Vị Trí, Vai Trò Của Phật Giáo Nam Tông Khmer ở Tây Nam Bộ
Có thể bạn quan tâm
Phật giáo Nam tông đã có vị trí quan trọng đối với đời sống tôn giáo của người Khmer Nam Bộ. Người Khmer sống trong các Sóc, mỗi Sóc thường có ít nhất một ngôi chùa. Về số lượng chùa của Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều số liệu thống kê khác nhau, ở đây chúng tôi lấy số liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua báo cáo của các Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành có tín đồ của Phật giáo Nam tông sinh sống, tính đến cuối năm 2018 có 462 chùa Khmer, 8.574 vị sư sãi2.
Phật giáo Nam tông giữ vai trò là tôn giáo của dân tộc, góp phần trong việc bảo tồn, bổ sung và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống Khmer Nam Bộ. Hầu hết các lễ hội của dân tộc đều gắn liền với sự tích của Phật giáo Nam tông như: Chôl chnăm Thmây, Đôntal, Ok om bok,...
Vị trí, vai trò của Phật giáo Nam tông đối với người Khmer
Phật giáo Nam tông có vai trò rất quan trọng đối với dân tộc Khmer và đã trở thành cốt lõi của nền văn hóa Khmer đặc sắc và độc đáo. Hầu như mọi sinh hoạt của gia đình, cộng đồng phum, sóc đều gắn với tín ngưỡng tôn giáo dân tộc, người Khmer đều dựa vào triết lý của đạo Phật. Mọi sinh hoạt, lễ hội của gia đình hoặc cộng đồng dù lúc vui hay buồn, đều mời các vị sư tham gia làm lễ, đọc Kinh. Việc trang trí nhà cửa, lễ đài, chùa của hầu hết các gia đình, phum sóc vùng dân tộc Khmer đều có ảnh hoặc tượng của Đức Phật đặt nơi trang trọng nhất. Các thành viên trong cộng đồng đều tôn thờ Đức Phật, kính trọng sư sãi. Người dân, dù ở lứa tuổi nào ai ai cũng đều đi chùa. Từng gia đình ít nhiều đều có đọc Kinh Phật. Đặc biệt, khi xảy ra hoạn nạn, ốm đau, tai biến trong gia đình, trong cộng đồng, đồng bào Khmer đều cầu mong Đức Phật độ trì, mời sư sãi đến làm lễ, đọc kinh niệm Phật mong cho tai qua nạn khỏi.
Phật giáo Nam tông còn góp phần trong việc bảo tồn, bổ sung và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Khmer. Trước hết thể hiện trên ngôn ngữ, chữ (Pali) của Phật giáo Nam tông đồng thời là chữ của dân tộc Khmer. Hầu như các lễ hội của dân tộc đều gắn liền với sự tích của Phật giáo Nam tông như các lễ hội: Chôl chnăm Thmây, Đôntal, Ok om bok,... Các sự tích của Phật giáo gắn với lễ hội dân tộc đều nhằm giáo dục con người hướng thiện, giữ đạo lý trong quan hệ cuộc sống, giữa con người với tự nhiên và con người với nhau trong cuộc sống gia đình, cộng đồng và xã hội. Việc tu học theo Phật giáo Nam tông, việc hình thành các trường chùa đã góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng các ngành nghề để có thể phục vụ cuộc sống.
Phật giáo Nam tông có vai trò quan trọng trong việc làm đa dạng và phong phú thêm đối với loại hình nghệ thuật dân tộc của người Khmer. Trước hết là những nét đẹp trong điêu khắc và kiến trúc dân tộc. Thông qua những công trình xây dựng chùa, cách trang trí trong chùa với những hoa văn độc đáo của từng công trình. Các loại hình nghệ thuật các truyện kể, truyền thuyết nói chung đều có màu sắc của Phật giáo và được truyền từ địa phương này sang địa phương khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong lịch sử, Phật giáo Nam tông Khmer đã luôn cùng với người dân Nam Bộ đứng lên chống ngoại xâm vì sự tồn vong của đất nước. Tuyệt đại bộ phận các sư sãi, đồng bào Phật tử Khmer có tinh thần yêu nước nồng nàn, đó là điểm nổi bật của Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ. Tinh thần ấy xuất phát từ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam mà đội ngũ sư sãi là một bộ phận. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, có nhiều vị xuất thân từ sư sãi tham gia cách mạng và đã anh dũng hy sinh,... nhiều ngôi chùa là nơi che giấu bảo vệ an toàn cho cán bộ cách mạng, nhiều người là mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngày nay, dân tộc Khmer cùng các dân tộc trên đất nước Việt Nam đang sống trong hoà bình xây dựng cuộc sống mới, xã hội mới. Nhiều vị sư sãi có trình độ, có đạo hạnh đã tích cực tham gia các công tác xã hội, tham gia Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận các cấp đã góp phần vào công việc vận động thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước và các phong trào quần chúng ở địa phương.
