Vì Sao Xe Không đề Nổ được? Cách Xử Lý Nhanh Nhất Là Gì?

Xe cộ cũng giống như con người, sẽ đến một lúc nào đó nó sẽ "lăn" ra ốm. Nói cách khác, những chiếc xe đã sử dụng lâu năm rồi sẽ có ngày mắc phải một số vấn đề, cụ thể là bấm đề nhưng xe không hoạt động. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ nêu ra những trường hợp, hiện tượng và phương pháp giải quyết tình trạng này.

Với các loại xe máy phổ thông có kết cấu và nguyên lí hoạt động đơn giản, những lỗi như đề không nổ có thể được chính chủ xe tự xử lý nhanh chóng mà không cần dắt xe đến cửa hàng sửa xe. Khi đề xe máy không nổ hay khó nổ, nguyên nhân và cách xử lý được chia thành ba trường hợp như sau:

1. Xe máy không đề được do mất điện, điện yếu

Nguyên nhân và hiện tượng

Trong trường hợp này, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết xe có điện hay không qua hệ thống đèn của xe. Phương pháp kiểm tra rất đơn giản, bạn có thể bật chìa khóa và để ý đèn pha, đèn đồng hồ hay đèn hậu của xe. Nếu thấy các đèn này không sáng khi bật khóa thì xe đã mất điện, trong trường hợp các đèn này sáng yếu hơn bình thường thì điện đã yếu.

Một cách khác để kiểm tra là bật khóa và sử dụng còi, tiếng còi sẽ cho bạn biết tình trạng điện của xe theo âm lượng có hoặc không, khỏe hoặc yếu cũng phản ánh chính xác điều này.

Độ sáng của đèn đồng hồ báo hiệu mức độ dòng điện trên xe

Độ sáng của đèn đồng hồ báo hiệu mức độ dòng điện trên xe

Nếu trong trường hợp đèn không sáng và còi cũng không có tiếng, điều này có nghĩa là xe của bạn đã mất điện trên toàn bộ xe.

Cách giải quyết

Phương pháp giải quyết trong tình huống này là tìm một bình ắc quy ô tô hoặc từ xe máy khác có điện, câu điện từ bình mới qua bình cũ bằng cách nối các điện cực âm (-) và dương (+) của 2 bình ắc quy tương xứng với nhau (Tức là cực âm với cực âm, cực dương với cực dương của 2 bình ắc quy). Lúc này, nếu việc đề xe lại bình thường thì ắc quy trên xe của bạn đã hỏng, cần thay thế mới.

Còi xe mạnh yếu cũng phản ánh tình trạng điện của xe

Còi xe mạnh yếu cũng phản ánh tình trạng điện của xe

Lưu ý, khi thay bình ắc quy hãy thực hiện thay bình ắc quy loại tốt, đúng trị số và kích thước của ắc quy. Giá thành cho các loại bình ắc quy của xe phổ thông hiện nay trung bình là 350.000 VNĐ tùy loại và kích cỡ.

Trong trường hợp xe có điện nhưng yếu, tiếng còi và đèn yếu, lờ mờ thì lại phức tạp hơn nhiều bởi khi này, điện cung cấp cho xe đang bị yếu hoặc chập chờn. Lúc này sẽ có 2 khả năng cho xe của bạn:

  • Bình ắc quy trên xe đã yếu, không lưu được điện đầy bình như trước. 
  • Bộ điện của xe có vấn đề

Trong cả 2 trường hợp này, hãy làm phép thử bằng cách thay thế bình ắc quy mới cho xe và chạy xe. Nếu đến ngày hôm sau sử dụng, điện trên xe vẫn yếu thì bạn hãy di chuyển xe đến cửa hàng sửa chữa xe máy có uy tín để kiểm tra lại toàn bộ đường điện, đo điện ở các vị trí khác nhau.

Xem thêm: >>> Xe máy giật cục, chết máy khi đi dưới trời mưa ngập là do đâu?

