“Vua Chuối” Võ Quan Huy Và Chiến Lược “vạn Người Mê” | Doanh Nhân

“Vua chuối” Võ Quan Huy và chiến lược “vạn người mê” THY HẰNG 28/12/2020 04:21

Về với vùng trồng chuối hơn 100 ha của “vua chuối” Võ Quan Huy tại mảnh đất Long An, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi màu xanh mướt bạt ngàn hiếm có nơi mảnh đất vốn quanh năm phèn chua bao phủ này.

Thuộc số ít những nhà đầu tư xuất phát thuần nông ở Việt Nam, có chiến lược đầu tư năng động hoàn toàn tập trung vào nông nghiệp, “Vua chuối” Võ Quan Huy, Giám đốc Cty TNHH Huy Long An là doanh nhân sở hữu và canh tác hơn 1.000 ha đất nông nghiệp trải suốt 6 tỉnh, từ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tới cao nguyên Lâm Đồng.

Về với vùng trồng chuối hơn 100 ha của “vua chuối” Võ Quan Huy tại mảnh đất Long An, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi màu xanh mướt bạt ngàn hiếm có nơi mảnh đất vốn quanh năm phèn chua bao phủ này. Nhiều người còn nói đùa, Út Huy trồng chuối 4.0 khiến “vạn người mê”. Không chỉ vậy, người “nông dân cự phú” này còn khiến chúng tôi đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác khi kể về câu chuyện trở thành tỷ phú trên mảnh đất “chết”.

KHÓ KHĂN LÀ… ĐỘNG LỰC SÁNG TẠO

- Suốt 40 năm làm nông nghiệp với hơn 20 loại cây trồng vật nuôi được thay đổi, khó khăn lớn nhất với ông là gì?

Tôi không thể thống kê hết những lần mình từng thất bại. Nhưng khó khăn nhất phải nói tới cải tạo vùng đất phèn Đức Huệ - Long An này. Nơi này từng được ví là đất “chết” bởi chẳng trồng nổi cây gì ngoài đước và tràm. Lúc đó, tôi cũng không hình dung được hết những khó khăn ở mảnh đất này, nhưng đến nay như bạn thấy, đã là một màu xanh trù phú.

Tuy vậy, đến giờ vẫn chưa hết khó khăn, tôi vừa thấy lứa chuối mới có hiện tượng bất thường ở viền lá, do vậy, cứ luôn phải “chiến đấu” không ngừng.

Làm nông nghiệp hồi nào bản lĩnh của mình cũng phải cứng như đá, tôi luôn phải có những tính toán để vượt qua những khó khăn gần như liên tục của “nghiệp làm nông”.

Nhưng làm nông nghiệp dường như đã ăn vào máu tôi rồi. Tình yêu với nông sản bắt đầu từ lâu lắm, bắt đầu từ khi tôi mới đôi mươi rồi, đến nay đã gần 5 chục năm rồi. Quá trình đó cũng có những bước đi thất bại và thành công nhưng tôi nghĩ mình cần say mê và ý chí sắt đá.

- Khó khăn là vậy, nhưng vì sao ông lại luôn tính đường để “xuất ngoại”chuối Việt?

Ngay từ đầu tôi đã hướng đến trồng chuối để xuất khẩu, thậm chí sẵn sàng “tư thế” sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản do đó từ quy trình, tiêu chuẩn đến mọi kỹ thuật đều được tôi hướng đến… tiêu chuẩn Nhật.

Tôi lựa chọn Nhật bởi sau quá trình nghiên cứu thị trường tôi biết được Nhật Bản là nước nhập khẩu chuối với khối lượng lớn, khoảng trên 1,2 triệu tấn mỗi năm, đất nước này lại không trồng được chuối và tiêu chuẩn ổn định.

Tôi đã đến những vùng được coi là cái nôi trồng chuối của Việt Nam, ví dụ Trảng Bom, Đồng Nai nơi trồng chuối lâu đời, hoặc Lâm Đồng cũng có trang trại chuối xuất Nhật. Thậm chí, tôi lặn lội sang Philippines để học hỏi kinh nghiệm của đất nước xuất khẩu chuối nhiều nhất trên thế giới và mời chuyên gia Nhật Bản về giám sát.

Cùng với đó, thông qua kinh nghiệm từng có khi làm việc với khách hàng Nhật khi nuôi trồng tôm, tôi đã nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản. Quy trình trồng chuối công nghiệp được hình thành từ xử lý thuốc bảo vệ thực vật đến xây dựng hệ thống canh tác, đường cáp thu hoạch, vận chuyển chuyên dùng, nhà đóng gói, kho bảo quản... mô hình “chuối bay trên trời” ra đời từ đó, yếu tố nhà đóng gói cũng là điểm khách hàng Nhật Bản đặc biệt quan tâm.

