Viện Kiểm Sát Nhân Dân Thành Phố Hà Nội

        Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, đáp ứng trong tình hình mới, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã ban hành một số Chỉ thị và đề ra nhiều giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, không ngừng nâng cao khả năng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên, đảm bảo việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Trước tình hình yêu cầu thực tiễn xã hội đòi hỏi ngày càng cao về năng lực trình độ của cán bộ trong ngành tư pháp, sự tuân thủ chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác giải quyết các vụ án hình sự phải khách quan, tôn trọng sự thật, tội phạm phải được phát hiện và xử lý; quyền lợi hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân phải được bảo vệ. Tuy nhiên, bên cạnh các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thì xã hội cũng rất cần lực lượng cán bộ tư pháp phải chấp hành các quy định của pháp luật về nguyên tắc “suy đoán vô tội”, quan tâm đến chứng cứ ngoại phạm, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, không để người vô tội bị oan ức, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

        Để phục vụ tốt cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử thì ngay từ khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải đánh giá và yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ 06 vấn đề cần phải được chứng minh trong vụ án hình sự, đây là những vấn đề then chốt bắt buộc phải được giải quyết, gồm: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, lỗi do cố ý hay vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích, động cơ của tội phạm; những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân và điều kiện phạm tội; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự. 

        Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số phương pháp thẩm vấn, đấu tranh đối với bị cáo tại phiên tòa, biện pháp sử dụng chứng cứ có giá trị chứng minh, tính thuyết phục để buộc tội bị cáo và giải quyết tình huống do người tham gia phiên tòa đề nghị, tạo sự đồng thuận thống nhất của Hội đồng xét xử, những người tham gia phiên tòa và dư luận xã hội.

        1. Trường hợp bị cáo khai nhận thực hiện hành vi phạm tội:

        Kiểm sát viên phải kiểm tra các chứng cứ khác để xác định lời khai nhận tội của bị cáo là có khách quan, đúng sự thật hay không; xem xét động cơ khai nhận thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo có thực sự là thành khẩn hay việc khai nhận để che giấu một ý đồ khác như: thừa nhận việc thực hiện tội phạm nhẹ để che giấu hành vi đã thực hiện tội phạm nặng hơn; hoặc nhận thực hiện hành vi phạm tội về mình để che giấu người khác thực hiện hành vi phạm tội; hoặc nhận thực hiện hành vi phạm tội với thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải mong được giảm nhẹ, khoan hồng hay vì lý do nào khác. Việc bị cáo nhận thực hiện hành vi phạm tội cần phải được xác định rõ động cơ, mục đích. Chỉ có thể kết luận bị cáo phạm tội khi lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án; không sử dụng lời khai nhận tội duy nhất của bị cáo để làm căn cứ kết luận.

        2. Trường hợp bị cáo không nhận thực hiện hành vi phạm tội:

        Khi xét hỏi, bị cáo ngoan cố không khai nhận thực hiện hành vi phạm tội bị Viện kiểm sát truy tố, Chủ tọa phiên tòa đề nghị Kiểm sát viên tham gia xét hỏi đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Việc xét hỏi của Kiểm sát viên phải khác biệt so với xét hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX), xét hỏi của Kiểm sát viên thường ngắn gọn, rõ ràng; Kiểm sát viên đặt ngay câu hỏi để bị cáo trả lời, tập trung vào những tình tiết mà HĐXX chưa đề cập đến, tập trung vào việc làm rõ động cơ, mục đích bị cáo không khai nhận thực hiện hành vi phạm tội; Kiểm sát viên công bố bản tường trình bị cáo đã tự viết khai nhận hành vi phạm tội trước đó hoặc công bố lời khai nhận tội tại Cơ quan điều tra, yêu cầu bị cáo trả lời lý do khai báo khác; đặc biệt Kiểm sát viên chú ý công bố biên bản hỏi cung có luật sư tham gia, vì đây là các tài liệu có tính đấu tranh và thuyết phục cao tại phiên tòa. Trường hợp bị cáo ngoan cố không khai báo, thì việc Kiểm sát viên tập trung hỏi những người tham gia tố tụng khác cũng như xem xét vật chứng, tài liệu khác là vô cùng quan trọng và cần thiết vì có ý nghĩa chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo để kịp thời đưa ra các chứng cứ có tính thuyết phục và làm cơ sở khẳng định bị cáo ngoan cố, gian dối, trốn trách nhiệm trước pháp luật. Việc Kiểm sát viên xét hỏi trong trường hợp này được thực hiện theo hướng buộc tội và bảo vệ bản cáo trạng của Viện kiểm sát.

