Vị Trí địa Lý - Địa Hình - Địa Giới Hành Chính Của Tỉnh Yên Bái

Trung tâm thành phố Yên Bái

 I. Điều kiện tự nhiên

 1. Vị trí địa lý:

Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.892,67 km2, xếp thứ 5 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai.

Toàn tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm Thành phố Yên Bái (thành phố Tỉnh lỵ); Thị xã Nghĩa Lộ; 07  huyện: Trạm Tấu; Mù Cang Chải; Văn Chấn; Văn Yên; Lục Yên; Trấn Yên; Yên Bình với 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn).

Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội… không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.

2. Đặc điểm địa hình

Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc - Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn - Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 600m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.  

3. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 18 - 200C (Trung bình vùng cao 16-170C); nhiệt độ cao nhất từ 39 - 410C, thấp nhất từ 0- 20C. Gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Mưa nhiều nhưng phân bố không đều, lượng mưa trung bình 1.700 - 2.000mm/năm, cao nhất tới 2.963mm/năm và thấp nhất cũng đạt 1.035mm/năm. Một số vùng tiểu khí hậu vào tiết xuân thường có mưa dầm triền miên.

* Các mùa chính trong năm: Khí hậu Yên Bái có 2 mùa rõ rệt.

- Mùa lạnh: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, vùng thấp lạnh kéo dài từ 115-125 ngày. Vùng cao mùa lạnh đến sớm và kết thúc muộn nên dài hơn vùng thấp. Vùng cao từ 1.500m trở lên hầu như không có mùa nóng, nhiệt độ trung bình ổn định dưới 20oC, cá biệt có nơi xuống 0oC, có lúc, có nơi xẩy ra hiện tượng sương muối, băng tuyết hoặc bị hạn hán. Đầu mùa lạnh (từ tháng 12 đến tháng 1), cuối mùa thường có mưa phùn, điển hình là khu vực thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Yên Bình.

- Mùa nóng: Từ tháng 5 đến tháng 10 là thời kỳ nóng ẩm, nhiệt độ trung bình ổn định trên 26oC, tháng nóng nhất 28 - 290C.  Mùa nóng cũng chính là mùa mưa nhiều, lượng mưa trung bình từ 1.250 - 1.600mm/năm và thường kèm theo gió xoáy, mưa lũ gây ra lũ quét ngập lụt. Sự phân bố ngày mưa, lượng mưa, tùy thuộc vào địa hình theo hướng giảm dần từ Đông sang Tây theo địa bàn tỉnh. Theo thung lũng sông Hồng giảm dần từ Đông Nam lên Tây Bắc, nhưng trong vùng thung lũng sông Chảy lại giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

* Chế độ mưa:

Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình. Theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa bình quân ở trạm Yên Bái là: 1.876,5mm/năm; Lục Yên 1.942,6mm/năm; Nghĩa Lộ 1.417,3mm/năm; Mù Cang Chải 1.730,5mm/năm.

Phân bố lượng mưa theo xu hướng tăng dần từ vùng thấp đến vùng cao, lượng mưa phân bố không đồng đều các tháng trong năm. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 7 đến tháng 8 (với lượng mưa từ 300-400mm/tháng), các tháng mưa ít nhất là tháng 12 đến tháng 2 (với lượng mưa từ 18-38mm/tháng).

Do lượng mưa không đều giữa các tháng, tháng 12, 1, 2 là mùa khô, lượng mưa trung bình chỉ đạt 28,8mm/tháng nên gây ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Vào mùa mưa, ở một số nơi lượng mưa quá lớn như Mù Cang Chải, Trạm Tấu và vùng trong huyện Văn Chấn gây lũ lụt, thiệt hại mùa màng, làm hỏng các công trình giao thông, thủy lợi.

* Chế độ ẩm:

Theo số liệu khí tượng thì độ ẩm tương đối cao, trung bình năm tại các trạm như sau: Yên Bái là 86%; Lục Yên 86%; Nghĩa Lộ 84%, Mù Cang Chải 81%. Sự chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng trong năm của các vùng trong tỉnh lệch nhau không lớn, từ 3-5%. Càng lên cao độ ẩm tương đối giảm xuống. Độ ẩm giữa các tháng có sự chênh lệch, do độ ẩm phụ thuộc vào lượng mưa và chế độ bốc hơi (chế độ nhiệt và chế độ gió), tháng có độ ẩm lớn nhất đối với Yên Bái và Lục Yên là tháng 1 – 4; đối với Nghĩa Lộ là tháng 8 – 9; đối với Mù Cang 7 – 8. Những tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 5 – 6 là 84% đối với khu vực phía đông; tháng 12 là 82% đối với khu vực phía đông và tháng 3 – 4 là 75 – 76% đối với khu vực vùng cao.

Yên Bái có lượng mưa hàng năm lớn, độ ẩm tương đối cao nên thảm thực vật xanh tốt quanh năm, thể hiện rất rõ tính chất gió mùa.

* Các hiện tượng thời tiết khác:

Sương muối: Xuất hiện chủ yếu ở độ cao trên 600m, càng lên sao số ngày có sương muối càng nhiều. Vùng thấp thuộc thung lũng sông Hồng, sông Chảy thì ít xuất hiện.

Mưa đá: Xuất hiện rải rác ở một số vùng, một số vùng xảy ra nhiều trận mưa đá như: Mậu A, Tân Đồng, Mù Cang Chải, TP Yên Bái, Yên Bình. Mưa đá thường xuất hiện vào thời gian giao mùa cuối mùa xuân đầu mùa hạ, cuối thu đầu đông (tháng 3 – 5 và tháng 10) và đi kèm với hiện tượng dông và gió xoáy cục bộ.

Ngoài ra ở các vùng cao trên 1000m thỉnh thoảng còn có băng tuyết vào giữa đến cuối tháng mùa đông.

* Các vùng khí hậu:

Với các nét đặc trưng có thể chia Yên Bái thành hai vùng khí hậu lớn, có ranh giới được xác định bởi đường phân thủy của dãy núi cao theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, dọc theo hữu ngạn sông Hồng. Trong hai vùng lớn lại có năm tiểu vùng với những đặc điểm khí hậu khác biệt nhau.

