Xương Chậu ở Nữ: Tổng Quan Và Các Bệnh Lý Thường Gặp - YouMed

Nội dung bài viết

  • Giải phẫu và chức năng khung xương chậu?
  • Khung xương chậu gồm các cơ quan gì?
  • Các bệnh lý thường gặp liên quan đến khung xương chậu?
  • Các triệu chứng báo hiệu có tình trạng bệnh lý ở vùng xương chậu?
  • Những cách để giữ sức khỏe vùng chậu?

Khung xương chậu nằm ở phần dưới của thân. Chúng được xem như phần kết nối giữa phần thân trên, và chân. Khung xương chậu có chức năng như là một bệ đỡ cho ruột. Bên cạnh đó, khung xương chậu còn chứa một số cơ quan như bàng quang và các cơ quan sinh sản. Sau đây, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam tìm hiểu về vùng xương chậu qua bài viết dưới đây nhé!

Giải phẫu và chức năng khung xương chậu?

Trên thực tế, khung xương chậu ở nữ có một số khác biệt về cấu trúc hơn so với nam. Điều này có liên quan đến việc sinh nở. Khung chậu ở nữ cần có đủ không gian để em bé phát triển và đi qua được hố chậu khi lọt xuống trong bụng mẹ và ra đời. Vì thế, khung xương chậu nữ có khuynh hướng rộng hơn và mở hơn so với ở nam.1

Sự khác biệt giữa xương chậu nam và nữ
Sự khác biệt giữa xương chậu nam và nữ

Khung xương chậu nữ sẽ bao gồm các xương sau đây:

1. Khối xương chậu1

Có hai khối xương chậu, ở mỗi bên trái và phải của cơ thể. Hai khối này sẽ tạo thành hình vòng, đằng sau gắn với xương cùng, và đằng trước khớp với nhau – còn gọi là khớp mu.

Mỗi khối xương chậu được tạo thành bởi ba xương nhỏ hơn hợp nhất với nhau trong giai đoạn phát triển, bao gồm:

  • Xương chậu: Đây là phần lớn nhất của khối. Xương chậu rộng, dẹt, và trông giống như hình quạt. Bạn có thể cảm nhận được mào (vòm) của xương chậu bằng cách đặt tên lên hông và miết, Phần nhô ra, cảm giác hình vòm đó chính là mào xương chậu.
  • Xương mu: Nằm ở phía trước, và hợp với xương mu bên còn lại tạo thành khớp mu giúp cho khung xương chậu có hình vòng kín.
  • Ụ ngồi: Bạn có thể xác định được dễ dàng xương ụ ngồi bằng cách ngồi xuống. Phần lớn trọng lượng cơ thể sẽ đội lên xương này khi bạn ngồi. Đó là lý do nó còn được gọi là xương ngồi. Bạn cũng có thể cảm nhận được nó khi ấn mông từ dưới lên trên.

Cả ba xương chậu, xương mu và ụ ngồi hợp nhất với nhau ở ổ cối. Nó giống như một cái hố và khớp với đầu trên xương đùi.

Cấu tạo khối xương chậu
Cấu tạo khối xương chậu

2. Xương cùng1

Các xương cùng là xương nằm ở cuối xương đốt sống. Xương cùng được tạo thành từ năm đốt xương hợp nhất với nhau. Chúng có cấu tạo khá dày, giúp nâng đỡ trọng lượng cơ thể.

Xương cùng kết nối với khối xương chậu trái phải hai bên, để tạo thành hình vòng kín.

3. Xương cụt1

Xương cụt là phần xương kết nối ở dưới xương cùng và được hỗ trợ bởi một số dây chằng.

Loại xương này được tạo thành từ bốn đốt sống hợp nhất với nhau thành hình tam giác.

Khung xương chậu gồm các cơ quan gì?

1. Tử cung

Tử cung hay còn được gọi là dạ con. Nó có hình dạng giống hình quả lê lộn ngược nằm giữa bàng quang phía trước và trực tràng phía sau. Phía trên tử cung là các quai ruột non và kết tràng xích ma, phía dưới tử cung là âm đạo. Phần trên lồi to gọi là đáy tử cung, 2 bên là 2 ống dẫn trứng nối ra 2 buồng trứng. Phần dưới nhỏ dài dẫn ra âm đạo gọi là cổ tử cung.

