沃 - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm
Có thể bạn quan tâm
1. Chữ "mấy"
Mấy là một chữ xuất hiện khá phổ biến trong các văn bản Nôm thuộc đủ các loại hình khác nhau (viết tay, chạm khắc và in ván). Thoạt nhìn, chữ này có vẻ giống như chữ Hán “thổn” 汆. Nhưng xét kỹ thì chữ Nôm “mấy” và chữ Hán “thổn” 汆 không có gì liên quan với nhau về mặt nghĩa cũng như về âm đọc cả. Khang Hi tự điển dẫn sách Tự vựng cho biết: “汆”, “thổ” 土 “khẩn” 懇 thiết, [âm Hán Việt là “thổn” hoặc “thẩn”], “thôn” 吞 thượng thanh [tức âm “thổn”], 水 推 物 也 thủy thôi vật dã [nước đẩy vật vậy]” [tr.603]. Như vậy, khó có thể nghĩ rằng chữ Nôm “mấy” là mượn từ chữ Hán “thổn” 汆. GS. Đào Duy Anh trong tác phẩm Chữ Nôm: Nguồn gốc - Cấu tạo - Diễn biến từng viết như sau đây về chữ Nôm này: “Chữ mấy là chữ đáng chú ý. Các bản Nôm xưa thường viết mấy theo phép giả tá là 某 (môi), 貝 (bối), hay 買 (mãi). Về sau người ta lại viết là 汆, chữ nhân 人 trên chữ thủy 水 (có khi 汆 biến thành hay 尒). Chúng tôi thấy trong chữ Hán thì chữ 汆 âm là thổn, không thể dùng để nói mấy được. Có chữ 尒 cũng gần giống nhưng lại âm là nhĩ, không phải là do chữ ấy lộn thành. Vậy chữ mấy này không phải là chữ giả tá, mà cũng không thể là chữ hình thanh được. Chúng tôi cho đây là chữ hội ý, có lẽ nguyên viết là 众, gồm ba chữ nhân 人 là nguời [...] để gợi ý nhiều người, mấy người, mượn ý ấy mà biểu hiện khái niệm mấy. Về sau người ta quên đây là chữ hội ý, tiện tay biến hai chữ nhân nhỏ làm 水 hay , 小 khiến ngày nay không hiểu tại sao chữ mấy lại viết như thế” [tr.64-65]. Ngoài những điểm rất khả thủ trong kiến giải của cụ Đào, chúng tôi muốn thảo luận thêm một số chi tiết như sau:
(a) Dường như theo cụ Đào thì chữ 众 gồm ba chữ “nhân” 人 kia là do chính cha ông chúng ta đặt ra để ghi chữ “mấy”theo phép hội ý, chứ không phải mượn từ một chữ có sẵn ở Trung Hoa. Tuy nhiên, theo Hán ngữ đại tự điển [tr.16, 49] thì chữ này đã có trong cổ tịch, cùng âm là “ngâm” và cùng nghĩa với chữ (trỏ “nhiều người cùng đứng”). Mà theo sách Văn tự thông thì chữ còn đọc là “chúng”, là một dạng của chữ “chúng” 眾 (có nghĩa là “nhiều người, đám đông”). Về sau này người Trung Hoa đã dùng chữ 众 làm chữ giản thể thay cho chữ “chúng” 眾. Chính chữ “chúng” 众 gồm 3 chữ “nhân” này từ lâu cũng đã có mặt trong các văn bản chữ Nôm của ta. Sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh có câu: "Bằng bội bội cùng chúng bồ tát"(tr.39a); sách Thiên Nam ngữ lục cũng có: "Chúng tôi con cháu thầy chùa sinh ra" [tr.83a]. Vả lại, cho dù các cụ ngày xưa chưa thật sự làm quen với “chúng” 众 như thế ở Trung Hoa, mà phải cất công tạo ra chữ đó để ghi chữ “mấy”, thì hẳn là thoạt đầu các cụ cũng sẽ viết đúng hình chữ “mấy” với ba chữ “nhân” 人, rồi sau mới biến dạng dần. Thế nhưng trong các văn bản Nôm hiện còn, tịnh không có một lần nào chữđược đọc là “mấy”. Tình hình này khiến ta khó lòng quyết đoán rằng chữ “mấy” đã được tạo ra theo con đường tự tạo chữ hội ý như cụ Đào đã hình dung.
