Vốn Chủ Sở Hữu Là Gì? Sự Khác Biệt Giữa Vốn Chủ Sở Hữu Và Vốn ...

Vốn chủ sở hữu là một trong những yếu tố hình thành nên nguồn vốn của doanh nghiệp. Là một thành phần bắt buộc phải có để doanh nghiệp có thể hoạt động, đồng thời cũng chính là yếu tố giúp đánh giá giá trị của một doanh nghiệp. Vậy khái niệm về loại vốn này là như thế nào? Sự khác biệt giữa nó và vốn điều lệ là gì? Hãy cùng Yuanta tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé! 

Vốn chủ sở hữu là gì? Sự khác biệt giữa Vốn chủ sở hữu và Vốn điều lệ

Vốn chủ sở hữu là gì?

Trong Luật doanh nghiệp hiện nay chưa có khái niệm cụ thể về Vốn chủ sở hữu (VCSH) của một doanh nghiệp. Tuy nhiên ta có thể hiểu, nguồn vốn chủ sở hữu hay Equity là số vốn từ các chủ sở hữu mà doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán. Nguồn vốn này thường do chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn hoặc có thể được hình thành từ kết quả kinh doanh, vì vậy nguồn vốn này không phải là một khoản nợ. Một doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều chủ sở hữu vốn. 

Đây được xem như một trong những nguồn tài trợ thường xuyên cho doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản, các khoản nợ của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên trả trước, phần còn lại sẽ được chia đều cho các cổ đông theo tỷ lệ góp vốn của họ.

Vốn chủ sở hữu bao gồm những yếu tố nào?

Yếu tố ảnh hưởng đến  VCSH

Trong nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm các khoản mục cụ thể như sau:

Vốn đầu tư của chủ sở hữu: Là toàn bộ vốn đầu tư (vốn góp) của chủ sở hữu và doanh nghiệp như vốn đầu tư của Nhà nước (đối với công ty Nhà nước); vốn góp của các cổ động (đối với công ty cổ phần), vốn góp của các bên liên doanh, vốn góp của các thành viên hợp danh, vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân, … 

Thặng dư vốn cổ phần: là tổng giá trị chênh lệch giữa vốn góp theo mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành cổ phiếu. Là toàn bộ vốn đầu tư (vốn góp) của chủ sở hữu vào doanh nghiệp như vốn đầu tư của Nhà nước (đối với công ty Nhà nước); vốn góp của các cổ động (đối với công ty cổ phần), vốn góp của các bên liên doanh, vốn góp của các thành viên hợp danh, vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân, .. .

Ví dụ: Mệnh giá của cổ phiếu công ty H là 20.000 VND. Giá thị giá cổ phiếu công ty H là 30.000 VND. Công ty H phát hành 10.000 cổ phiếu ra thị trường. Vậy thặng dư vốn cổ phần = 10.000*30.000 – 10.000*15.000 = 150.000.000 VND. 

Vốn khác của chủ sở hữu: Là vốn được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, hoặc được tặng, biếu viện trợ… 

Cổ phiếu quỹ: Là giá trị thực tế mua lại số cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành sau đó được mua lại bởi chính công ty cổ phần đó làm cổ phiếu ngân quỹ. 

Chênh lệch đánh giá lại tài sản: là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của vật tư, sản phẩm, hàng hóa và tài sản cố định so với giá đánh giá lại được thể hiện trong biên bản đánh giá lại của vật tư, sản phẩm, hàng hóa và tài sản cố định. 

Chênh lệch tỷ giá hối đoái: Là chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn trước khi đi vào hoạt động). 

Quỹ đầu tư phát triển: là quỹ được trích lập từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và được sử dụng vào việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư chiều sâu của doanh nghiệp. 

Quỹ dự phòng tài chính: là quỹ được trích lập từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và được sử dụng để bù đắp khi doanh nghiệp gặp rủi ro về tài chính.

Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu: là quỹ được hình thành từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và được sử dụng vào việc khen thưởng hoặc các mục đích khác phục vụ công tác điều hành của ban giám đốc, hội đồng quản trị.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: phản ánh kết quả kinh doanh (lợi nhuận, lỗ) sau thuế thu nhập doanh nghiệp và tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của doanh nghiệp.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản: là nguồn vốn được hình thành do ngân sách hoặc đơn vị cấp trên cấp. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản của đơn vị được dùng cho việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng sản xuất, kinh doanh, mua sắm tài sản cố định để đổi mới công nghệ. 

