Vụ án Sát Hại Thiếu Phụ Và Nỗi Oan Của Thầy Thuốc Nam - PLO

Mấy tháng gần đây, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, anh Đỗ Thanh An (48 tuổi, người chuyên chạy xe dịch vụ du lịch ở Đồng Nai) phải nằm nhà.

“41 năm qua, cái chết đau đớn của mẹ luôn in sâu trong tâm trí tôi, không thể nguôi ngoai. Cứ nhắm mắt là hình ảnh mẹ lại hiện rõ mồn một dù khi mẹ bị giết, tôi chỉ mới là đứa trẻ tám tuổi” - anh An tâm sự.

Cái chết bất ngờ của thiếu phụ 26 tuổi

Đó là ngày 31-7-1980, mẹ anh An - bà Phan Thị Khanh (sinh năm 1954, lúc đó 26 tuổi) từ nhà vào rẫy thu hoạch bắp nhưng đến chiều tối không về nhà. Gia đình tìm kiếm thì phát hiện thiếu phụ nằm chết ở đồi dốc gần rẫy bắp, cách quốc lộ 1A chỉ 7 m.

Ông Võ Tê (trái), người mang án oan giết người suốt 41 năm qua. Anh Võ Ngọc (giữa), con trai ông Võ Tê, liên tục gõ cửa khắp nơi đòi một lời xin lỗi cho người cha bị oan đã khuất. Anh Đỗ Thanh An (phải), con trai nạn nhân, nhiều năm qua vẫn đau đáu câu hỏi: “Ai đã giết mẹ tôi?”. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Theo hồ sơ của Công an tỉnh Bình Thuận, xung quanh hiện trường ở thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) cây cỏ rậm rạp, có một đường mòn rộng khoảng 50 cm.

Nạn nhân mặc áo màu hồng nhạt, quần đen, có năm vết chém trên đầu và nhiều vết chém ở cánh tay, bàn tay…, bên cạnh là gánh bắp, chiếc nón lá và một cây rựa dính máu.

Anh An nhớ lại, cả buổi chiều hôm đó anh được mẹ dẫn theo lên rẫy gần nhà để hái bắp. Đến chuyến cuối cùng, mẹ không cho anh theo nữa vì đã chiều muộn. Đó cũng là gánh bắp cuối cùng của mẹ anh.

Bốn năm trước ngày xảy ra án mạng, năm 1976, chồng mất, bà Khanh ôm cậu bé An chưa đầy ba tuổi từ Bình Định cùng mẹ ruột và em trai vào Tân Minh, Bình Thuận sinh sống.

Làm ăn dành dụm, bà Khanh dựng được một ngôi nhà nhỏ nhưng sau đó bị thiêu rụi một cách bí ẩn. Rất may, số nữ trang 1,6 lượng vàng 24K gồm một chiếc lắc, một đôi khoen, hai chiếc nhẫn và một chiếc còng bà Khanh mang trong người nên không bị mất trong vụ hỏa hoạn. Kể từ đó, bà Khanh may một túi vải nhỏ đựng số nữ trang trên, lúc nào cũng mang theo bên mình. Ngày định mệnh, xác bà Khanh được phát hiện ven đồi nhưng túi vải đựng số nữ trang có giá trị cao thời điểm đó đã không còn trong người.

Bị khởi tố vì vệt máu dính trên ống quần

Cũng trong buổi chiều xảy ra án mạng, ông Võ Tê (sinh năm 1932, lúc đó 48 tuổi) thấy nạn nhân đi gánh bắp lúc 16 giờ. Rẫy bắp của bà Khanh là diện tích đất của gia đình ông Tê. Thấy mẹ góa con côi, không có đất đai nên ông Tê cho bà Khanh canh tác.

Hôm đó, ông Tê cùng hai con trai là Võ Ngọc và Võ Cường chuẩn bị đi câu cá. Trong lúc đang mắc mồi vào lưỡi câu, ông Tê thấy bà Khanh gánh đôi giỏ đi ngang nên hỏi. Bà Khanh trả lời rằng xin nghỉ làm ở hợp tác xã một buổi để đi rẫy bẻ bắp.

Đến 17 giờ, ông Tê đi một hướng, hai con trai của ông đi hướng khác để xuống suối câu cá. Khoảng 1 tiếng sau, cha con ông Tê về nhà. 19 giờ, ông Tê sai con nướng cá vừa câu được để mình nhắm rượu.

Tuy nhiên, chưa ăn xong miếng cá thì ông nghe sát lộ có tiếng la hét rồi một người hàng xóm chạy đến báo: “Chú ra gấp, chị Khanh bị trúng gió”. Là người duy nhất rành thuốc Nam trong xóm, ông Tê lập tức chạy đến hiện trường.

Tại đây, mẹ của bà Khanh đang ôm xác con gái đầy máu, khóc lóc thảm thiết. Ông Tê đến bắt mạch, vỗ vào bụng nạn nhân rồi đoán rằng bà đã chết. Lúc này, mẹ của nạn nhân chồm tay, nắm ống quần của ông Tê nhờ cứu con gái. Máu từ tay bà dính vào ống quần của ông Tê.

Từ vết máu này, một ngày sau, ngày 1-8-1980, Công an huyện Hàm Tân khởi tố vụ án giết người, cướp của theo Sắc lệnh số 03; khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Tê.