Ngôi chùa trong đời sống người Khmer
Ngôi chùa đối với người dân Khmer là trung tâm của sinh hoạt tôn giáo. Người Khmer khi mới sinh ra đã được gia đình cho đến chùa dự các lễ của tôn giáo và dân tộc. Dù chưa dự lễ thì cũng mặc nhiên như khi sinh ra đã được coi là tín đồ Phật giáo. Các ngày tuần tiết trong tháng mọi người đều đến chùa lễ Phật, niệm Phật, tụng Kinh.
Đối với người Khmer, chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là nơi gửi gắm niềm tin, mong ước hy vọng được giải thoát đạt đến cõi Niết bàn trong tương lai. Ngôi chùa gắn với các nghi lễ vòng đời của mỗi người dân Khmer, từ lúc sinh ra họ đã được làm lễ cầu an ở chùa, khi chết họ được làm lễ hoả táng, tro cốt được gửi lại chùa. Những ngày tuần tiết, sóc vọng người thân đến chùa dâng hương lễ Phật cũng là để tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, tới người đã thoát kiếp luân hồi về cõi cực lạc. Mọi thành viên trong phum sóc đều góp công, góp của xây dựng và bảo vệ ngôi chùa của sóc, người Khmer luôn quan tâm tới ngôi chùa, chùa là niềm tự hào của họ.
Các ngôi chùa Khmer còn là nơi trẻ em Khmer đến để học chữ, học làm người, để đến tuổi trưởng thành trở về lập gia đình và tham gia hoạt động xã hội. Trước đây, khi chưa có hệ thống trường công lập, chùa Khmer trở thành trường học dạy chữ cho đồng bào, chính các vị sư sãi vừa là người thầy dạy chữ (chữ Pali), dạy văn hoá vừa dạy giáo lý cho tín đồ. Chính vì thế, chùa Khmer có vai trò to lớn trong việc dạy chữ đã góp phần bảo tồn chữ viết, bảo tồn văn hoá Khmer.
Chùa cũng là nơi giáo dục rèn luyện về đạo đức, nhân cách. Con trai từ 12, 13 tuổi thường được gửi vào chùa để tu hành, rèn luyện tâm tính theo giới luật và theo triết lý nhân sinh của nhà Phật. Vào chùa được dạy giáo lý, học đạo đức, học giới luật, theo quy trình nghiêm khắc của nhà chùa là môi trường tốt rèn luyện đạo hạnh của con người.
Chùa cũng là trung tâm văn hoá của Phum, Sóc người Khmer. Mọi lễ hội Phật giáo, lễ hội dân tộc đều diễn ra ở chùa, do nhà sư chủ trì hướng dẫn. Hàng năm vào các ngày lễ, dân trong các phum, sóc đến chùa làm lễ, tổ chức các lễ hội truyền thống. Mọi người vừa được tỏ lòng thành kính với đức Phật, vừa là dịp để gặp gỡ vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả, đồng thời đây cũng là dịp các chùa tổ chức cho đồng bào trong các phum, sóc đua tài qua các cuộc thi đấu thể thao, văn nghệ, thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai qua đua ghe ngo, đua bè... Nhiều chùa Khmer hiện nay còn bảo lưu những bộ nhạc cụ dân tộc rất đặc sắc. Cho đến nay, các ngôi chùa vẫn là các trung tâm văn hoá, với không gian rộng, có người hiểu biết hướng dẫn, có phương tiện nghe nhìn nên đã trở thành nơi giao lưu gặp gỡ của mọi người, mọi lứa tuổi vào những ngày tuần tiết, lễ hội.