(b) Cụ Đào đã rất chu đáo khi kê ra một số dạng khác nhau của chữ Nôm “mấy”, đặc biệt có lưu ý đến chữ “nhĩ” 尒. Nhưng vì chữ này có âm là “nhĩ”, không liên quan gì đến tiếng “mấy” của ta, nên Cụ đã bỏ qua, không truy cứu thêm. Và chúng tôi đã cố thử truy cứu thêm, biết đâu lại chẳng dẫn đến một cách giải thuyết khả dĩ chấp nhận được cho hình thể của chữ Nôm “mấy” này.
Chữ “mấy” với hình chữ giống như chữ “thổn” 汆 (trên “nhân” 人 dưới “thủy” 水 hoặc ) xuất hiện khá sớm (cứ liệu chữ Nôm trên văn bia của Đinh Khắc Thuân [6] cho biết chữ này có mặt trên các bản văn bia thời Lê sớm nhất là năm 1657), và khá phổ biến trong văn bản các tác phẩm Nôm, đặc biệt là từ cuối thời nhà Lê về sau:
- Các bài văn Nôm thời Trần trong sách Thiền tông bản hạnh, cả 2 lần khắc ván (Cảnh Hưng 6 [1745] và Bảo Đại 7 [1932] đều ghi “mấy” bằng chữ hoặc 汆.
- Thiên Nam ngữ lục (tác phẩm Nôm thời Lê, chép lại vào đầu thời Nguyễn) trừ 1 lần dùng chữ “mãi” 買 để ghi “mấy” (tr.41b): "Đất Bảo biết mấy dặm xa", còn lại đều dùng chữ như chứ hoặc 汆.
- Sách Truyền kỳ mạn lục giải âm: 8 lần “mấy” được ghi là (Td: "Chẳng mấy ngày nữa sẽ đem vàng tốt lại chuộc vậy" [I/27a]). Ngoài ra chữ này có 1 lần đọc là “mẩy” trong "mình mẩy" (Kẻ đăm chiêu bèn kéo bỏ vào vạc sôi, mình mẩy tan nát [IV/22b].
- Sô Nghiêu đối thoại: 5 lần “mấy” đều ghi là (Vd: "Mấy đứa ngư tiều là bạn thân" [tr.5b]).
- Truyện Kiều bản LVĐ, 1781 và cả bản DMT, 1872: 51 lần đều ghi là (Td: "Đàn bà dễ có mấy tay. Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan"[LVĐ tr.49b] [DMT, tr.61a]).
- Lục Vân Tiên (DMT, 1874): 39 lần đều ghi là (Td: "Xem qua xét lại mấy lần"[tr.14a]).
Riêng chữ “mãi”買 ghi âm “mấy” có thể vẫn còn bắt gặp ở một số văn bản sau này, như trong sách chép tay Dương Từ Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu (Td: "Như voi như cọp mấy ai dám bì"[22]. Các bộ từ điển Quốc ngữ có chua chữ Nôm của P.de Béhaine [1772], Taberd [1838], Huỳnh Tịnh Của [1895-6], M. Génibrel [1898] đều không dùng chữ , mà dùng chữ “mãi” 買 để ghi “mấy”. Lại có trường hợp “mấy” được ghi bằng một chữ Nôm do hai chữ “mãi” 買 (trái) và (phải) ghép lại như trong bài Hịch đánh Trịnh của Nguyễn Hữu Chỉnh (Bắc mấy thành đầm nhạn đã êm. Lòng chẳng cứu ngồi xem sao tiện[112a]).