        Khi hỏi người tham gia tố tụng khác nhằm mục đích làm sáng tỏ hơn nữa về các tình tiết của vụ án để phục vụ cho việc buộc tội; hỏi người bị hại, đại diện người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về quan điểm đề nghị xử lý về hình sự, dân sự để làm căn cứ chuẩn bị cho luận tội ở phần tranh tụng. Ngoài việc hỏi trực tiếp của Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Kiểm sát viên còn nhận xét vật chứng đã thu giữ; trình bày nhận xét của mình về nơi xảy ra tội phạm; nhận xét về kết luận giám định đầy đủ khách quan để khẳng định kết luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa về vụ án là chính xác, đầy đủ, không bị oan.

        3. Trường hợp bị cáo không khai báo:

        Kiểm sát viên chủ động phối hợp với HĐXX để tham gia xét hỏi, khi được sự đồng ý của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên công bố các lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra; đưa ra vật đã thu giữ để đánh giá nhận xét và khẳng định giá trị chứng minh hành vi phạm tội. Kiểm sát viên nêu nội dung kết luận giám định và nhận xét đánh giá, khẳng định giá trị chứng minh của bản kết luận giám định.

        Kiểm sát viên công bố lời khai người làm chứng, trong trường hợp người làm chứng không có mặt tại phiên tòa; trường hợp người làm chứng có mặt tại phiên tòa thì hỏi người làm chứng về mối quan hệ với bị cáo, lời trình bày những gì mà người làm chứng biết, lý do biết sự việc để xác định giá trị chứng minh. Khi hỏi người làm chứng, Kiểm sát viên không được nóng vội thúc giục họ khai báo, mà phải bình tĩnh đặt câu hỏi tạo sự thoải mái cho người làm chứng để họ yên tâm khai báo tự nguyện và đúng những gì mà họ đã nhìn thấy, nghe thấy, trường hợp người làm chứng chưa đủ 18 tuổi thì phải có người đại diện hợp pháp. Trước khi hỏi người làm chứng, Kiểm sát viên cần quan sát đánh giá có mặt bị cáo thì người làm chứng có dám khai báo đúng sự thật không để có phương án đề nghị Chủ tọa cho cách ly bị cáo ra khỏi phòng xử án. Trường hợp tại phiên tòa, người làm chứng khai khác với lời khai tại Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên nêu nội dụng lời khai của người làm chứng tại Cơ quan điều tra; hỏi người làm chứng lý do tại sao khai khác nhau không thống nhất, có phải bị đe dọa hoặc bị mua chuộc hoặc có quan hệ lý do nào khác để đánh giá lời khai tại phiên tòa hay lời khai tại Cơ quan điều tra là chính xác.

        Hỏi người bị hại trong trường hợp người bị hại biết tình tiết về sự việc phạm tội. Khi hỏi Kiểm sát viên cần chú ý tâm lý của người bị hại, thông thường người bị hại muốn trừng trị nặng người phạm tội, yêu cầu bồi thường cao (như tội giết người, hiếp dâm...) nên việc khai báo có phần phụ thuộc vào tâm lý và suy diễn của bị hại; việc hỏi người bị hại không hỏi những tình tiết ảnh hưởng đến nhân phẩm hoặc quá xúc động.

        4. Trường hợp bị cáo vắng mặt tại phiên tòa:

        Hội đồng xét xử thông báo bị cáo vắng mặt không đến phiên tòa theo triệu tập của Tòa án, Kiểm sát viên phải kiểm tra lý do bị cáo vắng mặt để có hướng xử lý đề nghị hoãn phiên tòa hay xét xử, nếu thuộc một trong các căn cứ sau:

        Bị cáo vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan mà việc áp giải không có kết quả; hoặc vắng mặt vì lý do bất khả kháng; hoặc do trở ngại khách quan thì Kiểm sát viên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

        Bị cáo vắng mặt với lý do bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo; hoặc bỏ trốn thì Kiểm sát viên đề nghị HĐXX tạm đình chỉ vụ án, Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.

        Bị cáo vắng mặt với các lý do: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập được đến phiên tòa; bị cáo vắng mặt không vì lý do bất khả kháng, không do trở ngại khách quan và không gây trở ngại cho việc xét xử; bị cáo đề nghị được xét xử vắng mặt thì Kiểm sát viên đề nghị Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa quyết định tiếp tục xét xử vụ án.

