Viên Uống Niacin (vitamin B3): Lợi ích, Liều Lượng Và Tác Dụng Phụ
Có thể bạn quan tâm
Các ý chính trong bài
- Niacin kê đơn có bán ở dạng thuốc gốc và biệt dược.
- Niacin kê đơn được sử dụng để giảm nồng độ cholesterol và triglyceride (chất béo) trong máu, từ đó giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nên kết hợp uống niacin với chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng.
- Liều dùng tùy thuộc vào một số yếu tố như tuổi tác, lý do cần uống niacin, mức độ nghiêm trọng của vấn đề và tình trạng sức khỏe.
Niacin là gì?
Niacin kê đơn gồm có dạng viên nén bình thường và dạng viên nén phóng thích kéo dài dùng qua đường uống. Niacin không kê đơn còn có cả các dạng khác, chẳng hạn như viên nang.
Viên uống niacin kê đơn được bán cả ở dạng thuốc gốc và biệt dược. Thuốc gốc thường có giá thấp hơn nhưng biệt dược lại có nhiều mức nồng độ hơn.
Niacin có thể được sử dụng như một phần trong liệu pháp điều trị kết hợp, có nghĩa là có thể cần phải uống niacin cùng với các loại thuốc khác, ví dụ như nhựa gắn axit mật và một số loại thuốc giảm cholesterol khác.
Các lợi ích của niacin
Niacin mang lại các lợi ích như:
- Giảm nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim ở những người đã từng bị nhồi máu cơ tim và có mức cholesterol cao.
- Ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol và chất béo trong lòng mạch máu ở những người có mức cholesterol cao và bệnh tim mạch
- Giảm lượng triglyceride (chất béo trung tính, một thành phần của mỡ máu) trong máu ở những người có chỉ số triglyceride quá cao - những đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng đến tuyến tụy
- Giảm nồng độ cholesterol
Để có hiệu quả cao nhất thì nên kết hợp uống niacin với chế độ ăn lành mạnh, thói quen tập thể dục đều đặn và kiểm soát cân nặng ở mức khỏe mạnh.
Cơ chế hoạt động
Niacin được xếp vào nhóm thuốc chống tăng lipid máu. Các loại thuốc trong nhóm này có cơ chế hoạt động tương tự nhau và cùng được sử dụng để điều trị một số bệnh nhất định.
Niacin có tác dụng làm giảm cả lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay cholesterol “xấu” và cả các chất béo khác (triglyceride) trong máu, đồng thời tăng lipoprotein mật độ cao (HDL) hay cholesterol “tốt”. Nhờ đó mà niacin có thể cải thiện cholesterol toàn phần.
Tác dụng phụ của niacin
Viên uống niacin không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.
Các tác dụng phụ thường gặp
Một số tác dụng phụ thường gặp của niacin gồm có:
- Mặt đỏ bừng và nóng
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Tăng ho
- Ngứa
Nếu những tác dụng này chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu nặng hoặc không tự hết sau một thời gian thì cần đi khám bác sĩ.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng
Cần đến bệnh viện ngay khi gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi uống niacin cùng với các triệu chứng:
- Các vấn đề về cơ với các dấu hiệu, triệu chứng như:
- Yếu cơ hay đau nhức cơ mà không rõ nguyên nhân
- Các hiện tượng bất thường như:
- Mệt mỏi, không có sức lực
- Ăn không ngon miệng kéo dài
- Đau bụng trên
- Nước tiểu sẫm màu
- Da và lòng trắng mắt chuyển màu vàng
Tương tác với các loại thuốc khác
Viên uống niacin có thể tương tác với các loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin khác hoặc thảo dược đang dùng. Tương tác có nghĩa là một chất làm thay đổi cơ chế hoạt động của một chất khác. Điều này có thể gây hại đến sức khỏe hoặc làm giảm hiệu quả của thuốc.
Để tránh xảy ra tương tác thì cần thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc thảo được đang dùng trước khi uống niacin.
Dưới đây là các loại thuốc có thể tương tác với niacin.