2. Ấn đề không có tác dụng khi đèn còi vẫn hoạt động bình thường

Sau khi thử đèn và còi của xe, nếu các bộ phận này vẫn hoạt động bình thường thì chúng ta cần kiểm tra đến bộ đề của xe. Lúc này, việc ấn nút đề sẽ cho ta biết tình trạng của xe qua âm thanh phát ra khi đề với các hiện tượng như sau:

Ấn nút đề nhưng không có hiện tượng gì

Khi ấn nút đề, không có hiện tượng kêu và không khởi động được thì rất có thể nút công tắc đề hoặc công tắc phanh đã bị hỏng hoặc tiếp xúc kém. Những loại công tắc trên đều tham gia vào quá trình đề xe và chỉ cần một bộ phận có vấn đề thì chiếc xe sẽ không thể khởi động được.

Ở một số loại xe ga hiện đại, công tắc phanh và công tắc chân chống sẽ được tích hợp vào xe để đảm bảo quá trình khởi động được an toàn hơn. Những bộ phận này thường phải chịu mưa gió, bụi đất thường xuyên nên các bạn hãy chú ý, vệ sinh và bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo hoạt động của xe. Với một số loại xe có công tắc này khi không nổ được máy, hãy sử dụng một số loại bình xịt vệ sinh như RP7 hay WD40 xịt vào các phần công tắc này và gạt qua lại rồi sau đó thử đề lại.

Chân chống các loại xe ga thường có công tắc cảm biến

Chân chống các loại xe ga thường có công tắc cảm biến

Ấn nút đề có tiếng "tạch" liên tục

Khi ấn nút đề và xe phát ra tiếng "tạch tạch" ở trong thân xe thì đây là tiếng rơ-le đề của bạn "kêu cứu". Hiện tượng này xảy ra có nghĩa là  rơ-le đề đang thông báo rằng củ đề không quay dù đã có dòng điện cấp vào. Củ đề không quay được có nhiều nguyên nhân như chổi than mòn, củ đề quá cũ bị bám gỉ. Trong trường hợp này, bạn có thể xử lý tạm thời bằng cách gõ vào củ đề rồi thử đề lại và di chuyển xe đến cửa hàng sửa xe để kiểm tra, vệ sinh và thay chổi than đề.

Cấu tạo thông thương của củ đề xe máy

Cấu tạo thông thương của củ đề xe máy

Ấn đề, đề được nhưng máy chỉ có tiếng xylanh, hoạt động nhưng không nổ được

Khi gặp hiện tượng bạn ấn đề, có cảm giác đề trên xe chạy, lúc này xe sẽ rung lên như những lần bạn để xe bình thường nhưng lần này, máy không nổ. Trong trường hợp này sẽ khá phức tạp nhưng nắm được nguyên lí dưới đây, bạn sẽ có thể tự xử lý hoặc biết để yêu cầu thợ kiểm tra sửa chữa cho mình để tránh bị lừa.

Bugi xe máy

Xe không nổ được máy có thể do Bugi không đánh được lửa

Việc khởi động của xe chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là xăng gió và lửa (loại trừ khả năng cục máy hỏng). Xăng gió là việc của chế hòa khí hoặc phun xăng điện tử tùy vào loại xe và lửa chính là điện đánh kích nổ trong buồng đốt thông qua bugi. Như vậy, nếu xe có hiện tượng như trên hãy kiểm tra bugi trước tiên xem có đánh lửa hay không để thay thế hoặc vệ sinh. Trong trường hợp bugi hoạt động bình thường, hãy kiểm tra xăng gió theo chế hòa khí hoặc hệ thống phun xăng điện tử.

Như vậy, trên là 3 hiện tượng chính khi bạn không thể đề nổ chiếc xe của mình. Hãy lưu ý để tránh mất tiền, mất công và hơn hết "của bền tại người", hãy chăm sóc và bảo dưỡng chiếc xe của mình thường xuyên để tránh gặp phải những phiền toái khi sử dụng "xế cưng" của mình.

Kuro

Từ khóa » đề Xe Máy Không Nổ Kêu Tạch Tạch