Viêm Da Do Kem Chống Nắng Và Cách ứng Phó

Có 2 loại kem chống nắng chính là hóa học và vật lý. Kem chống nắng hóa học hoạt động như một màng lọc hóa học, bảo vệ da khỏi tia UV bằng cách hấp thu, xử lý và phân hủy các tia này trước khi chúng có thể làm tổn hại đến da. Kem chống nắng vật lý có chứa các khoáng chất giúp phản xạ hoặc tán xạ tia UV làm cho nó không tác động tới da. Kem chống nắng vật lý ít gây kích ứng hơn so với kem chống nắng hóa học.

Theo nghiên cứu, thành phần chống nắng có khả năng kích hoạt phản ứng dị ứng là oxybenzone hoặc benzophenone-3, cinnamates, dibenzoylmethanes. Một số người cũng có thể bị dị ứng hoặc nhạy cảm với chất tạo hương thơm và chất bảo quản mà các nhà sản xuất thường thêm vào kem chống nắng.

Các loại dị ứng do dùng kem chống nắng

Viêm da tiếp xúc là phản ứng bất lợi phổ biến nhất do kem chống nắng. Có 3 loại viêm da tiếp xúc có thể ảnh hưởng đến những người nhạy cảm và dị ứng với kem chống nắng bao gồm:

Viêm da tiếp xúc kích ứng: Loại này thường gặp ở những người có làn da nhạy cảm hoặc có sẵn các bệnh da như chàm, vảy nến.

Viêm da tiếp xúc dị ứng: Là một dạng viêm da gây ra bởi phản ứng dị ứng của da khi tiếp xúc với một số chất gây dị ứng. Ở  đây là các chất hóa học có trong kem chống nắng.

Viêm da tiếp xúc quang hóa: Đây là một loại dị ứng có thể xảy ra khi kem chống nắng tiếp xúc với tia UV. Phản ứng quang hóa tương tự như bị cháy nắng.

Viêm da do kem chống nắng và cách ứng phó

Triệu chứng

Dị ứng kem chống nắng có thể xảy ra ngay sau khi thoa kem chống nắng, tuy nhiên, trong một số trường hợp sẽ muộn hơn. Các triệu chứng dị ứng kem chống nắng có thể bao gồm: đỏ da, rộp da, ngứa, rát, nổi ban, mụn nước...

Những người có sẵn bệnh chàm và bệnh vẩy nến đặc biệt có nguy cơ bị dị ứng kem chống nắng. Yếu tố nguy cơ gia tăng ở những người làm việc ngoài trời và những người có làn da nhạy cảm.

Phòng ngừa dị ứng kem chống nắng

Trước khi thoa một loại kem chống nắng lần đầu tiên, nên tiến hành test phản ứng của cơ thể bằng cách bôi một lượng nhỏ kem chống nắng vào da bên trong cẳng tay hoặc da mặt là nơi da nhạy cảm hơn. Nên dùng kem chống nắng phổ rộng, có thành phần khoáng chất với hệ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Hãy thận trọng với các loại kem chống nắng dạng xịt khó kiểm soát và có thể hít phải, đặc biệt là khi dùng cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Mặc quần dài, áo sơ mi dài tay và đội mũ rộng vành khi ra nắng, sau khi bôi kem chống nắng.

Phương pháp điều trị và biện pháp khắc phục

Điều trị dị ứng kem chống nắng tương tự như các phản ứng dị ứng da khác. Khi bị phản ứng dị ứng nhẹ với kem chống nắng, nên loại bỏ kem chống nắng bằng cách rửa sạch da bằng nước mát. Sau đó, nên tránh nắng cho đến khi da lành hoàn toàn. Nếu bị phản ứng dị ứng nhẹ, có thể bôi một lớp kem dưỡng ẩm lên vùng bị ảnh hưởng để giữ ẩm cho da, giảm khó chịu. Đối với dị ứng da từ trung bình đến nặng, có thể có các phương pháp điều trị sau: nén lạnh để giảm đau và viêm; dưỡng ẩm da bằng kem dưỡng da; dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa; corticosteroid tại chỗ để giảm viêm da.

Khi nào cần đi bác sĩ khám?

Nếu bạn gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc dị ứng tái phát xác định là do kem chống nắng, nên đi khám chuyên khoa dị ứng. Tuy sốc phản vệ do kem chống nắng là rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu gặp các triệu chứng như tức ngực, khó thở, khò khè, sưng cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể, khàn giọng, khó nuốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, da xanh tái hoặc đỏ... thì nhất thiết phải đến bệnh viện ngay.

Từ khóa » Dị ứng Keo Uv