Việt Nam Có Những Nhạc Cụ Truyền Thống Nổi Tiếng Nào?

Âm nhạc là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu với đời sống của người dân Việt. Trải qua suốt hành trình cuộc sống và chiều dài lịch sử, ngày nay Việt Nam còn lưu giữ nhiều nhạc cụ đủ loại từ những dạng đơn sơ nhất cho tới những dạng có sự phát triển khá cao với những kỹ thuật diễn tấu tinh tế. Từ Bắc vào Nam đều có những giai điệu âm nhạc riêng biệt tạo nên nét đặc trưng không thể nhầm lẫn về bản sắc của từng vùng kéo theo những nhạc cụ được sáng tạo có tính đặc trưng bản địa. Ngoài ra có những nhạc cụ được du nhập nhưng đã được dân tộc hóa, bản địa hóa cho phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu một số nhạc cụ truyền thống của Việt Nam nhé!

Đàn cò

Đàn cò hay đàn nhị cấu tạo gồm năm phần: cần đàn, thùng đàn, thủ đàn, ngựa đàn và dây đàn. Đàn cò có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm thanh trong sáng, rõ ràng, mềm mại gần với giọng hát cao (giọng kim). Đàn cò giữ vai trò chủ đạo trong Hát Xẩm, là thành viên trong nhạc phường bát âm, dàn nhã nhạc, ban nhạc chầu văn, tài tử và dàn nhạc tổng hợp.

Sáo trúc

Từ xưa đến nay, sáo trúc luôn gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam. Sáo trúc có thể độc tấu biểu diễn nhiều bài bản, phức tạp, cũng có thể hòa tấu cùng dàn nhạc cổ truyền, giao hưởng, nhạc nhẹ, thính phòng. Vật liệu để làm loại nhạc cụ này là trúc hoặc tre có đường kính khoảng 1.5cm và chiều dài 30cm. Thân ống được khoét một lỗ thổi có lưỡi gà, và có 6 hoặc 10 lỗ bấm. Sáo trúc có thể diễn đạt nhiều sắc thái cung bậc cảm xúc với âm vực rộng trên hai quãng tám.

Đàn tam thập lục

Đàn Tam Thập Lục của Việt Nam bắt nguồn từ quốc gia Ba Tư có tên là santur được chế tác vào khoảng thể kỷ thứ XII, đến khoảng thế kỷ XVIII nó du nhập Đông Nam Á. Đàn giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc cho sân khấu chèo, cải lương, có thể đệm cho hát, độc tấu và tham gia dàn nhạc dân tộc tổng hợp. Đàn có mặt đàn cấu tạo hình thang cân làm bằng gỗ nhẹ và xốp. Cầu đàn, thành đàn làm bằng gỗ cứng. Cần đàn bên trái có 36 móc để móc dây, cần đàn bên phải có 36 trục để lên dây. Dây đàn làm bằng kim khí, que đàn làm bằng hai thanh tre mỏng. Âm vực của tam thập lục khá rộng, khoảng gần 4 bát độ.

Đàn bầu

Đàn bầu hay Độc huyền cầm có mặt phổ biến ở các dàn nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Đàn được chia làm hai loại là: đàn thân tre và đàn hộp gỗ. Đàn chỉ có một dây, có chiều dài chạy suốt thân đàn. Dây đàn được làm bằng tơ tằm, về sau thay bằng dây sắt, cần đàn ngày xưa được làm bằng tre, nay thường được thay thế bằng sừng trâu. Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm khô hoặc gỗ tiện hình nậm bầu. Trục lên dây bằng tre hoặc gỗ, được đặt áp sát vào phía người chơi đàn. Que gẩy đàn được gót bằng giang hoặc song, có đầu nhọn và được làm bông lên. Chính đầu bông xơ này đã tạo cho tiếng đàn ấm hơn.