Trong một số tác phẩm Nôm tương đối cổ như Phật thuyết, Chỉ nam ngọc âm, Thi kinh giải âm, Cổ Châu lục, chúng tôi không tìm thấy một chữ nào với âm đọc là “mấy” cả.
Điều đáng lưu ý là có một số văn bản, trong đó chữ “mấy” ngoài kiểu 汆 hoặc (“nhân” + “thủy” 水), còn có cả kiểu (“nhân” 人 + “tâm” ) và cả 尒 (“nhân” 人 + “tiểu” 小) như:
- Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi: 16 lần (Td: Nước mấy dòng thanh ngọc mấy hàn [tr.26a]) / 15 lần (Td: Thương lang mấy khóm một thuyền câu [tr.9b];
- Hoa tiên nhuận chính (1875) 34 lần (Td: Tình chung mấy đoạn, sầu riêng mấy phần [tr.13b])/ 3 lần (Td: Một vùng cỏ biếc mấy lần cửa son [tr.23a]);
- Phù dung tân truyện (1979); 10 lần (Td: Quan sơn mấy bận, giang khê mấy lần [tr.23b]) / 3 lần(Ô tà mấy độ, thỏ thay mấy lần [tr.10a] / 1 lần 尒 Đan thanh gộp lại mấy cành phù dung [tr.10b];
- Thanh Hóa quan phong (1909): 12 lần (Td: Đố ai biết là mấy cây [tr.22b]) / 10 lần (Td: Biết sông mấy lạch biết mây mấy tầng [tr.22b]) / 2 lần 尒 (Td: làm thân con nhện mấy lần giăng tơ [tr.13a].
Thiết nghĩ, những chữ “mấy” có cấu tạo “nhân” + “tâm” () và “nhân” + “tiểu” (尒) tuy ít gặp hơn, song chúng có khả năng là những dấu tích cho chữ “mấy” thuở ban đầu. Những chữ này từ lâu đã có mặt trong kho chữ Hán, mà chắc các cụ nhà ta chẳng xa lạ gì. Theo Hán ngữ đại tự điển [tr.47, 49] thìvà 尒 là cách viết khác của “nhĩ” 爾, có nghĩa là “ngươi” hoặc nôm na là “mi, mày”. Phép giả tá theo nghĩa (mà không theo âm) đã cho phép các cụ đọc thẳng những chữ này là "mày". Mà trong tiếng Việt, "mày" với “mấy” là gần âm, vậy nên có thể chuyển dụng làm chữ “mấy”. Rồi từ đó, lơ là dần mối ràng buộc với các chữ “nhĩ” là "mày", người xưa đã gia thêm nét bút và cải biến hình chữ ở phần dưới mà thành chữ “mấy” , dẫn đến chỗ gần như trùng hình với chữ “thổn” 汆 trong Hán ngữ.
2. Chữ "ốc" 沃
Thực ra, con đường mà chúng tôi đi đến cách giải thuyết như trên về hình thể chữ Nôm “mấy” cũng không phải là xa lạ gì đối với GS. Đào Duy Anh. Cách tiếp cận từ đọc âm Nôm theo nghĩa chữ Hán, rồi chuyển dụng sang một âm Nôm nữa gần âm khác nghĩa như thế, đã được cụ Đào khai thác khi giải thuyết về âm và cả về nghĩa của chữ “ốc” 沃 trong một số các văn bản Nôm. Cũng trong tác phẩm nêu trên, cụ Đào dẫn ra một trường hợp trong sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có dùng chữ “ốc” 沃, mà chữ đó lại nằm ở vị trí buộc phải gieo vần với câu trên theo vần ayhoặc ây. Câu ấy là câu bát, có hai chữ “hiệu ốc” 号 沃 mà “ốc” 沃 là chữ thứ sáu, phải gieo vần với chữ cuối câu lục ở trên là chữ "thay"台. Vậy chữ “ốc” 沃 này mà cứ đọc là “ốc”thì lạc vận. Cụ Đào lại tìm thấy trong sách Chỉ nam ngọc âm có 3 câu thay vì “hiệu ốc” 号 沃/ “ốc” 沃 viết là “hiệu rày” 号 / “rày” “Lại hiệu thanh trúc mát thay - Hoàng bách căn rày là nước rễ ke; Trần căn là rễ củ mài - Xích bao củ lượng hiệu rày thổ qua; Dương đề thốc thái rễ này - Cóc hiệu nó rày là địa hoàng nam”. Theo đó, cụ Đào cho rằng chữ “ốc” 沃 phải đọc là rày mới hợp nghĩa hợp âm, và đó là cách viết khác của chữ rày “ Nhưng 沃 làm sao lại đọc là rày? - cụ Đào tiếp tục giải thích - Tra chữ 沃 thì thấy Từ nguyên nói là chỉ cái đất “thấp nhuận phì mỹ”, tức là đất trũng ướt béo tốt, như vậy thì có thể xưa kia người ta học ốc nghĩa là lầy. Từ lầy chuyển thành rầy hay rày là điều thường thấy trong ngữ âm” [tr.82-83].
