Võ Quý Huân: Người Kỹ Sư Nặng Tình Non Nước

1.jpg

sapo1--.jpg

Võ Quý Huân sinh ngày 7/11/1912 tại Đà Nẵng. Thân sinh ông là cụ Võ Quý Minh, xuất thân từ gia đình trung nông tại xã Thanh Tùng, Thanh Chương; khi đỗ đạt, cụ là công chức thanh tra giáo dục. Ông bà rất quan tâm đến việc học hành của các con. Các con ông đều học rất giỏi: Hai anh trai của Võ Quý Huân là Võ Quý Hy và Võ Quý Huy học ở Huế và trường Bưởi (Hà Nội). Võ Quý Huân cũng từng được theo học ở Huế và lên 19 tuổi thì ra Hà Nội học.

chandungvqh.gif
Kỹ sư Võ Quý Huân (1915-1967).

Từ những năm 1930, Võ Quý Huân đã từng chứng kiến cảnh sưu cao, thuế nặng của bọn thực dân, phong kiến. Đặc biệt, ông từng mục sở thị nhiều cuộc biểu tình ở Thanh Chương, Hưng Nguyên, bị giặc Pháp đàn áp dã man. Năm 1936, sau khi đỗ tú tài toàn phần, ông về Vinh, cùng Nguyễn Đức Minh ra tờ báo bằng ba thứ tiếng Hán, Việt, Pháp mang tên Đông Dương hoạt động, số đầu tiên vào ngày 6/1/1937. Ông vừa là Chủ nhiệm, vừa Thư ký toà soạn và vừa viết bài. Do nội dung tờ báo có tư tưởng tiến bộ, thực dân Pháp đã cấm sau 10 số được phát hành. Ông bị yêu cầu hầu tòa xứ thuộc địa,...

Tháng 5/1937, Võ Quý Huân trốn sang Pháp. Ông vừa làm lụng kiếm tiền, vừa học ba bằng kĩ sư các ngành: cơ điện, đúc và kỹ nghệ chuyên nghiệp. Sau đó, ông làm việc cho hãng tàu thủy Compagnie Translatique (Pháp) và một số nhà máy lớn. Ông cũng là kỹ sư trưởng tại nhà máy nghiên cứu sản xuất động cơ máy bay Potef,… Ông tham gia nhiều hoạt động yêu nước của Việt kiều ở Pháp, tham gia Tổng Công đoàn Pháp (CGT), là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1939.

tai-xuong.jpg
Bác Hồ bế cháu Võ Quý Việt Nga trên tay khi tới gặp gỡ Viêt kiều tại Paris 1946.

Tháng 3/1940, ông kết hôn với người bạn gái tên là Irène, con một trí thức Pháp gốc Nga. Hai người vốn là bạn đồng môn từ năm 1937 tại Đại học Sorbonne. Năm 1944, họ hạnh phúc đón chào con gái đầu lòng, lấy tên là Võ Quý Việt Nga.

Tháng 12/1944, sau khi Pháp được giải phóng khỏi ách phát xít, tại Đại hội Việt kiều họp tại Avignon, thành lập Tổng Ủy ban đại diện Việt kiều tại Pháp, Võ Quý Huân được bầu vào Ban trị sự trung ương Tổng ủy ban đại diện Việt kiều ở Pháp cùng các ông Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đắc Lộ, Lê Viết Hường, Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa),... Những trí thức Việt kiều yêu nước ở Pháp thường xuyên theo dõi tình hình quê hương và vô cùng phấn khởi, tự hào khi biết đất nước đã giành được độc lập.

Ngày 8/5/1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau. Ngày 31/5, theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với tư cách Chủ tịch nước. Đó là những ngày náo nức, sôi động của bà con Việt kiều khi được chào đón, được phục vụ đoàn và đặc biệt là được nghe Bác Hồ nói chuyện về tình hình thế giới và cách mạng Việt Nam.

010-9202.jpg
Kỹ sư Võ Quý Huân (ngoài cùng bên phải) đi cùng với đoàn của Hồ Chủ tịch tại Pháp năm 1946. Ảnh: TL

Võ Quý Huân vừa là phiên dịch, vừa là một trong hai người đã chụp ảnh, quay gần 1.000 mét phim tư liệu về chuyến công tác đặc biệt của Bác Hồ tại Pháp. Rất nhiều trí thức, Việt kiều tình nguyện về nước. Võ Quý Huân là một trong bốn người được Bác Hồ chọn về nước cùng với Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước và Võ Đình Quỳnh. Hơn một tháng được sống gần gũi bên Người, sau này họ được gọi đó là "những học viên đặc biệt" của "Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt"!

Trở về nước, kĩ sư Phạm Quang Lễ được giao ngay trọng trách – Cục trưởng Cục Quân giới; kĩ sư Võ Quý Huân được giao Giám đốc Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ.

Võ Quý Huân chỉ huy sơ tán hai nhà máy Xe lửa Tràng Thi và Điện Bến Thủy lên rừng núi phía tây; lần lượt thành lập các nhà máy kinh tế 1-2-3 cùng trường Cán bộ Kỹ thuật Trung Bộ. Võ Quý Huân là Giám đốc kiêm “tổng công trình sư” cùng các cộng sự gồm: đốc công Lê Tiến Văn, tổ trưởng luyện gang Lê Huy Yêm, tổ trưởng luyện cốc Nguyễn Thái Đồng, phụ trách năng lượng Lê Khánh Cư thiết kế lò cao dã chiến 3KC1, sản xuất gang để phục vụ kháng chiến.

