Viêm Bờ Mi Và Cách điều Trị - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Viêm bờ mi. Ảnh: communityforvision.com
Viêm bờ mi là một tình trạng diễn tiến phổ biến trong đó mí mắt bị viêm (sưng), với các hạt nhờn như dầu và vi khuẩn bao phủ bờ mí mắt gần chân lông mi. Tình trạng này gây kích thích, ngứa ngáy, đỏ và nhức nhối hoặc rát mắt. Trong khi nguyên nhân cơ bản gây viêm bờ mi không hoàn toàn rõ ràng, nó có thể liên quan với nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, triệu chứng của khô mắt hoặc một số loại bệnh về da như bệnh trứng cá đỏ (acne rosacea).
Viêm bờ mi trước ảnh hưởng bên ngoài mí mắt nơi lông mi mọc. Điều này có thể gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn (hoặc đôi khi virus). Nếu không được điều trị, viêm bờ mi trước có thể làm mí mắt dày lên và kéo lộn vào trong hoặc lật ra ngoài, thậm chí dẫn đến các vấn đề thị lực do lông mi lộn vào trong làm tổn thương giác mạc.
Viêm bờ mi sau là kết quả của tình trạng rối loạn chức năng của các tuyến nhờn nhỏ (tuyến meibomius) trong mí mắt ở chân lông mi. Khi tuyến meibomius bị tắc do viêm bờ mi phía trong, nó cũng có thể gây ra một mụn lẹo hoặc chắp ở mí mắt. Viêm bờ mi sau cũng làm bờ mí mắt dày và cứng. Nước mắt thậm chí có thể trông như bọt.
Viêm bờ mi trứng cá đỏ là viêm bờ mi có kết hợp với trứng cá đỏ mắt, một tình trạng gây sưng đỏ mí mắt do tổn thương tuyến nhờn. Bệnh trứng cá đỏ là một bệnh da phổ biến dẫn đến các nốt mụn và đỏ mặt.
Triệu chứng của viêm bờ mi
Các triệu chứng của viêm bờ mi bao gồm:
- Rát mí mắt và mắt;
- Đóng vảy mí mắt, lông mi;
- Ngứa mắt;
- Suy giảm thị lực, nhìn mờ;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Chảy nước mắt nhiều;
- Sưng đỏ bờ mi hoặc đỏ trong mắt;
- Cảm giác nóng rát;
- Cảm giác như có dị vật (có gì đó trong mắt).
Ai có nguy cơ bị viêm bờ mi?
Viêm bờ mi thường xảy ra ở những người có khuynh hướng da nhờn, có gàu hoặc khô mắt. Tình trạng này cũng liên quan với tình trạng viêm tuyến meibomius - một loại tuyến nhờn gần đó.
Những người bị bệnh trứng cá đỏ, bệnh da phổ biến gây các nốt mụn và đỏ mặt, có thể bị bệnh trứng cá đỏ ở mắt, ảnh hưởng tới mí mắt gây tấy đỏ và sưng.
Nguyên nhân viêm bờ mi
Trên bề mặt da mọi người đều có vi khuẩn, nhưng ở một số người, vi khuẩn phát triển mạnh trên da ở chân lông mi. Một lượng lớn vi khuẩn xung quanh lông mi có thể gây ra gàu giống như vảy và các hạt nhỏ hình thành dọc theo lông mi và bờ mí mắt.
Các bệnh và tình trạng khác có thể gây ra viêm bờ mi bao gồm:
- Bất thường của các tuyến nhờn mí mắt (tuyến meibomius);
- Viêm da tiết bã (gàu trên da đầu và lông mày);
- Bệnh trứng cá đỏ (bệnh da gây đỏ mặt);
- Ve lông mi (sinh vật nhỏ trong các nang lông mi);
- Phản ứng dị ứng với mỹ phẩm hoặc thuốc.
Chẩn đoán viêm bờ mi
Bác sĩ kiểm tra cẩn thận mí mắt và lông mi của bạn, đó thường là tất cả những gì cần thiết để chẩn đoán viêm bờ mi. Bác sĩ có thể kiểm tra thị lực, kiểm tra bằng kính hiển vi khe đèn, và cũng có thể thêm kiểm tra nhãn áp.