Tại cơ quan công an, ông Tê khai rằng vết máu trên ống quần của ông là do dính từ tay của mẹ nạn nhân. Công an huyện Hàm Tân đã xác minh, đối chứng với lời trình bày của các nhân chứng, kết quả phù hợp với lời khai của ông Tê.

Tuy nhiên, nửa tháng sau, không hiểu vì lý do gì, ông Tê bất ngờ đưa ra lời khai chống lại mình. Ông khai rằng buổi chiều đó ông đi câu, đến 18 giờ thì về nhà. Trên đường, ông gặp bà Khanh đang gánh bắp thì dùng tay sàm sỡ và bị bà lấy đòn gánh đánh. Ông Tê giật cây rựa trong gánh bắp của bà và ném trúng đầu nạn nhân. Thấy bà ngã xuống đất bất tỉnh nên ông Tê cầm cần câu chạy về nhà.

Được tự do sau gần năm tháng bị bắt

Sau khi ông Tê khai nhận, Công an huyện Hàm Tân đã chuyển hồ sơ và di lý ông về Phòng Cảnh sát hình sự (PC14) Công an tỉnh điều tra theo thẩm quyền. Quá trình điều tra, ông Tê phủ nhận lời khai nhận tội và khai đúng như lời khai ban đầu. Từ đó, ông luôn khẳng định mình vô tội.

Ngoài dấu máu dính ở ống quần của ông Tê mà qua xác minh là do mẹ nạn nhân ôm chân ông kêu cứu dính phải, cơ quan điều tra còn phát hiện trên áo và cần câu của ông Tê cũng có vết máu. Tuy nhiên, giám định của Bộ Công an đã kết luận các dấu máu trên không phải là máu người.

Sau đó, căn cứ kết quả giám định tử thi, hiện trường và các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra xác định không đủ căn cứ chứng minh ông Tê giết người, cướp của. Do đó, ngày 30-12-1980, sau gần năm tháng tạm giam ông Tê, PC14 ra Lệnh tha số 05, trả tự do cho ông.

Trong lá đơn gửi báo Pháp Luật TP.HCM, anh Võ Ngọc (57 tuổi, con trai trưởng của ông Tê) cho biết lúc đó anh 16 tuổi, đang là học sinh. Suốt buổi chiều, anh cùng cha và em trai đi câu cá. Sau đó về nhà, anh nướng cá cho cha uống rượu. Vậy mà họ dám kết luận cha anh ra tay sát hại thiếu phụ hàng xóm.

Ngày cha bị bắt giam, anh Ngọc cũng bị triệu tập làm việc, một ngày sau thì được cho về. Anh Ngọc cho biết suốt gần năm tháng cha anh bị giam, gia đình anh sống trong tủi nhục, bị hàng xóm xa lánh, bị coi là “quân giết người, cướp của”. Anh Ngọc và các em lần lượt phải bỏ học vì không chịu nổi búa rìu dư luận.

Năm 1985, không thể chịu đựng thêm những gièm pha, anh Ngọc đăng ký đi bộ đội tình nguyện tại Campuchia để mọi người có một cái nhìn tốt hơn về gia đình mình. Ba năm sau, năm 1988, anh phục viên trở về Việt Nam. Anh càng thương cha hơn khi ông sống như một chiếc bóng.

Năm 1989, trầy trật lắm anh Ngọc mới cưới được vợ ở xóm dưới. Chị Chung Thị Hạnh, vợ anh Ngọc, cho biết: “Lúc đầu nghe gia đình có án giết người, cướp của, tôi cũng sợ lắm. Tuy nhiên, anh Ngọc là người hiền lành, thật thà. Hơn nữa, cha anh bị bắt nhầm nên mặc cho ai đồn thổi, chúng tôi vẫn về bên nhau”.

“Thành thật mà nói, thời điểm đó cơ quan công an đã rất dũng cảm thừa nhận sai để trả tự do cho cha tôi. Gia đình tôi biết ơn vì điều này. Tuy nhiên, họ vẫn nợ cha tôi một lời xin lỗi. Nhiều năm qua, tôi đã liên tục làm đơn, gõ cửa khắp nơi nhưng không thấy cơ quan nào thực hiện, dù đó là điều cần thiết phải làm và phù hợp đạo lý” - anh Ngọc nói.•

Kỳ sau: 41 năm truy tìm dấu vết hung thủ

Việc khởi tố, bắt giam ông Võ Tê về tội giết người, cướp của không đủ tài liệu, chứng cứ, nếu như quy định hiện hành là oan sai.

(Trích Báo cáo số 1103 ngày 3-7-2019 của Công an tỉnh Bình Thuận gửi C01, Bộ Công an)

Sống trong lặng lẽ

Ông Võ Tê được trả tự do rồi về nhà sống trong lặng lẽ, như một chiếc bóng cho đến ngày mất. Suốt ngày ông chỉ quanh quẩn trong vườn vì mặc cảm. Từ một thầy thuốc Nam mát tay chuyên giúp đỡ bà con, nay mang thân phận là kẻ giết người, cướp của, tên của ông cũng khiến người ta e ngại khi nhắc đến, chứ nói gì đến chuyện nhờ chữa bệnh.

13 năm sau ngày bị khởi tố, bắt giam oan, năm 1994, ông Võ Tê qua đời do bạo bệnh khi mới 62 tuổi. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa nhận được lời xin lỗi của cơ quan đã bắt giam oan ông. đến chết, ông vẫn ngậm ngùi mang thân phận là bị can của tội giết người.

PHƯƠNG NAM Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Những Vụ án Oan Nổi Tiếng Việt Nam