Viêm Thượng Củng Mạc: Triệu Chứng Và Cách điều Trị

Viêm thượng củng mạc là một bệnh về mắt lành tính thường xảy ra ở những người trẻ, thường là nữ giới, nhiều hơn ở lứa tuổi 40.

Viêm thượng củng mạc là gì?

Viêm thượng củng mạc: Triệu chứng và cách điều trị - Bệnh Viện Mắt Sài Gòn

Viêm thượng củng mạc là tình trạng viêm vùng mô giữa phần trắng của mắt (còn gọi là củng mạc) và phần màng bao bọc mắt (còn gọi là kết mạc). Bệnh thường xảy ra ở những người trẻ, thường ở nữ giới, nhiều hơn ở lứa tuổi 40.

Viêm thượng củng mạc là bệnh viêm lành tính đặc trưng bởi phù và thâm nhiễm tế bào của tổ chức thượng củng mạc. Được điều trị hoặc không, bệnh sẽ tự giới hạn sau ít ngày, mặc dù bệnh có thể tái phát trong nhiều năm nhưng không bao giờ gây tổn hại tới mắt. Trong hai phần ba các trường hợp, bệnh được coi là không có căn nguyên.

Triệu chứng bệnh viêm thượng củng mạc

Triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh viêm thượng củng mạc là cảm giác khó chịu được mô tả như kích thích, cộm, nóng, dấu hiệu chủ yếu là đỏ mắt có thể ở một khu vực hoặc lan tỏa toàn bộ thượng củng mạc. Đỏ mắt có mức độ khác nhau có thể hồng nhẹ hoặc đỏ tươi nhưng không có sắc xanh nhạt của viêm củng mạc. Viêm thượng củng mạc không bao giờ phát triển thành viêm củng mạc.

Trường hợp bệnh nặng có thể phù mi nhẹ, co thắt cơ nội nhãn gây co đồng tử và cận thị tạm thời. Triệu chứng khác gồm có chảy nước mắt và sợ ánh sáng nhẹ.

Phân loại viêm thượng củng mạc

phân loại viêm thượng củng mạc

Viêm thượng củng mạc có thể được chia làm hai loại chính là viêm thượng củng mạc đơn thuần và viêm thượng củng mạc nốt. Cả hai loại đều có những tính chất đã được mô tả ở trên nhưng chúng khác nhau về thời điểm xuất hiện triệu chứng, vị trí tổn thương, tiến triển lâm sàng.

Viêm thượng củng mạc đơn thuần

Viêm thượng củng mạc đơn thuần hay gặp hơn so với viêm thượng củng mạc nốt. Vùng viêm có phù và cương tụ tỏa lan. Đỏ xuất hiện nhanh chóng sau khi có triệu chứng, đạt mức tối đa sau vài giờ, sau đó giảm dần trong thời gian từ 5 đến 60 ngày.

Các đợt viêm thường tự giới hạn và hết không cần điều trị. Tái phát trên cùng một mắt hoặc ở mắt khác, tại cùng vị trí hoặc nơi khác có thể xảy ra trong vòng hai tháng. 60% bệnh nhân viêm thượng củng mạc đơn thuần bị tái phát trong vòng 3 đến 6 năm sau khi bị bệnh.

Viêm thượng củng mạc nốt

Trong viêm  thượng củng mạc nốt, đỏ xuất hịên từ từ hơn trong vòng hai ba ngày. Quá trình viêm khu trú ở một vùng tạo ra một nốt viêm màu dỏ sẫm với cương tụ xung quanh nhẹ hơn.

Nốt viêm thường có kích thước từ 2 đến 6 mm. Kết mạc bên trên có thể di động so với củng mạc. Nốt viêm này tiến triển mạn tính, trở lên phẳng hơn, nhạt màu hơn và mất hẳn sau 4 – 6 tuần. Khi nốt viêm mất đi, vùng củng mạc bên dưới vẫn bình thường.

Nếu như có mỏng củng mạc thì cần phải nghi ngờ có viêm củng mạc. Tái phát có thể xảy ra trên cùng mắt hoặc trên mắt kia, ở cùng vị trí hay ở vị trí khác, đôi khi có thể có vài nốt viêm cùng xảy ra. Cần chẩn đoán phân biệt viêm thượng củng mạc nốt với viêm kết mạc bọng và viêm củng mạc bằng khám trên đèn khe.

Nguyên nhân gây bệnh viêm thượng củng mạc

nguyên nhân viêm thượng củng mạc

Cho đến nay, viêm thượng củng mạc vẫn chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có liên quan đến các bệnh lý toàn thân như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sốt dính khớp, bệnh lupus hệ thống, nhiễm trùng đường ruột, bệnh gout, nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus như bệnh giang mai, bệnh zona…

Điều trị bệnh viêm thượng củng mạc

điều trị viêm thượng củng mạc

Viêm thượng củng mạc toả lan đơn thuần không điều trị cũng sẽ tự khỏi mà không để lại di chứng. Thuốc tra có corticoid không chỉ có hai do tác dụng phụ của chúng mà còn làm quá trình bệnh kéo dài hơn, tỷ lệ tái phát cao hơn sau khi ngừng thuốc và hiệu ứng bùng nổ bệnh làm cho bệnh nặng hơn khi tái phát.

Điều trị viêm thượng củng mạc toả lan đơn thuần chỉ cần thuốc bổ trợ như chườm lạnh hoặc nước mắt nhân tạo. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho thấy các thuốc chống viêm không corticoid cũng không có hiệu quả.

Nếu bệnh nhân yêu cầu điều trị vì lý do nghề nghiệp hoặc một số trường hợp viêm nốt thương củng mạc cần điều trị thuốc được dùng sẽ là thuốc chống viêm không corticoid uống toàn thân liên tục trong 6 tháng sau đó giảm dần liều và theo dõi tình trạng tái phát.

Viêm thượng củng mạc phối hợp với các bệnh đặc hiệu cũng  cần điều trị bằng thuốc chống viêm không có corticoid toàn thân và điều trị đặc hiệu cho bệnh phối hợp. Cơ địa dị ứng atopy cần kiểm soát môi trường phù hợp và dùng thuốc kháng Histamin toàn thân.

Gout cần được điều trị bằng allopurinol. Bệnh nhân bị chứng cá đỏ cần dùng tetracyclin uống. Plaquenil uống 200mg, 2 lần/ ngày có hiệu quả trong điều trị các bệnh chứng mắt (viêm thượng củng mạc) và da trong  luput ban đỏ rải rác. Bệnh nhân có viêm nốt thượng củng mạc phối hợp với viêm khớp dạng thấp thường đáp ứng với loại thuốc chống viêm không corticoid nào đó và như vậy cần điều trị thư để tìm ra loại phù hợp.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

BS. Nguyễn Thị Phương

Tài liệu tham khảo:

https://www.healthline.com/health/episcleritis

https://www.college-optometrists.org/guidance/clinical-management-guidelines/episcleritis.html

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1268179

https://www.verywellhealth.com/episcleritis-3421990

https://emedicine.medscape.com/article/1228246-overview

Từ khóa » Củng Mạc Tiếng Anh