Viêm Amidan: Triệu Chứng, Cách điều Trị Và Phòng Tránh Tái Phát

Các bệnh lý Tai Mũi Họng nói chung và đặc biệt là viêm amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ, nhất là vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường. Ngoài ra, viêm amidan còn gây ra do ô nhiễm môi trường, do khí bụi, điều kiện sinh, sinh hoạt kém...

Viêm amidan là bệnh thường gặp

Viêm amidan là tổn thương viêm nhiễm cấp hoặc mạn tính tuyến amidan do vi khuẩn hoặc virut gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ ở lứa tuổi học đường 5 - 15 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây viêm amidan như:

  • Do bị lạnh
  • Các vi khuẩn và virut có sẵn ở mũi họng gây bệnh khi cơ thể suy giảm sức đề kháng
  • Amidan nằm ở giao điểm của đường ăn và đường thở, là cửa ngõ cho vi khuẩn, virut xâm nhập gây bệnh.
  • Sau các bệnh nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên như cúm, sởi, ho gà...
  • Do cấu trúc của amidan có nhiều khe hốc, là nơi vi khuẩn dễ trú ẩn và phát triển. 

Triệu chứng viêm amidan 

Nói đến triệu chứng viêm amidan, người ta có thể phân biệt ra viêm amidan cấp và viêm amidan mạn vì đây là 2 dạng amidan khác nhau với những nguy hại và đôi khi là cách điều trị cần phải khác nhau.

1. Viêm amidan cấp tính

Viêm amidan cấp là tổn thương viêm sung huyết hoặc viêm mủ của tuyến amidan khẩu cái, thường do virut hoặc vi khuẩn gây nên.Nếu do virut gây bệnh thì thường là nhẹ; trái lại nếu do vi khuẩn thì bệnh nặng. 

Viêm amidan cấp tính thường gặp ở trẻ 5 - 15 tuổi. Triệu chứng gồm:

  • Khởi bệnh đột ngột với cảm giác rét và sốt 38 - 39oC
  • Hội chứng nhiễm khuẩn, người mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, nước tiểu đỏ.
  • Bệnh nhân nuốt đau, nuốt vướng
  • Có cảm giác khô rát và nóng ở trong họng, ở vị trí amidan
  • Đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên khi nuốt và khi ho
  • Khó thở, thở khò khè, ngáy to
  • Khi viêm nhiễm lan xuống thanh khí phế quản, gây ho từng cơn có đờm nhầy, khàn tiếng và đau tức ngực
  • Môi khô, lưỡi trắng bẩn...

2. Viêm amidan mạn tính 

Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm đi viêm lại tuyến amidan (một năm có thể bị nhiều lần). Bệnh xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Triệu chứng viêm amidan mạn tính: 

  • Triệu chứng rất nghèo nàn, không rõ rệt
  • Có khi không có triệu chứng gì ngoài những đợt tái phát triệu chứng giống như viêm amidan cấp tính
  • Bệnh nhân hay sốt vặt
  • Thường xuyên cảm giác ngứa vướng và rát trong họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ do xuất tiết
  • Hơi thở hôi do chất mủ chứa trong các hốc của amidan
  • Bệnh nhân thường ho khan từng cơn nhất là về buổi sáng khi mới ngủ dậy
  • Giọng nói mất trong, thỉnh thoảng khàn nhẹ
  • Nếu amidan viêm mạn tính quá phát có thể thở khò khè, đêm ngủ ngáy to...
Triệu chứng viêm amidan
Triệu chứng thường gặp khi bị viêm amidan

Test Đánh giá Triệu chứng sức khỏe

Công cụ hỗ trợ nhận biết và đánh giá các triệu chứng của hầu hết những vấn đề sức khỏe phổ biến, là một phương pháp hữu ích để bạn đọc chủ động theo dõi sức khỏe.

Bài test nhằm mục đích:

  • Tự đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát.
  • Dự đoán các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và lên kế hoạch thăm khám khi cần thiết.
  • Tổng hợp thông tin để thuận tiện hơn khi thăm khám với bác sĩ/chuyên gia.