Điều trị viêm bờ mi
Viêm bờ mi thường là một tình trạng mãn tính hoặc diễn tiến, nhưng nó có thể được kiểm soát bởi các phương pháp điều trị sau đây. Bác sĩ nhãn khoa sẽ giúp bạn xác định phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Chườm gạc ấm
Thấm ướt một chiếc khăn sạch bằng nước ấm, vắt khô, nhắm mắt và đặt nó trên mí mắt ít nhất một phút. Lặp lại hai hoặc ba lần, làm ướt lại khăn để giữ độ ấm cần thiết. Động tác này sẽ làm bong vảy và các mảnh vụn xung quanh lông mi. Nó cũng giúp phân tách lớp nhờn từ các tuyến nhờn gần đó. Điều này ngăn cản sự phát triển của chắp - một khối u phình to do việc tiết chất nhầy trong mí mắt bị tắc.
Tẩy tế bào chết mí mắt
Sử dụng một chiếc khăn sạch, bông gòn hay miếng gạc ngâm trong nước ấm, nhẹ nhàng chà lên bờ mi trong khoảng 15 giây cho mỗi bên. Nếu có chỉ định của bác sĩ, bạn có thể dùng xà bông tắm của em bé pha với nước để rửa mi mắt.
Thuốc mỡ kháng sinh
Bác sĩ nhãn khoa có thể kê toa một số loại thuốc mỡ kháng sinh. Dùng đầu ngón tay sạch hoặc miếng bông gòn để thoa nhẹ nhàng một lượng nhỏ thuốc mỡ ở chân lông mi trước khi đi ngủ.
Nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa steroid cũng có thể được chỉ định tạm thời để làm giảm khô mắt hoặc viêm. Bác sĩ nhãn khoa cũng có thể chỉ định một loại thuốc kháng sinh giúp cải thiện sự tiết nhờn của tuyến meibomius.
Liệu pháp dinh dưỡng
Nghiên cứu cho thấy rằng thiếu một vài chất dinh dưỡng nhất định có thể góp phần gây viêm tuyến meibomius. Sự mất cân bằng của các axit béo omega đã được xác định là nguyên nhân của sự tiết bất thường tuyến nhờn giúp bôi trơn mắt. Hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa về chế độ ăn và bổ sung dinh dưỡng thích hợp để giúp điều trị sự mất cân bằng này.
Giữ vệ sinh tốt
Vì viêm bờ mi có thể là một vấn đề tiến triển ra, bạn cần thường xuyên làm sạch da và mí mắt để tránh tái phát. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ lông mi, bạn cũng có thể gội đầu, da đầu và lông mày bằng dầu gội kháng khuẩn để giúp kiểm soát viêm bờ mi.
Từ khóa » đau Rát Mi Mắt Dưới
-
Viêm Bờ Mi Mắt: Dấu Hiệu, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị
-
Hiểu Rõ Về Tình Trạng Viêm Bờ Mi Dưới Và Cách điều Trị - Medlatec
-
Bị Sưng Mí Mắt Dưới Hoặc Trên: Nguyên Nhân Và điều Trị - Hello Bacsi
-
Sưng Mi Mắt, Một Số Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
-
Vì Sao Bạn đau Bọng Mắt? - Vinmec
-
Viêm Bờ Mi Mắt Có Nguy Hiểm Không? | TCI Hospital
-
Sưng Mi Mắt - Cẩm Nang MSD - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
đau Khi Chớp Mắt | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Những Nguyên Nhân Chính Gây Nên Hiện Tượng Sưng Mi Mắt
-
Tại Sao Mắt Bị Rát, Triệu Chứng Bất Thường Có Thể Khiến Mắt Gặp Nguy ...
-
Bệnh đau Mắt đỏ Và Những điều Bạn Nên Biết
-
Sưng Mí Mắt: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục - Docosan
-
Giải đáp: Tại Sao Bọng Mắt Dưới Bị Sưng đỏ Và đau?
-
Nguyên Nhân Gây Ra Ngứa Vùng Da Quanh Mắt - Sở Y Tế Nam Định
-
Những điều Cần Biết Về Tình Trạng Mí Mắt Dưới Bị Sưng - Dr.Hải Lê
-
Viêm Bờ Mi: Dấu Hiệu, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị