Viêm Khớp Hàm Thái Dương Và Cách Khắc Phục Tại Nhà | TCI Hospital

Viêm khớp hàm thái dương là tình trạng đau nhức khớp hàm, khó mở miệng, các hoạt động giao tiếp và ăn uống bị cản trở. Vậy có biện pháp nào có thể khắc phục tình trạng này ngay tại nhà được không? Xem ngay bài viết này để bỏ túi vài phương pháp cải thiện bệnh nhanh chóng nhé.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Tổng quát chung về viêm khớp hàm thái dương
    • 1.1. Dấu hiệu nhận biết viêm khớp hàm thái dương
    • 1.2. Nguyên nhân gây viêm khớp hàm thái dương
    • 1.3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
  • 2. Khắc phục cơn đau tại nhà bằng cách nào?
    • 2.1. Chườm nóng/lạnh
    • 2.2. Massage quanh khớp hàm
    • 2.3. Thay đổi thói quen ăn uống
    • 2.4. Bảo vệ khớp thái dương hàm

1. Tổng quát chung về viêm khớp hàm thái dương

1.1. Dấu hiệu nhận biết viêm khớp hàm thái dương

Khớp hàm thái dương (hay còn gọi là khớp thái dương hàm) là khớp động duy nhất trên khuôn mặt. Khi khớp này bị viêm, nói cách khác là rối loạn khớp thái dương hàm, người bệnh cảm thấy đau nhức, lặp đi lặp lại vô cùng khó chịu. Từ đó các hoạt động phát âm, nhai, nuốt bị ảnh hưởng, khiến người bệnh mệt mỏi, stress và giảm chất lượng cuộc sống.

Các triệu chứng điển hình của bệnh có thể nhận biết qua:

– Đau nhức ở xương hàm, có thể đau một bên hoặc cả hai bên khớp thái dương hàm.

– Kéo theo cơn đau ở trong và toàn bộ vùng xung quanh tai.

– Ăn uống khó khăn, khi nhai thấy lục khục ở thái dương. Càng cố nhai thì cơn đau càng tăng lên.

– Cảm giác khớp thái dương bị co cứng, mở miệng hay đóng miệng vô cùng khó khăn.

– Người bệnh thấy đau đớn gần như khắp mặt.

trật khớp thái dương hàm

Người bệnh gặp khó khăn khi mở miệng, giao tiếp và ăn uống

1.2. Nguyên nhân gây viêm khớp hàm thái dương

Viêm khớp hàm thái dương nảy sinh bởi rất nhiều lý do. Trong đó, nguyên nhân điển hình nhất là do phần đĩa hấp thụ lực bị bào mòn hoặc lệch khỏi cấu trúc và các liên kết vốn có. Phần đĩa này có vai trò giúp chuyển động của khớp hàm trơn tru trong trường hợp bình thường.

Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân khác gây bệnh bao gồm:

– Viêm khớp gây tổn thương sụn khớp.

– Tổn thương khớp sau va đập, tai nạn.

– Các nguyên nhân gây viêm không xác định.

1.3. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vậy tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm có nguy hiểm không? Thực tế, tình trạng này không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng lại có thể gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành bệnh mãn tính, nâng mức nguy hiểm tới sức khỏe lên cao hơn.

Khi người bệnh thấy các cơn đau quanh khớp hàm kéo dài, khó khăn trong đóng/mở miệng thì cần tới bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt. Qua quan sát, khai thác triệu chứng từ người bệnh, đồng thời thực hiện các phương pháp kiểm tra chuyên sâu như: chụp X-quang, chụp CT, nội soi khớp,… thì bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác nhất. Sau khi đánh giá mức độ, tình trạng của bệnh, các phương pháp điều trị phù hợp sẽ được đưa ra, có thể kể đến như:

– Dùng thuốc giảm đau và chống viêm khớp hàm.