Thuốc giảm cholesterol
Statin - một nhóm thuốc có tác dụng giảm cholesterol trong máu - có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến cơ khi dùng chung với niacin. Một số ví dụ về các loại thuốc trong nhóm này gồm có:
- atorvastatin
- fluvastatin
- lovastatin
- pitavastatin
- pravastatin
- rosuvastatin
- simvastatin
Một nhóm thuốc hạ cholesterol khác có tên là thuốc cô lập axit mật có thể làm giảm khả năng hấp thụ niacin của cơ thể. Do đó, nên uống niacin 4 – 6 tiếng sau khi uống thuốc cô lập axit mật. Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có:
- cholestyramine
- colestipol
- colesevelam
Các cảnh báo về niacin
Cảnh báo dị ứng
Niacin có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các dấu hiệu như:
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Sưng phù mặt, cổ họng, lưỡi, môi, mắt, bàn tay, bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân
- Phát ban da
- Nổi mề đay
- Ngứa ngáy
Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất nếu nhận thấy các dấu hiệu này.
Không được tiếp tục uống niacin nếu đã từng có phản ứng dị ứng. Việc tiếp tục dùng có thể gây tử vong.
Ảnh hưởng đến cơ
Niacin có thể làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân. Nguy cơ càng tăng cao ở người cao tuổi, người đang dùng thuốc statin hoặc mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không sản xuất đủ hormone tuyến giáp hoặc mắc bệnh thận. Cần đi khám ngay lập tức nếu bị đau, nhức hoặc yếu cơ mà không rõ nguyên nhân.
Ảnh hưởng đến gan
Niacin có thể khiến cho kết quả xét nghiệm chức năng gan cao bất thường. Do đó, cần phải theo dõi thường xuyên trong thời gian uống niacin.
Cảnh báo tương tác với đồ uống có cồn
Việc tiêu thụ đồ uống có chứa cồn có thể làm tăng nguy cơ đỏ bừng mặt và ngứa khi uống niacin. Cơ thể xử lý cồn và niacin theo cách giống nhau. Do đó, có thể cần kiêng rượu bia trong khoảng thời gian uống niacin.
Cảnh báo đối với những người đang mắc một số bệnh
Đối với những người bị bệnh gan: Không nên uống niacin nếu đang bị bệnh gan hoặc xét nghiệm máu chức năng gan cho kết quả cao bất thường vì niacin có thể làm cho tình trạng bệnh gan trở nên trầm trọng hơn.
Đối với những người bị bệnh thận: Niacin được xử lý bởi thận. Ở những ngươi bị bệnh thận, nồng độ niacin trong máu có thể tăng quá cao nếu uống niacin. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ. Do đó, nếu mắc bệnh thận thì cần thông báo cho bác sĩ khi được chỉ định uống niacin.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường: Niacin có thể làm tăng lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu ở mức quá cao thì sẽ cần giảm liều lượng niacin hoặc ngừng sử dụng.
Đối với những người bị bệnh gút: Niacin có thể làm tăng nồng độ axit uric và điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh hoặc làm tăng tần suất các cơn gút cấp. Nếu tình trạng bệnh gút trở nên nặng hơn khi uống niacin thì có thể sẽ cần ngừng sử dụng.
Đối với những người bị viêm loét dạ dày tá tràng: Không nên uống niacin nếu bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng vì niacin làm tăng lượng axit trong dạ dày. Điều này sẽ khiến cho dạ dày tá tràng càng bị viêm loét nặng hơn.
Các cảnh báo khác
Đối với phụ nữ mang thai: Theo phân loại thuốc dùng trong thai kỳ của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA, niacin được xếp vào nhóm loại C có nghĩa là:
- Nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc có thể gây tác dụng phụ ở bào thai khi mẹ dùng thuốc.
- Chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên người để xác nhận rằng thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Nếu đang mang thai hoặc dự định có thai thì cần nói chuyện với bác sĩ trước khi uống niacin. Chỉ nên sử dụng niacin nếu các lợi ích vượt xa các rủi ro có thể xảy ra trong thai kỳ.
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Niacin đi vào sữa mẹ và có thể gây tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh. Cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu như đang cho con bú. Có thể sẽ cần phải quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng uống niacin.
Đối với người cao tuổi: Ở người lớn tuổi, cơ thể xử lý các loại thuốc và thực phẩm chức năng chậm hơn so với người trẻ tuổi. Liều bình thường có thể khiến nồng độ niacin trong máu tăng cao hơn bình thường ở người lớn tuổi. Vì thế nên người lớn tuổi thường sẽ cần dùng liều lượng thấp hơn hoặc giảm liều sau một thời gian sử dụng.
Đối với trẻ em: Niacin chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không nên sử dụng niacin cho trẻ dưới 16 tuổi.
