Viêm Khớp Cùng Chậu: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, điều Trị, Phòng Ngừa

Viêm khớp cùng chậu xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, nhưng số lượng nghiêng về phía nam giới nhiều hơn. Do triệu chứng không điển hình nên bệnh dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác của vùng cột sống thắt lưng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây dính khớp, teo cơ mông và đùi… thậm chí là gây tàn phế.

viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu là gì?

Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm tiến triển một hoặc cả hai khớp xương cùng (phần cuối hình tam giác của cột sống), đoạn kết nối xương sống và xương chậu ở gần hông. Bệnh là nguyên nhân chính gây nên viêm cột sống dính khớp. (1)

Viêm khớp ở vùng chậu là một trong những nguyên nhân gây đau lưng dưới, mông hoặc đùi. Điều đáng nói là tình trạng này thường khó chẩn đoán vì có khá nhiều bệnh gây đau ở vị trí tương tự như đau thần kinh tọa, viêm khớp cột sống, thoát vị đĩa đệm… 

Bệnh gây đau ở vùng cùng cụt, mông, hông, đùi, lưng dưới, có thể kéo dài xuống một hoặc cả hai chân, bàn chân và làm giới hạn các động tác cúi, ngửa, xoay… Nếu người bệnh đứng lâu hoặc bước lên cầu thang, cơn đau sẽ trở nên trầm trọng hơn.

khái niệm viêm khớp vùng chậu

Dấu hiệu viêm khớp cùng chậu

Các cơn đau khớp cùng chậu thường xảy ra nhất ở vùng cột sống thắt lưng, mông và lưng dưới. Một số trường hợp ít hơn, cơn đau cũng có thể ảnh hưởng đến chân, háng và thậm chí cả bàn chân.

các dấu hiệu viêm khớp

Ngoài ra, dấu hiệu viêm khớp cùng chậu còn thể hiện qua:

  • Tình trạng cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi người bệnh đứng lâu, dồn trọng lực sang một bên chân, đi lên cầu thang, chạy bộ, bước những bước dài, xoay hông … 
  • Khi ngồi hoặc đứng lâu, đôi chân xuất hiện tình trạng tê cứng   
  • Chân khó co, gập, duỗi, khoanh tròn 
  • Dáng đi thay đổi, khả năng vận động hạn chế do bị đau
  • Vùng khớp bị viêm có biểu hiện sưng bóng, đỏ đau, rát buốt 
  • Ở thai phụ, cơn đau diễn ra trầm trọng ở mọi tư thế 
  • Sưng, nóng, đỏ, đau ở vùng khớp cùng chậu
  • Đôi khi có sốt nhẹ 

Cảm giác đau do viêm khớp cùng chậu cũng rất đa dạng. Người bệnh có thể đau rất dữ dội như có vật nhọn đâm vào hoặc âm ỉ, nhức buốt. 

banner subs ctch content

Các nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cùng chậu

Theo các chuyên gia về cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng. Phổ biến là do: (2)

Chấn thương

Té ngã, tai nạn xe cơ giới, chơi thể thao… làm tác động ngoại lực lên khớp xương cùng hoặc các dây chằng hỗ trợ bao quanh dẫn đến viêm

Viêm khớp

  • Các loại viêm khớp có thể xảy ra ở các khớp xương cùng do tình trạng đứt dây chằng gây bào mòn và hư hại khớp. 
  • Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm ở các khớp cột sống, trong đó viêm khớp cùng chậu là triệu chứng ban đầu của bệnh này. 
  • Viêm khớp vẩy nến, một loại bệnh viêm khớp mạn tính xuất hiện ở người có bệnh viêm da vảy nến thể nghiêm trọng, gây viêm các khớp cột sống, bao gồm các khớp cùng chậu.

Mang thai

Trong quá trình mang thai, tác động của hormone khiến cho các cơ và dây chằng của xương chậu giãn ra, các khớp cùng chậu lỏng lẻo. Ngoài ra, trọng lượng thay đổi cũng gây áp lực lên khớp cùng chậu, làm cho chúng nhanh mòn và dễ viêm hơn. 

Nhiễm trùng

Các nguyên nhân nhiễm trùng, viêm túi thừa sinh mủ do vi khuẩn Staphylococcus aureus, nhiễm khuẩn dây chằng hoặc các mô mềm quanh khớp cùng chậu, viêm đại tràng, viêm vùng kín ở phụ nữ… cũng có thể gây viêm khớp cùng chậu. 

