Vốn Chủ Sở Hữu (Equity) Là Gì? Các Loại Vốn Chủ Sở ... - VietnamBiz

equity

Hình minh họa (Nguồn: investopedia.com)

Vốn chủ sở hữu (Equity)

Khái niệm

Vốn chủ sở hữu hay còn gọi là tài sản ròng; trong tiếng Anh có một số cách gọi là equity, owner's equity hay stockhold's equity.

Vốn chủ sở hữu (Equity) là phần còn lại của giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi bù đắp các khoản nợ phải trả.

Vốn chủ sở hữu là các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp, các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong công ty cổ phần.

Vốn chủ sở hữu là một trong những nguồn tài trợ thường xuyên trong doanh nghiệp, chỉ khi đơn vị ngừng hoạt động hoặc phá sản mới phải dùng tài sản của đơn vị để ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ, tiền lương cho người lao động, nộp thuế cho nhà nước sau đó tài sản còn lại mới chia cho các chủ sở hữu theo tỷ lệ vốn góp của họ.

Phân loại

Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà vốn chủ sở hữu bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Vốn đầu tư của chủ sở hữu là phần vốn góp của các chủ sở hữu (Nhà nước, cổ đông, các bên liên doanh, các thành viên hợp danh, các thành viên công ty TNHH,...) vào doanh nghiệp. Đối với công ty cổ phần, vốn góp của chủ sở hữu được tính theo mệnh giá của cổ phần phát hành (hay còn gọi là vốn điều lệ).

Thặng dư vốn cổ phần là phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá của cổ phần. Có những trường hợp giá phát hành của cổ phần cao hơn rất nhiều so với mệnh giá làm cho thành phần thặng dư vốn cổ phần chiếm tỉ trọng chủ yếu trong tổng vốn chủ sở hữu của công ty.

Ví dụ, ngày 17 tháng 5 năm 2012, Facebook đã phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vô cùng thành công với giá phát hành là 38 USD/cổ phần trong khi mệnh giá là 0,000006 USD/cổ phần. Với tổng số 421,2 triệu cổ phần phát hành, Facebook đã thu về hơn 16 tỉ USD và trở thành vụ IPO lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là kết quả kinh doanh lũy kế được tích lũy, tái đầu tư làm tăng vốn chủ sở hữu. Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài, lỗ lũy kế có thể vượt quá vốn điều lệ và dẫn tới hủy niêm yết.

Ví dụ, ngày 1 tháng 9 năm 2017, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) công bố báo cáo tài chính soát xét sáu tháng đầu năm 2017, trong đó vốn điều lệ của Công ty là 1.446 tỉ đồng, lỗ lũy kế là 1.418 tỉ đồng tại ngày 30 tháng 6 năm 2017.

Kiểm toán viên Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc ghi nhận số lãi vay 85 tỉ đồng được miễn giảm từ các khoản vay ngân hàng vào tài khoản thu nhập khác là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Do đó, nếu không ghi nhận số tiền lãi được miễn giảm này thì lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cho kỳ kế toán sáu tháng sẽ giảm 85 tỉ đồng, kéo theo lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán tại ngày 30 tháng 6 năm 2017 sẽ là 1.503 tỉ đồng, vượt quá số vốn điều lệ của Công ty. Cuối tháng 10 năm 2017, TTF giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM phương án phát hành 100 triệu cổ phần, tăng vốn thêm 1.000 tỉ đồng.

Từ ngày 14 đến 18 tháng 12 năm 2017, TTF chào bán 100 triệu cổ phần với mức giá 10.000 đồng/cổ phần cho 12 nhà đầu tư chiến lược.

Ngày 25 tháng 12 năm 2017, TTF công bố đã phân phối hết 70 triệu cổ phần, thu về 700 tỉ đồng. Như vậy, TTF đã tăng vốn điều lệ lên 2.146 tỉ đồng, cứu nguy cho TTF khỏi "án" hủy niêm yết.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo cáo tài chính phân tích – dự báo và định giá, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)

Từ khóa » Các Loại Equity