Vũ Bằng: Từ Miếng Ngon Hà Nội đến Món Lạ Miền Nam

hanoi36phophuong-397x300Vũ Bằng: từ Miếng Ngon Hà Nội đến Món Lạ Miền Nam Nguyễn Mạnh Trinh

Trong văn chương Việt Nam có rất nhiều nhà văn viết về món ăn Việt Nam. Từ thời tiền chiến về sau, Thạch Lam với Hà Nội 36 Phố Phường, Tô Hoài với Chuyện Kể Hà Nội, Nam Cao với Trẻ Con Không Biết Ăn Thịt Chó. Nguyễn Tuân với Phở ở miền Bắc. Sơn Nam, Vũ Bằng ở miền Nam… Những nhà văn ấy đã nâng ẩm thực lên thành một nghệ thuật và những món ăn ấy được diễn tả như quốc hồn quốc túy của dân tộc. Ở hải ngoại, những món ăn ấy được tái tạo ở xứ người và một nhà văn đã ví von rằng chúng ta ra đi mang theo quê hương từ những món ăn cầu kỳ hay dân dã ấy. Những món ăn như phở, như mì quảng, như bún bò Huế, như các món ăn đặc sản mang hương vị đồng bằng sông Cửu Long hay xứ Thần Kinh được các nhà văn như Võ Đình, Tưởng Năng Tiến, như Hồ Truờng An… mang lại một hương vị mới của những người luôn luôn bị cái nhớ nhung quê nhà và nuối tiếc một thời đã qua nhưng vẫn còn gần cận trong đời sống hiện tại. Ở một nhận thức nào đó, món ăn là biểu hiện của lòng sầu xứ. Năm 1957, Vũ Bằng in cuốn Miếng Ngon Hà Nội. Vài năm sau cuộc di cư, niềm thương nhớ miền Bắc chưa nguội và nỗi hoài niệm vẫn nồng. Cùng ngâm với những bài thơ, như Thương về năm cửa ô xưa hay nghe những bản nhạc như Nhớ về Hà Nội hay đọc những tùy bút Đêm giã từ Hà Nội, quê Bắc như là một tận cùng của tưởng tượng, nhất là trong tâm tư một cậu bé mới lớn như tôi. Lúc đó, Hà Nội với tôi thật gần nhưng cũng rất xa. Gần vì sao quen thuộc qua, từ những ngõ đường, từ những con người, thậm chí cả những cơn mưa hay những buổi nắng. Ăn Bắc, mặc Kinh, câu nói ấy hằng nghe sao lúc đó thấy thấm thía. Đọc Thạch Lam, đọc Vũ Bằng, mới thấy quê hương hiển hiện trong trí tưởng. Hà Nội 36 Phố Phường của Thạch Lam hay Miếng Ngon Hà Nội, hay Thương Nhớ Mười Hai… đều gợi lại một không gian, thời gian, mà sự phiêu du đã dẫn dắt suy tư mỗi người về những phương trời nào bảng lảng xa vời trong trí nhớ. Sách vở đã tạo một định kiến, để ở đó mơ mộng kết thành, để những thành phố tạo dựng nét đẹp trong trí tưởng. Thí dụ như Paris, một thành phố được tạo dựng hoàn toàn trong trí tưởng mà ở đó những nét thơ mộng đã được những cậu học trò nhỏ như tôi đọc những trang sách và tưởng tượng ra. Ở những lớp trung học, đọc và học Cours De Langues của Giáo sư Mauger, bao nhiêu nét đẹp của văn hóa Pháp, từ miếng ăn, thức uống, từ nét đẹp của kiến trúc hay thiên nhiên, từ tháp Eiffel đến giòng sông Seine,… mỗi mỗi như những nét đẹp huyền thoại chấm phá để thành những nơi chốn khó có trong thực tế… Thì những trang sách của Vũ Bằng, của Thạch Lam,… cũng thế. Nó tạo được những chuỗi suy tư để những người đọc phải bồi hồi. Những cảnh ấy, những người ấy, tuy xa xôi nhưng thân mến biết bao. Trong gió, trong mưa, trong cái chuyển động của đất trời, chứa biết bao nỗi niềm, biết bao tâm sự… Đọc những trang tùy bút của Vũ Bằng, mấy ai mà không động tâm nao nao trong dạ. Một thời gian đã qua, biết bao nhiêu là kỷ niệm chẳng thể lãng quên. Dù bây giờ, ở tình cảnh xứ người, nhưng, những lời mở đầu của bài tựa Miếng Ngon Hà Nội cũng vẫn là tâm tư chung, của những người luôn hoài vọng: “…Người xa nhà đột nhiên thấy trống trải trong lòng. Lê bước chân trên nẻo đường xa lạ, y thấy tiếc nhớ một cái gì không mất hẳn, nhưng không còn thấy. Nhớ vẩn vơ, buồn nhè nhẹ, cái buồn không se sắt, cái nhớ không day dứt, nhưng chính cái buồn và cái nhớ đó mới thực làm cho người ta nhọc mệt, thẫn thờ. Lòng người cũng như cánh hoa, chóng già đi vì thế. Người ta không nặng lắm về hiện tại nhưng thiết tha với quá khứ hơn. Một tiếng dế ở chân tường, một ngọn gió vàng heo hắt hay một tiếng lá đụng cành trâm đều nhắc nhở ta những kỷ niệm xa xôi dìu dịu…” Tôi nghĩ, ở Sài Gòn nhớ Hà Nội, lúc trước, thì hiện tại, ở đất Bolsa nhớ về đô thành Hòn Ngọc Viễn Đông, thì cũng thế thôi. Như tâm sự của Giả Đảo trong Độ Tang Càn:

Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy Khước vọng Tinh Châu thị cố hương (Tinh Châu quán trọ mười năm nhớ Hàm Dương vẫn trong tâm quê nhà Tang Càn chợt bước chân qua Tinh Châu nhìn lại phải là cố hương?)

Ở Little Sài Gòn, món ăn gì cũng có, cả một xã hội Sài Gòn lúc trước thu nhỏ ở đây. Chất lượng món ăn cũng như vệ sinh thì hơn hẳn Việt Nam. Thế mà, hình như, có một cái gì bất toàn, thiếu vắng. Câu văn của cụ Tản Đà ngày xưa luận về miếng ăn ngon, tuy dài lê thê, nhưng xét ra cũng có lý của nó. Và đọc Miếng Ngon Hà Nội để thấy những điều tưởng như vụn vặt lại có ý nghĩa trong đời sống biết bao. Ăn uống có khi là cả một nghệ thuật, mà hơn nữa có khi thành một tôn giáo. Không phải cứ sơn hào hải vị, mâm cao cỗ đầy là ngon miệng, mà đôi khi, chỉ là một vài món ăn dân dã, nhưng trong nhiều hoàn cảnh, lại chứa đầy một trời kỷ niệm. Miếng ăn không còn đơn thuần là miếng ăn, mà, nó đã vượt qua ranh giới vật chất để thành biểu tượng tinh thần khó quên. Ăn tô phở sáng sớm thời còn đi học, lúc tuổi trẻ, sao mà ngon thế. Ngon vì thỉnh thoảng mới có tiền để hưởng thụ, mà cũng ngon vì tiết trời sáng sớm lạnh lạnh, ngon vì cái tâm cảm yêu đời, ngon vì miếng thịt bò thơm như má môi người tình tuy chưa có nhưng vẫn là kết quả của niềm mơ ước. Và ngon, vì đời sống ở đây, ở thành phố mà tôi đã lớn lên và trưởng thành có biết bao nhiêu là điều yêu mến. Hà Nội, đã là thành phố của hồi tưởng lúc đó thì bây giờ, Sài Gòn đã chiếm vị trí ấy. Đọc tùy bút Vũ Bằng, lại thấy niềm hồi tưởng ấy càng day dứt hơn… Những đoạn văn viết về những món ăn, đầy những lời thiết tha, toàn những lời thương mến. Ngôn ngữ, có một lúc đã thành những cung bậc để ngân nga, để réo rắt trong lòng những người xa xứ: “Nỗi sầu Hà Nội làm cho lòng người ta rã rời se sắt. Lúc đó, mặc hết cả, người ta chỉ còn biết cầm lấy cái gậy mà đi ngay đi đến bất cứ chợ quê nào cũng được, miễn là có hàng bánh cuốn để ngồi sà xuống một cái ghế nào đó ăn một đĩa bánh xem có thể vơi được phần nào sự thèm khát miếng ngon Hà Nội không…” hay “…ở hậu phương mỗi khi thấy ngọn gió vàng héo hắt trở về, người ta tuy không ai nói với ai một câu nào, nhưng đều cảm thấy cõi lòng mình se sắt. Không phải nói thế là bảo rằng ở Hà Thành mỗi độ thu về người ta không thấy buồn đâu. Ngọn gió lạ lùng! Ở đâu cũng thế nó làm cho lòng người nao nao nhưng ở hậu phương thì cái buồn ấy làm cho ta tê tái quá, não cả lòng cả ruột. Nhớ không biết bao nhiêu! mà nhớ gì? Nhớ tất cả, mà không nhớ gì rõ rệt! Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi nhớ rằng tôi không nhớ Tết, không nhớ những ngày vui và những tình ái đã qua bằng nhớ một ngày nào đã mờ rồi, tôi hãy còn nhỏ, sáng nào về mùa thu cũng được mẹ cho một mẻ cốm Vòng để ăn lót dạ trước khi đi học. Thế thôi, nhưng nhớ lại như thế thì buồn muốn khóc. Tại sao? Chính tôi cũng không biết nữa. Và thường những lúc đó, tôi thích ngâm khẽ mấy vần thơ trong đó tả những nỗi sầu nhớ Hà Thành, nhất là mấy câu thơ của Hoàng Tuấn mà tôi lấy làm hợp tình hợp cảnh vô cùng

Đầu trùm nón lá nhớ kinh thành anh vẫn vui đi trên những nẻo đường đất nước lúc xanh xanh, núi trùng điệp, đèo mấp mô, qua muôn cảnh vẫn sen Tây hồ Sông vẫn sông Lô, cốm cốm Vòng…

Ờ, mà lạ thật, chẳng riêng gì mình sao cứ đến đầu thu thì người Hà Nội nào, ở phiêu bạt bất cứ nơi đâu, cũng nhớ ngay đến cốm Vòng? Chưa cần phải ăn làm gì vội, cứ nghĩ đến cốm thôi, người ta cũng đã thấy ngất lên mùi thơm dịu hiền của lúa non xanh màu lưu ly đặt trong những tàu lá sen tròn cũng xanh muôn muốt màu ngọc thạch!…”

Hoặc:

“…Ngoài sân, mưa lăn tăn làm ướt giàn thiên lý. Mấy con ngỗng trời bay tránh rét buông ở trên bầu trời xám mầu chì mấy tiếng đìu hiu. Cơm vừa chín tới, hẩu lốn lại nóng hổi, bốc khói lên nghi ngút, mà ngồi ăn ở trong một gian phòng ấm cúng, với một người vợ má hồng hồng vì mới ở dưới bếp lên, có họa là sất phu lắm mới không cảm thấy cái thú sống ở đời! Vợ thương chồng, gắp một miếng hẩu lốn vào trong bát, mỗi thứ một tí, rồi chan nước dùng vào, mời ăn. Ăn một miếng, tỉnh cả người! Ai cũng tưởng các món xào xáo lộn xộn với nhau như thế thì ăn vào lủng củng và không thành nhịp điệu, nhưng họ đã lầm. Các món “nấu loạn xà ngầu” đó, không hiểu vì một lý do tuyệt diệu gì, quyện chặt lấy nhau như một giàn nhạc tân kỳ, dương cầm, phong cầm, vĩ cầm, thoạt đầu tưởng như là lộn xộn, nhưng lắng tai nghe một chút thì hòa hợp, ăn ý nhau từng tý…”

Tác giả Võ Phiến, trong bộ sách Văn Học Miền Nam đã nhận xét: “…Vũ Bằng là một nhà văn tiền chiến, nhưng trước năm 1945 ông viết tiểu thuyết sau này mới chuyển sang tùy bút với những cuốn Miếng Ngon Hà Nội, Món Lạ Miền Nam, Thương Nhớ Mười Hai. Đề tài tùy bút Vũ Bằng là món ăn và quê hương. Quê hương mật thiết với món ăn, món ăn quấn quít lấy quê hương. Vũ Bằng thương nhớ đất Bắc qua những món ăn, ông tò mò về thức ăn miền Nam cũng là vì món ngon quê hương (miền Nam chỉ có món lạ, miền Bắc mới có miếng ngon). Vũ Bằng là một đại nghệ sĩ trong khoa ẩm thực. Ông thấu đáo đến cái tinh túy của từng món ăn dân tộc bất luận sang hèn, từ món chả cá mà giới tư bản người Hoa hâm mộ đến nỗi đặt máy bay chuyển cấp tốc từ Hà Nội về Hương Cảng để làm tiệc, cho đến mấy củ khoai lang lùi trong bếp lửa gia đình.Ông thưởng thức ngon đã rành, mà cái cách ông “luận” về miếng ngon càng tuyệt vời. Xưa nay dễ chưa có ai luận một cách nhiệt liệt thiết tha đến thế. Tản Đà có lẽ đã bỏ công trau luyện nghệ thuật đến mức thượng thừa nhưng ông lặng lẽ “thực hành” nhiều hơn là đàm luận. Thạch Lam có cởi mở hơn, nhưng bên cạnh Vũ Bằng cũng hóa ra từ tốn dè dặt hẳn. Vũ Bằng không dè dặt chút nào. Ông không ngại làm một kẻ cực đoan quá khích. Phải chăng vì tình cảnh của ông Vũ khác người trước, ông nói về món Bắc khi không còn ở Bắc nữa, ông đã nói về nó khi đã mất nó, nói bằng tất cả nỗi nhớ tiếc da diết…”

Và ông Võ đã phê bình ông Vũ bằng cách so sánh hai thể tùy bút: “Cũng viết tùy bút, Võ Phiến khác Vũ Bằng, khác về nhiều phương diện. Về mặt đề tài, trong khi Vũ Bằng cố thủ lấy một điểm nhất định không rời, thì Võ Phiến bung rộng ra khắp nơi: cái ăn cái uống có, mà nhà ở mà thú ăn chơi, phong tục tập quán, cách thức trang phục của dân tộc cũng có, đặc điểm sinh hoạt trong địa phương từng thời đại có, đặc điểm trong ngôn ngữ dân tộc cũng có mà băn khoăn chính trị, thắc mắc triết lý suy tưởng về nghệ thuật cũng có nữa…”

Có lẽ, vì quá “bung rộng” ra, nên trong các văn phẩm của Võ Phiến, giới hạn để phân biệt và định loại giữa tiểu thuyết, truyện ngắn và tùy bút đôi khi cũng mơ hồ. Đến nỗi khi đọc những trang sách khảo luận hoặc phê bình văn học của Võ Phiến, cũng thấy thấp thoáng văn mạch của tùy bút. Có khi, đó là một nét “duyên dáng” để làm bớt đi sự khô khan của công việc phê và bình chăng? Hay như Đặng Tiến viết: “thật ra tùy bút là một danh từ khó định nghĩa. Trong văn chương bây giờ cái gì mà lại không tùy bút !!!”

Năm 1969, Vũ Bằng viết Món Lạ Miền Nam. Quả là những món lạ đối với người Hà Nội khi sống ở một nơi xa lạ. Canh rùa, thịt chuột, khô, đuông, cháo cóc, dơi huyết, bò kiến, tóp mỡ ngào đường,… lạ miệng lạ khẩu vị của những đặc sản. Trong phần Dựng, nhà văn Vũ Bằng viết: “…Có lẽ tô cá chìa vôi ngon thực nhưng lòng còn gởi về cố lý nên cá rô Đầm Sét vẫn là hơn, trái su su mát như da cô gái tuyết trinh, ô hay, sao lại như đăng đắng, mà miếng thịt gà muốn chế hóa cách gì đi nữa cũng vẫn nhạt phèo? Mãi đến gần đây, tôi mới nhận ra rằng hương vị của những miếng ngon không hoàn toàn do nơi khẩu cái. Tự nhiên, không vì lý do gì hết, vào một buổi chiều xuống màu kia, mình thấy miếng thịt gà đậm đà hơn, trái su su thoang thoảng ngọt và con cá chìa vôi ăn béo mà thơm. Ô, tại sao lại thế? Thì ra ngon hay không là tự ở lòng mình. Chưa chắc món ăn miền Nam bây giờ khác trước. Nhưng người xa nhà cảm thấy ngon lành hơn có lẽ bây giờ y nhận thức được lòng thương yêu của những người ở chung quanh rõ rệt và đậm đà hơn trước. Đương buồn ray rứt, có một anh bạn rủ về Cái Bè ăn ốc gạo, năm tàn nhớ quê, một cô ở Cao Lãnh mang biếu bánh in và ngồi bên cạnh tách ra từng lát mỏng mời ăn, bà già vợ ở Rạch Giá lễ mễ đem cho mấy cái bánh tét bắp, ít khô tra, khô gộc và xôi vị… Tất cả những cái đó có nghĩa lý gì đâu nhưng ăn thấy đậm đà ý vị vì mình ăn vào một miếng mà cảm thấy họ cho mình cả một tấm lòng. Thương biết mấy là thương, mến chừng nào là mến! Nhưng mến thương sao cho bằng thương mến người vợ miền Nam xót xa người chồng bắc xa nhà, nay làm món ăn này, mai làm món ăn khác mong sao cho chồng khuây khỏa được nỗi buồn thiên lý tương tư. Dùng thịt nhiều xót ruột, em nấu canh chua cá lóc anh xơi, chạo tôm quấn vào mía lau ăn ngọt và bùi, nếu anh mệt thì dùng tô cháo chìa vôi nhé! Bánh bèo bì ở Bún nổi tiếng là ngon, tô mì Bà Điểm, hủ tíu Chợ Giữa Mỹ Tho, bánh in Cao Lãnh, nem Tân Hương ăn mịn xớt mà giòn, tôm nướng Tân Thuận Đông vừa thơm vừa ngọt. Gà nhúng hèm ngon nhất là Bình Hòa, con “móng tay” Long Hải, bưởi Tân Triều, măng Lái Thiêu, cam Cái Bè, dừa xiêm Mỹ, dưa hấu Cầu Ngang, con cá nhám xào thịt ngon lừ, ăn mát ruột mà lành, trứng chích, trứng diệt vừa bùi vừa béo, có cô con gái theo chồng ra tỉnh mà vẫn còn nhớ mãi nem nướng Đức Hòa, cá cháy Cái Vồn, măng le Bà Rịa ngon hỡi là ngon!”

Năm 1972, Vũ Bằng in Thương Nhớ Mười Hai. Cũng vẫn những lời thiết tha, cũng vẫn nỗi niềm hoài vọng. Những hình ảnh của dĩ vãng cứ một lúc hiện về, se thắt, đứt ruột. Một năm mười hai tháng là 365 ngày nhớ nhung. Trời này, đất này sao cứ man mác một phương trời cũ. Người vợ tấm mẳn ngày xưa, đã thật xa, là hình bóng cứ phảng phất hoài theo thời tiết, theo từng giờ khắc của đời sống. Vũ Bằng viết: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại, nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt cả bầu trời mà nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, nhớ vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phước, cam Bố Hạ, đào Chapa mà nhớ xuống. Nhớ không biết bao nhiêu, nhớ bát canh rau sắng chùa Hương, nhớ khóm tiễn xuân la trồng ở bên giậu trúc, nhớ mưa bụi, vợ chồng nửa đêm thức giấc đi uống một ly rượu ấm ở cao lâu, nhớ những buổi trưa hè có ve sầu kêu rền rền, nhớ luôn cả những cô gái Thổ cưỡi ngựa thồ đi trong rừng có những cánh hoa đào rơi lả tả nơi vai áo…”

Vũ Bằng là một người có tâm sự riêng, và cuộc đời cũng có những điều riêng khó ngỏ. Dù ông tránh né vấn đề chính trị trong khi cầm bút, đọc những tác phẩm của ông từ tiểu thuyết từ tùy bút đều thấy vậy, nhưng sau này lại có nhiều người tự nhận là cấp chỉ huy của ông trong Biệt đội Quân Báo của Quân đội Việt Cộng. Và mãi sau này, mới chính thức xác nhận. Nhưng theo Triệu Xuân người viết Lời Giới Thiệu cho Tuyển Tập Vũ Bằng: “Vũ Bằng chết, con ông đến một tòa soạn đăng cáo phó (mất tiền). Tòa soạn này đồng ý đăng nhưng nhất quyết không cho đăng hai chữ Nhà Văn trước tên của Vũ Bằng! Thành thử nội dung Tin buồn chỉ vỏn vẹn có vài chữ: ‘Ông Vũ Bằng sinh ngày… mất ngày…’ Đám tang của ông thật vắng người đưa! Khi Hội nghiên cứu giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh tái bản cuốn Thương Nhớ Mười Hai, người ta đã bỏ đi lời đề từ trên đầu sách “bắt đầu viết thì là thương…” Bỏ đi lời đề từ ấy có khác nào không cho Vũ Bằng thắp nén hương khóc vợ ông?! Năm 1992, tôi hợp tác với Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin để tái bản tác phẩm Bốn Mươi năm Nói Láo, một cuốn hồi ký rất có giá trị văn học, sử học về một giai đoạn văn chương báo chí Việt Nam. Tôi làm việc này trước hết vì yêu quý Vũ Bằng là một nhà văn lớn, một người làm báo giỏi, thiết tha yêu nước thương nòi. Cuốn hồi ký nổi tiếng Bốn Mươi Năm Nói Láo ấy, khi phát hành được 5 ngày thì… chỉ vì một hai ý kiến thôi, không có văn bản gì, sách đã bị giam trong kho không được bán, suốt từ năm 1993 đến nay! Hương hồn nhà văn Vũ Bằng nơi chín suối có biết chăng chuyện trớ trêu trên!”

