng đều phải trải qua rất nhiều nghiên cứu để chứng minh được "độ an toàn có thể chấp nhận được" kèm với "hiệu quả thật sự" của nó.

Nhóm thuốc chloroquine/hydroxychloroquine cũng vậy, chúng ta cần chờ những thử nghiệm lâm sàng với mức độ lớn hơn để kiểm chứng lại hiệu quả điều trị của thuốc.

Đồng thời, hiện tại cũng không có bằng chứng nào cho thấy thuốc có tác dụng phòng ngừa COVID-19. Do đó, việc chủ động tích trữ và tự sử dụng các loại thuốc chống virus này là cực kỳ nguy hiểm, chẳng những không đem lại lợi ích gì mà còn có thể gây tử vong cho người sử dụng.

4 loại thuốc chống COVID-19 tiềm năng đang thử nghiệm toàn cầu 4 loại thuốc chống COVID-19 tiềm năng đang thử nghiệm toàn cầu

TTO - Phát triển một loại thuốc mới phải mất nhiều năm nên hiện nay các nhà khoa học đang chạy đua tái sử dụng các loại thuốc hoặc chất sẵn có để nhanh chóng sản xuất ra một loại thuốc kháng COVID-19.

Từ khóa » Thuốc Ký Ninh Tác Dụng Phụ