Vụ đại án ở Bình Dương: Chiêu Thức “rút Ruột” Doanh Nghiệp

Trong vụ án này, có 6 bị cáo hầu tòa về tội Tham ô tài sản gồm: Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT của PRT), Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng giám đốc PRT), Huỳnh Thanh Hải (cựu Chủ tịch Công ty đầu tư và quản lý dự án Bình Dương), Võ Hồng Cường (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng), Nguyễn Thục Anh (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển – con gái Nguyễn Văn Minh) và Trần Đình Như Ý (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển).

Hành vi tham ô tài sản của cha con Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng 19% cổ phần tại Công ty Tân Thành.

HỢP THỨC HÓA CHUYÊN NHƯỢNG VỐN QUA BÊN TRUNG GIAN

Theo cáo trạng, CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Thành được thành lập vào năm 2017, vốn điều lệ 480 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm PRT nắm giữ 30% vốn (tương đương 144 tỷ đồng), góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 145ha, Công ty Hưng Vượng nắm giữ 38% vốn (tương đương 182,4 tỷ đồng) và Công ty Phát Triển nắm giữ 32% vốn (tương đương 153,6 tỷ đồng).

Quá trình PRT cổ phần hóa vào năm 2015, ông Nguyễn Văn Minh không đưa khu đất trên để tính vào giá trị doanh nghiệp mà tiến hành thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 145ha để góp vốn vào Công ty Tân Thành. Ngày 25/8/2017, Văn phòng đăng ký đất đai đăng ký biến động khu đất sang Công ty Tân Thành.

Vào thời điểm này, cá nhân Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải còn đang nợ tạm ứng công ty.

Nhằm tạo điều kiện cho 2 công ty “sân sau” (Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển) và bản thân các bị cáo có nguồn tài chính thanh toán các khoản nợ, Nguyễn Văn Minh đã quyết định chủ trương để PRT nhận chuyển nhượng 19% cổ phần Công ty Tân Thành.

Thực hiện chủ trương trên, Trần Nguyên Vũ ký hợp đồng với Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân, xác định giá cổ phần của Công ty Tân Thành làm cơ sở chuyển nhượng.

Theo chứng thư thẩm định giá ngày 10/11/2018, giá trị khu đất trên là 5.403 tỷ đồng, giá trị công trình xây dựng, máy móc thiết bị là 340 tỷ đồng. Trên cơ sở này, Trần Nguyên Vũ tính toán giá trị 1 cổ phần là 119.678 đồng.

Ngày 26/11/2018, Nguyễn Văn Minh tổ chức cuộc họp ba bên gồm PRT, Công ty Hưng Vượng và Công ty Tân Thành, thống nhất việc PRT mua lại 19% vốn của Công ty Tân Thành (gồm 15% vốn từ Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý 4% từ Công ty Hưng Vượng), tương ứng 9.120.000 cổ phần với giá chuyển nhượng 105.737 đồng/CP. Tổng số tiền chuyển nhượng là 964,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên do Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thục Anh là quan hệ bố, con; Võ Hồng Cường, Thành viên HĐQT và Trần Đình Như Ý là vợ chồng, bị pháp luật cấm chuyển nhượng trực tiếp cổ phần.

Do đó, Nguyễn Văn Minh đã hợp thức hóa bằng việc nhờ trung gian là ông Đặng Công Thanh (em rể của Như Ý) ký hợp đồng chuyển nhượng. Ông Thanh đã đứng tên 7,2 triệu cổ phần từ Thục Anh và Như Ý để bán lại cổ phần cho PRT với giá 761 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, giá trị khu đất tăng lên. So với giá trị trên sổ sách (khu đất có giá trị 443 tỷ đồng, 1 cổ phần là 16.315 đồng), giá trị cổ phần khi chuyển nhượng chênh lệch 89.422 đồng/CP. Như vậy, bằng việc chuyển nhượng 19% cổ phần, các bị can đã chiếm đoạt số tiền 815 tỷ đồng của PRT.

Cơ quan điều tra xác định Thục Anh chiếm hưởng 209 tỷ đồng, Như Ý chiếm hưởng 201 tỷ đồng. Sau khi vụ án bị phát giác, các bị cáo đã thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng trái phép trên và khắc phục toàn bộ hậu quả. Cho đến nay, PRT đã nhận lại số tiền hơn 964 tỷ đồng (gồm gốc và lãi).

RỦI RO ĐỨNG TÊN THAY SỞ HỮU CỔ PHẦN

Tại tòa, bị cáo Võ Hồng Cường – cựu Tổng giám đốc Công ty Hưng Vượng khai, bị cáo ký hợp đồng chuyển nhượng 4% cổ phần Công ty Hưng Vượng tại Công ty Tân Thành cho PRT. Sau đó, PRT thanh toán 203 tỷ đồng. Số tiền này dùng để trả nợ ngân hàng và công nợ với PRT. “Cáo trạng nói bị cáo chiếm hưởng 47 tỷ đồng nhưng thực tế bị cáo chưa nhận được đồng nào”, ông Cường nói và mong muốn tòa án xem xét ông có vai trò lệ thuộc trong vụ án này.

Bị cáo Nguyễn Thục Anh – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển cho biết, bản thân chỉ đứng tên thay cổ phần cho ba bị cáo là ông Nguyễn Văn Minh. Bị cáo cũng không nắm rõ các giao dịch vay vốn ngân hàng, giao dịch chuyển nhượng cổ phần. Bị cáo không nhờ, không tiếp xúc với ông Đặng Công Thanh. Số tiền PRT thanh toán được chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng đứng tên bị cáo và được sử dụng để tất toán khoản tạm ứng của ông Minh.

“Khi thành lập công ty, bị cáo mới 19 tuổi và nhận thức là đứng tên thay cho ba. Quá trình điều tra, bị cáo mới nhận thức và hiểu rằng việc đứng tên chủ sở hữu tài khoản và ký tên trong các hợp đồng vô ý góp phần vào sai phạm. Bị cáo nhận trách nhiệm đó. Bị cáo tin rằng nếu ba bị cáo biết việc ký tên mà thành tội Tham ô tài sản thì ba bị cáo không yêu cầu vì không có người cha nào làm hại con gái mình”, bị cáo Thục Anh khai nhận.

Tương tự, bị cáo Trần Đình Như Ý cũng khai nhận, bản thân đứng tên thay cổ phần của chồng bị cáo. Bị cáo ở nhà nuôi con, không nắm được các hoạt động công ty.

Từ khóa » đại án Vu Cổ