        5. Trường hợp bị cáo nhận tội thay người khác:

        Tại phiên tòa, bị cáo khai báo nhận tội đã thực hiện hành vi phạm tội thay cho người người khác, Kiểm sát viên xác định và đánh giá lời khai của bị cáo theo nguyên tắc là không sử dụng lời khai của bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội, lời khai có thể thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm lý, điều kiện tác động bên ngoài như mua chuộc hoặc bị cưỡng ép, lời khai có thể đúng ở vấn đề này nhưng cũng có thể không đúng ở vấn đề khác; pháp luật quy định chỉ được sử dụng lời khai làm căn cứ buộc tội khi phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác. Do vậy, đòi hỏi Kiểm sát viên đánh giá lời khai của bị cáo tại phiên tòa phải dựa trên cơ sở rất quan trọng là vật chứng của vụ án, bởi vì vật chứng là chứng cứ khách quan nhất, vật chứng không biết nói dối mà chỉ biết phản ánh đúng sự thật. Với quan điểm “trọng chứng hơn trọng cung” đòi hỏi, lời khai của bị cáo phải được đối chiếu với các tài liệu khác như biên bản hoạt động điều tra (biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản khám xét, biên bản khám nghiệm hiện trường...), lời khai người làm chứng, người chứng kiến và lời khai của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để tìm ra những tình tiết không phù hợp với lời khai nhận tội thay cho người khác.

        Khi xét hỏi bị cáo, Kiểm sát viên hỏi rõ về động cơ, mục đích bị cáo nhận tội thay có phải do bị mua chuộc hay bị cưỡng ép? yêu cầu bị cáo trình bày chi tiết việc thực hiện hành vi phạm tội để tìm ra tình tiết không hợp lý của lời khai, có mâu thuẫn với sự việc của vụ án như: điều kiện ánh sáng, khoảng cách, thời tiết, thời gian thực hiện...; đưa ra căn cứ và nhận xét các căn cứ chứng minh lời khai của bị cáo tại phiên tòa là không có cơ sở, không phù hợp với diễn biến của vụ án, như trên hiện trường xảy ra vụ án gây thương tích có 02 vết máu, kết quả giám định gen (ADN) có 01 vết máu của nạn nhân, còn 01 vết máu không phải là của bị cáo, kết quả kiểm tra trên người bị cáo không có vết thương, chứng tỏ bị cáo không trực tiếp thực hiện hành vi gây thương tích cho nạn nhân mà cần xem xét đánh giá vai trò của bị cáo tham gia với vai trò đồng phạm chủ mưu hay giúp sức. Kiểm sát viên nhận định và nhận xét việc bị cáo khai nhận thay người khác là nhằm mục đích che giấu hoặc nhận thay một phần nhằm giảm nhẹ tội cho người khác theo quy định của pháp luật thì không được hưởng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” đồng thời nêu lại các căn cứ chứng minh bị cáo đã nhận tội thay người khác để buộc bị cáo phải thừa nhận lời khai tại phiên tòa là không chính xác, không đúng với diễn biến của vụ án.

        6. Trường hợp tại phiên tòa người bị hại rút yêu cầu khởi tố:

        Điều 155 của Bộ luật TTHS quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về các tội quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 BLHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái ý muốn do bị ép buộc, cưỡng bức.

        Trường hợp tại phiên tòa, người bị hại rút yêu cầu khởi tố, thì Kiểm sát viên được phân công duy trì giữ quyền công tố tại phiên tòa cần phải xác định việc rút yêu cầu của người bị hại có đảm bảo 02 điều kiện: Một là vụ án được khởi tố về một trong các tội quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 BLHS, khi có yêu cầu khởi tố của bị hại; Hai là người bị hại rút yêu cầu khởi tố không bị ép buộc, không bị cưỡng bức, việc bị hại rút yêu cầu khởi tố là hoàn toàn tự nguyện, không trái ý muốn.

        Trường hợp vụ án có người đồng phạm, nhưng tại phiên tòa người bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với một bị cáo hoặc một số bị cáo và tiếp tục đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo đồng phạm khác: Khi gặp tình huống này, Kiểm sát viên phải nắm chắc và hiểu rõ quy định của Điều 155 Bộ luật TTHS là “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về các tội quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 BLHS khi có yêu cầu của bị hại”. Do vậy, yêu cầu khởi tố của người bị hại là yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, chứ không phải là yêu cầu khởi tố đối với các bị cáo nên việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc một số bị cáo và đề nghị tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác là không có cơ sở pháp luật để đình chỉ điều tra đối với bị cáo đã được người bị hại rút yêu cầu khởi tố. Kiểm sát viên phải hỏi rõ, giải thích cho người bị hại biết phạm vi về quyền được yêu cầu khởi tố và quyền được rút yêu cầu khởi tố, Kiểm sát viên khẳng định người bị hại yêu cầu rút khởi tố đối với một hoặc một số bị cáo và đề nghị tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm khác tại phiên tòa là không có căn cứ, đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị rút yêu cầu của người bị hại.

