Vì Sao 'xuân' Lại Xanh Mà Không Phải Vàng Hay đỏ?

Vì sao xuân lại xanh mà không phải vàng hay đỏ? - Ảnh 1.

Xin chữ thầy đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM dịp xuân về - Ảnh: DUYÊN PHAN

1. "Xuân" là từ Hán Việt. Trong tiếng Hán, "xuân" (9 nét, bộ nhật) là danh từ và tính từ, có nghĩa chính là mùa xuân hoặc thuộc về mùa xuân.

Chẳng hạn, "xuân" là danh từ trong "du xuân", "hồi xuân", "lập xuân" và là tính từ trong "xuân phong". Ba từ đầu còn dùng trong tiếng Việt ngày nay, riêng từ cuối ít gặp hơn và được thay bằng "gió xuân": Gió xuân ý nhị vít bông cười (Hồ Dzếnh) hay Gió xuân lạnh, ngàn sâu thôi ca hát (Chế Lan Viên).

2. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học ghi nhận "xuân" là danh từ và tính từ. Trong vai trò danh từ, xuân là mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ: Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân (Nguyễn Du). "Xuân" cũng dùng để chỉ khoảng thời gian một năm hoặc tuổi đời: Trải mấy xuân, tin đi tin lại / Tới xuân này, xuân hãy vắng không (Đoàn Thị Điểm) hay Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng / Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay (Tố Hữu).

Trong vai trò tính từ, Từ điển tiếng Việt định nghĩa "xuân" "thuộc về tuổi trẻ, coi là tươi đẹp, tràn đầy sức sống" hoặc "thuộc về tình yêu trai gái, coi là đẹp đẽ" và cho bốn ví dụ: đang xuân; tuổi xuân; trông còn xuân lắm; lòng xuân phơi phới. Truyện Kiều (Nguyễn Du) có câu: Đủ điều trung khúc ân cần / Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng.

Vào những năm 1980, sinh viên ở TP.HCM thường bông đùa bằng hai câu thơ: Bốn năm với tám kỳ thi / Đến khi tốt nghiệp còn gì là xuân. Chữ "xuân" ở đây nên xem là tính từ theo nghĩa của Từ điển tiếng Việt.

3. Các từ "thanh xuân", "xuân xanh" thường được dùng trong văn chương và đời sống. Vì sao xuân lại xanh (thanh) mà không đỏ, vàng hay màu khác?

Thật ra, "thanh" trong "thanh xuân" chỉ cỏ xanh, hoa màu chưa chín. Ngày hội giẫm chân lên cỏ xanh trong tiết thanh minh ở Trung Quốc gọi là hội đạp thanh: Thanh minh trong tiết tháng ba / Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh (Nguyễn Du).

Vì vậy, "thanh xuân" trong tiếng Hán có nghĩa là mùa xuân xanh tốt, tươi đẹp (nghĩa 1), cũng chỉ tuổi trẻ hay tuổi đời (nghĩa 2). Trong Chu trung vịnh hoài (Vịnh nỗi lòng khi ở trên thuyền), Lê Cảnh Tuân (1350-1416) dùng từ "thanh xuân" hai lần với cả hai nghĩa: Mãn nhãn thanh xuân hựu lục ba (Đầy trước mắt cảnh xuân xanh, sóng biếc - nghĩa 1), Thanh xuân tác bạn hoàn hương hảo (Tuổi thanh xuân làm bạn cùng quê hương là tốt - nghĩa 2).

Trong tiếng Việt, "thanh xuân" hoặc "tuổi thanh xuân" thường dùng để chỉ tuổi trẻ: Một chàng vừa trạc thanh xuân (Nguyễn Du). Ngoài ra, "xuân xanh" được dùng để chuyển nghĩa từ "thanh xuân" và cũng có nghĩa là tuổi trẻ hoặc tuổi đời: Khuôn thiêng dù phụ tấc thành / Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời (Nguyễn Du), Xuân xanh nay độ trăng tròn lẻ (Nguyễn Thị Lộ).

Riêng "xuân xanh" theo nghĩa mùa xuân xanh tốt, tươi đẹp dần dần ít gặp trong tiếng Việt. Mùa xuân xanh do Nguyễn Bính (1918-1966) sáng tác năm 1937 có màu xanh của cỏ, có thanh minh và cái thắt lưng xanh: Mùa xuân là cả một mùa xanh /... / Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh / Tôi đợi người yêu đến tự tình / Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy / Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

Một năm sau (1938), mùa xuân của Xuân Diệu (1916-1985) chuyển sang màu hồng: Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! Mùa xuân của Nguyên Hữu sáng tác năm 2002 lại có màu tím: Mùa xuân - tim tím - buồn tênh / Gió lay tím rụng rơi đầy tóc tôi. Dù xanh, hồng hay tím, mỗi sắc màu xuân đều là sự lựa chọn có chủ định của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Nguyên Hữu và màu xanh không còn giữ độc quyền.

"Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội" (Hồ Chí Minh). Về logic, "mùa xuân của xã hội" có thể hiểu là sự khởi đầu của xã hội vì vị trí của tuổi trẻ trong đời người và xã hội cũng giống như vị trí của mùa xuân trong năm. Về văn cảnh, "mùa xuân của xã hội" còn hàm nghĩa chỗ dựa, sức mạnh và tương lai của xã hội.

Lắt léo tiếng Việt: Giò me, me Tây, canh me và con... me Lắt léo tiếng Việt: Giò me, me Tây, canh me và con... me

TTO - Giáp Tết Nguyên đán vừa rồi, chú em cùng trường người Nghệ An gọi điện thoại hồ hởi: 'Anh có ăn giò me không, ở ngoài quê mới gửi vào, em đem đến cho anh nhé?'.

Từ khóa » Gió Xuân Là Gì