Viết Giấy ủy Quyền Cho Vợ, Có Cần Công Chứng? - VnExpress

Theo điều 40 Luật Công chứng 2014 và điều 36 Nghị định số 23/2015, ngày 16/2/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền bao gồm:

1. Hợp đồng ủy quyền được soạn sẵn (hoặc có thể yêu cầu công chứng viên tại văn phòng công chứng soạn thảo.

2. Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người ủy quyền và người nhận ủy quyền.

3. Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của người ủy quyền hoặc bản sao các giấy tờ thay thế, được pháp luật quy định đối với quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của người ủy quyền, mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu, trong trường hợp hợp đồng ủy quyền liên quan đến tài sản đó.

Ngoài ra nếu vợ, chồng ủy quyền cho nhau thì hồ sơ yêu cầu công chứng còn phải có bản sao Hộ khẩu thường trú của gia đình và bản sao giấy đăng ký kết hôn. Bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

- Các bản sao giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.

- Khi nộp hồ sơ ,người yêu cầu công chứng, chứng thực xuất trình bản chính của các giấy tờ đã nêu ở trên để người thực hiện công chứng, chứng thực đối chiếu.

- Theo quy định tại điều 42 và điều 55 Luật Công chứng 2014, khoản 2 khoản 6 điều 5 Nghị định số 23/2015, người ủy quyền có thể nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp đồng ủy quyền tại UBND cấp xã nơi có tài sản đất hoặc nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng nào thuận tiện nhất để công chứng hợp đồng ủy quyền.

Người thực hiện công chứng, chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ và hướng dẫn thủ tục cho người yêu cầu công chứng, chứng thực.

Nếu tại thời điểm công chứng chứng thực, người yêu cầu công chứng, chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và nội dung hợp đồng ủy quyền không vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, thì yêu cầu người yêu cầu công chứng, chứng thực ký trước mặt và thực hiện việc công chứng, chứng thực vào hợp đồng ủy quyền theo luật định.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 điều 3, khoản 2 điều 8 Nghị định 23/2015, và điều 5 Luật Công chứng 2014, văn bản chứng thực tại UBND cấp xã không có giá trị pháp lý bằng văn bản được công chứng tại phòng công chứng.

Văn bản được chứng thực tại UBND cấp xã chỉ có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực

Ngoài ra, khoản Nghị định số 23/2015 quy định UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Còn văn bản ủy quyền được công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Căn cứ Bộ luật dân sự 2015 và Kuật công chứng năm 2014 cũng như nghị định số 23 năm 2015 thì không có quy định về hình thức Giấy ủy quyền. Còn trên thực tế Giấy ủy quyền vẫn được sử dụng và cũng được công chứng, chứng thực như Hợp đồng ủy quyền.

Nếu giấy ủy quyền có sự tham gia ký kết của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền, thì theo quy định tại điều 385 và điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, về bản chất giấy ủy quyền đó là Hợp đồng ủy quyền.

Như vậy, nếu chồng ủy quyền cho vợ về quyền đối với tài sản đất bằng hình thức giấy ủy quyền (ủy quyền đơn phương), không liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản đất thì chỉ cần chứng thực tại UBND cấp xã nơi có tài sản đất.

Còn nếu chồng muốn ủy quyền cho vợ tài sản đất có liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản đất bằng giấy ủy quyền có sự tham gia ký kết của cả hai vợ chồng, bạn công chứng tại văn phòng công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý của giấy ủy quyền đó.

Luật sư Nguyễn Văn ThịnhVăn phòng luật sư số 5 Hà Nội.

Từ khóa » Giấy ủy Quyền Mua Bán đất Vợ Chồng