Làm bài Test ngay để kiểm tra tình trạng sức khỏe tại đây: Test đánh giá triệu chứng.

Phân biệt viêm amidan và ung thư vòm họng

Nếu tự quan sát, bạn sẽ thấy các dấu hiệu ung thư vòm họng và viêm amidan khá giống nhau. Viêm amidan có mủ và ung thư vòm họng đều xảy ra liên quan đến khu vực vòm họng và có những biểu hiện dễ nhầm lẫn.

Do đó, có thể phân biệt viêm amidan có mủ và ung thư vòm họng thông qua những dấu hiệu sau:

Viêm amidan có mủ Ung thư vòm họng 

Không đau đầu

Đau đầu: lúc đầu đau âm ỉ không thành cơn sau đau dữ dội 

Không có triệu chứng mắt

Triệu chứng mắt: vào giai đoạn muộn, bệnh nhân có biểu hiện lác, nhìn đôi, sụp mi, giảm thị lực

Không ngạt mũi

Ngạt mũi: ở giai đoạn ung thư tiến triển, bệnh nhân có thể bị ngạt mũi liên tục, chảy máu mũi, chảy mủ lẫn máu.

Đôi khi đau tai (khi há miệng to), không ù tai

Ù tai: lúc đầu ù tai nhẹ một bên sau ù cả hai bên, nghe kém đi rất nhiều

Mủ xuất hiện giữa amidan và bao quanh amidan

 

Vướng họng, đau nhói trong họng, nuốt đau, không nuốt được

 

Sốt

 

Hàm sưng

Nổi hạch góc hàm: hạch lúc đầu nhỏ, rắn có thể di động, ấn có cảm giác đau và sau lan đến nhiều vị trí khác

Tuy nhiên, những dấu hiệu trên vẫn có thể nhầm lẫn. Tốt nhất bạn nên đi khám tại các bệnh viện, phòng khám Tai Mũi Họng uy tín để làm các xét nghiệm cần thiết.

Cách điều trị viêm amidan cấp tính và mạn tính

Hiện nay, việc điều trị viêm amidan đã nhiều thay đổi so với thời gian trước. Mục tiêu chính là hạn chế phẫu thuật cắt amidan. Vì người ta đã biết rằng amidan đảm nhận chức năng miễn dịch quan trọng trong cơ thể.

1. Điều trị viêm amidan bằng thuốc

Việc dùng thuốc có thể kéo dài từ 7 - 14 ngày (tùy từng trường hợp). Cụ thể như sau: 

  • Viêm amidan do nhiễm liên cầu thường được điều trị bằng kháng sinh như penicillin (theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa)
  • Đôi khi, đặc biệt ở trẻ nhỏ khó nuốt, penicillin được dùng đường tiêm
  • Kháng sinh điển hình cần dùng ít nhất 10 ngày
  • Mặc dù người bệnh thấy khá hơn trong 1 - 2 ngày, vẫn cần phải dùng kháng sinh đầy đủ đến hết đợt. Dừng kháng sinh sớm sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Hơn nữa, có thể bị viêm lại, có khả năng gây biến chứng nặng.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc họng, hoặc dùng các dung dịch sát khuẩn. Bệnh nhân cần được nằm nghỉ, ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống nước đầy đủ. 

2. Phẫu thuật cắt amidan 

Khi bị viêm amidan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng điều trị hoặc chỉ định phẫu thuật cắt amidan nếu cần thiết. Không nên lạm dụng phẫu thuật cắt amidan, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên cắt amidan trong những trường hợp sau: 

  • Amidan quá phát gây bít tắc đường thở, đường ăn
  • Nghi ngờ tiến triển thành áp xe, ung thư amidan
  • Viêm amidan tái phát hơn 6 lần trong một năm, hoặc 3 lần mỗi năm trong 2 năm
  • Viêm amidan mạn tính đã được điều trị nội khoa tích cực nhưng người bệnh vẫn đau họng dai dẳng, viêm đau hạch cổ, hơi thở hôi
  • Mưng mủ quanh amidan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
  • Viêm amidan gây biến chứng viêm cầu thận hoặc gây mưng mủ hạch cổ.

Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt amidan. Cắt vào mùa nào cũng được vì hiện nay có nhiều phương pháp hiện đại cắt amidan an toàn và không chảy máu.

Khuyến cáo khi cắt amidan

Không ít trường hợp thấy con bị viêm amidan vài lần là cha mẹ đến bác sĩ đòi cắt để khỏi bị viêm. Quan niệm này sai lầm hoàn toàn. Thực tế, chỉ định cắt amidan là rất hạn chế.

Số các trẻ bị viêm amidan nhẹ rất nhiều và không cần thiết phải cắt. Khi bị viêm amidan người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt amidan nếu thực sự cần thiết.

Nếu có chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân nên phẫu thuật tại các bệnh viện uy tín có chuyên khoa Tai mũi họng, không nên đến phẫu thuật ở phòng khám tư, rất dễ gặp sự cố, không xử lý kịp thời.

Sau phẫu thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng. Sau cắt amidan từ 7 - 10 ngày nếu có chảy máu, cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và xử trí.

Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt amiđan, bởi trẻ dưới 5 tuổi cắt amidan có thể ảnh hưởng khả năng miễn dịch, còn người trên 45 tuổi cắt amidan dễ bị chảy máu do amidan xơ dính hoặc có các bệnh khác kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường...

Địa chỉ khám chữa viêm amidan uy tín

Ngay khi có triệu chứng của đợt viêm amidan cấp, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh bệnh tiến triển thành mạn tính. 

Việc điều trị sớm sẽ giúp rút ngắn 70% thời gian điều trị. Khắc phục đúng thời điểm, virus sẽ sớm bị ức chế, các triệu chứng sưng đau, viêm đỏ, ngứa rát cổ cũng không còn, nhanh chóng đẩy lùi cảm giác khó chịu mà người bệnh gặp phải - Theo bác sĩ Hoàng Sầm (Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam).

Nếu bạn ở gần Hà Nội, có thể tham khảo một số địa chỉ khám chữa viêm amidan uy tín và chuyên sâu sau đây:

  • Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương - Số 78 đường Giải Phóng, quận Đống Đa, HN 
  • Bệnh viện Đa khoa An Việt - Số 1E đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, HN
  • Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Bạch Mai - Số 78 đường Giải Phóng, quận Đống Đa, HN 

Một số bệnh viện, phòng khám Tai Mũi Họng tốt tại TP.HCM người bệnh có thể tham khảo: 

  • Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM - Số 155B đường Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP.HCM
  • Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 - Số 20 - 22 đường Dương Quang Trung, Phường 12, Quận 10, TP.HCM
  • Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn - Số 1–3, 6–8, 9–15 đường Trịnh Văn Cấn, phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TP.HCM

Phòng bệnh viêm amidan tái phát

Viêm amidan là bệnh Tai Mũi Họng hay mắc phải, nhất là trẻ em và những người làm việc ở văn phòng - nơi có điều hòa nhiệt. 

Viêm amidan là bệnh Tai Mũi Họng thường gặp, gây các biến chứng nguy hiểm, vì vậy việc phòng bệnh rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả gồm:

  • Tránh bị lạnh bằng việc quàng khăn, mặc ấm
  • Không uống nước đá, ăn kem khi trời lạnh hoặc cơ thể đang yếu
  • Giữ vệ sinh răng miệng, mũi bằng việc đánh răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý để tránh các viêm nhiễm
  • Đeo khẩu trang khi ra đường hay khi đến nơi đông người để tránh hít phải khói, bụi, mầm bệnh gây viêm hầu họng, amidan
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc rèn luyện thân thể, dinh dưỡng hợp lý
  • Giữ vệ sinh môi trường sống, đặc biệt những người có sức đề kháng kém, có cơ địa dị ứng...

Trên đây là bài viết về viêm amidan - một trong những bệnh Tai Mũi Họng thường gặp nhất, đặc biệt ở trẻ em. Hy vọng có thể cung cấp những thông tin hữu ích, hỗ trợ quá trình khám chữa bệnh của bạn đọc thật hiệu quả. 

Từ khóa » Viêm Họng Sưng Amidan