Vùng phía Tây: Phần lớn vùng này có độ cao trung bình trên 700m, địa hình chia cắt mạnh, mang tính chất khí hậu á nhiệt đới và ôn đới, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, có gió Tây Nam nóng, khô nên khí hậu vùng này có nét đặc trưng là nắng nhiều, ít mưa so với vùng phía Đông. Xuất phát từ các yếu tố địa hình, khí hậu, đặc thù có thể chia vùng này thành 3 tiểu vùng sau:

Tiểu vùng Mù Cang Chải: Vùng này có độ cao trung bình từ 900m, có nhiều nắng nhất tỉnh và chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Do độ cao địa hình lớn, nên nhiệt độ thấp. Nhiệt độ trung bình 19-200C, về mùa đông lạnh có khi xuống tới 00C. Tổng nhiệt độ năm 6.900-7.3000C, lượng mưa: 1.700-1.750 mm/năm tập trung từ tháng 4 - 9; độ ẩm 81% thích hợp phát triển cây trồng, vật nuôi vùng ôn đới.

Tiểu vùng Tây Nam Văn Chấn: Vùng này có độ cao trung bình 800m, phía Bắc nhiều mưa, phía Nam là vùng ít mưa nhất tỉnh. Nhiệt độ trung bình là 19 - 200C, mùa đông nhiệt độ xuống tới 10C, lượng mưa 1.800 mm/năm, độ ẩm 84%. Thích hợp trồng cây và vật nuôi vùng á nhiệt đới và ôn đới.

Tiểu vùng Văn Chấn - Tú Lệ: Độ cao trung bình vùng này 250-300m, có thung lũng Mường Lò với diện tích trên 2.200 ha, nhiệt độ trung bình 22 - 230C, tổng nhiệt độ cả năm 8.0000C, độ ẩm 84% thích hợp phát triển cây lương thực, cây công nghiệp chè, đặc biệt chè tuyết vùng cao, quế, cây ăn quả và cây lâm nghiệp.

Vùng phía Đông: Khí hậu này chịu ảnh hưởng nhiều của gió mùa Đông Bắc, mưa nhiều về cả số ngày và lượng mưa. Mưa phùn kéo dài ở thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên. Nhiệt độ trung bình 23-240C, lượng mưa bình quân 1.800-2.000mm/năm, thích hợp phát triển cây nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, chè, cà phê, phát triển thủy sản... có 2 tiểu vùng sau:

Tiểu vùng Nam Trấn Yên - Văn Yên - Thành phố Yên Bái - Ba Khe thuộc thung lũng sông Hồng, dưới chân hệ thống núi Hoàng Liên Sơn - Púng Luông. Nhiệt độ trung bình từ 23 - 240C, tổng nhiệt độ cả năm khoảng 8.0000C. Lượng mưa bình quân 1.800-2.000 mm/năm và là vùng có lượng mưa phùn kéo dài trong thời kỳ đầu năm.

Tiểu vùng Lục Yên - Yên Bình thuộc thung lũng sông chảy vùng hồ Thác Bà, là vùng có diện tích mặt nước nhiều nhất tỉnh - hồ Thác Bà diện tích 23.400 ha, có khí hậu ôn hòa, có điều kiện thuận lợi phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản và du lịch.

 

Vincom Plaza Yên Bái

II. Tài nguyên thiên nhiên:

1. Tài nguyên đất:

Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Yên Bái là 689.267 ha, trong đó diện tích nhóm đất nông nghiệp là  617.588 ha, chiếm 89,60% tổng diện tích tự nhiên; nhóm đất phi nông nghiệp là 57.051 ha, chiếm 8,28% tổng diện tích tự nhiên; nhóm đất chưa sử dụng là 14.628 ha, chiếm 2,12% tổng diện tích tự nhiên.

Tỉnh Yên Bái có nhiều loại đất thích hợp cho trồng lúa nước, cây mầu, cây công nghiệp hàng năm và cây công nghiệp lâu năm, trồng rừng phòng hộ và trồng rừng kinh tế... tập trung vào các loại đất điển hình sau: Đất phù sa, chiếm 1,33% diện tích tự nhiên của tỉnh; đất xám, chiếm 82,57%; đất đỏ, chiếm 1,76%; đất mùn alít, chiếm 8,1%.

Yên Bái là tỉnh có thế mạnh để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ lâm nghiệp với diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa thành rừng là 463.811 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên 215.912,9 ha, diện tích rừng trồng 247.898,4 ha, sản lượng gỗ khai thác hàng năm khoảng 700 nghìn m3 gỗ các loại như keo, bồ đề, bạch đàn… và khoảng 90.000 tấn tre, vầu, nứa. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt khoảng trên 63%, đứng thứ 6 trong cả nước.

Tổng diện tích cây chè của toàn tỉnh trên 7.400 ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 68.000 tấn với vùng chè tập trung ở các huyện Văn Chấn 4.559 ha, Trấn Yên 630 ha, Yên Bình 500 ha. Yên Bái có diện tích quế lớn nhất nước và chất lượng quế thuộc vào loại tốt nhất, với diện tích trên 81.000 ha, trồng tập trung ở các huyện Văn Yên 43.000 ha, huyện Trấn Yên 13.000 ha, huyện Văn Chấn 10.000 ha, Lục Yên 3.000 ha. Sản lượng hàng năm thu hoạch khoảng 20.000 tấn vỏ quế khô/năm. Diện tích sắn tại tỉnh hiện có khoảng 8.600 ha, sản lượng đạt trên 170.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện Văn Yên trên 4.500 ha, Yên Bình trên 700 ha.

Với khoảng 2.000 ha đồng cỏ và có thể tận dụng cỏ dưới tán rừng, vườn rừng là lợi thế lớn trong phát triển chăn nuôi các loại trâu, bò, dê... và các loại gia cầm.

2. Tài nguyên nước

Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, hàng năm có lượng mưa bình quân nhiều năm biến đổi từ 1.500mm đến 2.200mm, tùy theo từng vùng khác nhau. Những tâm mưa có lượng mưa lớn hơn 2.000mm nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, vùng thượng lưu sông Chảy và khu vực phía Đông Nam lưu vực sông Thao. Khu vực có lượng mưa nhỏ là vùng nằm khuất gió, như vùng trung lưu ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn với lượng mưa hàng năm trung bình dưới 1.600mm; khu vực dọc theo thung lũng dòng chính sông Thao từ ngòi Hút trở lên cũng có lượng mưa hàng năm dưới 1.600mm.