- Như vậy rõ ràng vào được thị trường Nhật không đơn giản, thưa ông?

Đúng vậy, nhưng không chỉ có thị trường Nhật Bản. Để xuất khẩu sang thị trường này, với khoảng 8.000 tấn chuối cung cấp ra thị trường mỗi năm của chúng tôi buộc phải đạt hàng trăm tiêu chí từ đất, nước, phân bón, quy trình trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chất lượng… Nhật Bản có hơn 200 tiêu chí, Hàn Quốc hơn 170 tiêu chí, tính ra cây chuối phải đạt tới 300 tiêu chí sau khi trừ những tiêu chí giống nhau.

Khách hàng Nhật Bản rất uy tín, họ đưa cho doanh nghiệp kế hoạch mua hàng một năm, lượng hàng mua từng tháng một. Ngược lại, phía doanh nghiệp đã cam kết thì phải thực hiện nếu không vi phạm hợp đồng, phía đối tác Nhật Bản sẽ phạt thẳng tay. Ví dụ, phía doanh nghiệp cam kết tháng này cung cấp năm container hàng nhưng chỉ được bốn container thì sẽ bị phạt tính theo giá trị một container hàng mà doanh nghiệp thiếu.

Hơn nữa, thị trường Nhật Bản đặc biệt khác, ngoài tiêu chuẩn hàng hoá thông qua hồ sơ chúng ta phải có sản phẩm để khách hàng dùng thử, nhưng tôi tự tin vào quy trình của mình. Đến nay, sản lượng chuối FOHLA đã đạt mốc 10.000 tấm/năm 2019, trong đó, xuất khẩu chiếm 95%.

- Không chỉ vậy, ông còn nổi tiếng với mô hình chuối - bò tuần hoàn đặc biệt được chuyên gia Nhật Bản đánh giá là… chưa từng có trên thế giới?

Khi tìm hướng thay đổi vùng đất phèn Long An, tôi phải suy nghĩ mãi mới nghĩ ra ý tưởng kết hợp nuôi bò. Trước tiên, tôi sử dụng chất thải từ bò để bón cho cây chuối, các phần trái chuối dư thừa không đáp ứng tiêu chuẩn, phần thân được dùng làm thức ăn cho bò…Hiện tất cả các cây ăn trái đã dùng phân bón hữu cơ.

Doanh nghiệp hiện đang hợp tác với nông dân để mở rộng hơn nữa mô hình này, đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

- Nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn thường “than phiền” rằng hợp tác với nông dân thường bấp bênh, thưa ông?

“Vua Chuối” Võ Quan Huy được xem là đại diện cho thế hệ nông dân “lái xe hơi tiền tỷ” thăm đồng, khác với thế hệ lái máy cày hay con trâu trước đây. “Làm nông nghiệp trau dồi cho tôi bản lĩnh…như đá, nghĩa là lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng đối mặt với khó khăn. chúng ta phải có những tính toán để vượt qua những khó khăn đó”.

 Mô hình hợp tác với nông dân của chúng tôi không chỉ ký kết hợp đồng cam kết thông thường. Doanh nghiệp chủ động cung cấp vốn, cung cấp quy trình, sau đó thu mua sản phẩm cho người dân. Chúng tôi góp vốn chung và ký kết giá cố định và chốt giá cả năm, đương nhiên mức giá luôn “nhỉnh” hơn thị trường và từ đó nông dân cũng yên tâm trong sản xuất và tôi cũng an tâm về chất lượng sản phẩm…

Tôi nghĩ mình chưa có tư duy bình thường của người làm chủ doanh nghiệp - phải đặt lợi nhuận lên đầu nhưng xác định là phải cùng nông dân lăn lộn, cùng lãi cùng lỗ với nông dân. Hiện Việt Nam nhiều nông dân tính tuân thủ chưa cao nên cũng phải yêu cầu họ làm theo quy trình, gắn trách nhiệm của họ vào sản phẩm, đôi khi phải chấp nhận đánh đổi để họ nhận ra yêu cầu bắt buộc của quy trình sản xuất, nếu không sản phẩm hỏng và họ sẽ phải chịu thiệt hại, làm với nông dân không nói suông được. Chính vì thế, hiện Huy Long An đã hợp tác được với nông dân của nhiều tỉnh: Long An, Đồng Nai, Tây Ninh

LẤN SÂN MẢNG BÁN LẺ

- Hiện cây chủ lực của Huy Long An là cây chuối, ông có dự định phát triển thương hiệu thịt bò riêng trong chuỗi tuần hoàn mà ông đang có?

