chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Báo Điện tử Chính phủ
In bài viết Vinamilk: Bí quyết tạo dựng thương hiệu
(Chinhphu.vn) – Không chỉ là DN chiếm vị trí số 1 tại thị trường sữa trong nước mà hiện nay thương hiệu sữa Vinamilk đã vươn tới hơn 40 nước trên thế giới và có mặt ở cả những nơi đang là “thủ phủ” của ngành sữa thế giới như New Zealand, Mỹ, châu Âu.
07/07/2016 11:17
Là DN Nhà nước đầu tiên cổ phần hóa (tháng 12/2003) với số vốn điều lệ chỉ có 1.560 tỷ đồng, hơn 10 năm sau (năm 2015), vốn chủ sở hữu của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đạt 20.924 tỷ đồng, giá trị vốn hóa khoảng 155.000 tỷ đồng và mức tăng trưởng doanh thu gấp 10 lần so với năm 2003. Đặc biệt, với doanh số trung bình tăng trên 20%/năm, Vinamilk là một doanh nghiệp dẫn đầu thị phần trong nước ở các ngành hàng sữa và đang từng bước chinh phục thị trường sữa thế giới. Có được “tài sản” lớn như hiện nay là cả một quá trình phấn đấu và cả “bí quyết” để Vinamilk vững vàng trong hội nhập và tăng sức cạnh tranh.
Chủ động nguyên liệu Theo bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, để tăng vị thế cạnh tranh và phát triển thương hiệu, từ đó mở rộng thị phần, một trong những triết lý để xây dựng chiến lược kinh doanh là phải hoàn toàn chủ động vào nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Ngay từ năm 2006, Vinamilk bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa một cách trực tiếp thông qua xây dựng các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp với tổng vốn khởi điểm hơn 500 tỷ đồng và hiện nay đã tăng đến gần 1.700 tỷ (năm 2015). Hiện nay, tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 120.000 con, cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất trên 3 triệu ly sữa/một ngày. Không dừng lại ở con số đó, với mục tiêu phát triển bền vững, Vinamilk sẽ đưa tổng số đàn bò tại các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020. Bên cạnh đó, Vinamilk luôn đặt chất lượng của nguyên liệu sữa lên hàng đầu trong chuỗi sản xuất của mình với nhiều giải pháp đột phá để hỗ trợ hộ chăn nuôi bò sữa nhằm giảm giá thành và tăng hiệu quả kinh tế để phát triển bền vững như cải thiện chất lượng con giống; cải thiện khẩu phần/chế độ nuôi dưỡng chăm sóc đàn bò để nâng cao năng suất, chất lượng sữa và sức khỏe đàn bò theo các công nghệ mới; hỗ trợ các cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm soát dịch bệnh thông qua các biện pháp phòng dịch, tiêm phòng trên đàn bò của hộ/trang trại chă nuôi bò sữa…
Đầu tư bài bản Vinamilk đã có lộ trình đầu tư bài bản từ hệ thống trang trại đến các nhà máy chế biến, sản xuất để bảo đảm chất lượng sữa. Tính đến tháng 3/2016, trang trại bò sữa thứ 7 tại Hà Tĩnh (trong hệ thống trang trại chuẩn quốc tế Global G.A.P) của Vinamilk đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động. Cuối năm 2016, dự kiến Vinamilk sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện để đưa vào hoạt động thêm 2 trang trại ở Thanh Hóa và Tây Ninh với quy mô từ 8.000 đến 16.000 con bò sữa, nâng tổng trang trại của Vinamilk lên con số 9. Các trang trại của Vinamilk đều có hệ thống xử lý chất thải hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với hơn 8.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 120.000 con trên cả nước, đóng góp vào sản lượng sữa tươi nguyên liệu thu mua bình quân khoảng 750 tấn sữa/ngày, góp phần tạo công ăn việc làm cho nông dân. Đặc biệt, với toàn bộ bò giống cao sản nhập khẩu từ Mỹ, Australia và New Zealand, cùng hệ thống các nhà máy chuẩn quốc tế đã giúp Vinamilk luôn bảo đảm việc nguồn sữa tươi nguyên liệu từ các trang trại được vận chuyển nhanh chóng đến các nhà máy chế biến, bảo đảm giữ trọn vị thơm ngon và các chất dinh dưỡng từ sữa trong các sản phẩm một cách tối ưu. Bên cạnh đó, năm 2013, Vinamilk quyết định đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nhà máy sữa bột và sữa nước có công suất siêu lớn. Theo đó, nhà máy sữa bột trẻ em có mức đầu tư 1.600 tỷ đồng với 54.000 tấn sữa bột mỗi năm theo hệ thống dây chuyền tự động hoá 100% đã đáp ứng được nhu cầu sữa bột rất lớn của thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Riêng nhà máy sữa nước có mức đầu tư 2.400 tỷ đồng với công suất thiết kế 800 triệu lít/năm được coi là nhà máy hiện đại bậc nhất Việt Nam với dây chuyền, thiết bị, công nghệ đời mới nhất của thế giới do Tetra Pak (Thuỵ Sĩ), nhà cung cấp giải pháp và thiết bị hàng đầu của ngành sữa đảm nhận.
Chinh phục nhiều thị trường lớn Bên cạnh việc tăng cường và mở rộng thị trường trong nước, để phát triển bền vững và khẳng định được vị thế của thương hiệu, bà Mai Kiều Liên cho biết, phát triển, mở rộng và chinh phục thị trường nước ngoài luôn được Vinamilk đặt trong chiến lược dài hạn để trở thành một trong 50 công ty sữa hàng đầu thế giới và đạt doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017. Vinamilk bắt đầu khai thác thị trường xuất khẩu từ năm 1998. Kim ngạch xuất khẩu từ xấp xỉ 30 triệu USD đã tăng nhanh và đạt mức 250 triệu USD năm 2015, tăng trưởng bình quân 24%/ năm. Trong vòng 17 năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đạt 1,9 tỷ USD và sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới bao gồm khu vực châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và các nước khác.
Thanh Thuỷ