VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị

Bệnh viêm đường tiết niệu là bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu rất phổ biến ở cả hai giới. Bệnh lý này thường có các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu rắt, đau bộ phận sinh dục, nước tiểu đục,… Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy việc hiểu rõ về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, cách điều trị và phòng ngừa viêm đường tiết niệu sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe hiệu quả.

Những điều cần biết về viêm đường tiết niệu ai cũng cần nắm rõ
Những điều cần biết về viêm đường tiết niệu ai cũng cần nắm rõ

1. Viêm đường tiết niệu là gì?

Viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng đường hệ tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hầu hết các nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở cơ quan tiết niệu dưới gồm bàng quang và niệu đạo.

Nữ giới có tỷ lệ mắc viêm đường tiết niệu cao hơn nam giới do cấu trúc giải phẫu đường niệu đạo của nữ ngắn hơn nam nên dễ bị nhiễm trùng hơn. Viêm nhiễm xảy ra ở bàng quang gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng lan lên thận sẽ gây biến chứng nghiêm trọng như viêm thận, viêm bể thận, áp xe thận, thận ứ mủ,…

2. Nguyên nhân gây viêm đường tiểu

Đa phần nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu là do nhiễm khuẩn E.coli. Chúng thường trú ẩn tại ruột sau đó theo chất thải ra bộ phận sinh dục ngoài, rồi thâm nhập vào đường tiết niệu nếu bạn không biết vệ sinh đúng cách. Do đường tiểu và hậu môn của nữ gần hơn nam nên nguy cơ bị viêm nhiễm cũng sẽ cao hơn.

Bị viêm đường tiết niệu là do đâu?
Bị viêm đường tiết niệu là do đâu?

Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị viêm đường tiết niệu như:

2.1. Viêm đường tiết niệu ở nam giới

  • Nam giới bị viêm quy đầu, nhiễm trùng dương vật,… do vệ sinh kém.
  • Những chấn thương ở dương vật do quan hệ tình dục thô bạo, lạm dụng đồ chơi tình thú,… gây nên tình trạng viêm niệu đạo.
  • Các vấn đề như sỏi, phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo… cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

Xem thêm: Viêm đường tiết niệu ở nam giới là gì? Cách điều trị hiệu quả

2.2. Viêm đường tiết niệu ở nữ giới

  • Vệ sinh vùng kín sai cách: Thói quen lau từ sau ra trước, lạm dụng dung dịch vệ sinh, thụt rửa sâu hoặc chà xát mạnh,… tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập phát triển và gây nhiễm trùng.
  • Thói quen nhịn tiểu quá lâu.
  • Quan hệ tình dục không lành mạnh, mắc bệnh lây qua đường tình dục,…
  • Chị em trong thời kỳ mang thai, trong kỳ kinh nguyệt nhưng vệ sinh kém… cũng dễ mắc viêm đường tiết niệu.

Xem thêm:

  • Bệnh viêm đường tiết niệu ở nữ giới
  • Viêm đường tiết niệu khi mang thai: Nguyên nhân và điều trị

3. Các biểu hiện của viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu không phải lúc nào cũng có những triệu chứng lâm sàng một cách rõ ràng và đầy đủ, nhiều trường hợp viêm tiết niệu hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng gì. Các trường hợp không có triệu chứng chỉ có thể phát hiện được bằng cách làm xét nghiệm.

Biểu hiện thường thấy ở một người bị viêm nhiễm đường tiết niệu
Biểu hiện thường thấy ở một người bị viêm nhiễm đường tiết niệu

3.1. Biểu hiện tại chỗ

Viêm đường tiết niệu đôi khi cũng không có biểu hiện gì, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu. Thường gặp ở những đối tượng như phụ nữ đang trong tuổi hoạt động tình dục, phụ nữ có thai, người bị tiểu đường,…

Nếu có triệu chứng, người bệnh có các biểu hiện khó chịu như tiểu lắt nhắt, tiểu gắt buốt, đi tiểu nhiều lần, cảm giác chưa tiểu hết. Triệu chứng nặng hơn: tiểu đục, lẫn mủ, nước tiểu lẫn máu hay nặng mùi. Nam giới bị viêm đường tiết niệu còn thấy sưng đỏ, ngứa ngáy lỗ niệu đạo, đầu dương vật có thể dính mủ, đau khi xuất tinh,…

Bên cạnh đó người bệnh có thể thấy đau hạ vị khi viêm bàng quang hay đau vùng hông lưng khi viêm đường tiết niệu tại thận.

3.2. Biểu hiện toàn thân

Khi vi khuẩn xâm nhập vào hệ niệu và xâm nhập vào máu rồi lan ra toàn cơ thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện như sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi dơ, gương mặt hốc hác.