Chiều 15/11/1948, mẻ gang đầu tiên - từ quặng sắt Vân Trì - Nghi Lộc đã được nhiệt luyện, nóng chảy trong lò cao 450 lít. Dòng suối gang chảy ra trong sự reo hò của cán bộ, công nhân cùng bà con Cầu Đất - Con Cuông. Các ông đã dùng các thỏi gang đầu tiên đúc tượng Bác Hồ, tri ân Người đã đưa các trí thức yêu nước từ Pháp về, xây dựng lò luyện kim ngay trên quê hương Xô viết. Anh em muốn báo cáo với Bác: Ngành Đúc - Luyện kim non trẻ đã có sản phẩm phục vụ kháng chiến.

010-9201.jpg
Kỹ sư Võ Quý Huân (thứ tư từ phải sang) giới thiệu công trình chuẩn bị dự triển lãm năm 1949, gồm: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mô hình lò cao thí nghiệm 3KC, nồi hơi, máy phát điện. Ảnh: TL

Các lò cao 3KC2, 3KC3 với dung tích 1m3 lần lượt ra đời. Hàng nghìn tấn gang, hàng loạt mìn, lựu đạn - những vũ khí do Việt Nam sản xuất được chế tạo theo thiết kế của Trần Đại Nghĩa và sản xuất đại trà bằng gang của Võ Quý Huân đưa ra chiến trường, phục vụ đắc lực vào công cuộc kháng chiến.

Không chỉ là người làm ra mẻ gang đầu tiên của ngành Đúc - Luyện kim Việt Nam mà Võ Quý Huân còn là người thầy đào tạo ra những “thợ cả” đầu tiên chuyên ngành Đúc - Luyện kim nước ta. Các học trò từ thời kháng chiến như Hà Học Trạc, Hoàng Bình, Thái Duy Thẩm, Nguyễn Đình Nam, Nguyễn Hựu, Nguyễn Thái Đồng, Phan Cầu,… và sau ngày hòa bình năm 1954: Trần Lum, Lê Ba, Trần Bạch Đằng, Vũ Đình Hoành,… đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong ngành Đúc - Luyện kim và Bộ Công nghiệp nặng.

7.jpg

Ngày 20-9-1947, trong thư gửi BS.Trần Hữu Tước, Bác Hồ viết:"...Nói chú biết, chú mừng: Tôi vẫn mạnh khỏe luôn. Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã gắng sức rất nhiều trong công việc kháng chiến".

Võ Quý Huân là người Hiệu trưởng đầu tiên của trường Kỹ nghệ thực hành, tiền thân của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Các thế hệ thầy, trò nhà trường đánh giá rất cao tầm kiến tạo, xác định hướng đi của trường từ những thời sơ khai của người Hiệu trưởng tài năng xứ Nghệ. Họ cho biết: Thầy Huân hiền lành nhưng cẩn trọng, nghiêm túc. Thầy trực tiếp dạy, trực tiếp hướng dẫn thực hành. Hồi đó, chúng tôi đã rất tự hào thầy Hiệu trưởng của mình có ba bằng đại học từ Pháp về, nhưng không nghe thầy "khoe" gì thêm.

hoi-thaovqh.gif
Hội thảo tưởng niệm Võ Quý Huân - Người kỹ sư nặng tình non nước

Công lao của ông với đất nước là rất lớn nhưng không thể không nhắc đến sự hy sinh hạnh phúc cá nhân cho dân tộc. Khi trở về nước, ông phải xa vợ và con gái. Không ngờ, cuộc chia ly ấy kéo dài hàng chục năm. Dấn thân với công việc, không thể quay trở lại Pháp, ông xây dựng gia đình mới nhưng luôn trăn trở với mái ấm gia đình ở Pháp. Đó là người vợ gốc Nga, đứa con gái mang tên hai dân tộc Võ Quý Việt Nga (chúng ta có thể thấy qua ảnh tư liệu Bác Hồ bế đứa bé năm 1946). Thậm chí, con gái ông từng “mang hận với người cha thất hứa”. Trước khi nhắm mắt (tháng 9/1967) ông đã trăn trối hết với tổ chức và gia đình.

5.jpgPhải gần 50 năm sau ngày chia ly, chị Võ Quý Hòa Bình – con gái cùng cháu ngoại của ông đã đến Paris, tìm đến nhà chị Võ Quý Việt Nga. Cuộc trùng phùng với đầy nước mắt đã làm chị Việt Nga hiểu hơn về người bố đã hi sinh hạnh phúc riêng và sự nghiệp để phụng sự Tổ quốc. Gia đình đoàn tụ, âu cũng làm cho ông dưới suối vàng thanh thản.

Võ Quý Huân, một trí thức yêu nước, đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc. Sinh thời, GS. Trần Đại Nghĩa đã viết "con tim anh nặng tình non nước". GS. Vũ Khiêu đã tặng Võ Quý Huân đôi câu đối: "Theo Bác Hồ, vì nước quên thân, để lại tình yêu hạnh phúc, cam lòng nhớ vợ xa con, ý chí sáng ngời năm tháng ấy. Về Tổ quốc, đúc đồng, luyện thép; tạo ra vũ khí tân kỳ, góp sức rèn binh giết giặc, công lao còn mãi núi sông này". Nhân dân không bao giờ quên ông! Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, HĐND thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên con đường phía trước trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là đường Võ Quý Huân. Ở thị trấn Thanh Chương cũng có con đường mang tên ông.

Anh Đặng

Từ khóa » đường Võ Quý Huân đà Nẵng