Viết đoạn Văn Phát Biểu Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Có Yếu Tố Tự Sự, Miêu Tả ...

Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ LượmNgữ Văn 6 Cánh Diều tập 2Bài trướcTải vềBài sauNâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm

  • Lập dàn ý phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm
  • Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm mẫu 1
  • Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm mẫu 2
  • Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm mẫu 3
  • Phát biểu cảm nghĩ bài thơ Lượm Mẫu 4
  • Phát biểu cảm nghĩ bài thơ Lượm Mẫu 5
  • Phát biểu cảm nghĩ bài thơ Lượm Mẫu 6
  • Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm mẫu 7
  • Phát biểu cảm nghĩ bài thơ Lượm Mẫu 8

Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả Lượm là đề bài bài trong phần Soạn bài Ngữ văn Cánh Diều 6 tập 2. Dưới đây là dàn bài chi tiết để các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng triển khai và viết thành các bài văn mẫu.

Đề bài: Em hãy viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một trong các bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả đã học Lượm.

Lập dàn ý phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm

+ Mở đoạn: Bài thơ Lượm của Tố Hữu đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc hình ảnh Lượm.

+ Thân đoạn:

- Về nội dung: kể về cuộc đời ngắn ngủi nhưng rất anh dũng của chú bé liên lạc.

- Về nghệ thuật: sử dụng từ láy, lối thơ tự sự, điệp từ, so sánh… làm nổi bật rõ hình tượng Lượm.

- Trong bài thơ, hình ảnh Lượm:

  • Bé loắt choắt, má đỏ bồ quân;
  • Cái xắc xinh xinh, ca lô đội lệch;
  • Thoăn thoắt, nghênh nghênh, huýt sáo vang, nhảy trên đường vàng…
  • Lời nói: tự nhiên, chân thật

- Đặc biệt là sự hi sinh anh dũng của Lượm trên đường làm nhiệm vụ.

+ Kết đoạn: Bằng lời thơ bốn chữ giản dị, tác giả đã thể hiện thành công lớp người thiếu niên nhỏ tuổi yêu nước trong thời kì kháng chiến.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm mẫu 1

Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng tiêu biểu, trong các tác phẩm của ông, bài thơ “Lượm” để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Tác phẩm kể lại câu chuyện tình cờ gặp chú bé Lượm ở hàng Bè, được trò chuyện và nghe Lượm tâm sự về công việc liên lạc. Cùng với đó, nhà thơ còn miêu tả hình ảnh cậu bé liên lạc hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng rất dũng cảm, gan dạ. Đó là một cậu bé khoảng chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Dáng người bé nhỏ, với hành trang là một cái xắc xinh xinh. Đôi chân thật nhanh nhẹn, cái đầu thì nghiêng nghiêng. Cách so sánh “như con chim chích” khiến cho người đọc cảm nhận rõ hơn về tâm hồn ngây thơ của cậu. Hồn nhiên là vậy, nhưng với nhiệm vụ nguy hiểm, Lượm vẫn không hề sợ hãi. Nhận được lá thư đề “thượng khẩn”, cậu nhanh chóng làm nhiệm vụ giao thư. Câu thơ “Sợ chi hiểm nghèo” đã cho thấy lòng dũng cảm của cậu bé. Hình ảnh lượm đã hy sinh trên cánh đồng lúa của quê hương thực sự gây ám ảnh cho tôi. Khi đọc bài thơ, tôi như cảm phục thêm về một thế hệ Việt Nam anh hùng đã cống hiến tuổi thanh xuân, tính mạng cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm mẫu 2

