Viếng Lăng Bác - Lời Tâm Sự Của Một Người Con Việt Nam

Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người cha già của người dân Việt Nam, có lẽ là niềm cảm hứng muôn thuở trong thi ca. Trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác, miền Nam vẫn là hình ảnh đau đáu khôn nguôi. Và bởi vậy những người con ở miền Nam cũng một lòng hướng về Bác, bài thơ Viếng lăng Bác là một trong những bài thơ thể hiện tình yêu của những người con miền Nam, đối với vị cha già của dân tộc.

  • Ông đồ - Tiếng thở dài tiếc nuối cho một nền văn hoá truyền thống đang lụi tàn
  • Tây Tiến - Vẻ đẹp thiên nhiên và hình tượng người lính
  • Những Bài Thơ Hay Và Nổi Tiếng Nhất Của Nhà Thơ Huy Cận

Viếng lăng Bác - Lời tâm sự của một đứa con Việt Nam

1. Cảm xúc khi ở trước lăng

Mở đầu bài thơ là một lời tự sự đầy cảm xúc:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão tố mưa sa đứng thẳng hàng

Nhà thơ sử dụng cấu trúc song hành, ở khổ thơ đầu, điều gây ấn tượng nhất chưa phải là hình ảnh lăng Bác mà là hình ảnh cây tre. Viễn Phương đã mang theo bao tình cảm thắm thiết của đồng bào miền Nam ra miền Bắc để viếng lăng Bác, Đến Ba Đình, nhà thơ đã nhìn thây hàng tre ẩn hiện trong làn sương mờ ảo. Khung cảnh ở đây thật thiêng liêng. Hình ảnh hàng tre bát ngát gợi lên một quang cảnh đẹp mang đậm nét làng quê. Cảnh quang ấy đã làm cho nhà thơ cảm nhận nơi đó có một linh hồn quen thuộc của quê hương đất Việt.

Có thể nói cây tre là linh hồn của đất Việt, tượng trưng cho nhân phẩm và đạo đức của người dân Việt Nam:

Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Từ láy xanh xanh, ngoài việc thể hiện màu sắc ở nghĩa nổi, ở bề sâu của nó chỉ vẻ yên bình, chắc chắn bền vững tương đồng với hình ảnh “đứng thẳng hàng” ở câu dưới. Đối lập với nó là hình ảnh bão táp mưa sa, chỉ sự sóng gió, hiểm nguy, chao đảo. Vậy là trong mưa gió bão bùng, cây tre vẫn bền bỉ tươi tốt. Như hình ảnh con người Việt Nam, trong trường kì gian khổ, vẫn kiên trì chiến đấu. Nguyễn Duy cũng có những câu thơ nói về tre Việt Nam:

Thân gầy guộc, lá mong manh,

Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?

Ở đâu tre cũng xanh tươi,

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.

Để so sánh với phẩm chất kiên cường của người dân Việt Nam.

Viếng lăng Bác - Lời tâm sự của một đứa con Việt Nam

2. Cảm xúc khi ở trong lăng

Nếu như ở khổ thơ thứ nhất, cây tre được hiện lên trong tính đối xứng thì ở khổ thơ thứ hai, hình ảnh mặt trời cũng được sử dụng với thủ pháp tương tự:

Ngày ngày Mặt Trời đi qua trên lăng

Thấy một Mặt Trời trong lăng rất đỏ.

Mặt trời đi qua trên lăng Bác là Mặt Trời của tạo hoá, thiên nhiên đang toả ra ngàn tia nắng ấm. Còn mặt trời rất đỏ trong lăng là Bác Hồ vĩ đại. Bác được ví như vầng thái dương chói lọi, sưởi ấm cho muôn loài. Mặt trời ấy là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng sáng ngời ấy như ánh mặt trời vĩnh hằng trên trái đất. Bởi vậy, Bác ra đi là sự mất mát lớn đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước, mất mát lớn đối với toàn thể dân tộc ta. Bác để lại muôn vàn nhớ thương trong tâm khảm mỗi con người. Hình ảnh ẩn dụ mặt trời để chỉ về Bác, khẳng định tầm vóc vĩ đại của Người. Vì vậy mà ngày Bác ra đi, cả dân tộc như chết lặng:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Tố Hữu đã từng có những câu thơ:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...