Có thể thấy rằng những điều luận giải của cụ Đào là hoàn toàn hợp lý và rất chặt chẽ. Thế nhưng, có lẽ cũng nên rà xét kỹ hơn về những trường hợp đã dùng chữ “ốc” 沃 trong Chỉ nam ngọc âm và một vài tác phẩm Nôm khác, biết đâu lại chẳng có ít nhiều cứ liệu để bổ sung hoặc điều chỉnh cho kiến giải của người đi trước.
Trái lại so với chữ “mấy” là chữ thường chỉ thấy trong các văn bản Nôm khá muộn từ cuối thời nhà Lê về sau, chữ “ốc” 沃 (đôi khi viết thành [bộ “thủy” 水 + “thỉ” 矢]) hầu như chỉ xuất hiện trong một số không nhiều các tác phẩm Nôm cổ, từ thời Lê sơ, muộn lắm từ thời Lê - Mạc trở về trước. Thế nghĩa là hai chữ này không chung sống cùng thời với nhau. Thời mà tiếng "ốc" và chữ “ốc” 沃 còn được dùng, thì tiếng “mấy”, nếu có dùng đến, thường được viết dưới dạng chữ “mãi” 買(và có thể cả “mỗ” 某, “bối” 貝) như cụ Đào Duy Anh đã nói đến.
Chỉ nam ngọc âm là sách dùng đến chữ 沃 này nhiều nhất: có đến 35 lần xuất hiện trong tổ hợp “hiệu ốc” 号 沃 và 3 lần trong tổ hợp “ốc là” 沃 . Tương đương với tổ hợp “hiệu ốc” (Td: Ngư chu hiệu ốc thuyền chài [tr.27a], trong sách còn dùng các tổ hợp khác có chữ “hiệu” như: “hiệu là” (Td: Mật cơ đãi gạo hiệu là rá mau [tr.41a]), “hiệu rằng” (Td: Ô mạn nề đất hiệu rằng cái bay [tr.35a]), “hiệu rày” (Td: Hải kính hiệu rày cái cữu sống lâu [tr.59b]), “hiệu viết” (Td: Đường thái hiệu viết cái cung [tr.48b], “hiệu vi” (Td: Cây muội nồi đất hiệu vinhân trần [tr.71a]). Chữ “hiệu” 号 trong những trường hợp này đều lấy nguyên nghĩa chữ Hán là “tên / tên gọi” đồng nghĩa với chữ Hán “danh” 名. Không loại trừ ở đây “ốc” 沃 tương đương với "rày", nhưng cũng không thể nói là không tương đương với "là, rằng" và cả với “viết” 曰[rằng], “vi” 為 [là / làm]. Trong khi đó với mấy câu có tổ hợp “ốc là”, thì nghĩa của “ốc” 沃 chỉ có thể là “gọi”, chứ không xê xịch gì nữa: “Chị chồng có hiệu a gia. Cha chồng có hiệu ốc là a công” [tr.7b]. “Hột bồ đề tử ốc là quả quân” [tr.66b]. “Hồng nội ốc là hiệu dây nắm cơm” [tr.73a].
Sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh có cả thảy 15 lần dùng chữ “ốc” 沃. Có 2 lần chữ “ốc” 沃 đọc "óc"với nghĩa là “tủy trong xương” (“Nghiên bì chí cốt, nghiên cốt chí tủy: Mòn da đến xương, mòn xương đến óc” [tr.24a]. “Đả cốt xuất tủy: Đánh khô cốt ra óc” [tr. 27a]. Còn lại có tới 11 lần chữ “ốc” 沃 dùng để dịch chữ Hán “danh” 名 [gọi, tên gọi] (Vd: “Thử kinh đương hà danh chi: Kinh này ốc là kinh nhân duyên làơn nặng áng nạ[tr. 39a]. Có 2 lầnchữ “ốc” 沃 ứng với chữ “vi” 為 trong Hán văn (“Tâm ý thị vi lục tinh: Tâm lý ốc làlục tinh” [tr.10a]. “Phụ mẫu vi thân, phi phụ bất sinh, phi mẫu bất dưỡng: Ang nạ ốc là dấu, chẳng có cha ai sinh, chẳng có mẹ ai nuôi” [tr.33b]. Đặc biệt có một lần chữ “ốc” được dùng để dịch chữ Hán “hoán” 喚 [gọi] (“phụ mẫu chi ngữ, thập hoán cửu vi, tận bất tòng thuận: Lời áng nạ mười phen ốc, chín phen dạ, hết chẳng thuận đòi”[tr.37b]. Đồng thời cũng ở trang sách này thấy có 2 lần từ Hán Việt “hô hoán” 呼 喚 được chuyển dịch sang Nôm là "gọi kêu / kêu gọi".
Ta cũng có thể bắt gặp một số câu có chữ “ốc” 沃 với nghĩa như thế trong các tác phẩm Nôm cổ khác như: “Chim ốc bạn cắn hoa nâng cúng. Vượn bồng con kề cửa nghe kinh” (Bài Vịnh Hoa Yên tự phú của sư Huyền Quang, trong sách Thiền tông bản hạnh, tr.28a). “Thuở ấy có thầy Lưu Chi, tên ốc là Tì Ni Đa” (Sách Cổ Châu lục, tr.14a). “Nghe rằng Thục có nữ nhi. Mị Châu tên ốc đương thì thiếu đôi” (Sách Thiên Nam ngữ lục, tr.13a). “Cảnh Linh chùa có một thầy. Tu hiệu ốc rày là Lê Đại Điên” (Thiên Nam ngữ lục, tr.81b-82a), vân vân. Điều thú vị là trong bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của vua Trần Nhân Tông (trong sách Thiền tông bản hạnh) ở bản in theo ván khắc năm Cảnh Hưng 6 (1745) có chữ “ốc” ngay trong mấy câu mở đầu: “Sinh có nhân thân, ấy là họa cả. Ai hay cốc [biết] được, mới ốc là đã”, đến bản in theo ván khắc năm Bảo Đại 7 (1937), chữ “ốc” này đã bị thay bằng chữ “lãng” đọc là "rằng" [gọi]. [2] [5].
Trong tất cả các câu vừa dẫn trên đây, chữ “ốc” 沃 thực sự có nghĩa là “gọi, kêu”, chứ không thể có nghĩa là “rày” được. Chính nghĩa là “gọi, kêu” cũng thích hợp cho tất cả các chữ tương tự trong Chỉ nam ngọc âm. Đáng lưu ý là chữ “ốc” trong câu dẫn từ bài Vịnh Hoa Yên tự phú đã được gia thêm bộ “khẩu”, có lẽ là để hỗ trợ thêm về nghĩa “nói năng, xưng gọi”, hoặc giả chỉ báo cách đọc Nôm hóa: không phải âm Hán Việt “ốc”, mà là "óc"hoặc "hốc" chẳng hạn. Được biết trong tiếng Mường là ngôn ngữ gần gũi nhất với tiếng Việt về mặt cội nguồn, có một từ cũng có nghĩa như vậy đọc là "hốc" [hok]: hốc(gọi). Da hốc ho cỏ việc chi chăng? (Anh gọi tôi có việc gì đấy) [...] hốc thên (gọi tên). Măng hốc thên da, da dơ thay liên háy.(Nghe gọi tên con thì con giơ tay lên nhé) [Từ điển Việt Mường, tr.188]. Như vậy, “ốc” 沃 là một chữ Hán được mượn theo âm để ghi một tiếng Nôm có thể là "ốc /oc/ hốc"có sẵn trong tiếng Việt xưa, với nghĩa là “gọi”.