– Trị liệu bằng nẹp/dụng cụ hỗ trợ khớp cắn, các bài tập khớp hàm,…

– Phẫu thuật.

chẩn đoán viêm khớp thái dương hàm

Kiểm tra khớp hàm bằng phương pháp chụp X-quang

2. Khắc phục cơn đau tại nhà bằng cách nào?

2.1. Chườm nóng/lạnh

Khi khớp hàm đột nhiên đau nhói, người bệnh có thể áp dụng phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh. Đây là phương pháp khắc phục viêm khớp hàm thái dương hiệu quả ngay tại nhà. Sau khi chườm khoảng 10 phút, cơn đau dịu đi nhanh chóng. Sau mỗi 2 giờ có thể chườm lại nếu cần thiết. Nếu cảm thấy đau nhói ở khớp hàm thái dương, hãy sử dụng túi chườm lạnh trong khoảng 10 phút cho cả hai bên hàm.

Đặc biệt, nếu cơn đau âm ỉ, kéo dài nên áp dụng phương pháp chườm nóng là tốt nhất. Việc sử dụng nhiệt độ cao sẽ làm tăng lưu thông máu và thư giãn các cơ hàm.

2.2. Massage quanh khớp hàm

Xoa bóp nhẹ nhàng khu vực xung quanh khớp hàm cũng giúp cải thiện cơn đau rõ rệt. Bằng cách này, sự căng cứng của cơ giảm thiểu, đồng thời tăng lưu thông máu đến khu vực cơ hàm hiệu quả.

Người bệnh bắt đầu động tác há miệng và chà xát các cơ quanh khớp thái dương hàm cho đến khi hết co cứng. Ngậm miệng lại và lặp lại các bước xoa bóp tương tự như há miệng. Có thể tự động massage nhiều lần trong ngày để cảm thấy dễ chịu hơn.

chữa viêm khớp hàm thái dương tại nhà

Massage cơ mặt giúp giảm cơn đau

2.3. Thay đổi thói quen ăn uống

Khi cơ hàm bị viêm, việc tiếp tục ăn những thực phẩm giòn, cứng chỉ càng khiến cơn đau thêm nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên chuyển đổi sang ăn các thức ăn mềm, dạng lỏng dễ nuốt như: súp, mì sợi, cháo,….

Trong quá trình ăn, nên tránh há miệng lớn để cắn hoặc ngậm thức ăn. Bên cạnh đó, các đồ ăn chứa caffeine và trà cũng nên được loại bỏ vì 2 chất này có tác dụng làm tăng căng cơ.

2.4. Bảo vệ khớp thái dương hàm

Một trong cách khắc phục viêm khớp hàm thái dương tốt nhất chính là ý thức bảo vệ của người bệnh. Một số lưu ý cần ghi nhớ để bảo vệ khớp thái dương hàm đó là:

– Cố gắng không ngáp vì động tác này sẽ gây đau đớn nhiều hơn. Nếu không thể, người bệnh chỉ nên mở miệng càng càng ít càng tốt.

– Không ăn các đồ ăn vặt dai, khiến cơ hàm phải nhai nhiều như kẹo cao su.

– Bỏ thói quen cắn móng tay.

– Nên nằm ngửa khi ngủ. Không nên nằm sấp với tư thế nghiêng đầu sang một bên bởi có thể gây căng cổ, sái hàm…

– Tránh ngồi làm việc quá lâu. Sau mỗi 1 tiếng làm việc, nên tập các bài tập thư giãn toàn thân, đặc biệt tập trung vào cổ và cơ mặt.

– Hạn chế thói quen đeo cặp/đeo túi nặng một bên vai. Hãy giảm tải đồ đạc trong túi hoặc thay đổi vai đeo liên tục để ngăn ngừa sự tổn thương lên cổ và cột sống.

người bị rối loạn khớp hàm nên ăn gì

Ưu tiên các đồ ăn dễ nuốt, dạng lỏng để khớp hàm không bị kích thích trong hoạt động nhai

Trên đây là những biện pháp khắc phục viêm khớp hàm thái dương tại nhà hiệu quả và dễ áp dụng. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp những kiến thức bổ ích giúp bạn hiểu thêm và có cách cải thiện bệnh hiệu quả hơn nhé.

Từ khóa » Chẩn đoán Trật Khớp Thái Dương Hàm