Bài thơ "Lượm" của Tố Hữu là một bài thơ hay và vô cùng ý nghĩa. Với thể thơ bốn chữ giản dị, thân thuộc, tác phẩm đã đưa đến cho người đọc hình ảnh chú bé vô cùng dũng cảm. Ngay trong khổ thơ đầu, ta bắt gặp Lượm vui vẻ, hồn nhiên đi làm nhiệm vụ. Vượt qua chiến trường với "đạn bay vèo vèo", trên tay cầm bức thư khẩn, chú bé vẫn rất thoải mái "sợ chi hiểm nghèo". Vậy nhưng chi tiết "bỗng lòe chớp đỏ" đã đánh tan khung cảnh đẹp đẽ kia: "Chú đồng chí nhỏ/Một dòng máu tươi". Sự ra đi của Lượm khiến cho tâm trạng của độc giả chùng xuống. Hai khổ thơ: "Chú bé loắt choắt/.../Nhảy trên đường vàng" xuất hiện ở cả đầu và cuối tác phẩm, nhưng lại mang theo những xúc cảm trái ngược. Nếu như ban đầu đó là lời giới thiệu đầy thương yêu thì khi kết bài thơ, nó lại là sự tiếc thương, đau xót cho một chú bé hi sinh khi còn quá trẻ. Bằng thể thơ bốn chữ ngắn gọn, hình ảnh quen thuộc, tác giả đã làm nổi bật sự nhí nhảnh, hồn nhiên của chú bé liên lạc. Đồng thời, khắc họa được thực tế đau xót của chiến tranh. Có thể nói, Lượm chính là hình tượng tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, dũng cảm của nhân dân ta trong công cuộc gìn giữ độc lập dân tộc.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm mẫu 3

Khi đọc những sáng tác của nhà thơ Tố Hữu, em đặc biệt yêu thích, ấn tượng với bài thơ "Lượm". Trước hết, về nội dung, bài thơ viết về đề tài kháng chiến cùng tình cảm yêu thương của tác giả đối với chú bé liên lạc. Hình ảnh chú bé Lượm hiện lên một cách chân thực, rõ nét với vẻ đẹp ngoại hình và phẩm chất. Đó là nét đẹp trong sáng dễ thương và sự hồn nhiên, vô tư, lạc quan cùng tinh thần dũng cảm, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp đến, về hình thức, bài thơ sử dụng nhiều yếu tố tự sự, miêu tả, phù hợp với việc thể hiện nội dung kể chuyện về hành trình đưa thư đầy dũng cảm của chú bé Lượm. Ngoài ra, hệ thống từ láy giàu sức gợi hình, hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi,... tô đậm được vẻ đẹp hình tượng nhân vật. Qua bài thơ, em càng thêm kính mến, cảm phục trước thái độ gan dạ, dũng cảm của Lượm. Tác phẩm cũng hướng em đến lối sống biết ơn đối với các thế hệ đi trước, những người đã không ngại hi sinh, gian khổ vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Phát biểu cảm nghĩ bài thơ Lượm Mẫu 4

"Lượm" là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Tố Hữu được đông đảo thế hệ học sinh yêu thích.Bài thơ ra đời năm 1949 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ kể về cuộc đời cách mạng của Lượm. Chú bé Lượm hiện lên thật ngây thơ, tinh nghịch, hăng hái. Đó là một cậu bé chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Dáng vẻ nhỏ bé, nhanh nhẹn thể hiện qua đôi chân lúc nào cũng thoăn thoắt. Vì tuổi còn nhỏ nên cậu vẫn còn rất hồn nhiên, chiếc mũ ca-lô đội lệch sang một bên thật nhí nhảnh. Lượm là chú bé liên lạc trên chiến trường đầy nguy hiểm, cạm bẫy luôn rình rập cậu. Nhưng vì lòng yêu nước và sự dũng cảm của mình Lượm đã xuất sắc hoàn thành những nhiệm vụ được giao.Trong một lần đi giao thư "Thượng khẩn" Lượm đã hy sinh, chú bé ngã xuống ngay trên cánh đồng quê hương và cánh đồng như ôm Lượm vào lòng. Tuy Lượm đã hy sinh nhưng hình ảnh của chú còn mãi với quê hương, đất nước và trong lòng mọi người. Bằng thể thơ bốn chữ, kết hợp miêu tả và biểu hiện cảm xúc bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh chú bé Lượm. Tấm gương dũng cảm và lòng yêu nước của Lượm đáng để mọi người noi theo.

