Viện Kiểm Sát Nhân Dân Cấp Cao Là Gì? Quyền Hạn, Nhiệm Vụ Của ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là gì?
  • 2 2. Quyền hạn, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao:
  • 3 3. Nguyên tắc hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao:

1. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là gì?

Sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao được lí giải bởi việc tổ chức Viện kiểm sát theo ba cấp trước đấy gắn với các cơ quan hành chính và các cơ quan nhà nước ở địa phương đã bộc lộ các hạn chế, cũng như dễ chịu sự chi phối, ảnh hưởng tới tính độc lập trong hoạt động tố tụng của các cơ quan hành chính.

Điều 40 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định hệ thống Viện kiểm sát bao gồm:

(1) Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

(2) Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

(3) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố thuộc trung ương;

(4) Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương;

(5) Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Căn cứ vào quy định này, có thể đưa ra giải thích về Viện kiểm sát nhân dân cấp cao như sau: “Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là cấp kiểm sát trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân. Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao là cấp dưới trực tiếp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và là cấp trên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử”

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao trong Tiếng Anh là “High-level People’s Procuracy”.

2. Quyền hạn, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao:

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao được quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 như sau:

“Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao.”

Đây là hai nhiệm vụ đặc trưng và xuyên suốt của toàn ngành kiểm sát, sự khác nhau giữa các cấp Viện kiểm sát là phạm vi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đã quy định về nhiệm vụ quyền hạn trên như sau:

“Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với các bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có kháng cáo, kháng nghị; Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Kiểm sát bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, phát hiện bản án, quyết định có vi phạm để kháng nghị hoặc kháng nghị bổ sung theo thủ tục phúc thẩm. Theo dõi, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm; rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh khi xét thấy không có căn cứ; kháng nghị hoặc thông báo không kháng nghị phúc thẩm khi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có báo cáo đề nghị”

Xem thêm: Phân tích ý nghĩa và vai trò của kiểm sát hoạt động tư pháp 

Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao còn có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm( Đây là thẩm quyền trước kia được trao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh). Thẩm quyền này được thể hiện qua Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

Điều 373. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

…3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”

Điều 400. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

…3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”

Trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

Điều 331. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

2.Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”

Điều 354. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Xem thêm: Mẫu yêu cầu tự kiểm tra thi hành án hình sự, thông báo kết quả cho Viện kiểm sát

3. Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.”

Xét trong hệ thống Viện kiểm sát nhân nhân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao còn có quyền chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân cấp cao còn có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

-Tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn, thông báo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật và thực hiện quyền kháng nghị.

– Phát hiện bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cùng cấp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới để thông báo, đề xuất việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

– Thông qua công tác kiểm sát xét xử phát hiện, tổng hợp tình hình vi phạm để kiến nghị, yêu cầu khắc phục; thông báo rút kinh nghiệp, đề xuất với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có biện pháp giải quyết; tổng hợp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để giải đáp, hướng dẫn hoặc đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp, hướng dẫn; xây dựng đề tài, đề án, chuyên đề nghiệp vụ.

– Thông qua công tác kiểm sát xét xử phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thực hiện quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

– Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm tra xét xử các vụ án hình sự, kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện theo quy chế nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

– Thực hiện công tác tổ chức cán bộ, công tác thanh tra, công tác tài chính, hành chính quản trị và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, của ngành để bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

– Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cao trong hoạt động tư pháp của Tòa án nhân dân cấp cao. Thực hiện trách nhiệm trong việc giải quyết bồi thường nhà nước; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật và quy chế, quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

Xem thêm: Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân ngày 24/11/2014 của Quốc hội

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

3. Nguyên tắc hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao:

– Viện kiểm sát nhân dân cấp cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

– Mọi hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chế và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân, sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng, các Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức và người lao động khác phải thực hiện đúng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quy định.

– Bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo đúng quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác.

– Bảo đảm phát huy năng lực và sở trường của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức; đề cao sự phối hợp trong công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

– Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và hiệu quả trong mọi hoạt động.

Như vậy, sự ra đời và phát triển của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là hoàn toàn phù hợp, tương xứng với hệ thống Tòa án, nhằm kiểm soát hoạt động tư pháp một cách tốt nhất, hơn nữa, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao còn chia sẻ gánh nặng giữa các cấp kiểm sát, tạo điều kiện để mỗi cấp hoàn thành nhiệm vụ. Trong tương lại, ngành Kiểm sát nên có nhiều sự thay đổi hơn nữa trong cơ cấu tổ chức, đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, biến cơ quan này đóng vai trò chủ chốt, trước khi “đến với” Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014;

– Luật tố tụng hình sự năm 2015;

– Luật tố tụng dân sự năm 2015;

– Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 17 tháng 6 năm 2020 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

Từ khóa » Chức Năng Của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Cấp Cao