Vai trò của sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer
Trong lịch sử cũng như hiện tại, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer có vị trí, vai trò, ảnh hưởng rất quan trọng trong đời sống, tín ngưỡng của cộng đồng người Khmer theo Phật giáo Nam tông ở miền Tây Nam Bộ. Sư sãi của Phật giáo Nam tông Khmer được người dân kính trọng vì là những người có tri thức, kinh nghiệm sống, là lực lượng ưu tú của dân tộc và xã hội Khmer truyền thống, nên có nhiều ảnh hưởng đến tín đồ. Sư sãi được coi là người “Thầy” trong đời sống tinh thần của họ; là người chăm lo, hướng dẫn, đại diện cho họ trong việc đạo. Đã có nhiều nhà sư Khmer đã tham gia đóng góp tích cực cho hoạt động xã hội, nhiều vị là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ngoài việc tu tập, hướng dẫn đời sống tâm linh cho người dân, sư sãi còn là người hướng dẫn, đào tạo kiến thức, đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất, truyền dạy vốn sống các thế hệ người Khmer. Các sư sãi Khmer cũng là những trí thức Khmer, họ nắm những tinh hoa tri thức đã tích lũy từ bao đời nay của dân tộc Khmer từ ngôn ngữ đến nghệ thuật, kinh nghiệm sản xuất đến ứng xử trong cuộc sống... Trong thời gian các thanh niên Khmer tu học tại chùa, những tri thức của cộng đồng Khmer được các vị sư trao truyền giúp họ nâng cao nhận thức và hiểu biết. Sư sãi là người trông coi, bảo quản, trùng tu và làm khang trang cơ sở thờ tự của Phật giáo Nam tông Khmer; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer; góp phần bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức cho thanh thiếu niên Khmer; duy trì, phát triển tiếng nói và chữ viết riêng của đồng bào Khmer.
Số lượng sư sãi luôn dao động, bởi theo phong tục tập quán của người Khmer và tính truyền thừa của Phật giáo Nam tông, người con trai khi đến từ 12, 13 tuổi đã vào chùa tu (tu để trả hiếu cho ông bà, tu để rèn luyện nhân cách...) theo một thời hạn nhất định có thể xuất tu, đã xuất tu nhưng nếu có căn duyên có thể lại vào chùa.
Một số vấn đề đặt ra đối với Phật giáo Nam tông Khmer
Cho đến nay, Phật giáo Nam tông vẫn có vai trò chủ đạo trong đời sống của người Khmer Nam Bộ. Những hoạt động của các sư và chùa Khmer đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người Khmer Nam Bộ.
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là số lượng nhà sư Khmer có xu hướng giảm. Một số chùa số lượng sư tu ít hơn so với trước, có chùa chỉ hai, ba vị sư. Có trường hợp, để duy trì sinh hoạt nhà chùa, dân sóc Khmer phải mời vị sư từ nơi khác đến tu chùa của sóc. Điều đó có thể giải thích bởi tâm lý thanh niên Khmer hiện nay, họ muốn được đi ra ngoài phum, sóc, được học tập, tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng như nếp sống hiện đại. Lớp trẻ Khmer, một số vì giữ gìn tập tục truyền thống nên đã vào chùa tu nhưng với một thời gian ngắn hơn trước.
Số lượng sư sãi Khmer xuất và nhập tu thường là không cố định, điều này gây khó khăn trong việc tạo nguồn cho các cấp đào tạo. Thực tế cho thấy, số lượng của các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer học tại các Trường lớp Phật học từ Trung cấp tới Cử nhân không nhiều. Mặc dù những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Khmer sư trẻ nhưng số lượng người theo học còn thấp, mỗi Trường Trung cấp mới chỉ tuyển sinh được khoảng 100 vị theo học (chủ yếu tuyển sinh ở trong tỉnh). Ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ, từ ngày thành lập (năm 2006) tới nay đã đào tạo được 3 khóa với 98 tăng sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học và đang đào tạo khóa IV và khóa V với 31 tăng sinh theo học. Kể từ năm 2016, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer kết hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đào tạo ngành tôn giáo học hệ vừa làm vừa học, đã có 76 tăng sinh và sinh viên đăng ký học3.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm số lượng sư sãi, chủ yếu là vì cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của trường lớp Sơ cấp, Trung cấp và đội ngũ giảng viên còn nhiều khó khăn. Chương trình giảng dạy các cấp học Sơ cấp, Trung cấp tại các tỉnh thành của Phật giáo Nam tông Khmer chưa đồng bộ, thống nhất. Việc cấp giấy chứng nhận tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer còn nhiều vướng mắc do tính đặc thù của quá trình tu học và xuất tu.
Cơ sở thờ tự của Phật giáo Nam tông đa số đều được xây dựng từ lâu, trải qua thời gian hiện nay nhiều chùa đã xuống cấp. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ hiện có 462 chùa, song rất nhiều chùa đã xuống cấp, rất cần được đầu tư, xây sửa. Những năm qua, mặc dù được đồng bào Khmer quan tâm tu sửa nhưng tình trạng hư hỏng, mục nát vẫn còn khá phổ biến ở nhiều ngôi chùa Khmer. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tu học và sinh hoạt tôn giáo của sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông. Việc phát huy vai trò của chùa chiền Khmer còn hạn chế, một số nơi chưa quan tâm đến công tác xây dựng chùa thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, học tập cộng đồng. Việc hỗ trợ cho các chùa xây dựng lò hỏa thiêu dù đã được quan tâm những vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một số giải pháp thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay
Một là, tiếp tục đào tạo lực lượng kế thừa đại diện cho Phật giáo Nam tông Khmer có kiến thức và đạo hạnh, hỗ trợ các trường, lớp dạy giáo lý cho sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer ở bậc trung cấp, in ấn kinh sách, Tam Tạng kinh bằng chữ Khmer (Pali), đáp ứng nhu cầu tu học của sư sãi và đồng bào Phật tử Phật giáo Nam tông Khmer. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chùa tổ chức dạy các lớp kinh luận giới, chữ Pali. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer cần đi đôi với việc thực hiện chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa đối với các tỉnh vùng Tây Nam Bộ. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho sư sãi, Ban Quản trị, đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer về sự lãnh đạo đổi mới kinh tế đất nước, vai trò của tôn giáo tham gia tập hợp đoàn kết tôn giáo - dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ làm công tác quản lý, điều hành Phật sự, thực hiện công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ làm công tác quản lý, điều hành Phật sự cho Ban Quản trị chùa, chức việc, sư sãi Khmer, nhất là sư sãi trẻ tuổi bằng nhiều hình thức thích hợp thông qua các khóa tập huấn, các lớp bồi dưỡng.
Ba là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục có hướng dẫn các chức sắc, nhà tu hành Phật giáo Nam tông Khmer hoạt động quan hệ đối ngoại với Phật giáo Nam tông ở Campuchia và một số nước khác trong khu vực đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp truyền thống và quan tâm đến yếu tố biệt truyền. Tăng cường vận động các chức sắc, chức việc, đồng bào phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để đưa sinh hoạt tôn giáo đi vào nền nếp, phù hợp với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”.
Bốn là, đào tạo về Phật học cần đi đôi với đào tạo kiến thức về văn hóa - xã hội, đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của Phật giáo Nam tông Khmer do đặc thù của hệ phái này. Các viện, trường thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có kế hoạch trong liên kết với các viện, trường Phật giáo Nam tông thuộc các nước như: Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanma, Sri Lanka để có chương trình hợp tác đào tạo phù hợp. Đối với chức sắc, chức việc Phật giáo Nam tông Khmer, các vị chức việc, các vị Achar trong Phật giáo Nam tông Khmer là tầng lớp trí thức am hiểu sâu về kiến thức dân tộc và tôn giáo mình, họ là người đại diện cho dân tộc, có vai trò to lớn và ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, vì thế cần nghiên cứu thực hiện tốt chính sách đặc thù đối với đội ngũ chức việc, vị Achar trong Ban Quản trị chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
Nguyễn Ngọc Quỳnh
TS, Phó Trưởng ban Tôn giáo, UBTW MTTQ Việt Nam
Chú thích:
1. Theo số liệu Báo cáo tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị 68/CT/TW, tính đến tháng 7/2017, dân số người Khmer ở Việt Nam là 1.287.128 người.
2,3. Báo cáo công tác hỗ trợ hoạt động Phật giáo Nam tông Khmer (2004-2018) của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 18/10/2018, tr.3.
Từ khóa » Sư Tụng Kinh Khmer
-
Tụng Kinh Tiếng Pali Và Khmer Phật Giáo Nam Tông ... - YouTube
-
Kinh Phật Trên Lá Buông | HGTV - YouTube
-
Đọc Kinh Cầu An Cho Gia Đình Buổi Sáng - YouTube
-
Hội Nghị Chuyên đề Phật Giáo Nam Tông Khmer Lần Thứ VIII Tại Cà ...
-
នមាស្សការ Nghe Kinh Phật, Tho Khmer BUDDHA - YouTube
-
Sư Nhỏ Tụng Kinh Pali - Phật Pháp Chùa Khmer Sóc Trăng - YouTube
-
Nghe Tụng Kinh Cầu An Pali - Nghe Kinh Phật, Tho Khmer - YouTube
-
Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc Chúc Mừng Tết Cổ Truyền Chôl ...
-
Tổ Chức Lễ Kathina Chu đáo, Trang Nghiêm Phù Hợp Với Tình Hình ...
-
Nghi Thức Tắm Phật Tại Chùa Candaransi - Lễ Hội
-
Sư Sãi Và đồng Bào Dân Tộc Khmer Bạc Liêu đón Mừng Tết Cổ Truyền ...
-
Đồng Bào Khmer Rộn Ràng đón Tết Chol Chnam Thmay
-
Lễ Cầu An (người Khmer) – Wikipedia Tiếng Việt