Vụ án Oan Nổi Tiếng Sau Cái Chết Của Người Phụ Nữ đa Tình

Sáng sớm 21//11/1940, tại thị trấn nhỏ phía đông Ireland, hạt Tipperary, anh nông dân 37 tuổi, Harry Gleeson đang hoàn thành các công việc hàng ngày trong trang trại của người chú ruột thì tình cờ bắt gặp xác của cô Mary McCarthy, với hai phát đạn giữa mặt. Harry nhanh chóng thông báo cho cảnh sát song trớ trêu, vài giờ sau, chính anh bị cáo buộc là kẻ giết người.

Harry sinh năm 1903 trong gia đình 12 anh chị em. Khi 17 tuổi, anh chuyển đến quản lý trang trại cho một người chú ruột không con. Là một người hay cười, tốt bụng, vận động viên thể thao và tay huấn luyện chó săn nổi tiếng, cậu thiếu niên nhanh chóng lấy được cảm tình của người trong vùng.

Ngược lại, nạn nhân Mary McCarthy lại là một "cái gai" trong mắt vùng quê bình yên trù phú. Từ năm 1921 đến 1940, cô có bảy người con ngoài giá thú với những người đàn ông khác nhau, tất cả đều là người địa phương và đều đã có gia đình riêng. Ở một khía cạnh nào đó, cô là một "quả bom hẹn giờ" cho các bê bối ái tình trong vùng.

Cô không giấu giếm lối sống của mình, đặt tên cho tất cả các con của mình theo tên cha tương ứng hoặc họ hàng của những người cha đó. Marry sống với các con trong túp lều cỏ, nhận được sáu shilling một tuần tiền hỗ trợ của tiểu bang và một lít sữa mỗi ngày cho đàn con nhỏ.

Trong cộng đồng gắn bó chặt chẽ, lối sống không chính thống của cô đã trở thành một nguồn căng thẳng cho các cuộc đấu đá với những người vợ danh chính ngôn thuận. Một đêm, mái tranh của cô thậm chí đã bị đốt cháy bởi một trong số những phụ nữ này. Mary và các con sau đó được bồi thường 25 bảng Anh. Ngôi nhà dựng lại của 8 mẹ con được bao bọc ba mặt bởi trang trại nhà ông Caesar, nơi Harry trưởng thành và coi sóc gần như cả cuộc đời.

Chín ngày sau vụ án mạng của bà mẹ đơn thân tai tiếng, Harry bị bắt và bị buộc tội giết người. Cảnh sát cho rằng, Harry chính là cha của đứa con út của nạn nhân. Họ cáo buộc Harry giết Marry dể bịt đầu mối, vì lo sợ chú mình biết được mối quan hệ bất chính này, sẽ không để lại quyền thừa kế trang trại.

Báo chí địa hương đưa tin về vụ án. Ảnh: History Collection

Báo chí đưa tin về vụ án. Ảnh: History Collection

Harry từ đầu đến cuối phủ nhận việc có quan hệ trái đạo đức với nạn nhân, và cũng không quan tâm đến việc trang trại sẽ được di chúc cho ai. Tommy Reid, người giúp việc cho trang trại, đi cùng Harry suốt ngày hôm đó, hăng hái làm chứng về tình tiết ngoại phạm cho bạn.

Sau cuộc lấy cung, nhân chứng này được phép rời đi, nhưng chỉ 13 giờ sau, anh ta bị đánh đập dã man với những vết bầm tím làm biến dạng một bên mặt. Ngày hôm sau, với cùng bộ dạng này, đột ngột đến trình diện cảnh sát, xin thay đổi lời khai, tuyên bố không làm chứng cho bạn và dấm dứt khóc, lủi thủi ra về.

Reid đã nói trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau đó rằng một khẩu súng đã được gí vào đầu anh ta bởi một vệ binh cảnh sát địa phương "nếu anh không ngậm miệng, cái đầu này sẽ văng khỏi cổ bất cứ lúc nào".

Quan sát vụ án, luật sư Sean McBride, người bào chữa cho Harry nhận thấy một "âm mưu im lặng" đang diễn ra, khi các trụ cột của một cộng đồng nông thôn hợp tác để bảo vệ một số và lên án một số khác. Marry, theo quy ước vùng, là một phụ nữ "không chính chuyên", không đáng bảo vệ, lại có quá nhiều quan hệ ngoài luồng với những gã đàn ông vai vế trong vùng. Harry vừa hay là "con tốt" thế thân cho họ.

Xác được thủ phạm để lại cánh đồng của trang trại, vì biết rằng Harry sẽ là người đầu tiên bắt gặp nó. Harry có thói quen dắt bầy chó săn xám của mình trong cánh đồng đó vào mỗi buổi sáng. Harry bị "sập bẫy" bởi chính thói quen của mình, âm mưu kết tội anh bắt đầu.

Sean McBride là luật sư mới hành nghề có 4 năm song có danh tiếng nhờ thắng kiện một vụ án lớn, năm 1939. Đây được coi là thắng lợi bom tấn với luật sư chập chững vào nghề, nhưng lại là một sự sỉ nhục đối với các thành viên lâu năm trong ngành lập pháp, trong đó có thẩm phán Martin Maguire.

