“Vua Chuối” Võ Quan Huy - Báo Người Lao động - NLD

Về xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, hỏi nông dân Võ Quan Huy (Út Huy), Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An, ai cũng biết và tự hào gọi ông là “vua chuối”.

Không đếm xuể số lần thất bại

Tiếp chúng tôi trong trang trại bò Úc hàng ngàn con tại xã Hiệp Hòa, lão nông Út Huy tâm sự: “Gắn bó với nông nghiệp trên 40 năm mới thấm thía nỗi vất vả của người dân địa phương bởi đất đai ở đây bạc màu, nhiễm phèn và mặn. Để có được cơ ngơi như ngày nay, tôi và gia đình phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi chát đắng, thậm chí nước mắt bởi không thể đếm xuể số lần thất bại”.

Người dân địa phương gọi đây là vùng đất chết bởi không trồng cây gì được ngoài đước và tràm. Năm 2014, sau khi xây dựng trang trại bò Úc hơn 1.000 con ở xã Hiệp Hòa, ông Huy dùng phân bò cải tạo đất phèn và bắt đầu trồng thử nghiệm chuối.

Công đoạn làm sạch chuối Fohla Công đoạn làm sạch chuối Fohla

“Tôi thấy ở nước ta, cây chuối có vai trò quan trọng trong kinh tế nông nghiệp. Theo đề án quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuối là cây chủ lực ở nhiều địa phương. Bộ Công Thương cũng xem chuối là mặt hàng xuất khẩu quan trọng do có nhiều lợi thế. Từ đó, tôi bàn bạc với gia đình và quyết định trồng thêm cây chuối” - ông Huy nhớ lại.

Thành công từ trang trại hơn 40 ha ở Long An, ông Huy tiếp tục đầu tư hơn 70 ha trồng chuối tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để xuất khẩu. Vừa trồng thử nghiệm, ông vừa đi các nước tìm hiểu thị trường.

“Khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng Việt Nam nhưng Philippines xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới. Vậy tại sao ta chỉ trồng chuối để ăn mà không vươn ra thế giới?” - ông Huy từng trăn trở. Từ đó, ông đầu tư vốn cải tạo đất phèn. Theo ông, thấy vậy chứ cây chuối rất khó tính, cần nước liên tục nhưng không chịu ngập. Đồng thời, ông chăm chỉ học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài, tuân thủ nghiêm khắc “phác đồ” xử lý thuốc bảo vệ thực vật.

Quy trình sản xuất chuối sạch

Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu chuối Fohla của ông Huy đã xâm nhập nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Về nhãn hiệu chuối Fohla, ông Huy giải thích: “Viết tắt của Fruit of Huy Long An - trái cây của Huy Long An. Fohla tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là chiếc lá nên logo tôi cũng lấy hình ảnh 2 chiếc lá”. Ông còn hóm hỉnh: “Chuối xuất sang Tây phải lấy tên sao cho giống Tây, “phô-la”, na ná đô la nên dễ nhớ, dễ đọc”.

Ông Huy đang quản lý hơn 1.000 ha đất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Trong đó, gần 1.000 ha là đất chuyên canh tôm, nuôi vỗ béo bò Úc, trồng trà, cao su, bưởi da xanh. Ông dành 110 ha trồng chuối ở Long An và Tây Ninh.

Trại chuối 70 ha tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng và trại ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đều trồng theo quy trình sạch. Tổng mức đầu tư cho cả 2 trại chuối này khoảng 50 tỉ đồng. Để đáp ứng yêu cầu của các nước, ông Huy xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ giống, chăm sóc cho đến đóng gói đưa vào kho lạnh tại trang trại. Hàng ngàn nhân công chăm sóc chuối theo quy trình hoàn toàn hữu cơ.

Để bảo đảm trái chuối không bị va đập trong quá trình vận chuyển, ông Huy xây dựng hệ thống vận chuyển bằng ròng rọc trên cao dài hàng trăm km quanh trang trại. Các buồng chuối theo hệ thống này tự động vận chuyển về khu xử lý. Trang trại còn có hệ thống đường ống tưới nước dài khoảng 50 km.

Kỹ sư nông nghiệp Võ Quang Thuận - con trai lớn của ông Huy, nay đã thành chuyên gia chuối - cho biết: “Nếu để trổ hết thì chuối sẽ có nhiều nải, cây không đủ sức nuôi, trái sẽ không đẹp. Do đó, khi chuối trổ khoảng 10 nải là phải bẻ bông, không cho ra trái tiếp. Phải vặt phần hoa thừa ở chóp từng trái mới có trái đẹp. Trái nào “sinh đôi” phải vặt bỏ. Một nải cũng không được để nhiều trái vì sẽ không bắt mắt. Trồng chuối xuất khẩu cực lắm, khi thu hoạch tính bằng tấn nhưng chăm sóc thì từng trái”.

Khi trái chuối lớn, từng buồng được “mặc áo” để ngăn chặn sâu bệnh, côn trùng. Đến khi thu hoạch, nhân viên đóng gói bắt đầu quy trình “xử lý từng trái”, loại bỏ những trái xấu. Có khi, vì vài trái xấu mà phải bỏ cả nải chuối.

Sau khi được làm sạch bụi, loại bỏ phần cuống thừa, chuối tiếp tục được thả trong hồ khử khuẩn. Sau đó, nhân viên vớt lên lau khô, lót lớp xốp mỏng giữa 2 lớp trái trong nải để chuối không bị thâm, tì vết. Chuối tiếp tục được đưa vào túi ni-lông, hút chân không rồi xếp vào thùng, đưa vào kho lạnh chờ ngày xuất ngoại...

Mục tiêu xuất 10.000 tấn/năm

Ông Huy cho rằng thị trường nước ngoài rất nghiêm khắc với tiêu chí “đẹp - sạch” trong khi hầu hết nông dân Việt Nam lại không xem đây là mục tiêu. Vì thế, nông sản Việt khó được thị trường các nước tiếp nhận.

“Trồng từ cuối năm 2014, đăng ký thương hiệu Fohla từ giữa năm 2015, đến nay, chúng tôi đã xuất khẩu được 500 tấn và triển vọng là khá tốt. Tôi đang thương lượng với các nhà nhập khẩu Nhật Bản, Malaysia để tăng lượng xuất. Về chất lượng, tôi tự hào với dòng chữ “Made in Vietnam” dán trên từng nải chuối vì sản phẩm của mình đủ sức cạnh tranh với Philippines” - ông Huy bày tỏ.

Ông Huy cho biết sắp tới, ông sẽ mở rộng thị trường để chuối Fohla vào Mỹ, Nga… “Tôi đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ xuất khẩu ổn định 10.000 tấn/năm và đang nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu này” - ông Huy nhấn mạnh.

Từ khóa » Chuối út Huy