Cồng chiêng

Cồng chiêng có mặt tại hầu hết các dân tộc Việt Nam, xuất hiện từ thời văn hóa đồng thau Đông Sơn. Cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một thứ không thể thiếu trong vòng đời mỗi con người, âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên là giá trị nghệ thuật đã được khẳng định trong đời sống văn hóa xã hội. Cồng chiêng được đúc bằng hợp kim đồng pha thiếc và chì. Loại có núm gọi là Cồng, không có núm gọi là Chiêng. Cồng, Chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.

Khèn

Vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Khèn thuộc bộ hơi có cấu trúc khá phức tạp, gồm nhiều ống trúc xếp cạnh nhau. Một đầu cắm xuyên qua bầu đàn hình bắp chuối làm hộp cộng hưởng. Khèn bè có âm sắc mảnh và giòn, mỗi ống phát ra một âm sắc nhất định. Bên trong ống có lưỡi gà được làm bằng đồng hoặc bạc giát mỏng. Khèn bè là nhạc cụ đa thanh, âm vực rộng khoảng 1.5 quãng 8, có âm kéo dài.

Đàn T'Rưng

T'rưng là loại nhạc cụ gõ phổ biến ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam làm bằng một số ống tre lồ ô hay nứa ngộ có kích cỡ khác nhau. Trong dân gian, đàn chỉ có từ 5 - 7 ống lồ ô, cắt dài ngắn khác nhau. Đàn T'Rưng chuyên nghiệp thì có khoảng 12 - 16 ống xếp thành hàng trên giá đàn. Khi dùng dùi gõ vào các ống sẽ tạo thành âm thanh cao thấp khác nhau tùy độ to, nhỏ, dài, ngắn của ống. Những ống to và dài phát ra âm trầm, còn những ống nhỏ và ngắn có âm cao. Âm sắc của đàn t'rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng khá đặc biệt.

Đàn đáy

Đàn đáy là nhạc cụ dân tộc cổ truyền của người Việt, không chỉ độc đáo ở hình dáng, âm thanh, mà còn được kết hợp với các nhạc cụ như phách và trống đế, tạo nên loại hình ca trù nổi tiếng. Đàn đáy có 3 dây, phần cán rất dài và mặt sau của thùng âm có một lỗ lớn, có 4 bộ phận chính: Bầu đàn, cần đàn, đầu đàn, dây đàn. Đàn đáy có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm sắc ấm áp dịu ngọt và có thể diễn tả tình cảm sâu sắc.

Đàn đá

Đàn đá là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh. Những phiến đá vô tri, vô giác được chế tác thành nhạc cụ thật kỳ diệu. Từ những thanh đá ấy, tiếng của đại ngàn Tây Nguyên còn vang vọng đến ngày nay.

Song Loan

Song Loan (hay còn gọi là song lang, song lan) là một biểu trưng trong dàn nhạc tài tử và cải lương, nó có vai trò rất quan trọng trong việc giữ trường canh cho các nhạc cụ khác theo đó mà giữ tiết tấu nhịp điệu của mình trong hòa tấu. Tất cả các nhạc công phải hướng theo tín hiệu song lang mà giữ trường canh tiết tấu theo nhạc trưởng (người giữ song lang) và báo hiệu để kết thúc một giai điệu. Âm thanh song loan nghe đanh gọn, có cao độ lớn nhất và âm vực rộng vang rất xa.

Sênh tiền

Sênh tiền là nhạc cụ gõ độc đáo xuất hiện ở Việt Nam ít nhất vài trăm năm nay. Tên cổ của nó là phách sâu tiền hay phách quán tiền. Nhạc cụ này là một loại sênh có gắn những đồng tiền vào nên gọi là sênh tiền. Sênh tiền được dùng trong dàn nhạc cung đình, chầu văn, ca Huế, bát âm, hát sắc bùa và hát ả đào... Người ta dùng nó để hòa tấu, giữ nhịp hoặc làm đạo cụ múa.

Từ khóa » Nhạc Cụ Nổi Tiếng ở Việt Nam