Tình cờ, hoặc trớ trêu, thẩm phán này lại được chỉ định xét xử vụ án của Harry. Đây sẽ là cơ hội ngàn vàng để thẩm phán McGuire lấy lại danh dự năm xưa trước luật sư Sean McBride.

Vào ngày 27/2/1941, McGuire kết án tử hình Harry mà không có bất cứ bằng chứng vật chất hay nhân chứng nào. Đêm 22/4/1941, trước buổi hành quyết, MacBride đến thăm thân chủ tại nhà tù Mountjoy, sau đó viết lại cuộc viếng thăm trong nhật ký cá nhân. "Harry nhờ tôi gửi lời đến gia đình, bè bạn rằng anh không bận lòng gì về cái chết. Harry bình tĩnh và hạnh phúc".

Trong nhà tù, Harry bắt tay vị luật sư một cách chắc chắn và cảm ơn vì tất cả những gì anh ta đã làm để bảo vệ mình. Anh thỉnh cầu những người tốt đã tin tưởng vào anh ta, sau vụ hành quyết, sẽ tiếp tục cuộc chiến để minh oan cho anh.

"Trước khi chúng tôi tạm biệt nhau, anh đứng lên và nói, khi đứng trên giá treo cổ, anh sẽ cầu nguyện cho những kẻ thủ ác sẽ bị vạch trần, anh sẽ được minh oan nơi thiên đường. 'Tôi không có lời thú tội nào trước lúc chết, đơn giản, tôi đã không phạm tội', là những lời cuối của Harry".

Thẩm phán Martin McGuire tiếp tục thăng tiến, trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao không lâu sau đó, trong khi luật sư Sean McBride vẫn day dứt về cái chết của người nông dân vô tội. Đúng như trăn trối của Harry, trong những thập kỷ tiếp theo, nhiều người vẫn âm thầm điều tra, tìm chứng cứ minh oan cho anh.

Luật sư Sean McBride, sau này trở thành Bộ trưởng ngoại giao, được trao giải Nobel Hoà bình năm 1974 vì đấu tranh bảo vệ quyền con người. Ảnh: Independent

Luật sư Sean McBride, sau này trở thành Bộ trưởng ngoại giao, được trao giải Nobel Hoà bình năm 1974 vì đấu tranh bảo vệ quyền con người. Ảnh: Independent

Năm 2012, chiến dịch Công lý cho Harry Gleeson được thành lập, đứng đầu là những người cháu của Harry, liên kết với dự án Innocence tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, ủng hộ việc tìm lại tiếng nói cho những những người đã bị kết tội oan.

Quá trình khám nghiệm pháp y sau đó cho thấy Harry hoàn toàn vô can trong cái chết của Marry, đồng thời phơi bày những sự lấp liếm, đổ tội trắng trợn trong quá trình điều tra. Theo đó, thời điểm gây án, và hung khí đều chưa được xác định, các nhân chứng không đảm bảo khách quan, trong khi sổ đăng ký sử dụng súng tại địa phương không hề có tên Harry.

Năm 2013, sau khi tự mình điều tra các chi tiết này, cố vấn cấp cao của Bộ trưởng tư pháp Ireland xác định việc kết tội Harry năm xưa, dựa trên "bằng chứng tình tiết không thuyết phục" và đề nghị ân xá.

Ngày 6/4/2015, Chính phủ Ireland thừa nhận sự sai lầm và chính thức xin lỗi về vụ oan sai. Vào tháng 12 cùng năm, Tổng thống Michael D Higgins đã ký lệnh ân xá cho Harry Gleeson, chính thức tuyên bố anh vô tội.

"Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thay mặt Chính phủ, tôi muốn bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với gia đình ông Harry Gleeson và hối tiếc sâu sắc trước sự sai lầm của công lý," nữ Bộ trưởng phát biểu tháng 1/2016.

Harry là người đầu tiên trong lịch sử Ireland được ân xá, cũng đánh dấu lần "nhận sai" công khai đầu tiên của nền tư pháp nước này.

Tử tù chết oan cuối cùng đã có được công lý sau 74 năm. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, bất chấp những nỗ lực, hài cốt của Harry vẫn nằm trong khuôn viên nhà tù Mountjoy, không thể xác định vị trí chính xác.

Luật sư Sean McBride sau này trở thành chính trị gia, cố vấn cấp cao của Quân đội Ireland, Bộ trưởng ngoại giao và đấu tranh đến cuối đời cho quyền con người, phản đối các phán quyết bất công của Toà án. Năm 1974, ông nhận giải Nobel Hoà bình với tư cách là người đã "vận động lương tâm của thế giới trong cuộc chiến chống lại bất công". Ông mất năm 1988, khi 83 tuổi.

Hải Thư (Theo IrishTimes, The Journal, Irish Examiner)

  • Vụ án oan nổi tiếng nước Anh của 'chàng ngốc'
  • Vụ án kết tội 'lỏng lẻo' nhất nước Mỹ
  • Người đàn ông tật nguyền 30 năm gánh nỗi oan giết người
  • Lời thề kêu oan của tử tù gây rúng động nước Mỹ
  • Nửa thế kỷ kêu oan của tử tù Hong Kong

Từ khóa » Những Vụ án Oan Nổi Tiếng Việt Nam