Nhà văn Hồ Nam, trong vai trò của một nhân chứng, đã viết về Vũ Bằng như sau: “…Sau năm 1975 tôi thường được Vũ Bằng đưa đi nhậu cùng với Tam Lang. Món nhậu thường là cá lóc nướng trui ở Cầu Ông Lãnh hay đuông chiên bơ ở Chợ Cũ Sài Gòn. Trong lúc rượu ngà ngà tôi có hỏi về chuyện Vũ Bằng làm gián điệp. Vũ Bằng cười trả lời tôi rằng người cử Vũ Bằng đi Nam làm gián điệp là thượng tướng Chu Văn Tấn giờ còn chẳng ra làm sao đang như tù bị giam lỏng huống chi tên Vũ Bằng “cắc ké kỳ nhông”. Đây là chuyện phải quên đi, không quên có thể mất mạng như chơi và đây cũng là chuyện “chuế” nhất trong đời. Vũ Bằng chỉ Tam Lang rồi nói Nguyễn Công Hoan có em là ủy viên Bộ Chính Trị đảng Việt Cộng có con là tướng công an Việt Cộng mà lúc nào cũng len lét như rắn mùng năm vì suýt bị đi tù bởi viết truyện dài “Đống Rác Cũ”. Bọn Việt Cộng chúng đểu và khó chơi lắm. Thằng con trai Vũ Bằng ngây thơ đi báo công để phục hồi danh dự cho mẹ nó chứ riêng Vũ Bằng thấy chuyện này thật chẳng ra làm sao với anh em bè bạn. Vũ Bằng muốn quên đi. Vũ Bằng thề với tôi và Tam Lang rằng còn sống ngày nào quyết không bao giờ Vũ Bằng nhắc tới chuyện cũ đi làm gián điệp một chuyện theo Vũ Bằng vừa quê vừa nhảm tốt nhất là quên tất cả may ra yên thân. Vũ Bằng còn nói nhiều với tôi rằng bọn Việt cộng là bọn ăn cháo đá bát chuyên vong ơn bội nghĩa tôi nếu có đường có nẻo lên chuồn mau không sẽ bị chúng cho đi đầy. Thượng tướng Chu Văn Tấn là người cưu mang Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, thế mà chúng còn giam lỏng bao vây kinh tế. Tôi đã không chuồn mà còn ở lại bị đi tù cải tạo và sau đó khi về còn được gặp lại Vũ Bằng trước khi Vũ Bằng về thế giới bên kia. Thế rồi Vũ Bằng chết và Cộng Sản Hà Nội “đổi mới” con trai Vũ Bằng là Vũ Hoàng Tuấn chạy chọt sao đó Vũ Bằng được truy tặng huy chương chống Mỹ cứu nước tác phẩm của Vũ Bằng được tái bản lia chia các báo ở Hà Nội và Sài Gòn thi nhau khai thác cuộc đời điệp viên của Vũ Bằng trong khi đó thượng tướng Chu Văn Tấn ở tù về qua đời đám ma còn bị công an đập nát di ảnh… Trần Ngọc Tự, một trong những người tổ chức thu thập bài vở của anh em văn nghệ sĩ viết từ trong nước gửi ra hải ngoại đã nói với tôi rằng khi công an Cộng sản phá án vụ này đã đến nhà Vũ Bằng định bắt nhưng thấy Vũ Bằng đang hấp hối đã không bắt vì sợ Vũ Bằng vào tù chết trong đó mang tiếng nên chỉ lấy cung ở nhà và trong cáo trạng vụ này được đọc trước tòa có tên Vũ Bằng là tác giả bài “Cái tai sứt của thằng cùi phương Bắc” bao nhiêu lần nhận nhuận bút từ hải ngoại gửi về bằng những thúng đồ. Thành ra nếu không chết thì Vũ Bằng đã bị lôi ra tòa án rồi…” Như vậy, Vũ Bằng là một nhà văn bị chế độ Cộng sản bạc đãi hay là một nhà văn hoạt động tình báo bí mật trong thời chiến tranh? Chắc chỉ có mình ông mang theo cái bí mật ấy xuống suối vàng. Có phải chính ông, trong những ngày lơ láo của Sài Gòn sau 30 tháng Tư năm 1975, đã viết những bài gửi ra hải ngoại phổ biến “Cái tai sứt của thằng cùi phương Bắc” không? Như vậy giải thích làm sao cái tâm tư chán ghét một chế độ chủ trương đem sự lừa gạt thủ đoạn làm cứu cánh chính trị? Nhưng, tôi đọc những tác phẩm của ông, và chỉ thấy vời vợi những khung trời và những cuộc đời cứ mênh mang mãi một niềm hoài niệm. Văn chương, có lúc là mây trời để bay về một nơi chốn nào, của kỷ niệm, của những đôi mắt suốt đời cứ vọng mãi đến chốn xa vời và không có thể tìm đến trong suốt cuộc đời…

Nguyễn Mạnh Trinh

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • LinkedIn
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Món Ngon Hà Nội Của Nhà Văn Vũ Bằng