Nguồn kinh phí và các quỹ khác: bao gồm quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, nguồn kinh phí sự nghiệp

Ví dụ:

Vốn chủ sở hữu được thể hiện cụ thể trong bảng báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp VNM. Trong VCSH bao gồm các khoản :

  • Vốn cổ phần
  • Vốn khác của chủ sở hữu
  • Thặng dư vốn cổ phần
  • Cổ phiếu quỹ
  • Khoản chênh lệch quy đổi tiền tệ
  • Quỹ đầu tư phát triển
  • Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
  • Lợi ích cổ đông không kiểm soát

Cách tính Vốn chủ sở hữu

Cách tính Vốn chủ sở hữu

Cách tính vốn chủ sở hữu khá đơn giản, chỉ cần hai số liệu đó là tổng tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp. Về cơ bản thì vốn của chủ sở hữu sẽ bằng tổng các loại tài sản ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp trừ đi các khoản nợ mà doanh nghiệp đó phải thanh toán.

Công thức: 

VCSH= Tổng tài sản – Nợ phải trả

Trong đó:

Tài sản bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn của doanh nghiệp. Trong đó: 

  • Tài sản ngắn hạn là tiền gồm có: tiền gửi ngân hàng, tiền đang được luân chuyển, tiền mặt (tiền Việt Nam, ngoại tệ) và các khoản tương đương có giá trị như tiền (vàng, bạc, đá quý, kim khí quý),… 
  • Tài sản dài hạn bao gồm: các khoản đầu tư tài chính dài hạn, các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định, bất động sản đầu tư và các loại tài sản dài hạn khác,…

Nợ phải trả thường bao gồm các khoản như phải trả người bán, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người lao động, phải trả nội bộ, vay và nợ thuê tài chính, nhận ký quỹ, ký cược, người mua ứng trước tiền hàng, phải trả phải nộp khác,…

Ví dụ: 

Chị H sở hữu và điều hành một công ty sản xuất mỹ phẩm. Hiện tại, chị H muốn xác định VCSH doanh nghiệp, công ty của mình. Cụ thể:

Công ty đang có một khoản đầu tư chứng khoán ước tính là 8 tỷ đồng. Tổng giá trị thiết bị nhà máy của chị là 5 tỷ đồng. Số hàng tồn kho và vật liệu hiện tại có giá trị là 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản phải thu của công ty sản xuất mỹ phẩm này là 2 tỷ đồng.

Hiện tại công ty mỹ phẩm này cũng đang nợ 4 tỷ đồng tiền vay để mua dụng cụ cho nhà máy, 300 triệu đồng tiền lương nhân viên, 3 tỷ đồng cho một nhà cung cấp bao bì cho hàng hóa.

Để tính toán vốn chủ sở hữu của mình, chị H có thể tính theo công thức như sau:

VCSH của công ty = (Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả) = (8 + 5 + 3 + 2) – (4+ 0,3 + 3) = 18 – 7,3 = 10,7 tỷ đồng

Trong trường hợp này, VCSH của công ty sản xuất mỹ phẩm chị H là 10,5 tỷ đồng

Một ví dụ khác dễ hiểu hơn:

Bạn mua một ngôi nhà có trị giá 10 tỷ đồng (tài sản). Trong đó, bạn có vay ngân hàng một khoản là 2 tỷ để mua ngôi nhà đó (nợ phải trả). Vậy đại diện cho đối vốn chủ sở hữu trong ngôi nhà 8 tỷ mà chủ nhà (bạn) tự có.

Giá trị của VCSH không phải lúc nào cũng mang giá trị dương. VCSH có thể mang giá trị âm khi tổng giá trị tài sản nhỏ hơn tổng nợ phải trả. Vốn chủ này có thể thay đổi do tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, nguyên nhân gây ra sự thay đổi trong VCSH đó thường sẽ do sự thay đổi của các khoản có trong tài sản hay nợ phải trả của doanh nghiệp.  

Trong trường hợp công ty phải phá sản hoặc đang trong quá trình thanh lý thì VCSH là phần còn lại cuối cùng sau khi thanh toán hết toàn bộ các khoản nợ của doanh nghiệp. 