- Tài nguyên nước mặt:

Yên Bái có 2 hệ thống sông chính là sông Thao và sông Chảy. Đây là nguồn cung cấp nước mặt lớn cho tỉnh với khối lượng nước hàng chục tỷ m3/năm, cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoảng 24.700 ha ao hồ, đập chứa nước, chủ yếu tập trung ở các huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên. Các đầm lớn phân bố ở các xã Giới Phiên, phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái), Minh Quân (huyện Trấn Yên), hàng năm cung cấp với khối lượng tới hàng trăm triệu m3/năm. Trong đó, lớn nhất là hồ Thác Bà với diện tích mặt hồ 23.400 ha chiều dài 80 km chỗ rộng nhất 15 km, độ sâu lòng hồ khoảng từ 15 đến 34 m, tổng lượng nước trong hồ lên tới 2,9 tỷ m3.

Ngoài ra, nguồn nước mặt của tỉnh Yên Bái còn được cung cấp từ lượng nước mưa hàng năm. Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, hàng năm có lượng mưa bình quân nhiều năm biến đổi từ 1.500mm đến 2.200mm, tùy theo từng vùng khác nhau. Những tâm mưa có lượng mưa lớn hơn 2.000mm nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, vùng thượng lưu sông Chảy và khu vực phía Đông Nam lưu vực sông Thao. Khu vực có lượng mưa nhỏ là vùng nằm khuất gió như vùng trung lưu ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn với lượng mưa hàng năm trung bình dưới 1.600mm; khu vực dọc theo thung lũng dòng chính sông Thao từ ngòi Hút trở lên cũng có lượng mưa hàng năm dưới 1.600 mm. Tuy nhiên, lượng mưa phân bố theo mùa, tập trung chủ yếu vào mùa mưa (chiếm từ 80 - 85% tổng lượng mưa cả năm); đặc biệt 3 tháng có cường độ mưa cũng như lượng mưa lớn nhất là các tháng 6, 7, 8, chiếm từ 45 - 55% lượng mưa cả năm. Những tháng mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 15 - 20% lượng mưa cả năm. Các tháng 12 tháng 1 và tháng 2 là những tháng khô hạn nhất, thường xảy ra tình trạng thiếu nước vào các tháng này.

Nhìn chung, tỉnh Yên Bái có đủ lượng nước mặt để cung cấp cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Nhưng do đặc điểm của địa hình, chế độ thời tiết và hậu quả của nạn phá rừng từ nhiều năm trước đã làm thay đổi lượng nước mặt giữa 2 mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô mực nước ở các sông suối đều ở mức thấp nhất. Các công trình thủy lợi thiếu nước hoạt động, thủy điện Thác Bà hoạt động ở tình trạng bất lợi, vùng phía Tây thời tiết khô, dòng chảy của nhiều khe suối bị cạn kiệt gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và ảnh hưởng đến sinh hoạt của đồng bào. Trong mùa mưa lưu lượng và mực nước các sông tăng nhanh, lũ quét xảy ra thường xuyên ở các suối lớn gây thiệt hại mùa màng, nhà cửa, tính mạng của người dân.

- Nước ngầm, nước khoáng: Yên Bái có nguồn nước ngầm đáng kể. Theo các tài liệu địa chất - thủy văn, nguồn nước ngầm và nước khoáng phân bố ở độ sâu 20 - 200m dưới lòng đất. Nước khoáng nóng phân bố chủ yếu ở vùng phía Tây thuộc các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ, nhiệt độ trên 400C, hàm lượng khoáng hoá 1-5g/l, có khả năng chữa bệnh khi được xử lý độc tố. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm phân bố không đồng đều trong các thành tạo địa chất khác nhau, mực nước ngầm thay đổi có nơi chỉ vài mét là có nước ngầm, có nơi thì mấy chục mét mới có. Hàng năm có thể khai thác cấp nước sinh hoạt cho nhân dân hàng chục nghìn m3, chủ yếu là hệ thống giếng khơi và giếng khoan.

Nhìn chung, tài nguyên nước của Yên Bái rất dồi dào, chất lượng nước tương đối tốt, ít bị ô nhiễm. Vì thế, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt, nếu được khai thác sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, đời sống và nhiều lĩnh vực khác.

3. Tài nguyên rừng:

Rừng và đất rừng là tài nguyên và tiềm năng của tỉnh. Với hệ thống thực vật rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loại, nhiều họ khác nnhau, có đủ các lâm sản quý hiếm; các cây dược liệu quý, các cây lâm sản khác như tre, nứa, vầu. Theo số liệu công bố hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2022, diện tích đất lâm nghiệp có rừng của tỉnh là 492.763 ha, chiếm 71,49% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa thành rừng là 463.811,3 ha (trong đó rừng tự nhiên: 215.912,9 ha; rừng trồng: 247.898,4 ha; rừng trồng: 218.207,3; diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng: 29.691,1 ha). Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Yên Bái là 434.120,2 ha; tỷ lệ che phủ rừng là 63%. Phân theo loại rừng như sau:

- Đất rừng sản xuất là 307.014 ha, chiếm 44,54% diện tích tự nhiên, tập trung ở vùng sản xuất nguyên liệu giấy (gồm các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, vùng thấp Văn Yên, vùng ngoài Văn Chấn) và vùng trồng cây đặc sản quế (gồm các huyện: Văn Yên, Trấn Yên và phân bố rải rác ở các huyện khác: Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, thị xã Yên Bái).

- Đất rừng phòng hộ là 149.601 ha, chiếm 21,70% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở 3 khu vực: khu vực rừng phòng hộ sông Đà (gồm huyện Mù Cang Chải), khu vực rừng phòng hộ sông Hồng (gồm các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên) và khu vực rừng phòng hộ sông Chảy (gồm các huyện: Yên Bình, Lục Yên).

- Đất rừng đặc dụng là 36.148 ha, chiếm 5,25% diện tích tự nhiên, phân bố tại huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Yên.

4. Tài nguyên khoáng sản

Tỉnh Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng, bao gồm các loại khoáng sản: nhiên liệu (than các loại), khoáng sản kim loại (sắt, đồng, chì - kẽm, vàng, mangan, ... ), khoáng sản không kim loại (khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng: kaolin, felspat, thạch anh, grafit, talc, đá vôi trắng, đá làm vật liệu xây dựng, cát, sỏi...), khoáng sản quý hiếm (đá quý các loại) đến nước khoáng, nước nóng. Đến nay, có khoảng 300 khu vực mỏ đã được cấp phép thăm dò, khai thác. Ngoài ra, còn có một số biểu hiện khoáng sản chưa được điều tra đánh giá mới chỉ được ghi nhận trong các công tác đo vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ nhỏ.

