Viêm Tủy Răng: Nguyên Nhân, Chẩn đoán Và Cách điều Trị - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Nguyên nhân của viêm tủy răng
  • 2. Các giai đoạn của viêm tủy răng và các triệu chứng liên quan
  • 3. Các yếu tố nguy cơ là gì?
  • 4. Viêm tủy răng được chẩn đoán như thế nào?
  • 5. Điều trị viêm tủy răng
  • 6. Kiểm soát đau
  • 7. Phòng ngừa viêm tủy răng

Mô tủy là lớp trong cùng, trung tâm của răng, được bao phủ bên ngoài bởi men và ngà răng. Tủy răng chứa mạch máu – nguồn cung cấp dinh dưỡng và các dây thần kinh cho răng. Viêm tủy răng là tình trạng tủy răng bị viêm nhiễm gây đau đớn. Tình trạng này liên quan đến sâu răng không được điều trị, chấn thương, hoặc thủ thuật nha khoa. Triệu chứng cốt lõi là đau, có thể xảy ra ở một hoặc nhiều răng.

Tuy nhiên, mức độ cảm giác đau khác nhau tùy mỗi người. Nếu viêm tủy răng được phát hiện sớm, điều trị thành công sẽ giữ được răng. Nếu không được điều trị, tình trạng viêm nhiễm lây lan sang mô nha chu dễ dẫn đến mất răng.

1. Nguyên nhân của viêm tủy răng

Tủy răng này được tạo thành từ các mạch máu, dây thần kinh và mô liên kết rất nhạy cảm với sự nhiễm trùng. Trong một chiếc răng khỏe mạnh, các lớp men và ngà răng bảo vệ tủy răng khỏi bị nhiễm trùng. Một khi các mô cứng này bị tổn thương, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào vết nứt và tấn công trực tiếp vào phần mô mềm, gây viêm tủy răng, gây sưng tấy.

Tủy răng nằm trọn bên trong các thành hốc tủy của răng, do đó, khi nhiễm trùng làm sưng tấy, gây áp lực sẽ làm chúng ta đau đớn.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Răng - Hàm - Mặt, tải ngay ứng dụng YouMed.

Các lớp men và ngà răng có thể bị hư hại gây viêm tủy răng, trong các trường hợp sau:

  • Sâu răng là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng tủy răng. Sâu răng nếu không được điều trị sẽ trở nên lớn và sâu xâm nhập qua lớp men và ngà để vào tủy răng
  • Áp xe nướu (hoặc áp xe nha chu) bắt nguồn từ túi nướu nhiễm trùng bên ngoài chân răng, có thể phát triển về phía chóp răng, ảnh hưởng đến tủy răng
  • Tai nạn gây chấn thương răng (như té xe hoặc các đòn đánh vào mặt..), có khả năng làm nứt gãy răng, dẫn đến hở buồng tủy
  • Chấn thương lặp đi lặp lại do các thói quen răng miệng xấu, chẳng hạn như tật nghiến răng
  • Thay đổi nhiệt độ thức ăn/đồ uống đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh có thể ảnh hưởng đến tủy răng
  • Mòn răng/gãy răng: chải răng quá mạnh hoặc sai kỹ thuật trong thời gian dài, mòn răng do tuổi tác hoặc các tác nhân hóa học, có thể dẫn đến mài mòn lớp men và ngà, kích thích đến tủy răng.
  • Các thủ thuật nha khoa kích thích đến mô tủy răng như các điều trị nha khoa mài răng để bọc mão hoặc trám răng quá gần buồng tủy

2. Các giai đoạn của viêm tủy răng và các triệu chứng liên quan

  • Giai đoạn 1: Viêm tủy răng có hồi phục

Viêm tủy răng có hồi phục trong các trường hợp viêm nhẹ và tủy răng vẫn đủ khỏe mạnh để lành thương. Không có nhiều triệu chứng dễ nhận biết ở giai đoạn đầu của nhiễm trùng tủy răng. Các triệu chứng thường bao gồm đau nhẹ, hoặc ê buốt răng khi ăn hoặc uống thứ gì đó quá nóng hoặc quá lạnh mà bệnh nhân dễ dàng bỏ qua. Trong một số trường hợp, viêm tủy có thể xảy ra ngay cả khi không có cảm giác đau. Giai đoạn ban đầu này chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn. Nếu bệnh sớm được chẩn đoán ở giai đoạn này, việc điều trị có thể chữa khỏi. Viêm tủy có thể hồi phục.