Bên cạnh đó, những người có bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh gút… cũng được xem là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn người khác.

tác động bên ngoài lên khớp

Phương pháp chẩn đoán

Để đưa ra những phương án điều trị phù hợp, các bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh, bao gồm các rối loạn nhất thời hoặc bất kỳ tình trạng viêm nhiễm xương khớp nào trước đây. Các phương pháp thăm khám, xét nghiệm phục vụ cho việc chẩn đoán viêm khớp cùng chậu bao gồm: (3)

Khám sức khỏe tổng thể, kiểm tra khả năng vận động 

Tùy theo vị trí, tính chất cơn đau, hướng lan tỏa… bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các nghiệm pháp Faber, nghiệm pháp Gaenslen… bằng các động tác xoay ngoài, gấp, đi lại để kiểm tra khả năng chuyển động, định vị hoặc những trở ngại khi di chuyển. Bác sĩ cũng có thể tiến hành kiểm tra mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bằng cách ấn một vài nơi ở vùng mông, di chuyển hai chân… Nếu khi bác sĩ thực hiện tác động một lực nhất định lên khớp xương cùng, cột sống, hông hoặc chân mà bạn cảm thấy đau, nhiều khả năng là bạn đã bị viêm khớp xương vùng chậu. 

Xét nghiệm máu, nước tiểu 

Việc kiểm tra công thức máu sẽ giúp bạn tìm kiếm các dấu hiệu viêm như tế bào bạch cầu hay vi khuẩn trong máu. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đang mang thai hay sau khi sinh, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra nước tiểu để tìm kiếm các nguyên nhân gây viêm khớp cùng chậu từ các vi khuẩn khu trú trong đường sinh dục, tiết niệu lan đến khớp cùng chậu như Clamydia trachomatis và N. gonorrhoeae. 

Chẩn đoán hình ảnh 

Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)… cũng có thể được chỉ định, nếu bác sĩ nghi ngờ chấn thương là nguồn gốc cho các cơn đau hoặc để tìm kiếm biểu hiện của sự thay đổi trong khớp xương cùng.

Tiêm steroid

Việc tiêm steroid vào khớp cùng chậu vừa là một xét nghiệm phục vụ cho việc chẩn đoán, vừa là một phương pháp điều trị trong trường hợp có thể giúp giảm đau. Quy trình này được thực hiện bằng cách sử dụng tia X hướng dẫn kim đến vị trí thích hợp của tủy sống để tiêm.  

Biến chứng của viêm khớp cùng chậu

Với những người mắc bệnh lâu năm, biến chứng rất nghiêm trọng, điển hình là: 

1. Hạn chế vận động 

Tình trạng khớp cùng chậu bị viêm trong thời gian dài có thể khiến cho khu vực tổn thương lan rộng, xâm lấn các hệ thống dây thần kinh tọa hoặc các cơ lân cận như cơ mông, cơ đùi. Từ đó, người bệnh dễ bị teo cơ, ảnh hưởng đến khả năng vận động. 

2. Liệt chi 

Nếu tổn thương nhiều, ảnh hưởng đến các khớp và dây thần kinh quan trọng có thể làm dính khớp, biến dạng khớp. Người bệnh có cảm giác tê cứng chi, khó đi đứng, không thể xoay người, không thể khom lưng hay ngồi lâu… dần dần dẫn đến nguy cơ bị liệt. 

3. Ảnh hưởng khả năng sinh sản 

Phụ nữ bị viêm khớp cùng chậu, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, dễ gặp biến chứng viêm vòi trứng, viêm cổ tử cung. Tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng tỷ lệ vô sinh hiếm muộn, mang thai ngoài tử cung, sinh khó… 

4. Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống 

Các cơn đau ở khớp cùng chậu kéo dài nhiều năm khiến cho người bệnh luôn khó chịu, đau đớn, khó đi lại, làm việc… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tiêu tốn chi phí phục vụ cho việc điều trị. 

Viêm khớp cùng chậu có chữa được không?

Viêm khớp cùng chậu là bệnh lý có thể điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Tuy nhiên, mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng nếu điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả như mong đợi, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp giải quyết dứt điểm, ngăn ngừa bệnh phát triển thành mạn tính. Ngoài ra, để quá trình điều trị đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ kết hợp với thay đổi lối sống một cách khoa học.

Điều trị thế nào?

Tương tự như các bệnh lý cơ xương khớp khác, việc điều trị viêm khớp cùng chậu cũng được thực hiện tùy theo tình trạng bệnh. Các bác sĩ sẽ ưu tiên dùng các phương pháp dùng thuốc giảm đau, chườm nóng, chườm lạnh, nghỉ ngơi…. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, phương pháp can thiệp ngoại khoa sẽ được chỉ định. Cụ thể, để điều trị bệnh, bác sĩ thường có các biện pháp sau đây: 

1. Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường sự dẻo dai và linh hoạt cho khớp cùng chậu nên có thể hữu ích cho những người bị viêm xương cùng. Người bệnh nên tập các bài vận động song song với tăng cường sức mạnh để thư giãn và giúp khớp linh hoạt hơn. Các bài tập có thể được thực hiện tại nhà hoặc ở phòng tập với các kỹ thuật viên. Tuy nhiên, trước khi tập bất kỳ bài tập nào, bạn cũng nên trao đổi với các chuyên gia cơ xương khớp để không làm cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn hoặc gây thêm chấn thương.

vật lí trị liệu

2. Điều trị bằng thuốc 

Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen, Acetaminophen; thuốc giãn cơ… là biện pháp điều trị nội khoa thường được chỉ định cho bệnh nhân bị. Các bác sĩ cũng có thể phối hợp với các bài tập vật lý trị liệu hay liệu pháp nẹp khớp để mang đến kết quả tốt hơn. Trong một số trường hợp, người bệnh cũng được kê toa thuốc ức chế TNF alpha như Adalimumab, Certolizumab, infliximab… để kiểm soát tình trạng viêm khớp, đề phòng nguy cơ viêm cột sống dính khớp. 

