1. Có thể nói, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã viết tiểu thuyết Quả dưa đỏ từ sự gợi ý, dẫn dắt của truyền thuyết đậm màu sắc huyền thoại. Trong kho tàng văn chương cổ điển của dân tộc có bộ sách quý Lĩnh Nam chích quái (những chuyện kỳ lạ thu góp, lượm lặt được ở cõi Lĩnh Nam, tức cõi nước Nam ta) của tác giả Trần Thế Pháp (không rõ năm sinh/mất, chỉ xác định vào đời Trần).
Đền thờ Mai An Tiêm (Nga Sơn, Thanh Hóa) điểm đến hấp dẫn với nhiều người con đất Việt.
Lĩnh Nam chích quái gồm 22 truyện dưới nhiều hình thức khác nhau như thần thoại cổ (Truyện họ Hồng Bàng, Truyện Tản Viên, Truyện Đổng Thiên Vương,...), truyện thần tích (Truyện Từ Đạo Hạnh, Truyện Hà Ô Lôi,...), truyện về phong tục tập quán dưới hình thức sự tích (Truyện Bánh chưng, Truyện Trầu cau, Truyện Dưa hấu,...). Lĩnh Nam chích quái không chỉ là một tác phẩm văn chương trở thành đối tượng nghiên cứu mà còn là một nguồn cứ liệu phong phú với các nhà sử học khi viết về thời đại Văn Lang - Âu lạc (xem Lịch sử Việt Nam cổ -trung đại, NXB Đại học Vinh, 2019; Chương 2: “Việt Nam thời kỳ dựng nước Văn Lang - Âu Lạc, trang 53-84).Hình thức “chuyện cũ viết lại” trong tay các nhà văn tài năng nhiều khi đem lại cho độc giả những khoái cảm thẩm mỹ mới. Đó là trường hợp Tô Hoài viết Đảo hoang (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1970, tái bản lần thứ 8). Chúng tôi tạm gọi Tây Qua truyện (Truyện Dưa hấu) trong Lĩnh Nam chích quái là “cổ mẫu”, Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Đảo hoang của Tô Hoài là “phóng tác” của một mô-tip chủ đề, cốt truyện, nhân vật, tình huống.Nhưng rõ ràng, Đảo hoang của Tô Hoài đượm cái không khí đời sống thời hiện đại hơn, hư cấu cao hơn và phóng khoáng hơn, nhân vật sinh động hơn, lối kể chuyện phù hợp hơn với thị hiếu độc giả hiện nay. Tất nhiên vì nó ra đời sau Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật gần nửa thế kỷ.Về cốt truyện, cả hai tác phẩm đều dựa vào “cổ mẫu” Tây Qua truyện (Truyện Dưa hấu) của Lĩnh Nam chích quái (Quyển I, truyện số 9): Mai An Tiêm là con nuôi của Vua Hùng thứ 17, là người tài cao chí lớn. Được vua ban nhiều bổng lộc. Nhưng An Tiêm chỉ nói: “Đó là do tiền thân của ta!”. Bị bọn nịnh thần xúc xiểm, vua cả giận đày cả nhà An Tiêm ra đảo xa. An Tiêm động viên vợ con: “Trời sinh ta tất nuôi nổi ta!”.Bằng ý chí ham sống và tinh thần lao động cần cù, cuối cùng cả nhà vẫn tồn tại sau khi dùng hết số lương thực vua cấp chỉ đủ dùng bốn, năm tháng. Một bận có con chim bạch trĩ bay qua đảo đánh rơi mấy hạt lạ, sau mọc thành loại cây cho quả vỏ xanh lòng đỏ, bổ ra ăn ngon ngọt, mát lành. An Tiêm nói: “Đây không phải là dị vật mà là trời cho để nuôi ta!”. Anh Tiêm đặt tên là quả Tây Qua (vì chim cho hạt quý bay đến từ phía Tây đến). An Tiêm còn nhờ vào quả Tây Qua trao đổi với các thương lái qua đảo, đổi thành gạo và các thức dùng khác nuôi sống gia đình.Nhà vua sau nghĩ lại, cho người đi tìm An Tiêm. Người về tâu lại, vua ân hận mà nghĩ “Hắn nói là do ở tiền thân, điều đó thực không ngoa!”. Sau đó vua ra chiếu cho gọi An Tiêm về, phục chức, cấp bổng lộc. Từ đó, nơi An Tiêm ở gọi là bãi An Tiêm, làng đó gọi là Mai thôn”. Truyện Dưa hấu trong Lĩnh Nam chích quái chỉ chưa đầy 500 chữ. Nó được coi là “nguyên liệu” tinh chất để các nhà văn đời sau thả sức tung hoàng ngọn bút.
Tác phẩm Đảo hoang
2. Đảo hoang của Tô Hoài có độ dài gần 300 trang (trong 16 chương). Về thời gian gia đình An Tiêm lưu lạc trên đảo hoang, Tô Hoài không mặc định (14 năm như Nguyễn Trọng Thuật viết trong Quả dưa đỏ), chỉ viết “mấy mùa nắng”, hoặc “lại có đến mấy năm nữa qua”, hoặc “tóc An Tiêm dài quá lưng”,…Như vậy độc giả đủ hình dung những tháng năm đằng đẵng khổ ải của gia đình An Tiêm (gồm bốn người: An Tiêm, vợ là Nàng Hoa, con trai là Mon, và Gái út). Tình tiết tìm ra giống dưa hấu (dưa đỏ) trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Thuật và Tô Hoài cũng khác nhau (một bên là khi làm vườn Lạc Tiên, vợ chồng An Tiêm tìm ra một giống quả lạ; một bên là do chim trĩ thả hạt xuống đảo, chính Mon trong thời gian lạc nhà đã gieo trồng nó rồi thả quả dưa đỏ theo dòng nước để mong bố mẹ tìm ra mình).Đánh giá Đảo hoang theo phương pháp “Địa - Văn hóa” (Géo - Culture), nhà nghiên cứu văn học Bùi Duy Tân cho rằng “cổ mẫu” Tây Qua truyện (truyện Dưa hấu) là nói về “Sự ra đời của văn hóa vật chất” (xem Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, NXB Giáo dục, 2007, trang.127). Đó là cách tiếp cận văn học từ văn hóa, một phương pháp rất khả thủ và hữu hiệu hiện nay trong nghiên cứu văn học.Nếu chú ý thì chúng ta thấy một sợi chỉ đỏ xuyên nối nhiều lĩnh vực: Trần Thế Pháp khi viết/biên soạn Lĩnh Nam chích quái đã dựa vào folklore (văn hóa dân gian), các nhà lịch sử cũng dựa vào Lĩnh Nam chích quái khi viết về thời đại Văn Lang - Âu Lạc (như đã nói ở trên), các nhà văn hiện đại thì phóng tác từ “cổ mẫu” của Lĩnh Nam chích quái. Vậy nên, khoa học liên ngành đã giúp chúng ta tiếp cận văn học đa chiều hơn.3. Nhưng vấn đề đặt ra là, Đảo hoang của Tô Hoài đã đem đến cho độc giả (nói chung) hôm nay những mỹ cảm (cảm xúc/tình cảm về cái đẹp) nào? Theo chúng tôi, có ba vấn đề quan trọng cần lưu tâm trong tiếp nhận Đảo hoang. Một là vấn đề nhân cách. An Tiêm vì sự trung thực, thẳng thắn mà hàm oan.Đáng lý vua ban bổng lộc thì cứ “ngậm miệng ăn tiền” theo thói thường của đám đông. Vậy thì an toàn. Nhưng lại nói thẳng ra là: “Đó là do tiền thân của ta!” (Từ điển tiếng Việt [Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992]: Tiền thân: Bản thân mình ở kiếp trước trong quan hệ với thể xác kiếp sau, gọi là hậu thân, theo thuyết luân hồi của đạo Phật). Tiết tháo của An Tiêm không phù hợp với vị thế của mình là kẻ bị trị, kẻ hàm ơn bề trên.Nhưng cuối cùng thì chính vua cũng ngộ ra: “Hắn nói là do ở tiền thân, điều đó thực không ngoa!” (Tây Qua truyện/ Lĩnh Nam chích quái). An Tiêm không trở thành “con biến màu” nên phải hứng chịu khổ nạn. Biết làm sao được. Nhưng cả nhà An Tiêm đã vượt qua muôn trùng thử thách là nhờ vào lao động quên mình và sáng tạo. Vậy nên, đọc Đảo hoang của Tô Hoài là chúng ta được cổ võ niềm vui sống, được kích thích kiến tạo sức sống bằng niềm vui lao động. Lao động là vinh quang.Vẻ đẹp của lao động chính là cái hạt nhân, căn cốt của Đảo hoang. Nhân vật chính của Đảo hoang là những con người bình thường nhưng vĩ đại. Cuối cùng, khi đọc Đảo hoang của Tô Hoài, nếu vận dụng phương pháp phê bình sinh thái, sẽ thấm nhuần ở độc giả vấn đề “con người và tự nhiên” (có người gọi là “con người là tự nhiên”).Chúng ta hiện đang lợi dụng, khai thác, tàn phá bà mẹ tự nhiên một cách dã man. Nếu nói có chức năng giáo dục của văn chương thì chính là ở điểm mấu chốt này: hãy dạy/truyền cảm hứng cho trẻ em trước hết tình yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên. Hình ảnh Mon khi lạc nhà sống với hai chú gấu con có ý nghĩa tượng trưng: sống với thú dữ mà lại an tâm hơn với con người độc ác (!?). Chính An Tiêm đã bị những kẻ nịnh thần dìm vào trong bể thị phi nên chịu nông nỗi lưu đày.Một tác phẩm thành công như Đảo hoang là nhờ vào nội dung lành mạnh, sâu sắc, đã đành. Nghĩa là dựng nên được “câu chuyện” hay, gánh vác, hàm chứa tư tưởng nhân văn sâu sắc. Nhưng nếu nhà văn không tạo nên hấp lực bằng “văn”, thì tác phẩm cũng nhanh chóng trôi tuột đi theo thời gian.Tô Hoài nổi tiếng là một “xảo thủ” ngôn từ với Dế mèn phiêu lưu ký, Quê người, Truyện Tây Bắc, Cát bụi chân ai,… Trong Đảo hoang, nhà văn vận dụng lối kể của cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn khiến cho câu chữ như có ma lực, cuốn hút dẫn dụ không chỉ trẻ thơ mà cả người lớn tuổi. Đúng là “văn chương là nghệ thuật ngôn từ”.