Khoáng sản Yên Bái được phân loại sử dụng theo các nhóm sau:

(1) Khoáng sản nhiên liệu:

Tập trung chủ yếu là than đá, than nâu và than bùn. Nhưng nhìn chung các điểm than đều có trữ lượng ít, quy mô nhỏ. Được phát hiện trên địa bàn các huyện: Văn Chấn (xã Suối Quyền), Lục Yên (xã Động Quan), Trấn Yên (xã: Quy Mông, Báo Đáp), thị xã Nghĩa Lộ (xã Phù Nham).

- Than đá: Đáng chú ý là 2 điểm khoáng sản là Bản Gióng và Triềng Ken. Điểm Triềng Ken nằm trong trầm tích chứa than thuộc hệ tầng Suối Bàng, tuổi Trias muộn. Có 4 vỉa than, chiều dày vỉa thay đổi từ 0,3 đến 1 m, chiều dài từ 100 đến 150m. Tại điểm Bản Gióng, đá vây quanh gồm đá phiến tufogen xen kẹp những vỉa than, thấu kính than mỏng thuộc hệ tầng Văn Chấn. Tại đây có 3 vỉa than mỏng với chiều dày lớn nhất 1 m, chiều dài 40 m. Tổng tài nguyên dự báo khoảng 100 ngàn tấn.

- Than nâu: tại các khu vực Hồng Quang, Tô Mậu (Lục Yên), Quy Mông (Trấn Yên), Suối Quyền (Văn Chấn). Tổng tài nguyên dự báo khoảng 2,5 triệu tấn

- Than bùn: Đã xác định và ghi nhận điểm khoáng sản than bùn Phù Nham, huyện Văn Chấn. Than bùn thành tạo trong trầm tích Đệ tứ thuộc tướng đầm lầy ven sông, bao gồm 2 lớp (lớp trên: than bùn lẫn ít các đất khác, nằm trên lớp cát màu trắng. dày khoảng 0,4 m; Lớp dưới: than bùn chứa sét. Diện phân bố dày 0,5- 3 m). Tài nguyên dự báo khoảng 100 ngành tấn.

(2) Khoáng sản kim loại và kim loại quý:

Các khoáng sản chủ yếu gồm quặng sắt, đồng, chì - kẽm, vàng, đất hiếm phân bố không tập trung, theo công tác địa chất đã điều tra trữ lượng chỉ ở mức vừa và nhỏ:

- Quặng sắt: Sắt là khoáng sản phát triển khá rộng rãi, được đánh giá có tài nguyên, trữ lượng tương đối lớn, nhưng chất lượng quặng không cao (hàm lượng trung bình từ 20 - 40%), tài nguyên dự báo khoảng 200 triệu tấn và phân bố trên diện tích rộng từ các mỏ có quy mô tương đối lớn (thẩm quyền Bộ cấp) đến các mỏ nhỏ, phân tán, tập trung chủ yếu tại các huyện: Văn Chấn (xã: Chấn Thịnh, Bình Thuận, Đại Lịch, Minh An, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La, Tân Thịnh, Nậm Búng, Gia Hội...; khu vực Làng Mỵ đạt khoảng 14 triệu tấn), Trấn Yên (xã: Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca, Việt Hồng ...), Văn Yên (xã: Châu Quế Hạ, Đại Sơn, Xuân Giang, Mỏ Vàng, Tân Hợp...), Mù Cang Chải (xã: Cao Phạ, Nậm Có).

Quặng quarzit- magnetit ở Yên Bái thường phân bố trong các thành tạo địa chất:

Liên quan với đá magma siêu biến chất thuộc phức hệ Ca Vịnh, gồm các điểm khoáng sản sắt: Núi 409, Km 24, Núi 300, Thanh Bồng- Làng Dọc, Tiên Tinh- Núi Léc; tập trung trong plagiogranit gneis, plagiogranit granit thuộc phức hệ Ca Vịnh. Điển hình là các điểm khoáng sản sắt Núi 300, Núi 409. Tài nguyên dự báo các điểm quặng sắt này là 41,87 triệu tấn, trong đó:

Điểm khoáng sản sắt Núi 300: có 6 thân quặng, dài từ 400 - 2.500 m, dày 2,3- 13,05 m. Khoáng vật quặng gồm: magnetit, hematit, limonit, gơtit, ít sulfur. Hàm lượng Fe: 31,71- 37,3%. Quặng sắt nghèo. Tài nguyên dự báo: 25 triệu tấn quặng.

Điểm khoáng sản sắt Núi 409: có 4 thân quặng, dài 600- 1.100 m, dày trung bình 10,9 m. Khoáng vật quặng gồm: magnetit, hematit, gơtit. Hàm lượng Fe : 30 - 35%. Quặng sắt nghèo. Tài nguyên dự báo: 5,5 triệu tấn quặng.

Các mỏ, điểm khoáng sản kiểu quarzit magnetit liên quan đến trầm tích biến chất thuộc các hệ tầng Sin Quyền, Sa Pa, Sông Chảy, Sông Mua, bao gồm mỏ sắt Làng Mỵ và 5 điểm khoáng sản: Giàng Pắng, Xuân Giang, Núi Khay- Thác Cá, Kiên Lao, Làng Khuân.

Mỏ sắt Làng Mỵ: quặng quarzit- magnetit, amphibol- magnetit- thạch anh phân bố trong gneis amphibol bị migmatit hoá, Chiều dài các thân quặng từ 400 đến 2.200 m, chiều dày trung bình từ 0,32 đến 13,47 m, nằm khớp đều với đá vây quanh. Khoáng vật quặng gồm: magnetit, hematit, ít sulfur. Hàm lượng sắt: 23,15- 47,75%. Quặng nghèo. Tài nguyên 76 triệu tấn, trong đó có 8 thân quặng có công trình sâu khống chế.Trữ lượng của điểm khoáng sản sắt Xuân Giang là 817.000 tấn. Tài nguyên dự báo của các điểm khoáng sản Núi Khay- Thác Cá, Kiên Lao, Giàng Pắng, Xuân Giang là 4,97 triệu tấn.