Tuy nhiên, nếu người bệnh đang trong giai đoạn mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ nên trao đổi với các bác sĩ và thật thận trọng khi dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. 

3. Phẫu thuật

Các phương pháp dùng thuốc và vật lý trị liệu được thực hiện trong khoảng vài tuần đến vài tháng để kiểm tra khả năng đáp ứng của người bệnh. Trong trường hợp các triệu chứng viêm khớp cùng chậu không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà người bệnh được chỉ định phẫu thuật không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu. 

Trong đó, hợp nhất khớp được khuyến cáo khi đã áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa từ 8-12 tuần nhưng không hiệu quả.  

4. Kích thích điện

Kích thích điện còn được gọi là kích thích dây thần kinh qua da và kích thích các cơ quanh vùng khớp cùng chậu. Phương pháp này chỉ được thực hiện trong những trường hợp nghiêm trọng và được thực hiện để hợp nhất các xương với nhau. Dòng điện xung có tần số cao, cường độ tăng dần như Diadynamic, Trobert, TENS sẽ giúp giảm đau, thư giãn các cơ và giảm trương lực cơ co thắt. 

5. Sóng xung kích 

Một phương pháp khác được vận dụng trong điều trị viêm khớp cùng chậu chính là dùng sóng xung kích shockwave. Nguồn sóng âm mang năng lượng cao này tác động vào đầu mút của các dây thần kinh cảm giác ở khớp cùng chậu, thúc đẩy quá trình tái tạo xương và các mô mềm sau tổn thương, giảm đau… 

Người bệnh viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không?

Đi bộ có thể giúp xoa dịu cơn đau ở khớp và lưng của người bệnh. Ở những buổi đầu tiên, hãy đi bộ với tốc độ chậm trong khoảng 20 phút. Sau khi cơ thể quen dần và không cảm thấy đau, người bệnh có thể thử tăng tốc và kéo dài thời gian đi bộ. Người bệnh nên chuẩn bị một đôi giày đi bộ thoải mái và dừng lại ngay khi cảm thấy đau. 

Biện pháp phòng ngừa

Nhiệm vụ của khớp cùng chậu là gánh trọng lượng của phần trên cơ thể khi chúng ta đi đứng. Áp lực này khá lớn và là nguyên nhân khiến cho vùng khớp này dễ bị tổn thương. (4) 

Hiện tại, các chuyên gia cơ xương khớp của BVĐK Tâm Anh nhận định rằng vẫn chưa có biện pháp cụ thể để ngăn ngừa viêm khớp cùng chậu. Mỗi người có thể ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng khó chịu bằng cách: 

  • Bảo hộ đầy đủ khi chơi thể thao, điều khiển các phương tiện giao thông… 
  • Điều trị triệt để các bệnh lý đường tiết niệu, tiêu hóa, bệnh mạn tính… 
  • Phụ nữ mang thai cần theo dõi sức khỏe sát sao hơn
  • Chú ý các hoạt động đặc thù có thể gây đau như chạy, leo cầu thang…  
  • Thường xuyên vận động, tập luyện thể thao để tăng sức dẻo dai cho xương khớp 
  • Xây dựng thực đơn lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh xa stress để duy trì sức khỏe tổng thể

phòng ngừa viêm khớp vùng chậu

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; ThS.BS Trần Anh Vũ; TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ tiên tiến hàng đầu thế giới, cụ thể như: Phẫu thuật thay xương; thay khớp gối, khớp vai, khớp háng; phẫu thuật tái tạo và sửa chữa tổn thương đa dây chằng khớp gối; nối gân gót chân (gân Achilles)…

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và phẫu thuật điều trị thành công các bệnh lý về cơ xương khớp… 

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật. 

Để đặt lịch khám và điều trị các bệnh lý xương khớp với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

    • Hà Nội:
      • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
      • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
    • TP.HCM:
      • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
      • Hotline: 0287 102 6789 – 093 180 6858
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Viêm khớp cùng chậu là một trong những bệnh lý thường gặp, dễ gây nhầm lẫn và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, lời khuyên từ các chuyên gia cơ xương khớp dành cho mỗi người trước tiên là tìm hiểu các biện pháp đề phòng viêm khớp xương cùng. Trong trường hợp nhận thấy có triệu chứng nêu trên, nên thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Từ khóa » Hình ảnh Khung Chậu Nữ