  • Giai đoạn 2: Viêm tủy răng không hồi phục

Viêm tủy răng không hồi phục xảy ra khi tình trạng viêm và các triệu chứng nghiêm trọng, không thể cứu được tủy. Bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn và đau đớn trong giai đoạn này. Các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn, dễ nhận biết, bao gồm:

  • Cơn đau liên quan đến viêm tủy không hồi phục có thể nghiêm trọng hơn, và xảy ra suốt cả ngày lẫn đêm. Đôi lúc đau về đêm, khi nằm khiến bệnh nhân không ngủ được. Mức độ đau bắt đầu tăng lên ở vùng răng bị nhiễm trùng. Sưng tấy quanh mặt, hàm hoặc cổ. Phản ứng đau đớn kéo dài với các kích thích.
  • Áp xe – tổn thương tạo mủ hình thành trên vùng nướu xung quanh răng, tương tự như mụn nhỏ hoặc mụn nước.
  • Vị đắng hoặc chua ở trong miệng.
  • Răng quá nhạy cảm hoặc đau khi tiếp xúc với thức ăn/đồ uống, các kích thích nóng lạnh kéo dài
  • Răng cũng có thể có nhạy cảm với thức ăn ngọt.
  • Sốt, sưng hạch bạch huyết, hơi thở hôi (trường hợp nặng).
  • Giai đoạn 3: Tủy hoại tử (chết)

Viêm tủy răng không hồi phục có thể dẫn đến chết tủy, vùng nhiễm trùng này phát triển ở quanh chóp răng, từ đó tạo ra một túi mủ. Các giai đoạn sau của áp xe răng không chỉ liên quan đến chiếc răng đó, mà còn lây lan nhiễm trùng sang các cấu trúc lân cận. Nhiễm trùng này có thể lây lan đến các mô nha chu xung quanh răng. Áp xe có thể dẫn đến tiêu xương và làm lung lay răng bị tổn thương.

Nếu tình trạng tiêu xương quanh răng nhiều, răng bị nhiễm trùng phải được nhổ. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng này thậm chí có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như các xoang vùng hàm mặt. Tình huống xấu nhất là giai đoạn cuối, áp xe răng lan tỏa có khả năng gây tử vong.

viêm tủy răng
Từ sâu răng đến viêm tủy răng

3. Các yếu tố nguy cơ là gì?

Viêm tủy răng được quyết định bởi ý thức chăm sóc và thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày. Bất cứ yếu tố nào làm tăng nguy cơ sâu răng đều có thể là nguy cơ của viêm tủy.

Các thói quen trong lối sống làm tăng nguy cơ viêm tủy, bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng kém, chẳng hạn như không đánh răng đúng thời điểm và đúng cách, không thăm khám nha khoa định kỳ.
  • Chế độ ăn nhiều đường, tiêu thụ thực phẩm và đồ uống gây sâu răng, chẳng hạn như carbohydrate tinh chế.
  • Tần suất sử dụng đường trong ngày cao.
  • Nghề nghiệp hoặc thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng.
  • Nghiến răng mãn tính.
  • Tuổi già, sử dụng nhiều loại thuốc chữa các bệnh toàn thân, có tác dụng phụ gây giảm số lượng và chất lượng nước bọt.

4. Viêm tủy răng được chẩn đoán như thế nào?

Nha sĩ có thể chẩn đoán viêm tủy răng dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân và một số thử nghiệm độ sống tủy. Nha sĩ cũng có thể yêu cầu chụp một số phim X-quang để xác định mức độ sâu và đánh giá tình trạng viêm.

Các thử nghiệm kiểm tra độ sống của tủy có thể được thực hiện. Thử nghiệm sẽ cho ra kết quả các răng đó có cảm thấy đau hoặc khó chịu, khi răng tiếp xúc với các kích thích nóng, lạnh hoặc ngọt hay không. Mức độ và thời gian phản ứng với các kích thích cũng có thể giúp nha sĩ quyết định xem viêm tủy đã ảnh hưởng đến một phần hay toàn bộ tủy răng.