Chiều nay con chạy về thǎm Bác

Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

Sự ra đi của Bác là một niềm tiếc thương vô hạn, đau đáu khôn nguôi. Nhân dân ta vẫn luôn tưởng nhớ Bác, hằn sau hình ảnh Bác ở trong tim, vì vậy những tràng hoa dâng lên Bác chưa bao giờ vơi đi, luôn luôn tươi thắm.

Khổ thơ tiếp theo bộc bạch nỗi lòng của nhà thơ:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Ánh mắt người con hướng về Người và quan sát Người trong niềm thành kính. Giấc ngủ của người trong đôi mi khép chặt, người con không bỏ quên dù nhỏ bé. Và Người ngủ bình yên. Phải chăng, đây là giấc ngủ bình yên hiếm hoi trong “bảy mươi chín mùa xuân” mà người mải mê cống hiến cho dân tộc và quê hương. Hiểu điều đó, cả thiên nhiên và đất trời đều đồng lòng với giấc ngủ của Người. “Vầng trăng sáng dịu hiền ở câu thơ hay chính là ẩn dụ cho khung cảnh thanh bình - lí tưởng mà cả đời Bác luôn theo đuổi.

Khổ thơ còn thể hiện sự đau nhói trước quy luật đau đớn của tự nhiên. Nhà thơ khẳng định sự trường tồn của hình ảnh Bác trong trái tim của người dân Việt Nam, song nỗi đau mất Bác vẫn là quá lớn: “Mà sao nghe nhói ở trong tim!”. Bác là trời xanh, là mùa xuân vĩnh hằng mãi với không gian, thời gian vô cùng vô tận, nhưng Bác cũng là người cha bình thường không thoát khỏi quy luật sinh tử của tự nhiên. Và trong tâm trạng người con, Viễn Phương cũng như đồng bào Việt Nam, tất cả chúng ta đều chung nỗi đau thương nhớ khôn nguôi dành cho Bác.

3. Cảm xúc của nhà thơ khi rời lăng

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Nỗi niềm “thương trào nước mắt” không còn là của riêng của một cá nhân ai, mà đã trở thành tiếng khóc chung cho toàn dân tộc. Điệp ngữ “muốn làm” thể hiện niềm khao khát mãnh liệt được dâng hiến. Ước mơ nhỏ nhoi giản dị, nhà thơ chỉ ước được làm con chim, đóa hoa, cây tre để tô điểm cho lăng Bác, đó cũng là ước mơ của toàn thể dân tộc Việt Nam. Một con chim nhỏ góp tiếng hót làm vui những bình minh của Bác, một đóa hoa góp mùi hương làm thơm không gian quanh Bác hay một cây tre trong hàng tre xanh xanh Việt Nam tỏa bóng mát dịu dàng quê hương của Bác, tất cả đều làm Bác vui và ngủ an giấc hơn. Đây cũng chính là nguyện ước chân thành, sâu sắc của hàng triệu con tim người Việt sau một lần ra thăm lăng Bác.

Những hình ảnh biểu tượng được sử dụng để làm nổi bật lòng kính yêu của người dân Việt Nam đối với chủ tịch Hồ Chí Minh, bài thơ là sự thêu dệt giữa cảm xúc dâng trào của một người con, cộng với lòng biết ơn vô bờ bến của toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung. Cảm động, sâu sắc và đầy xúc cảm.

Thảo Nguyên

Từ khóa » Nói Về Bài Thơ Viếng Lăng Bác