Nuôi bò còn khá nhiều khó khăn nên chúng tôi hiện đang nuôi theo nhu cầu sản xuất phân bón cho cây trồng chủ yếu. Sản lượng thịt bò được cung cấp cho các lò mổ hiện khoảng 10.000 con bò mỗi năm.

Tôi cũng có phát triển với thương hiệu FLOHA nhưng việc phát triển hiện đang rất chậm do vấn đề thị trường.

Hơn nữa, doanh nghiệp chúng tôi trước giờ chuyên về sản xuất, chuyên bán buôn nên việc làm thị trường, phát triển thương hiệu sản phẩm mới gặp khó khăn, mới chủ yếu ở một số siêu thị nhỏ và chủ yếu là các bếp ăn tập thể.

- Ông không ít lần nhắc tới tham vọng xây dựng chương trình tiến tới “hữu cơ hoá” sản phẩm từ giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ... ông đã thực hiện tới đâu rồi?

Về hữu cơ tôi đã đi được 85%, các cây trồng được bón phân hữu cơ hoàn toàn và sử dụng khử bệnh bằng công nghệ vi sinh. Tuy nhiên, hiện có một số vấn đề của hữu cơ được truyền thông không đúng, dẫn tới khó phát triển. Bản chất đất của chúng ta đã có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều bệnh trên cây dù sử dụng công nghệ vi sinh của Nhật nhưng vào mùa mưa cũng ko có hiệu quả do đó vẫn phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Do đó, chúng ta phải có “bước đệm”, người bán nguyên liệu đầu vào phải hiểu và đảm bảo nguyên liệu sản xuất hữu cơ. Bản thân doanh nghiệp chủ động nguyên liệu nhưng để được chứng nhận hữu cơ phải trải qua quy trình làm khảo nghiệm 2 năm để có thể sử dụng vào sản xuất để hữu cơ.

- Xin cảm ơn ông, chúc “vua chuối” và doanh nghiệp Huy Long An ngày càng phát triển!

CƠ HỘI KHÓ LƯỜNG TỪ… COVID-19

- Trong thời gian qua, COVID-19 được coi là “cơ hội” cho ngành nông nghiệp, Huy Long An đã tận dụng lợi thế này ra sao, thưa ông?

Nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh toàn cầu như hiện nay. Nhưng COVID-19 thật sự là một “cơ hội khó lường” mà để biến cơ hội này thành hiện thực không phải là điều dễ dàng.Đơn cử, ở thời điểm đầu bùng phát đại dịch thì nhu cầu có gia tăng tại một số thị trường, tuy nhiên, thời gian sau đó này thì tổng cầu bắt đầu giảm, nguồn cung cũng giảm. Đặc biệt, chi phí logistics tăng cao. Nếu trước đây, tiền chi phí tàu biển đưa container hàng hoá đi Trung Quốc có giá 400-600 USD/ container, thì đến nay, chi phí này đã lên tới 1.000 USD/container.

Cùng với đó, vật tư đầu vào cũng tăng giá. Việc giải phóng hàng hoá cũng bị ảnh hưởng do việc cách ly phòng dịch.

- Vậy vấn đề lớn nhất với doanh nghiệp của ông là gì?

Theo tôi, vấn đề liên quan tới các hãng tàu nước ngoài. Mà điều này chỉ doanh nghiệp không thể giải quyết được. Tôi kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho nông sản, cho doanh nghiệp kết nối với các doanh nghiệp logistics giải quyết vấn đề này.

- Được biết, ông còn ấp ủ tham vọng làm du lịch?

Sau nhiều biệt danh gắn với ngành nông nghiêp, tôi đang ấp ủ phát triển hệ sinh thái du lịch nông nghiệp. Thú thực chúng tôi cũng đã mời gọi một số nhà đầu tư phối hợp. Chúng tôi có nông trại có thể phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, đối tác phát triển hạ tầng nghỉ dưỡng tuy nhiên cũng chưa tìm được đối tác phù hợp, chưa “đồng cân, đồng lạng” nên cũng chưa hợp tác được. Nếu hiện thực được điều này tôi sẽ hoàn thiện được hệ sinh thái của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Những vị thuyền trưởng tài ba

    Những vị thuyền trưởng tài ba

    14:30, 01/01/2021

  • Tân CEO Vietnam Airlines là ai?

    Tân CEO Vietnam Airlines là ai?

    15:32, 30/12/2020

  • Tân CEO Vietnam Airlines là ai?

    Tân CEO Vietnam Airlines là ai?

    11:40, 30/12/2020

Từ khóa » Chuối út Huy