        7. Tại phiên tòa, đương sự (người bị hại) đề nghị được xét xử kín để bảo vệ bí mật đời tư:

        Theo quy định tại Điều 25 của Bộ luật TTHS: “...Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xử kín nhưng phải tuyên án công khai”. Như vậy, pháp luật quy định phiên tòa được xét xử kín là gồm có: HĐXX, Kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, những người tham gia tố tụng cần thiết khác. Người nhà, người thân của đương sự, nhà báo hoặc những người dân khác không được có mặt trong phòng xử án để theo dõi diễn biến phiên tòa.

        Phiên tòa được xét xử kín phải đảm bảo một trong các yêu tố: một là đương sự phải có đơn đề nghị được xét xử kín trước khi Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử; hai là Tòa án xem xét điều kiện xét xử kín: cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng để có thể quyết định xét xử kín.

        Trường hợp sau khi mở phiên tòa, người bị hại đề nghị được xét xử kín với lý do để đảm bảo bí mật đời tư thì Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phải xác định ngay vụ án đã được Tòa án quyết định đưa ra xét xử công khai nên không thể áp dụng Điều 25 của Bộ luật TTHS để xét xử kín.

        8. Xử lý vật chứng là tài sản đã thế chấp tại Ngân hàng:

        Việc đề nghị giải quyết vật chứng tại phiên tòa của Kiểm sát viên, trước hết Kiểm sát viên phải tuân thủ theo nguyên tắc chung: Vật chứng là công cụ phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ lưu hành thì bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; vật chứng là tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có thì tịch thu nộp ngân sách Nhà nước; vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì tịch thu và tiêu hủy. Trong quá trình giải quyết vụ án, tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng thì trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; vật chứng của vụ án trả cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu việc trả vật chứng không ảnh hưởng đến giải quyết vụ án và thi hành án. Đối với vật chứng là phương tiện mà bị can, bị cáo đã sử dụng làm phương tiện phạm tội, nhưng trước đó vật chứng (phương tiện) đã được thế chấp ngân hàng để vay tiền. Kiểm sát viên phải xác định vật chứng (phương tiện) đứng tên chủ sở hữu là bị can, bị cáo hay là của người khác.

        Trường hợp vật chứng chủ sở hữu là bị can, bị cáo nhưng đã thế chấp Ngân hàng và tại Tòa án, Ngân hàng đề nghị tuyên trả phương tiện cho Ngân hàng. Theo quy định của pháp luật thì thế chấp là biện pháp bảo đảm không kéo theo việc chuyển giao tài sản bảo đảm cho bên nhận thế chấp. Do đó, trong quá trình thế chấp tài sản, chưa xử lý tài sản thế chấp thì tài sản này vẫn do bên thế chấp quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó (khoản 1, Điều 351, Bộ luật Dân sự) và được quyền yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp việc khai thác, sử dụng tài sản có nguy cơ làm mất hay làm giảm sút giá trị của tài sản (khoản 4, Điều 351, Bộ luật Dân sự). Kiểm sát viên phải xác định khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bị can, bị cáo đối với Ngân hàng. Nếu bị can, bị cáo không có khả năng trả nợ Ngân hàng thì đề nghị Hội đồng xét xử trả vật chứng (phương tiện) cho Ngân hàng quản lý để Ngân hàng thực hiện phát mại khi đến thời hạn phải trả nợ. Trường hợp vật chứng (phương tiện) chủ sở hữu là người khác, việc bị can, bị cáo dùng phương tiện thực hiện hành vi phạm tội mà người đó không biết và người chủ sở hữu đang thực hiện nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng, nên việc xử lý trả vật chứng (phương tiện) trả cho người chủ sở hữu tài sản.

        Bài viết này không tránh khỏi thiếu sót, rất mong nhận được sự bổ sung góp ý của bạn đọc và đồng nghiệp để ngày càng hoàn thiện hơn.                                                

Đỗ Minh Tuấn - Phó Trưởng Phòng 1

Viện KSND thành phố Hà Nội

Từ khóa » Trọng Chứng Hơn Trọng Cung Là Gì