Vòng Quay Tín Dụng (Credit Turnover) Là Gì? - VietnamBiz

11

Hình minh họa (Nguồn: Ronn Torossian)

Vòng quay tín dụng (Credit Capital Turnover)

Vòng quay tín dụng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Credit Capital Turnover.

Vòng quay tín dụng được hiểu là việc thể hiện tốc độ luân chuyển các khoản vay mà ngân hàng cấp cho nền kinh tế, nói cách khác, chỉ tiêu này cho biết ngân hàng thu được nợ khách hàng bao nhiêu để có thể lại cho vay mới.

Đây là chỉ tiêu quan trọng được các ngân hàng tính toán hàng năm để đánh giá khả năng tổ chức quản lí vốn tín dụng và chất lượng tín dụng trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hệ số này phản ánh số vòng chu chuyển vốn tín dụng và được xác định như sau:

Vòng quay tín dụng = Doanh số thu nợ trong kì/Dư nợ bình quân trong kì.

Vòng quay tín dụng càng cao chứng tỏ nguồn vốn vay ngân hàng đã luân chuyển nhanh, tham gia vào nhiều chu kì sản xuất, lưu thông, tiết kiệm chi phí, tạo lợi nhuận lớn cho ngân hàng.

Phân tích khái niệm Vòng quay tín dụng

Thực ra chưa có một khái niệm cụ thể nào định nghĩa về vòng quay tín dụng, trong các văn bản pháp luật về ngân hàng cũng không đề cập đến chỉ tiêu này; hơn nữa, tại các Ngân hàng thương mại khi lập kế hoạch, giao kế hoạch và phân tích hoạt động kinh doanh, thì vòng quay tín dụng cũng không được dùng, mà thay vào đó là chỉ tiêu dư nợ.

Sở dĩ tồn tại thực tế này, có lẽ bắt nguồn từ kiến thức tài chính doanh nghiệp, bởi vì hai doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, nếu doanh nghiệp nào có vòng quay nhanh hơn sẽ hiệu quả hơn (tạo ra nhiều lợi nhuận hơn). Tuy nhiên kinh doanh ngân hàng lại không đơn giản như vậy, bởi lợi nhuận được tạo ra trên cơ sở số dư, mức lãi suất, và thời gian.

Giả sử có hai ngân hàng là A và B, mỗi ngân hàng đều có 1 đồng tiền vốn. Ngân hàng A áp dụng chính sách cho vay thu nợ hàng quí, nên mỗi năm tạo ra được 4 đồng doanh số cho vay, 4 đồng doanh số thu nợ, dư nợ bình quân là 1 đồng và vòng quay tín dụng là 4 vòng.

Ngân hàng B áp dụng chính sách cho vay kì hạn 1 năm, nên mỗi năm chỉ tạo ra được 1 đồng doanh số thu nợ, 1 đồng doanh số cho vay, dư nợ bình quân là 1 đồng và vòng quay tín dụng là 1 vòng.

Nếu mức lãi suất cho vay là như nhau (10%/năm), thì kết quả kinh doanh của hai ngân hàng sẽ là như nhau cho dù ngân hàng A có doanh số cho vay, doanh số thu nợ và vòng quay tín dụng lớn gấp 4 lần ngân hàng B (ở đây chưa nói tới chi phí của ngân hàng A phải kí kết và thanh lí tới 4 hợp đồng tín dụng).

Qua phân tích cho thấy, vòng quay tín dụng chỉ phản ánh một khía cạnh của chính sách tín dụng là thiên về cho vay ngắn hạn hay dài hạn. Nếu vòng quay càng mau, chứng tỏ ngân hàng thiên về cho vay ngắn hạn, còn nếu vòng quay thưa, chứng tỏ ngân hàng thiên về cho vay trung dài hạn. Ngoài ra xét từ giác độ kế toán thì chênh lệch giữa doanh số cho vay và doanh số thu nợ sẽ là dư nợ cuối kì.

Từ khóa » Cách Tính Vòng Quay Vốn Tín Dụng