Phân biệt Vốn chủ sở hữu và Vốn điều lệ

Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh Nghiệp năm 2020 “ Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”

Phân biệt VCSH và Vốn điều lệ

Vốn chủ sở hữu  Vốn điều lệ
Về bản chất Nguồn vốn chủ sở hữu là số vốn từ các chủ sở hữu mà doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán. Nguồn VCSH do chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn hoặc có thể được hình thành từ kết quả kinh doanh. Vốn điều lệ thực chất là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu hay các thành viên trong công ty góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty. Cũng có thể nói vốn điều lệ là tổng mệnh giá của cổ phần đã bán hay được đăng ký mua khi thành lập nên công ty cổ phần.
Về chủ sở hữu Người sở hữu VCSH có thể là  cá nhân, Nhà nước hoặc các tổ chức tham gia vào góp vốn. Các cổ đông mua và nắm giữ cổ phiếu là chủ sở hữu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng có đầy đủ quyền chiếm hữu định đoạt và chi phối đối với vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ thuộc sở hữu các cá nhân, tổ chức đã góp hoặc cam kết góp vốn vào doanh nghiệp
Về cấu hình thành Được cấu thành bởi nhà nước, do doanh nghiệp góp vốn, do góp vốn cổ phần từ cổ đông cá nhân, bổ sung từ lợi nhuận để lại. Vốn điều lệ được hình thành dựa trên số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ của công ty.
Về đặc điểm Nguồn VCSH của doanh nghiệp không phải là một khoản nợ. Lý do vì, VCSH được hình thành từ các các nhà đầu tư góp vốn hay chủ doanh nghiệp và hình thành từ kết quả kinh doanh. Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, vốn điều lệ có thể được xem là một khoản nợ của doanh nghiệp.
Về ý nghĩa VCSH phản ánh được các số liệu và tình hình tăng hay giảm các loại nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp. Vốn điều lệ thể hiện được cho các nhà thấy được cơ cấu vốn trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu còn là cơ sở để phân chia lợi nhuận và rủi ro trong đầu tư đối với các nhà đầu tư góp vốn. 

Nguyên tắc hạch toán VCSH

Nguyên tắc hạch toán VCSH

Các doanh nghiệp hạch toán vào nguồn vốn kinh doanh theo số vốn thực tế đã góp bằng tiền, bằng tài sản khi mới thành lập hoặc huy động thêm vốn để mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải tổ chức hạch toán chi tiết nguồn vốn kinh doanh theo từng nguồn hình | thành vốn. Trong đó cần theo dõi chi tiết cho từng tổ chức cá nhân tham gia góp vốn.

Đối với doanh nghiệp liên doanh phải tổ chức hạch toán chi tiết nguồn vốn kinh doanh theo từng bên góp vốn, từng lần góp vốn, mức vốn góp, loại vốn góp như: vốn góp ban đầu, vốn được bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh.

Chỉ ghi giảm vốn kinh doanh khi doanh nghiệp nộp trả vốn cho cho ngân sách nhà nước, bị điều động vốn cho doanh nghiệp khác trong nội bộ tổng công ty, trả lại vốn góp cho các cổ động hoặc các bên góp vốn liên doanh hoặc giải thể thanh lý Doanh nghiệp, hoặc xử lý bù lỗ kinh doanh theo quyết định của đại hội cổ đông.

Trường hợp nhận góp vốn liên doanh, vốn góp cổ phần bằng ngoại tệ thì được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ trên ngân hàng do ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại ngày tại thời điểm phát sinh. Trường hợp nhận vốn góp của các tổ chức, cá nhân vốn góp bằng tài sản phải phản ánh tăng nguồn vốn kinh doanh theo giá đánh giá lại của tài sản được các bên góp vốn chấp thuận.

Đối với công ty cổ phần, vốn góp cổ phần của các cổ động được ghi theo giá thực tế phát hành cổ phiếu, nhưng được phản ánh chi tiết theo hai chỉ tiêu riêng: Vốn đầu tư của chủ sở hữu và thặng dư vốn cổ phần. Vốn đầu tư của chủ sở hữu được phản ánh theo mệnh giá của cổ phiếu. Thặng dư vốn cổ phần phản ánh khoản chênh lệch tăng giữa số tiền thực tế thu được so với mệnh giá khi phát hành lần đầu, hoặc phát hành bổ sung cổ phiếu và chênh lệch tăng giảm giữa số tiền thực tế thu được so với giá mua lại cổ phiếu khi tái phát phát hành cổ phiếu quỹ. Riêng trường hợp mua lại cổ phiếu để hủy bỏ ngay tại ngày mua thì giá trị cổ phiếu được ghi giảm nguồn vốn kinh doanh tại ngày mua lại giá thực tế mua lại và cũng ghi giảm nguồn vốn kinh doanh chi tiết theo mệnh giá và phần thặng dư vốn cổ phần của cổ phiếu mua lại. 