Đây là nơi mà em bé phát triển trong suốt thời kỳ mang thai. Trong những năm sinh sản, nếu như việc thụ tinh không xảy ra, niêm mạc tử cung bong ra tạo thành kinh nguyệt xuất hiện hằng tháng.1

Tử cung là trong những cơ quan nằm trong vùng xương chậu
Tử cung là trong những cơ quan nằm trong vùng xương chậu

2. Buồng trứng

Mỗi người phụ nữ có hai buồng trứng.1 Buồng trứng có hình bầu dục, mỗi bên dài khoảng 4cm và nằm ở hai bên tử cung và dựa vào thành chậu trong một khu vực được gọi là hố buồng trứng.

Mỗi buồng trứng được cố định tại chỗ bởi các lớp dây chằng gắn vào tử cung.

Buồng trứng có hai chức năng sinh sản chính trong cơ thể

  • Sản xuất tế bào trứng để thụ tinh.
  • Sản xuất 2 nội tiết tố sinh sản chính, estrogen và progesterone.1

Các bệnh lý có thể gặp ở buồng trứng

  • Ung thư buồng trứng.
  • U nang buồng trứng.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Suy buồng trứng nguyên phát.
  • Xoắn buồng trứng.

3. Ống dẫn trứng

Ống dẫn trứng là hai ống mô cơ nằm ở bụng dưới, hay ở trong vùng xương chậu. Bên trong vùng xương chậu còn các cơ quan sinh sản khác.

Ống dẫn trứng có hai ống, mỗi ống một bên trái và phải, kéo dài từ gần đỉnh tử cung chạy ra hai bên. Sau đó, gần tận cùng ống dẫn trứng, chúng sẽ cong xuống tạo thành hình chữ J.

Chức năng chính là vận chuyển trứng từ buồng trứng đến tử cung. Khi buồng trứng phóng trứng ra ngoài. Nhờ tua vòi, sẽ quét trứng vào bên trong ống dẫn trứng. Trứng đi vào ống dẫn trứng nhờ định hướng chuyển động của lông mao phối hợp với nhu động của ống.

4. Cổ tử cung1

Cổ tử cung là phần nối tử cung và âm đạo. Nó có nhiều vai trò trong sức khỏe sinh sản phụ nữ như: tạo nút nhầy ngăn chặn vi khuẩn vào bên trong tử cung, giữ em bé khi mang thai và trở nên mỏng (mở rộng) dần khi cần sinh em bé.

Cổ tử cung là phần nối tử cung và âm đạo có nhiều vai trò trong sức khỏe sinh sản phụ nữ
Cổ tử cung là phần nối tử cung và âm đạo có nhiều vai trò trong sức khỏe sinh sản phụ nữ

Hiện nay, một trong những điều đáng lo ngại về bệnh liên quan đến cổ tử cung là ung thư cổ tử cung. Đây là loại bệnh ung thư ở nữ chỉ đứng sau ung thư vú. Ngoài ra, còn có các bệnh lý khác về cổ tử cung cũng cần quan tâm như: loạn sản cổ tử cung, viêm cổ tử cung…

5. Âm đạo

Âm đạo là một ống cơ được lót bằng các dây thần kinh và màng nhầy. Nó giống như cái kênh. Một đầu là tiền đình âm đạo, và kéo dài kết nối với tử cung và cổ tử cung. Vì thế âm đạo có chức năng cho phép kinh nguyệt thoát ra ngoài. Đồng thời là nơi để giao hợp và sinh con.

6. Đại trực tràng

Đại trực tràng là phần ruột cuối cùng của ruột già và dẫn ra ngoài hậu môn.

7. Bàng quang (bọng đái)

Bàng quang là một tạng rỗng mà hình dạng, kích thước và vị trí thay đổi theo số lượng nước tiểu chứa bên trong nó.

Bàng quang là một tạng nằm dưới phúc mạc. Ở người lớn, khi rỗng, bàng quang nằm hoàn toàn trong phần trước vùng chậu. Khi căng đầy, bàng quang có hình cầu và nằm trong ổ bụng. Phía trước bàng quang là xương mu. Phía sau bàng quang là các tạng sinh dục và trực tràng.

Trước bàng quang là xương mu, sau bàng quang là các tạng sinh dục và trực tràng.
Trước bàng quang là xương mu, sau bàng quang là các tạng sinh dục và trực tràng.

Chức năng bình thường của bàng quang là dự trữ và tống xuất nước tiểu. Chúng hoạt động hợp tác nhịp nhàng với nhau và có kiểm soát.

8. Niệu đạo1

Niệu đạo là ống nước tiểu nối từ bàng quang và ra ngoài cơ thể.