Thử nghiệm gõ răng cũng thường xuyên được thực hiện, nha sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ để gõ nhẹ vào răng bị ảnh hưởng. Từ đó có thể giúp nha sĩ xác định tình trạng viêm đã lan ra vùng mô quanh chóp răng hay chưa.

Nha sĩ cũng có thể phân tích mức độ hư hại của tủy răng bằng máy thử điện. Máy thử điện này sẽ truyền một dòng điện nhỏ đến tủy răng. Nếu bạn có thể cảm nhận được dòng điện này, thì tủy răng của bạn vẫn có thể hồi phục được.

5. Điều trị viêm tủy răng

Tùy thuộc vào tình trạng viêm mà nha sĩ sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau.

Nếu tình trạng được xác định là viêm tủy có khả năng hồi phục, điều trị loại bỏ nguyên nhân là đủ để chữa lành mô tủy. Ví dụ, nếu viêm tủy do bị sâu răng, loại bỏ mô răng sâu và phục hồi bằng trám răng sẽ giải quyết tình trạng viêm tủy răng có hồi phục.

Nếu răng bị viêm tủy không hồi phục, bác sĩ chuyên khoa nội nha sẽ điều trị cho bạn. Bác sĩ sẽ tiến hành mở tủy răng. Sau đó, lấy sạch mô tủy răng và tạo dạng ống tủy bằng các trâm nội nha. Sau khi lấy sạch tủy, buồng tủy và ống tủy rỗng bên trong răng sẽ được bơm rửa sát trùng. Kết thúc điều trị nội nha, răng sẽ được trám bít bằng vật liệu tương hợp sinh học.

Tuy nhiên trong một số trường hợp tiên lượng xấu, khi mô tủy đã hoại tử. Vùng hoại tử hình thành áp xe tiêu phần lớn xương xung quanh răng. Điều trị bằng cách nhổ răng có thể được xem xét.

Sau khi được điều trị, hãy cho bác sĩ biết nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Đau dữ dội.
  • Sưng bên trong hoặc bên ngoài miệng.
  • Cảm giác áp lực.
  • Tái phát các triệu chứng ban đầu.
viêm tủy răng
Trước và sau điều trị viêm tủy răng

6. Kiểm soát đau

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc để kiểm soát cơn đau. Các loại thuốc có thể được sử dụng trước và sau điều trị.

Các thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau, hoặc thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID). Hãy trao đổi để nha sĩ có thể kê toa một loại thuốc và liều lượng phù hợp với bạn. Thông thường, các bác sĩ chỉ cần kê toa các loại thuốc giảm đau thông thường. Ở trường hợp răng bị viêm tủy cấp, đau về đêm và rất đau. Nha sĩ có thể cần phải kê đơn các loại thuốc giảm đau mạnh hơn. Kháng sinh hiếm khi được sử dụng trong các bệnh lý viêm tủy răng.

7. Phòng ngừa viêm tủy răng

Phòng ngừa viêm tủy răng cũng giống như phòng ngừa sâu răng thông thường. Viêm tủy có thể phòng tránh được bằng cách giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt. Cùng với việc đến gặp nha sĩ khám răng định kì, 6 tháng một lần. Giảm việc sử dụng thực phẩm có đường như nước ngọt có đường, bánh ngọt và kẹo…

Hạn chế các chấn thương, tai nạn lên vùng răng hàm mặt. Nếu bị chấn thương, hãy đến cơ sở y tế sớm nhất để kiểm tra y khoa và nha khoa.

Viêm tủy răng là một bệnh nha khoa rất thường gặp. Qua bài viết này, các bạn đã có những kiến thức cơ bản về viêm tủy răng. Nếu bạn có các cơn đau trong miệng, hãy đến cơ sở nha khoa để khám càng sớm càng tốt.

Trường hợp nếu răng viêm tủy nhẹ, điều trị sớm sẽ ngăn ngừa bệnh lý viêm tủy không hồi phục. Viêm tủy răng nhẹ có thể được điều trị bằng cách loại bỏ sâu và trám răng, nội nha. Nếu không điều trị, bệnh lý có thể quá nặng đến mức phải nhổ răng. Giữ gìn vệ sinh răng miệng là yếu tố quan trọng trong việc duy trì hàm răng tốt. Giúp đạt được cả thẫm mỹ và chức năng, phòng tránh các bệnh về răng hàm mặt.

Từ khóa » Tính Chất đau Của Viêm Tuỷ Răng Không Hồi Phục