Phát biểu cảm nghĩ bài thơ Lượm Mẫu 5

Bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc hình ảnh một em bé thiếu niên hi sinh vì nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nội dung chính của bài thơ tự sự – trữ tình kể về cuộc đời ngắn ngủi nhưng rất anh dũng của chú bé liên lạc, hồn nhiên, nhí nhảnh, yêu đời, dũng cảm đã ngã xuống để bảo vệ sự bình yên cho chính mảnh đất quê hương mình. Về nghệ thuật, Tố Hữu chủ yếu sử dụng sử dụng từ láy, lối thơ tự sự, điệp từ, so sánh,… góp phần thể hiện hình ảnh Lượm – một em bé liên lạc rất hồn nhiên, vui tươi say mê tham gia công tác kháng chiến thật đáng mến, đáng yêu. Lượm xuất hiện với dáng người nhỏ nhắn, mang theo chiếc xắc xinh xinh vui sướng đi làm nhiệm vụ. Ngoại hình với đôi má ửng đỏ bồ quân, dáng đi thoăn thoắt, cái đầu nghênh nghênh, miệng huýt sáo vang,… đều tô đạm nét hồn nhiên ở chú bé. Thế nhưng ở những dòng thơ cuối, em nằm đó, máu chảy đỏ xuống cánh đồng lúa đang chín vàng. Lượm đã hi sinh trên đường làm nhiệm vụ nhưng hình ảnh của chú bé liên lạc còn mãi với quê hương, đất nước và trong lòng người dân Việt Nam. Bằng lời thơ bốn chữ giản dị thân thuộc, tác giả đã thể hiện thành công lớp người thiếu niên yêu nước nhỏ tuổi trong thời kì kháng chiến.

Phát biểu cảm nghĩ bài thơ Lượm Mẫu 6

“Lượm” là một trong những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu. Tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc hình ảnh Lượm - một em bé thiếu nhi hy sinh vì nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hình ảnh Lượm hiện lên với vài nét khắc họa những để lại ấn tượng sâu sắc. Đó là một cậu bé chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Dáng vẻ nhỏ bé, nhanh nhẹn thể hiện qua đôi chân lúc nào cũng thoăn thoắt. Vì tuổi còn nhỏ nên cậu vẫn còn rất hồn nhiên, chiếc mũ ca-lô đội lệch sang một bên thật nhí nhảnh. Cậu vừa chạy nhảy, vừa huýt sáo làm vang cả cánh đồng. Cách so sánh “như con chim chích” khiến cho người đọc cảm nhận rõ hơn về tâm hồn ngây thơ của cậu. Không chỉ là hình ảnh của Lượm, Tố Hữu còn kể lại hành trình thực hiện nhiệm vụ của Lượm. Với lá thư đề “Thượng khẩn” cần nhanh tới tay người nhận. Cậu bé liên lạc đã không quản nguy hiểm để có thể nhanh chóng đưa thư. Từ “sợ chi” mang nghĩa khẳng định ý chí chiến đấu của người liên lạc nhỏ. Trong lòng cậu không hề sợ hãi nguy hiểm xung quanh mình mà chỉ nghĩ đến nhiệm vụ cấp bách cần phải hoàn thành lúc này. Lượm đã hy sinh trên cánh đồng lúa của quê hương. Cậu bé là một người chiến sĩ dũng cảm, gan dạ. Khi đọc xong bài thơ này, tôi như cảm phục thêm về một thế hệ Việt Nam anh hùng đã cống hiến tuổi thanh xuân, tính mạng cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm mẫu 7

“Lượm” là một bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu. Đến với bài thơ, người đọc sẽ thấy được hình ảnh của người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi, nhưng đầy dũng cảm. Dáng người nhỏ “loắt choắt”, với hành trang là một cái xắc nhỏ “xinh xinh”. Và đôi chân nhanh nhẹn “thoăn thoắt” cùng cái đầu lúc nào cũng ngó nghiêng “nghênh nghênh”. Tác giả dùng những từ láy đặc biệt như vậy để miêu tả dáng vẻ của nhân vật Lượm khiến cho hình ảnh cậu trở nên chân thực. Tuy còn nhỏ nhưng Lượm lại tham gia công việc làm liên lạc, vận chuyển thư từ cho bộ đội ta - một công việc nguy hiểm, cần sự thông minh, nhanh nhạy và lòng dũng cảm mà không phải đứa trẻ nào cũng có được. Ẩn chứa trong thân hình bé nhỏ ấy là một tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, tuy em tuổi còn nhỏ nhưng cũng chẳng thua kém bất kỳ người trưởng thành nào. Công việc em đang làm đã góp phần rất to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Hành trình thực hiện nhiệm vụ của Lượm cũng đầy gian khó. Đặc biệt là hình ảnh Lượm đưa thư “Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo” đầy hung hiểm chứng minh khí chất anh hùng và lòng dũng cảm của cậu bé chẳng ngại gian khó, quên mình vì nhiệm vụ “thượng khẩn” thì “sợ chi hiểm nghèo”. Việc sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và tự sự ở đây giúp tác giả khắc họa chân dung cũng như lòng dũng cảm của nhân vật Lượm.