Những yếu tố tác động làm tăng – giảm Vốn chủ sở hữu?

Theo thông tư 133 Bộ Tài chính thì các doanh nghiệp được hạch toán phần vốn chủ sở hữu tăng hay giảm trong các trường hợp sau:

VCSH tăng, giảm khi nào?

Vốn chủ sở hữu giảm

Vốn chủ sở hữu giảm khi doanh nghiệp gặp các trường hợp:

  • Doanh nghiệp phải hoàn trả lại vốn góp cho đối tượng là chủ sở hữu vốn;
  • Giá cổ phiếu khi phát hành thấp hơn mệnh giá;
  • Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hay giải thể;
  • Phải bù lỗ vào các hoạt động kinh doanh theo quy định các cấp thẩm quyền; 
  • Khi các công ty cổ phần hủy bỏ cổ phiếu quỹ.

Vốn chủ sở hữu tăng

Vốn chủ sở hữu tăng khi doanh nghiệp gặp các trường hợp:

  • Chủ sở hữu góp thêm vốn vào doanh nghiệp
  • Bổ sung thêm vốn từ lợi nhuận trong kinh doanh hay từ các quỹ thuộc vốn của chủ sở hữu của doanh nghiệp.
  • Cổ phiếu phát hành cao hơn mệnh giá.
  • Giá trị của các khoản tài trợ, quà biếu hay tặng trừ đi khoản thuế phải nộp là số dương đồng thời được các cấp thẩm quyền cho phép ghi tăng VCSH

Nguồn vốn chủ sở hữu đối với mỗi loại hình doanh nghiệp

Nguồn vốn chủ sở hữu đối với mỗi loại hình doanh nghiệp

Với mỗi dạng loại hình doanh nghiệp khác nhau thì vốn chủ sở hữu cũng được hình thành từ các nguồn khác nhau. Tùy thuộc vào đặc thù và loại hình riêng của từng doanh nghiệp mà cơ loại vốn này thay đổi theo. Cụ thể  như sau:

Doanh nghiệp nhà nước: do nhà nước giao, được điều động từ các doanh nghiệp trong nội bộ tổng công ty, vốn do công ty mẹ đầu tư vào công ty, các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản nếu được ghi tăng giảm nguồn vốn kinh doanh hoặc được bổ sung từ các quỹ, được trích lập từ lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh hoặc được các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước viện trợ không hoàn lại

Công ty liên doanh: (có thể bao gồm các xí nghiệp hoặc công ty liên doanh): là việc liên doanh góp vốn có thể được tiến hành giữa doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài. Do các bên tham gia liên doanh góp vốn và được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế.

Doanh nghiệp tư nhân: Nguồn vốn kinh doanh bao gồm vốn do chủ doanh nghiệp bỏ ra kinh doanh và thành lập công ty, vì vậy chủ của nguồn vốn chủ sở hữu đương nhiên được xem là chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VCSH của doanh nghiệp tư nhân còn được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn: nguồn vốn kinh doanh do các thành viên góp vốn được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh

Công ty cổ phần: Nguồn vốn kinh doanh được hình thành từ số tiền mà các cổ động đóng góp cổ phần, hoặc được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo quy định trong điều lệ của công ty, thặng dư vốn cổ phần do bán cổ phiếu cao hơn mệnh giá, và được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh, từ các quỹ hoặc được tặng biếu, viện trợ…

Công ty hợp danh: VCSH được đóng góp bởi các thành viên đóng góp thành lập công ty. Các thành viên này là các chủ sở hữu vốn. Công ty hợp danh là các doanh nghiệp có ít nhất hai thành viên hợp danh và có thể có các thành viên góp vốn.

Vậy qua bài viết trên chắc hẳn bạn đã phần nào hiểu hơn về Vốn chủ sở hữu là gì? và Sự khác biệt giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ? Hiểu được các khái niệm trên và xác định được tầm quan trọng của loại vốn này đối với doanh nghiệp sẽ giúp bạn có những định hướng và kế hoạch đầu tư tối ưu hơn. Trên đây là bài viết được chia sẻ bởi công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam. Chúc bạn đầu tư thành công!

Từ khóa » Hệ Số Vốn Chủ Sở Hữu Là Gì