- Quặng đồng: trên địa bàn tỉnh Yên Bái được phát hiện tại huyện Văn Yên (xã: Châu Quế Hạ, Phong Dụ Hạ); Văn Chấn (xã: An Lương). Trữ lượng là 21.015 tấn; tài nguyên + TNDB là 19.758 tấn, tổng cộng 40.773 tấn

Điểm khoáng sản đồng An Lương thuộc xã An Lương, huyện Văn Chấn. Quặng đồng thường tồn tại trong đá hoa dolomit- thạch anh, hoặc trong thạch anh limonit với biến đổi thứ sinh chlorit hoá, thạch anh hoá của hệ tầng Sa Pa. Đã xác định chùm thân quặng trong đó có 9 thân quặng đồng công nghiệp với hàm lượng thay đổi từ 0,5% đến 2,4% Cu (phổ biến 0,5 - 0,8%), bề dày 2- 28 m, chiều dài 400- 1.000 m. Thành phần khoáng vật chủ yếu: chalcopyrit, pyrit, bornit, covelin. Trữ lượng đã được thăm dò đánh giá là 2,15 triệu tấn quặng.

Điểm khoáng sản đồng- vàng Làng Phát: thuộc xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên. Quặng phân bố trong các thành tạo biến chất hệ tầng Sin Quyền. Đã xác định 12 thân quặng đồng- vàng, có chiều dài từ 170 m đến 450 m, bề dày thay đổi từ 1,9 - 6 m. Hàm lượng trung bình của các thân quặng 0,5- 1,47% Cu; 0,3 - 1,3 g/T Au. Trữ lượng và tài nguyên dự báo 39.244 tấn Cu, 1.256 kg Au.

- Quặng chì-kẽm: Được đánh giá có chất lượng khá tốt nhưng phân bố rải rác trữ lượng ít và điều kiện khai thác khó khăn, chủ yếu trên địa bàn các huyện: Mù Cang Chải (xã: Cao Phạ, Nậm Có, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn,...), Trạm Tấu (xã Xà Hồ), Yên Bình (xã: Cảm Nhân, Xuân Lai, Mỹ Gia). Trữ lượng và tài nguyên dự bảo khoảng trên 2,5 triệu tấn.

Theo các tài liệu công bố, trên diện tích tỉnh Yên Bái đã xác định và ghi nhận 40 điểm quặng chì - kẽm, đáng chú ý là chì- kẽm: Nậm Chậu; mỏ chì- kẽm: Cozisan, Tu San, Huổi Pao, các điểm khoáng sản và mỏ chì- kẽm khác phân bố tập trung trong đới Tú Lệ, gắn bó chặt chẽ với các đá phun trào axit và axit á kiềm thuộc các hệ tầng Văn Chấn, Ngòi Thia. Đáng chú ý, trong một số mỏ như Huổi Pao, Cozisan còn có hàm lượng Ag khá cao, từ 596 g/T đến 3.323 g/T.

Đối với khu vực chì - kẽm Cẩm Nhân, Xuân Lai - Yên Bình đã được điều tra, đánh giá về địa chất và khoáng sản. Theo kết quả Báo cáo “Đánh giá triển vọng quặng chì-kẽm vùng Cẩm Nhân - Mỹ Gia, Yên Bình, Yên Bái” khoanh định được 9 thân quặng, tài nguyên dự tính khoảng trên 156 ngàn tấn Pb-Zn.

- Quặng vàng, vàng sa khoáng: Quặng vàng gốc được phát hiện chủ yếu tại huyện Văn Chấn (xã Tú Lệ), Mù Cang Chải (xã Nậm Có), Lục Yên (xã: Tân Lĩnh, Khánh Thiện và Minh Chuẩn); vàng sa khoáng phát hiện ở nhiều nơi gần các sông, suối.

Bao gồm các biểu hiện khoáng sản vàng: Tân Lĩnh và 2 điểm khoáng sản vàng là Khánh Thiện và Minh Chuẩn và vàng gốc Bản Côm xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, ngoài ra có có nhiều điểm phân tán nhỏ ở khu vực Tú Lệ - Văn Chấn,...

Tại điểm biểu hiện khoáng sản vàng Tân Lĩnh (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên) đã xác định được 2 đới khoáng hóa vàng, trong đó có 1 thân quặng và 1 dấu hiệu quặng vàng. Các đới khoáng hóa rộng từ 40- 250m, kéo dài từ 880 - 1.500m. Hàm lượng Au: 1,13 g/T. Sơ bộ xác định được tài nguyên là 432,5kg Au.

Điểm khoáng sản vàng- arsen Minh Chuẩn, xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên: đã xác định được 2 dải khoáng hoá, dài 400- 900 m, rộng 20- 100 m, dày 3,15 m. Hàm lượng Au = 0,4 - 4,6 g/T, As = 0,03- 9,61%.

Các điểm khoáng sản vàng đã được cấp phép khai thác ở khu vực vùng Tú Lệ (Văn Chấn) gồm 3 khu mỏ khoảng 200 nghìn tấn quặng và Nậm Có (mù Cang Chải) khoảng 200 nghìn tấn quặng. Tổng tài nguyên trữ lượng dự báo khoảng 400 nghìn tấn quặng.

- Mangan: có tại huyện Văn Yên (xã: Châu Quế Hạ, Xuân Tầm)

- Đất hiếm: Được phát hiện tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, có quy mô trung bình. Quặng đất hiếm đi cùng thạch anh - magnetit. Quặng đất hiếm xâm tán trong các lớp đá phiến thạch anh - serixit có felspat, đá phiến silic, phiến sét vôi với chiều dày 1 - 10 m.Hàm lượng quặng TR2O3 = 0,1- 7%, trung bình 1,12%. Tỷ lệ đất hiếm nhóm nặng cao. Mỏ đã được thăm dò và cấp phép khai thác, trữ lượng địa chất đã được thăm dò, đánh giá là trên 2,2 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng TR2O3 là 27.681 tấn.

(3) Khoáng sản không kim loại (khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng):

Nhóm khoáng chất công nghiệp, khoáng chất nguyên liệu, kỹ thuật, vật liệu xây dựng có pyrit, quarzit, silimanit, granat, phosphorite, atbet, dolomit, barit, grafit, talc, felspat, kaolin, thạch anh, sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp, nguyên liệu gốm sứ, sản xuất gạch và vật liệu xây dựng. Hầu hết chưa được đánh giá trữ lượng, đáng kể có một số loại sau:

- Kaolin và felspat: Đáng chú ý trong các loại khoáng sản trên là khoáng sản kaolin và felspat chủ yếu trên địa bàn các huyện: Trấn Yên (xã Báo Đáp), Văn Yên (thị trấn Mậu A, xã Yên Thái), Yên Bình (xã: Hán Đà, Đại Minh, thị trấn Thác Bà), thành phố Yên Bái (xã: Minh Bảo, Tân Thịnh). Hai khoáng sản này có chất lượng tương đối tốt đáp ứng được các tiêu chuẩn cho các ngành công nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng (sản xuất gốm sứ, gạch ốp lát, sản xuất giấy...), diện phân bố của chúng rộng tuy nhiên trữ lượng không lớn và không đồng đều. Tài nguyên dự báo trên 15 triệu tấn. Cụ thể:

+ Kaolin trên diện tích tỉnh Yên Bái khá phong phú gồm 5 điểm mỏ phân bố: Khánh Hoà (Lục Yên), Mậu A (Văn Yên), Phú Thịnh (Yên Bình), Đại Minh (Yên Bình) và 5 mỏ: Trực Bình (Minh Bảo, TP Yên Bái), Tân Thịnh (Yên Bình), Bảo Lương (TP Yên Bái), Làng Hơn (Thịnh Hưng, Yên Bình), Minh Bảo (TP Yên Bái). Đặc điểm chung của các mỏ và điểm khoáng sản kaolin ở Yên Bái là các thân khoáng thành tạo từ các mạch pegmatit bị phong hoá, xuyên cắt đá phiến kết tinh thuộc phức hệ Sông Hồng.

+ Felspat: Trên diện tích tỉnh Yên Bái đã xác định và ghi nhận các mỏ felspat: Phai Hạ, Hồ Xanh, Quyết Tiến và điểm khoáng sản felspat: Việt Thành. Đặc điểm chung của điểm khoáng sản và các mỏ felspat ở Yên Bái là felspat thường nằm trong các mạch pegmatit xuyên vào các đá biến chất của phức hệ Sông Hồng. Trong số các điểm khoáng sản và mỏ khoáng nêu trên, điển hình là mỏ felspat Phai Hạ.

- Thạch anh: Thạch anh được phân bổ chủ yếu tại các huyện: Trấn Yên (xã: Kiên Thành, Lương Thịnh), Văn Chấn (xã: Nậm Búng, Gia Hội), Trạm Tấu (xã: Bản Mù, Làng Nhì)… Đã xác định các điểm khoáng sản thạch anh, tập trung ở huyện Trấn Yên bao gồm: Kiên Thành, Ngòi Rào, Bát Lụa, Lương Thiện, trong đó 3 điểm khoáng sản Ngòi Rào, Bát Lụa, Lương Thiện đã được điều tra trong đo vẽ lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000. Quặng có hàm lượng SiO2 rất cao: 95- 99% và hàm lượng Fe2O3 thấp. Hầu hết chưa được thăm dò, đánh giá chi tiết.

- Grafit: Grafit phân bổ tại huyện các huyện: Văn Yên (xã: An Bình, Đông Cuông, Ngòi A, Yên Thái, thị trấn Mậu A), Trấn Yên (xã: Báo Đáp, Đào Thịnh, Minh Quán). Các mỏ và điểm khoáng sản grafit tập trung thành một dải suốt dọc bờ trái sông Hồng, kéo dài khoảng 40 km từ Yên Bái đến Mậu A, rộng 2- 3 km, phân bố trong đá plagiogneis biotit có silimanit, granat của phức hệ Sông Hồng. Grafit tạo thành các vỉa hoặc mạch, có nơi là dạng ổ hoặc thấu kính nhỏ. Tài nguyên dự báo khoảng 5 triệu tấn.

- Barit: Trên diện tích tỉnh Yên Bái đã xác định điểm khoáng sản barit ở Đại Minh, huyện Yên Bình. Quặng nằm trong các đá biến chất phức hệ Sông Hồng. Barit đi cùng thạch anh là những tảng lăn phân bố dọc đỉnh và sườn núi. Diện phân bố dài khoảng 3 km, rộng 200- 300 m. Có nhiều tảng barit kích thước 0,3- 10 m3 nằm riêng biệt. Quặng barit có màu trắng đục, đôi chỗ bị nhiễm hydroxyt sắt màu nâu vàng, mềm, dễ nghiền. Thể trọng 4,12 T/m3. Hàm lượng BaSO4 = 84- 86%.

- Đá vôi, đá vôi trắng (đá hoa trắng):

Đá vôi phân bố rộng khắp ở các huyện: Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên. Trong khi đó, đá vôi trắng lại tập trung chủ yếu tại huyện Lục Yên và xã Mông Sơn, huyện Yên Bình có trữ lượng lớn, có thể khai thác với quy mô công nghiệp. Đá vôi và đá vôi trắng của Yên Bái có chất lượng tốt, khả năng khai thác làm đá mỹ nghệ, đá ốp lát, vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng và làm khoáng chất công nghiệp phục vụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có trữ lượng lớn và đang được khai thác phục vụ làm đường, xây đê kè..., chủ yếu nằm ở các huyện: Văn Chấn (xã: Cát Thịnh, Đồng Khê, Thượng Bằng La...), Văn Yên (xã: Đại Phác, Đại Sơn, Phong Dụ Hạ, An Thịnh, Lâm Giang...), Lục Yên (xã: Tô Mậu, Vĩnh Lạc, Minh Xuân...), Trấn Yên (xã: Việt Cường, Kiên Thành...), Yên Bình (xã Mỹ Gia), thị xã Nghĩa Lộ (xã Phù Nham).

Đá vôi trắng thường phân bố trong các tập đá vôi của các hệ tầng Sông Chảy, Hà Giang. Đã khoanh định được các thân đá hoa có chiều dài thay đổi từ 200- 300 m đến 2.500- 6.000 m, rộng 450- 1.000 m, dày 50 - 150 m. Đá có độ nguyên khối trung bình (0,7 x 0,7 x 0,8) m. Đối với đá vôi sản xuất đá bột có cấu tạo khối, kiến trúc hạt biến tinh. Thành phần khoáng vật: calcit = 95 – 100%; muscovit: rất ít; khoáng vật quặng <0,5%. Tài nguyên dự báo: đá vôi, đá vôi trắng làm ốp lát, mỹ nghệ khoảng 219 triệu m3; đá vôi trắng làm xi măng và khoáng chất công nghiệp khoảng 2.111 triệu m3, tương đương 5.700 triệu tấn.

- Vật liệu xây dựng:

+ Đá làm vật liệu xây dựng: ngoài đá vôi, đá vôi trắng nêu trên có thể làm vật liệu xây dựng thì trên địa bàn tỉnh đã xác định và ghi nhận nhiều điểm mỏ khoáng sản đá xây dựng thuộc các nhóm đá quarzit, dolomit, gabro, granit, metacarbonat... làm ốp lát, trang trí mỹ nghệ, làm vật liệu xây dựng thông thường hoặc tận dụng làm đá ốp vỉa hè, sân vường. Tài nguyên dự báo đá xây dựng 5 tỷ m3.