Các loại viên uống niacin và liều lượng
Liều lượng, loại viên uống niacin và tần suất sử dụng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tuổi tác
- Lý do cần uống niacin
- Mức độ nghiêm trọng của vấn đề
- Các vấn đề sức khỏe khác (nếu có)
- Phản ứng của cơ thể với liều đầu tiên
Các loại viên uống niacin và nồng độ
- Thuốc gốc: Niacin
- Dạng: viên nén phóng thích kéo dài đường uống
- Nồng độ: 500 mg, 750 mg, 1000 mg
- Biệt dược: Niaspan
- Dạng: viên nén phóng thích kéo dài đường uống
- Nồng độ: 500 mg, 750 mg, 1000 mg
- Biệt dược: Niacor
- Dạng: viên nén bình thường
- Nồng độ: 500 mg
Liều dùng để giảm cholesterol, triglyceride và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim
Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)
- Viên nén phóng thích kéo dài: Liều ban đầu là 500 mg, uống một lần mỗi ngày trước khi đi ngủ. Sau 4 tuần, có thể cần tăng liều lên 500 mg. Liều duy trì tiêu chuẩn là 1.000 – 2.000 mg, uống một lần mỗi ngày trước khi đi ngủ.
- Viên nén bình thường: Liều ban đầu là 250 mg (một nửa viên 500 mg), uống một lần mỗi ngày sau bữa tối. Sau đó có thể tăng dần lên tối đa 6 gram (6.000 mg) mỗi ngày. Liều tiêu chuẩn là 1 – 2 gram (1.000 – 2.000 mg), uống 2 – 3 lần mỗi ngày.
Liều dùng cho trẻ em (từ 16 – 17 tuổi)
- Viên nén phóng thích kéo dài: Liều ban đầu là 500 mg, uống một lần mỗi ngày trước khi đi ngủ. Sau 4 tuần, có thể tăng liều lên đến 500 mg. Liều duy trì tiêu chuẩn là 1.000 – 2.000 mg, uống một lần mỗi ngày trước khi đi ngủ.
- Viên nén bình thường: Liều ban đầu là 250 mg (một nửa viên 500 mg), uống một lần mỗi ngày sau bữa tối. Sau đó, liều dùng có thể tăng dần lên tối đa 6 gram (6000 mg) mỗi ngày. Liều tiêu chuẩn là 1 – 2 gram (1.000 – 2.000 mg), uống 2 – 3 lần mỗi ngày.
Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 15 tuổi)
Viên uống niacin chưa được nghiên cứu ở trẻ em và không nên sử dụng cho trẻ dưới 16 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)
Khi có tuổi, thận không còn hoạt động tốt như trước nên cơ thể sẽ xử lý thuốc chậm hơn. Vì thế nên nhiều loại thuốc sẽ lưu lại trong cơ thể trong thời gian dài hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ.
Do đó, đối với người lớn tuổi, bác sĩ thường chỉ định liều thấp hơn bình thường hoặc tần suất dùng thuốc thưa hơn để tránh tích tụ quá nhiều thuốc trong cơ thể và giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Cảnh báo về liều lượng
Để giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ thì nên:
- Uống niacin dạng phóng thích kéo dài trước khi đi ngủ.
- Hỏi bác sĩ về việc dùng aspirin. Uống aspirin liều lên tới 325 mg khoảng 30 phút trước khi uống niacin có thể làm giảm hiện tượng đỏ bừng mặt.
Liều dùng viên uống niacin dạng phóng thích kéo dài khác với liều dùng niacin dạng viên nén bình thường. Việc áp dụng liều của viên nén bình thường cho viên nén phóng thích kéo dài sẽ dẫn đến quá liều và có thể gây ra bệnh gan nặng. Nếu chuyển bạn từ niacin dạng viên nén thông thường sang viên nén phóng thích kéo dài thì sẽ phải bắt đầu từ mức liều lượng thấp và sau đó tăng dần liều nếu cần.
Cách xử lý khi uống niacin không theo chỉ dẫn
Niacin thường được sử dụng làm phương pháp điều trị lâu dài. Việc sử dụng viên uống niacin không theo chỉ dẫn sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề không mong muốn.
Nếu ngừng hoặc không sử dụng niacin: Nếu không uống niacin, mức cholesterol sẽ không được kiểm soát. Mức cholesterol cao làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Nếu bỏ sót liều hoặc không uống đúng lịch: Hiệu quả của viên uống niacin có thể bị giảm hoặc thậm chí là hoàn toàn không có hiệu quả. Để có được hiệu quả tốt thì trong cơ thể luôn phải có một lượng niacin nhất định.