Các bệnh lý thường gặp liên quan đến khung xương chậu?

Khung chậu chứa một số lượng lớn các cơ quan, xương, cơ và dây chằng. Vì vậy có nhiều tình trạng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ xương chậu hoặc các bộ phận bên trong nó.

Một số tình trạng có thể ảnh hưởng đến xương chậu của phụ nữ nói chung bao gồm:1

1. Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng xảy ra trong hệ thống sinh sản nữ. Mặc dù bệnh thường do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục nhưng các bệnh nhiễm trùng khác cũng có thể gây ra tình trạng này.

Viêm vùng chậu nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như vô sinh hoặc thai ngoài tử cung.

2. Sa các cơ quan trong vùng chậu

Tình trạng này xảy ra khi các cơ trong xương chậu không đủ chắc để có thể hỗ trợ các cơ quan bên trong, bao gồm: bàng quang, tử cung hoặc trực tràng. Các cơ quan này không còn được giữ ở vị trí bình thường, mà sa xuống dưới âm đạo, hậu môn, v.v.   Gây ra các bệnh lý như sa trực tràng, sa tử cung, sa bàng quang.

3. Lạc nội mạc tử cung

Nội mạc tử cung là lớp tế bào mỏng lót ở trong lòng tử cung. Lớp tế bào này dày lên theo chu kì buồng trứng và bong ra trong những ngày hành kinh.

Lạc nội mạc tử cung là khi lớp nội mạc tử cung bị “lạc trôi” đến cư trú ở những nơi khác.

Tình trạng này thường xảy ra ở buồng trứng, vòi trứng và vùng chậu. Tuy rất hiếm nhưng đôi khi nội mạc tử cung có thể lạc chỗ ở các cơ quan trong ổ bụng. May mắn thay, đã có nhiều cách điều trị hiệu quả cho bệnh này.

Các triệu chứng báo hiệu có tình trạng bệnh lý ở vùng xương chậu?

Một số triệu chứng phổ biến báo hiệu tình trạng bệnh lý vùng chậu có thể bao gồm:1

  • Đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu.
  • Cảm giác áp lực đè lên vùng chậu.
  • Tiết dịch âm đạo màu sắc bất thường hoặc có mùi hôi.
  • Đau khi giao hợp.
  • Chảy máu giữa chu kì kinh nguyệt.
  • Chuột rút vùng chậu đau đớn trong hoặc trước kỳ kinh.
  • Đau khi đi tiêu hoặc khi đi tiểu.
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

Những cách để giữ sức khỏe vùng chậu?

Vùng chậu ở phụ nữ là một bộ phận phức tạp và quan trọng của cơ thể. Sau đây là một số lời khuyên để giữ gìn sức khỏe vùng chậu:1

Điều đầu tiên là luôn quan tâm đến sức khỏe sinh sản của bạn

Khuyến cáo nhất là phụ nữ nên đi khám phụ khoa kiểm tra sức khỏe định kì hằng năm. Những việc như khám vùng chậu, phết tế bào cổ tử cung có thể giúp các định sớm các bệnh lý hoặc nhiễm trùng vùng chậu.

Quan hệ tình dục an toàn

Nên sử dụng các biện pháp tránh thai có thể tránh được các bệnh lây qua đường tình dục, ví dụ như bao cao su.

Tập bài tập săn chắc cơ sàn chậu (bài tập Kegel)

Các bài tập Kegel này giúp tăng cường sức cơ sàn chậu.2 Cơ sàn chậu khỏe hơn giúp phòng ngừa các bệnh lý như tiểu són, tiểu không tự chủ, hoặc sa các cơ quan vùng chậu.

Không bao giờ bỏ qua các triệu chứng bất thường

Nếu bạn gặp bất kỳ điều gì bất thường ở vùng xương chậu, chẳng hạn như chảy máu giữa kì kinh hoặc đau bụng dưới không rõ nguyên nhân, hoặc các biểu hiện đã nêu ở phần trên, hãy hẹn gặp bác sĩ. Nếu không được điều trị, một số tình trạng vùng chậu có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và khả năng sinh sản của bạn.

Vùng chậu chứa nhiều cơ quan quan trọng, đặc biệt là các cơ quan sinh sản. Chăm sóc giữ gìn, đặc biệt nhận biết các bất thường liên quan đến vùng chậu là cách để bảo vệ sức khỏe sinh sản bản thân.

Từ khóa » Hình ảnh Khung Chậu Nữ