Bạn đọc cần biết: Người bị viêm đường tiết niệu có nên quan hệ không?

4. Viêm đường tiết niệu có nguy hiểm không?

Biến chứng nguy hiểm khi mắc phải viêm đường tiết niệu
Biến chứng nguy hiểm khi mắc phải viêm đường tiết niệu

Bệnh viêm đường tiết niệu nhẹ hoặc xảy ra ở nhóm đối tượng trẻ, khỏe thì thường không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh xuất hiện ở đối tượng đã có các yếu tố thuận lợi như bệnh thận thì rất dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm như:

  • Vi khuẩn có thể phá hủy chủ mô thận, hoại tử nhú thận, suy giảm chức năng thận. Về lâu dài có thể dẫn tới suy thận hoặc phải cắt bỏ thận.
  • Nếu vi khuẩn không được loại bỏ, chúng sẽ dễ dàng di chuyển vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí cơ thể dẫn tới tử vong.
  • Nhiễm trùng hệ tiết niệu ở nam giới có thể gây áp-xe tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, làm bít tắc ống dẫn tinh,… dẫn tới nguy cơ vô sinh.
  • Nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ có thai có nguy cơ gây nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai, tăng nguy cơ vỡ ối sớm, sinh non,…

Giải đáp: Viêm đường tiết niệu có gây vô sinh không?

5. Cách điều trị viêm đường tiết niệu

Các biện pháp chữa trị viêm đường tiết niệu hiệu quả
Các biện pháp chữa trị viêm đường tiết niệu hiệu quả

Điều trị viêm đường tiết niệu chủ yếu là sử dụng thuốc kháng sinh. Đối với các trường hợp nhẹ, chỉ xuất hiện những triệu chứng khu trú ở đường tiết niệu dưới, các bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh đường uống trong 5 – 7 ngày. Nếu có triệu chứng toàn thân và viêm tại đường niệu trên, người bệnh cần tiêm kháng sinh.

Trong trường hợp bệnh bị tái đi tái lại nhiều lần, người bệnh đang đặt ống tiểu hoặc viêm đường niệu nặng, bác sĩ sẽ nuôi cấy vi khuẩn để tìm đúng kháng sinh nhạy cảm với chủng vi khuẩn đó.

Nếu việc sử dụng kháng sinh không hiệu quả hoặc có biến chứng ở thận như thận ứ mủ, áp-xe thận, người bệnh được chỉ định phẫu thuật dễ dẫn lưu ổ nhiễm khuẩn.

Xem thêm: Mách bạn 6 cách chữa viêm đường tiết niệu tại nhà đơn giản

6. Cách phòng ngừa viêm đường tiết niệu

Phòng ngừa viêm đường tiết niệu như thế nào tốt nhất?
Phòng ngừa viêm đường tiết niệu như thế nào tốt nhất?

Bạn có thể giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu bằng các cách như sau:

  • Uống đủ lượng nước hàng ngày giúp làm sạch đường tiết niệu và loại bỏ vi khuẩn ra ngoài.
  • Không nên nhịn tiểu, khi cảm thấy buồn tiểu, hãy đi ngay lập tức để ngăn ngừa vi khuẩn tồn đọng. Đặc biệt, nên đi tiểu trước và sau khi quan hệ để tránh viêm nhiễm đường tiểu.
  • Ăn uống khoa học và lạnh mạnh, tích cực bổ sung thực phẩm giàu vitamin C từ rau xanh, củ quả.
  • Tránh sử dụng cà phê, rượu và nước ngọt gas, đồ uống chứa caffeine cho đến khi khỏi bệnh. Bởi chúng có thể gây kích thích bàng quang và làm tăng thêm số lần đi tiểu.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt sau khi đi vệ sinh. Hãy lau từ phía trước ra phía sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo.
  • Mặc đồ lót thoáng khí, chất liệu mềm mại.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm phụ khoa gây kích thích.
  • Quan hệ tình dục an toàn, vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.

Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp toàn bộ các thắc mắc liên quan đến hiện tượng viêm đường tiết niệu là bệnh gì? Hy vọng với những thông tin hữu ích này sẽ giúp người bệnh có một quá trình điều trị bệnh an toàn và đạt hiệu quả tối ưu.

Xem thêm: Người bị viêm đường tiết niệu nên ăn gì, kiêng gì để sớm khỏi bệnh?

Nguồn tham khảo

  • [1] Urinary tract infections (UTIs). https://www.nhs.uk/conditions/urinary-tract-infections-utis/
  • [2] Urinary tract infection (UTI). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urinary-tract-infection/symptoms-causes/syc-20353447
  • [3] Urinary Tract Infections. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9135-urinary-tract-infections

Từ khóa » Thận Là đường Tiết Niệu