+ Cát, sỏi: Phân bố chủ yếu trên sông Hồng (thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Văn Yên), sông Chảy (huyện Lục Yên, Yên Bình) và rải rác ở các suối, ngòi trên địa bàn tỉnh.

Cát và cát cuội sỏi là các tích tụ tại các bãi bồi giữa lòng và ven bờ sông Hồng, sông Chảy tạo thành các dải kéo dài từ 800- 1.200 m, rộng 100- 150 m, dày hơn 5 m. Thành phần chủ yếu là cát thạch anh hạt vừa đến thô, chiếm > 95%, lẫn ít cuội sỏi. Ngoài ra cát cuội sỏi được tích tụ trong thềm bậc I và bãi bồi ven bờ phải sông Chảy, tạo thành dải kéo dài 2.000 m, rộng 500 m.

+ Các mỏ sét: Ngoài việc dùng sản xuất đồ gốm và gạch ngói, chất lượng mỏ sét còn đáp ứng được cho sản xuất xi măng. Sét làm gạch phân bố chủ yếu trên địa bàn các huyện: Trấn Yên (xã Bảo Hưng, thị trấn Cổ Phúc), Văn Yên (xã Yên Hợp), thành phố Yên Bái (xã Tuy Lộc), thị xã Nghĩa Lộ (xã Nghĩa Lộ); sét sản xuất xi măng tại thành phố Yên Bái (xã: Hợp Minh, Giới Phiên).

Sét gạch ngói phân bố trong các trầm tích aluvi tuổi Holocen, hoặc do các lớp sét bột kết tuổi Neogen bị phong hoá. Sét gạch ngói có diện phân bố và bề dày không lớn, nằm rải rác nhưng có tài nguyên đáng kể.

+ Puzơlan: Đã xác định 3 điểm khoáng sản puzơlan bao gồm: Khe Đầu, Trúc Lâu, Xóm Lộc. Cả 3 điểm khoáng sản đều tập trung ở các xã Đông Quan, Trúc Lâu, An Lạc, huyện Lục Yên. Puzơlan phong hoá từ tập đá phiến giàu silimanit của phức hệ Sông Hồng. Bề dày lớp phong hoá chứa puzơlan từ 4 đến 10 m. Puzơlan có màu tím phớt nâu, nâu đỏ, vụn bở nằm dưới lớp đất trồng 0,3- 0,5 m, có chỗ ở dạng lộ thiên. Tài nguyên dự báo 7,7 triệu tấn. Puzơlan có chất lượng tốt, đảm bảo chỉ tiêu làm phụ gia xi măng.

(4) Đá quý, đá bán quý:

Có các loại rubi, safia (sapphire), spinel, corindon... tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Yên (xã: Liễu Đô, Minh tiến, Vĩnh Lạc, An Phú, Khai Trung, Tân Lập, Yên Thắng...), Yên Bình (xã Tân Hương).

Trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm đá quý, đá bán quý thuộc 2 nhóm mỏ đá quý phân bố trong dải đá vôi hoa hoá Lục Yên và trong dải đá biến chất Sông Hồng.

(5) Nước nóng và nước khoáng:

Trong toàn tỉnh phát hiện nhiều điểm nước khoáng, nước nóng, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Văn Chấn (xã: Tú Lệ, Gia Hội, Sơn Lương Đồng Khê...), Trạm Tấu (thị trấn Trạm Tấu), Mù Cang Chải (xã: Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt...), thị xã Nghĩa Lộ (xã: Sơn A, Phù Nham...)... Tập trung chủ yếu ở đá phun trào. Nước nóng có nhiệt độ 30 - 500C. Tổng độ khoáng hoá 1 - 3,3g/l, nước thuộc nhóm sulfat canxi - magnhe có hàm lượng Silic và lưu huỳnh cao, có thể sử dụng cho điều dưỡng, chữa bệnh.

III. Địa giới hành chính:

Yên Bái nằm ở vùng Tây Bắc của tổ quốc tiếp giáp với Đông Bắc. Phía Đông Bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Tây Nam giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 6.892,67 km2. Theo Niên giám thống kê năm 2022, tổng dân số toàn tỉnh Yên Bái là 847.245 người, mật độ dân số bình là 123 người/km2.

Yên Bái bao gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện với tổng số 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn). Trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn được đầu tư theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong 61 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước…

Tên

Diện tích (km²)

Dân số (người) (2020)

Xã/phường/thị trấn

Thành phố Yên Bái

106.83

109.035

 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 09 phường và 06 xã gồm:

Các phường: Yên Thịnh; Đồng Tâm; Minh Tân; Nguyễn Phúc; Nguyễn Thái Học; Hồng Hà; Yên Ninh; Nam Cường; Hợp Minh.

Các xã: Minh Bảo, Tân Thịnh, Tuy Lộc, Văn Phú, Giới Phiên, và Âu Lâu.

Thị xã Nghĩa Lộ

107,63

70.688

Có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 4 phường; 10 xã, gồm:

Các phường: Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An, Trung Tâm

Các xã: Hạnh Sơn, Nghĩa An, Nghĩa Lộ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Phù Nham, Phúc Sơn, Sơn A, Thạch Lương, Thanh L ương.

Huyện Lục Yên

810,01

110.069

Có 24 đơn vị hành chính cấp xã. Gồm 01 thị trấn; 23 xã

Thị trấn: Thị trấn Yên Thế.

Các xã: Tân Phượng; Lâm Thượng; Khánh Thiện; Minh Chuẩn; Khai Trung; Mai Sơn; An Lạc; Tô Mậu; Khánh Hòa; Động Quan; Trúc Lâu; Phúc Lợi; Trung Tâm; An Phú; Phan Thanh; Minh Tiến; Tân Lập; Liễu Đô; Vĩnh Lạc; Mường Lai; Minh Xuân; Yên Thắng; Tân Lĩnh.

Huyện Mù Cang Chải

1.200,96

66.970

Có 14 đơn vị hành chính cấp xã. Gồm 01 thị trấn; 13 xã

Thị trấn: Mù Cang Chải.

Các xã: Kim Nọi; Hồ Bốn; Chế Tạo; Khao Mang; Dế Su Phình; Chế Cu Nha; Cao Phạ; Púng Luông; Nậm Khắt; Mồ Dề; Nậm Có; La Pán Tẩn và Lao Chải.

Huyện Trạm Tấu

746,70

35.935

Có 12 đơn vị hành chính cấp xã. Gồm 01 thị trấn; 11 xã

Thị trấn: Trạm Tấu

Các xã: Bản Mù; Bản Công; Xà Hồ; Hát Lừu; Trạm Tấu; Pá Hu; Làng Nhì; Tà Si Láng; Phình Hồ; Pá Lau và Túc Đán.

Huyện Trấn Yên

629,21

86.854

Có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 20 xã và 01 thị trấn

Thị trấn:  Cổ Phúc

Các xã:  Vân Hội; Tân Đồng; Hưng Khánh; Đào Thịnh; Xã Hồng Ca; Việt Cường; Lương Thịnh; Hòa Cuông; Báo Đáp; Cường Thịnh; Minh Quán; Nga Quán; Quy Mông; Kiên Thành; Y Can; Việt Thành; Bảo Hưng; Việt Hồng; Minh Quân; Hưng Thịnh.

Huyện Văn Chấn

1.129,12

119.840

Có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 03 thị trấn

Thị trấn: Nông trường Liên Sơn, Nông trường Trần Phú, Sơn Thịnh.

Các xã: An Lương, Bình Thuận, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Đại Lịch, Đồng Khê, Gia Hội, Minh An, Nậm Búng, Nậm Lành, Nậm Mười, Nghĩa Sơn, Nghĩa Tâm, Sơn Lương, Sùng Đô, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Tân Thịnh, Thượng Bằng La, Tú Lệ.

Huyện Văn Yên

1.390,08

132.867

Có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 xã và 01 thị trấn

Thị trấn: Mậu A

Các xã:  Lang Thíp, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Lâm Giang, An Bình, Quang Minh, Đông An, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm, Tân Hợp, Đông Cuông, Mậu Đông, Ngòi A, Yên Thái, Yên Hợp, Xuân Ái, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Đại Sơn, Đại Phác, Yên Phú, An Thịnh.

Huyện Yên Bình

772,13

114.987

Có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 02 thị trấn:

Các xã: Yên Bình, Bạch Hà, Bảo Ái, Cảm Ân, Cảm Nhân, Đại Đồng, Xuân Long, Đại Minh, Hán Đà, Mông Sơn, Mỹ Gia, Ngọc Chấn, Phúc An, Phúc Ninh, Phú Thịnh, Yên Thành, Tân Hương, Tân Nguyên, Thịnh Hưng, Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Xuân Lai,

Thị trấn: Yên Bình; Thác Bà.

IV. Tiềm năng kinh tế

1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế:

Yên Bái có lợi thế để phát triển ngành nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu: trồng rừng và chế biến giấy, bột giấy, ván nhân tạo; trồng và chế biến quế, chè, cà phê; trồng và chế biến sắn, hoa quả; nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Với nguồn khoáng sản phong phú, tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác và chế biến khoáng sản như: đá quý, cao lanh, fenspat, bột cácbonnát canxi, sắt…và sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng, gạch, sứ kỹ thuật, sứ dân dụng, đá xẻ ốp lát, đá mỹ thuật và các loại vật liệu xây dựng khác.

Yên Bái không chỉ nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Yên Bái còn là địa phương giữ vị trí trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc. Yên Bái có khí hậu nhiệt đới ôn hòa; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan thiên nhiên trùng điệp, sơn thủy hữu tình. Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; con người Yên Bái cần cù, chịu khó và mến khách. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái có nhiều nét văn hóa riêng đậm đà bản sắc dân tộc…đã tạo nên hình ảnh một Yên Bái giàu tiềm năng, thế mạnh, miền đất mới hứa hẹn nhiều cơ hội cho các hoạt động đầu tư phát triển.

Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, đã tạo điều kiện cho Yên Bái rút ngắn khoảng cách tới các vùng kinh tế trọng điểm như Thủ đô Hà Nội xuống còn dưới 120 km; cửa khẩu Lào Cai xuống còn dưới 130 km; cảng Hải Phòng xuống còn dưới 190 km, đồng thời giúp cho việc giao lưu hàng hóa từ Yên Bái đến các vùng kinh tế phụ cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hòa Bình… trở nên thuận tiện. Những yếu tố trên đã tạo điều kiện cho Yên Bái mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn…, là điều kiện quan trọng để Yên Bái chào đón các nhà đầu tư đến với Yên Bái để cùng hợp tác và cùng phát triển.

2. Tài nguyên du lịch:

Yên Bái là một tỉnh miền núi, có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng là tiềm năng cho việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.

Khu du lịch danh thắng hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ và nhiều hang động kỳ thú như: động Thủy Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, núi Cao Biền, núi Chàng Rể và được gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi”.  Nơi đây có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái với quy mô lớn.

Khu vực Miền Tây (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) có cánh đồng Mường Lò - vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Các danh lam thắng cảnh và điểm du lịch độc đáo như Suối Giàng nằm trên độ cao gần 1.400m - nơi có chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, suối nước nóng Bản Bon - nguồn nước nóng thiên nhiên với độ nóng 350C - 450C; Vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải với 2.300 ha đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và được báo chí Mỹ ca ngợi là có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất trên thế giới; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu huyện Văn Yên; hồ Đầm Vân Hội thuộc huyện Trấn Yên; khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải... rất thích hợp với việc phát triển các khu nghỉ sinh thái, hệ thống các nhà nghỉ đơn lập kiến trúc vùng cao, các khu sinh cảnh...                 

Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời phục vụ cho du lịch văn hóa - tâm linh như: Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn, Khu chùa - Đền Hắc Y - Đại Cại, Đền Thác Bà, Động Hương Thảo, Chùa Ngọc Am... cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên... là yếu tố thu hút khách du lịch trong nước ngoài nước.

(Số liệu trích dẫn từ các tài liệu sau: Cuốn Niên giám thống kê tỉnh Yên Bái năm 2022; Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 3/4/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Yên Bái năm 2022; Văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cung cấp thông tin dữ liệu giới thiệu địa phương phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; giá trị TBNN là giá trị được tính từ năm 1980 - 2019, Số liệu được phân tích từ chuỗi số liệu quan trắc tại các trạm Khí tượng Yên Bái, trạm Khí tượng Lục Yên, trạm Khí tượng Nghĩa Lộ, trạm KTTV Mù Cang Chải từ năm 1956).

212322 lượt xem Ban Biên tập

Từ khóa » Thành Phố Yên Bái Thuộc Tỉnh Nào