Nếu dùng quá liều: Lượng niacin trong cơ thể có thể tăng lên mức quá cao và xảy ra các tác dụng phụ như:
- Đỏ bừng mặt
- Chóng mặt
- Tim đập nhanh
- Khó thở
- Ngất xỉu
Nếu lỡ uống quá nhiều và có các biểu hiện bất thường thì cần đến ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Phải làm gì khi bỏ lỡ một liều? Uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu nhớ ra khi đã gần đến giờ uống liều tiếp theo thì chỉ dùng một liều duy nhất. Không được uống hai liều cùng một lúc. Điều này có thể dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm.
Làm thế nào để biết viên uống niacin có hiệu quả hay không? Để kiểm tra hiệu quả của viên uống niacin thì thường sẽ cần xét nghiệm máu để đo nồng độ cholesterol. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng tùy thuộc vào chỉ số xét nghiệm.
Những lưu ý quan trọng khi uống niacin
Dưới đây là những điều quan trọng cần lưu ý khi uống niacin.
Lưu ý chung
- Nên uống niacin khi bụng no
- Nên uống dạng phóng thích kéo dài trước khi đi ngủ
- Không được nghiền nát hoặc cắt viên uống niacin
Bảo quản
- Bảo quản niacin ở nơi thoáng mát từ 20°C đến 25°C
- Đậy chặt nắp hộp chứa niacin. Không để ở nơi có ánh nắng
- Không để viên uống niacin ở những nơi ẩm ướt hay dễ bị nước vào, chẳng hạn như phòng tắm
Mang theo khi đi xa
- Luôn mang viên uống niacin theo bên mình. Khi đi máy bay thì nên mang theo trong hành lý xách tay, không nên để trong hành lý ký gửi.
- Máy quét an ninh ở sân bay không ảnh hưởng gì đến viên uống niacin.
- Đựng viên uống niacin trong lọ còn nguyên nhãn dán và có thể sẽ cần cho nhân viên sân bay xem đơn thuốc.
- Không để viên uống niacin ở bên trong ô tô khi trời nóng.
Theo dõi lâm sàng
Thông thường sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm máu nhất định trong thời gian uống niacin, gồm có:
- Xét nghiệm lipid cơ bản: nhằm kiểm tra nồng độ cholesterol. Để có kết quả chính xác, người bệnh cần nhịn ăn một thời gian (ít nhất là 12 tiếng) trước khi lấy máu. Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh liều dùng niacin dựa trên kết quả xét nghiệm.
- Xét nghiệm đường huyết (glucose): nhằm đo lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu ở mức quá cao thì có thể sẽ cần ngừng uống niacin.
- Xét nghiệm chức năng gan: nhằm kiểm tra xem gan đang hoạt động ra sao. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy gan không hoạt động thì có thể phải ngừng uống niacin.
Chế độ ăn uống
Có thể sẽ cần thực hiện chế độ ăn ít cholesterol trong thời gian uống niacin.
Ngoài ra, không nên ăn đồ ăn cay trong khi uống niacin để làm giảm nguy cơ bị đỏ bừng mặt.
Từ khóa » Tac Dung Thuoc B3
-
Giải đáp: Công Dụng Của Vitamin B3 Với Cơ Thể Là Gì?
-
Khi Nào Cần Bổ Sung Vitamin B3 Và Liều Dùng Khuyến Cáo
-
Niacin (vitamin B3): Công Dụng, Liều Dùng, Tác Dụng Phụ | Vinmec
-
9 Lợi ích Dựa Trên Cơ Sở Khoa Học Của Niacin (Vitamin B3) | Vinmec
-
Vitamin B3 (Niacin) Là Thuốc Gì? Công Dụng & Liều Dùng Hello Bacsi
-
Hỏi đáp Dược Sĩ: Vitamin B3 Có Tác Dụng Gì Với Sức Khỏe?
-
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG CỦA VITAMIN B3 (NIACIN)
-
Vitamin B3 Có Tác Dụng Gì Cho Da? Cách Dùng Thế Nào Cho Hiệu ...
-
Vitamin B3 (Niacin) Hay Vitamin PP: Tác Dụng, Cách Dùng, Tác Dụng ...
-
7 điều Nên Biết Về Vitamin B3 để Có Sức Khỏe Tốt Hơn - YouMed
-
Vitamin B3 Có Tác Dụng Gì? 9 Lợi ích Không Ngờ Cho Sức Khỏe
-
Bạn Có Biết Vitamin B3 Có Tác Dụng Gì Hay Không? - YouMed
-
Bạn Có Biết Tác Dụng Của Vitamin B3 đối Với Cơ Thể Là Gì Không?
-
9 Lợi ích đã được Khoa Học Chứng Minh Của Vitamin B3 (niacin)