Phát biểu cảm nghĩ bài thơ Lượm Mẫu 8

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thiếu nhi Việt Nam hăng hái làm theo lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tuỳ theo sức của mình. Nhiều bạn đã hi sinh tuổi thơ trong sáng cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của dân tộc. Hình ảnh chú bé liên lạc hồn nhiên, dũng cảm trong bài thơ Lượm của Tố Hữu đã để lại trong em niềm cảm phục sâu sắc.

Bằng cách kết hợp miêu tả với kể chuyện và biểu hiện cảm xúc, nhà thơ đã khắc hoạ sinh động hình ảnh chú bé Lượm hồn nhiên, vui tươi, hăng hái và dũng cảm.

Thể thơ bốn nhịp nhanh, cùng nhiều từ láy (loắt choắt, thoăn thoắt, nghênh nghênh,...) góp phần thể hiện hình ảnh Lượm - một em bé liên lạc hồn nhiên, vui tươi, say mê tham gia công tác kháng chiến thật đáng mến, đáng yêu.

Lượm được nhà thơ miêu tả với tấm lòng yêu mến chân thành: Dáng Lượm loắt choắt, đã nhỏ lại gầy nhưng nhanh nhẹn và tinh nghịch. Chân thì thoăn thoắt, rất nhanh và rất nhẹ. Đầu nghênh nghênh, lúc nghiêng bên này, lúc nghiêng bên kia. Nhịp thơ nhanh gợi lên hình ảnh chú bé vui tươi, nhí nhảnh, yêu đời.

Ngoài cái đẹp của sự hồn nhiên, nhí nhảnh thì Lượm còn đem đến cho người đọc một vẻ đẹp khác, đó chính là vẻ đẹp tuyệt vời của người chiến sĩ cách mạng.

Dù cho đạn bay vèo vèo nhưng Lượm vẫn bất chấp lao tới. Bởi thư đề “thượng khẩn” nên Lượm chẳng sợ gì hiểm nguy, là một người liên lạc, Lượm phải thực hiện lệnh của cấp trên, phải nhanh chóng truyền đạt lệnh của cấp trên, bởi vì nếu chậm trễ thì có thể sẽ phải hi sinh các đồng đội của chú. Nên dù là hiểm nguy chú vẫn phải vượt lên cho dù phải hi sinh tính mạng.

Đau xót thay, đạn địch bay vèo vèo mà Lượm không thể thoát được, để rồi Lượm đã ngã xuống. Có lẽ khi đọc đến đây không ai có thể cầm được nước mắt, em cũng vậy, đọc đến đây em nghẹn ngào, thương tiếc thay, một chú bé đáng yêu đến thế cơ mà, dũng cảm như vậy mà đã phải ra đi vĩnh viễn.

Cho đến lúc hi sinh, Lượm vẫn mang vẻ đẹp cao cả. Cậu bé nằm giữa đồng, bàn tay vẫn nắm lấy từng bông lúa, như để thể hiện tình yêu quê hương, yêu đất nước vẫn còn mãi. Lượm nằm trên lúa và còn thơm mùi sữa, có lẽ cậu đã ra đi thanh thản.

Hình ảnh của Lượm để lại trong em thật nhiều cảm xúc khâm phục, đau xót, thương tiếc và qua bài thơ đã cho em một cảm nghĩ về nghĩa vụ đối với đất nước trong thời kì hòa bình, để xứng đáng với những gì mà các anh hùng đi trước phải hi sinh, để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

Từ khóa » Cách đọc Bài Thơ Lượm