Vũ Trọng Phụng Và "Số đỏ" - Báo Kinh Tế đô Thị

 Một đời văn chỉ một thành công sáng tạo nghệ thuật như thế đã đủ muôn đời bất hủ ở cõi nhân gian. Nhưng "Số đỏ" không chỉ có thế. Cho đến nay, nó là tác phẩm độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại xét về mặt thể loại. "Số đỏ" có giá trị của một sự cách tân thể loại đối với tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.

 "Số đỏ" xuất hiện lần đầu năm 1936, khi mà tiểu thuyết Việt Nam - nếu tính cái mốc từ "Tố Tâm" của Song An Hoàng Ngọc Phách (1925) - đã có hơn mười năm phát triển, đã trải qua giai đoạn "tiểu thuyết Tự lực văn đoàn" và đến khi đó vẫn tiếp tục tự định hình. Nhưng vượt lên các tác phẩm có trước và cùng thời, "Số đỏ" khẳng định mình là cuốn tiểu thuyết có tính chất tiểu thuyết nhất. Đóng góp cách tân thể loại của "Số đỏ" là trên hai phương diện: Cách xây dựng nhân vật và thủ pháp tiếng cười.

Vũ Trọng Phụng và "Số đỏ" - Ảnh 1

Vở kịch "Số đỏ" lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng trên Sân khấu Phú Nhuận, TP HCM

 Xuân tóc đỏ là nhân vật tiểu thuyết thứ nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Thứ nhất theo nghĩa nó là nhân vật được xây dựng có độ dư của tính người. Độ dư này không có ở con người hoàn tất trọn vẹn, nó tuyệt đối ngang bằng với chính bản thân mình… So với các nhân vật trong nhiều cuốn tiểu thuyết khác cùng thời và về sau, Xuân tóc đỏ đích thực là nhân vật của tiểu thuyết. Nó quả đã lớn hơn số phận của mình, đã đùa giỡn với mọi số phận và hiện thân trong mọi địa vị nhưng vẫn không cạn hết mình. Nó lại có phát kiến tư tưởng và phát kiến ngôn ngữ riêng, làm thay đổi tính chất hình tượng của nó. Thành công của Vũ Trọng Phụng ở đây đã làm nhiều nhà nghiên cứu lúng túng khi xác định tính chất điển hình của nhân vật Xuân tóc đỏ. Không thể và không nên quy Xuân tóc đỏ vào một loại đại diện cho một giai cấp, tầng lớp nào đó - nó là một con người thời đại đặc trưng cho cái hoàn cảnh lịch sử - xã hội đã sản sinh ra và nuôi dưỡng nó.

"Số đỏ" thể hiện chính xác tính chất quá độ giữa hai thời đại, nhưng theo một cách nghịch lý: Sự quá độ này không đẻ ra những anh hùng khổng lồ thời Phục hưng như trong tác phẩm "Gácgăngchuya" và "Păngtagruyen" của Rabơle, mà nhào nên một anh hề tự xưng hùng tên là Xuân tóc đỏ. Nghịch lý đó là biểu hiện thiên tài của Vũ Trọng Phụng.

  "Số đỏ" thường được gọi là tiểu thuyết hoạt kê. Bước đường công danh của Xuân tóc đỏ đầy những ngẫu nhiên, bất ngờ, vượt ra ngoài mọi suy tính dự đoán của cả nhân vật và độc giả, luôn phơi bày ra những trạng huống cười. Tiếng cười ở đây do chính tình thế của nhân vật gây nên, nhưng lại là công cụ để nhà văn biến nhân vật của mình thành nhân vật tiểu thuyết. Tiếng cười đưa một động thái mới vào hình tượng con người trong tiểu thuyết - động thái của sự không tương xứng và không ăn khớp giữa các yếu tố của hình tượng. "Số đỏ" dừng lại ở nấc thang Xuân tóc đỏ đã một bước lên địa vị bậc anh hùng cứu quốc, nhưng câu chuyện vẫn còn có thể  kéo dài ra được mãi bởi vì nhân vật đã tụ dồn, đã sống đời sống của riêng nó.

 Sáng 22/10, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nói về những đóng góp to lớn của Vũ Trọng Phụng cho nền văn học nước nhà, nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Với 7 phóng sự, được phong tặng danh hiệu "Vua phóng sự đất Bắc", ông vạch ra bao nhiêu tệ nạn, đó là cờ bạc ("Cạm bẫy người"), mãi dâm ("Lục sì", "Làm đĩ"), lấy Tây (trong "Kỹ nghệ lấy Tây")… Những tệ nạn này cho đến bây giờ vẫn là vấn đề nóng trong xã hội nên có thể nói tác phẩm của ông có tính chất vĩnh cửu". Tại buổi lễ, lần đầu tiên các ấn phẩm của Vũ Trọng Phụng, bao gồm cả những bản viết tay được trưng bày giới thiệu đến độc giả.

Hồng Hạnh

Tiếng cười trong "Số đỏ" còn tạo một lợi thế cho nhà văn: Hạ các tầng lớp thượng lưu xuống mức "bình dân hóa" và nâng lên mức "thượng lưu hóa" các tầng lớp bình dân để đạt mục đích châm biếm, trào lộng. Con đường đời của Xuân tóc đỏ từ một đứa bé nhặt banh sân quần, đến tột đỉnh là anh hùng cứu quốc trên sân quần - những may mắn tình cờ này của một kẻ hạ lưu trong đám thượng lưu được kể ra như đùa cợt, chọc bỡn, rất khó tin mà chấp nhận được là nhờ ở hiệu quả hài hước. Có một cái gì tương tự nhau trong số phận của Xuân tóc đỏ và Trạng Lợn, cả hai nhân vật đều gây cười do cái vẻ bất nhất trong ngoài của mình. Cố nhiên Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết, nên những tình thế hài mà Xuân tóc đỏ lâm vào đã tạo điều kiện cho ông dựng nên những chân dung, những tính cách khác không kém phần sắc sảo và điển hình. Trước con mắt của Xuân tóc đỏ là một xã hội điên đảo, nhố nhăng, cái xã hội như thế ngang tầm với bản chất nó và nó cũng là sản phẩm của cái xã hội đó. Đấy là cái nhìn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đối với hiện thực đương thời ông và ông đã lấy cái cười xếp ngang hàng mọi người với nhau để xem hiện thực ấy nhào nặn nên con người như thế nào. Kết quả: một điển hình bất hủ hiện ra và lừng lững tồn tại - Xuân tóc đỏ.

 Sự xuất hiện của "Số đỏ" trong văn học công khai giai đoạn 1930 - 1945 vừa có tính đồng loại vừa có tính riêng biệt so với các tác phẩm khác. Đồng loại ở việc khai thác những mâu thuẫn của cái xã hội thuộc địa nửa phong kiến: nông dân - địa chủ, trí thức - tư sản, nông thôn - thành thị. Riêng biệt ở chỗ "Số đỏ" tập trung cao độ thể hiện sự dị dạng của con người trong một xã hội đang tư sản hóa cuối mùa. Và Vũ Trọng Phụng đã thành công xuất sắc, đã để lại một sự cách tân thể loại quan trọng cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Tiếc là do ông mất sớm, sự cách tân này chưa được tiếp tục phát triển. 

 

Từ khóa » Số đỏ Thuộc Thể Loại Gì