Vấn đề còn lại của cụ Đào là nếu đọc chữ này là "ốc" (hay óc, hốc) sẽ không bảo đảm được luật hiệp vần trong thể lục bát. Chúng tôi đã kiểm tra lại câu mà cụ Đào dẫn trong Chỉ nam ngọc âm để ngờ rằng có sự lạc vận nếu cứ đọc chữ 沃 là “ốc”, thì thấy rằng ở đó chẳng hề có chuyện lạc vận. Xin trích 4 dòng hữu quan để dễ bề xem xét: "Trì nguy sách có nhiều dây. Hai bên riết xuống phẳng thay chân chằng. Giềng buồm hiệu ốcbồng cương. Bồng cước neo buộc, bồng đương buồm cài" [tr.28b]. Rõ ràng là có chút “trục trặc” do cụ Đào đã lỡ tay ngắt dòng không phải chỗ, chứ sự thực thì mấy chữ phẳng thay và hiệu ốckhông hề rơi vào tình trạng khó xử như vậy. Vả lại, dù đây đó ta có bắt gặp những trường hợp lạc vận, thì cũng là điều đành phải chấp nhận thôi. Chẳng hạn, ngay trong Chỉ nam ngọc âm, thấy có một đoạn chẳng vần vèo gì, nghe rất ngang tai, như: “Bề ma là hạt dầu dầu. Danh rừng có hiệu ốc rằng sơn chi. Ngưu bàng tử quả ké đội đầu. Sa nhân hạt vóc hiệu rằngquyên sa” [tr.71b-72a]. Bởi vì, không nên nghĩ rằng âm luật của một thể thơ như lục bát hay song thất lục bát ngay từ đầu đã chỉn chu ngăn nắp như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vào thời kỳ mới hình thành, các văn bản viết theo thể lục bát còn có khá nhiều chỗ chưa được gọt giũa, ngay cả về gieo vần [4]. Dựa vào áp lực của thể thức thi ca để xem xét về âm và nghĩa của chữ là một cách tìm tòi hữu ích, song có lẽ phải hết sức thận trọng, nhất là đối với những áng văn vần cổ như Chỉ nam ngọc âm.
Từ khóa » Dịch Chữ Nôm
-
Tra Cứu Chữ Nôm
-
Tra Từ: Dịch - Từ điển Hán Nôm
-
Từ điển Hán Nôm: Tra Từ
-
Chữ Nôm – Wikipedia Tiếng Việt
-
譯 - Chữ Nôm U+8B6F: Dịch - To Translate, To Decode
-
DỊCH TÀI LIỆU HÁN NÔM NHANH CHÓNG, CHÍNH XÁC - World Link
-
5 Phần Mềm Viết Chữ Hán Nôm Miễn Phí 2022 - Máy Phiên Dịch
-
Dịch Tiếng Hán Nôm: Dịch Gia Phả, Hoành Phi, Câu đối Cổ
-
Bài 2: Cách Tra Từ Điển Hán - Nôm | Hán - Nôm Công Giáo - YouTube
-
TĐ Chữ Hán Trên App Store - Apple
-
Đúng, Hồ Quý Ly Dịch Kinh, Thư, Thi Sang Chữ Nôm - VnExpress
-
DỊCH THUẬT TÀI LIỆU HÁN - NÔM