Vùng đất Phèn Trở Thành điểm Sáng - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp đến thăm trang trại chuối cấy mô của Cty cổ phần xuất nhập khẩu Xanh Việt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp đến thăm trang trại chuối cấy mô của Cty cổ phần xuất nhập khẩu Xanh Việt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chuyển động vùng Bảy Núi

Từ vùng đất kinh tế mới phèn nặng ngày nào, giờ đây huyện miền núi Tri Tôn (thuộc vùng Bảy Núi An Giang) trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nông nghiệp trang trại theo đúng chuẩn ứng dụng công nghệ cao hàng đầu của tỉnh và khu vực ÐBSCL.

Nhận thấy cây chuối là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, nhu cầu lớn nhưng sản lượng chưa đáp ứng, bà Lê Thị Thu Nga  –  Giám đốc Cty Cổ phần xuất nhập khẩu Xanh Việt, một doanh nhân từng thành công ở TP.HCM quyết tâm về quê bỏ ra hàng chục tỷ đồng, mở trang trại trồng hàng trăm hecta chuối cấy mô để phục vụ xuất khẩu. Hiện trang trại trồng chuối của Cty phát triển khá tốt, phù hợp với vùng đất còn nhiễm phèn, đã bắt đầu cho thu hoạch từ 1-2 năm nay. Có thể nói đây là mô hình trồng chuối cấy mô của Cty Xanh Việt ở xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn (An Giang) với quy mô lớn và hiện đại ở An Giang nhằm phục vụ xuất khẩu chuối mỗi năm hàng ngàn tấn.

Vùng trồng chuối xuất khẩu gần 100ha của Cty Xanh Việt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vùng trồng chuối xuất khẩu gần 100ha của Cty Xanh Việt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Lê Thị Thu Nga  – Giám đốc Cty Cổ phần xuất nhập khẩu Xanh Việt ở xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, cho biết: Cty có hơn 100ha đất lúa, nhiều năm qua làm lúa không đem lại hiệu quả vì đây là vùng đất phèn nặng. Gần 2 năm nay Cty thực hiện chuyển đổi sang trồng trên 60ha chuối cấy mô theo hướng an toàn, để phục vụ xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc…

Cây chuối cấy mô rất phù hợp với vùng đất phèn, trồng bằng cây con, dễ bố trí mùa vụ, thu hoạch cho năng suất cao. Bình quân một năm trồng được hai vụ chuối, vì đây là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp hơn so với các loại cây ăn trái khác. Thường chuối cấy mô trồng từ 8-9 tháng sẽ cho thu hoạch, năng suất từ 40-45 tấn/ha/vụ. Hiện giá bán cho xuất khẩu từ 8.000-10.000 đồng/kg.

Theo người trồng, lợi ích của mô hình này đem lại là cây con có độ đồng đều, cho năng suất cao, dễ bố trí mùa vụ và thu hoạch. Ngoài ra, cây chuối cấy mô cũng sẽ thuần và ít sâu, bệnh hơn so với trồng truyền thống bằng cây con. Chuối sau khi thu hoạch, mỗi bụi chỉ chừa một cây con phát triển để thu hoạch lứa tiếp theo. Từ đợt thu hoạch thứ 2, thời gian rút ngắn còn 5 - 6 tháng trồng, lợi nhuận cũng cao hơn do chỉ còn tốn công chăm sóc, phân thuốc, nhân công thu hoạch, sơ chế. Chuối trồng một lần thu hoạch được 3 - 4 năm mới cải tạo trồng lại mới, nên càng về sau lợi nhuận càng ổn định.

Trồng chuối theo VietGAP

Bà Nga cho biết thêm, ngoài lợi ích phát triển kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chuối cấy mô, còn giải quyết bài toán việc làm cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời thông qua đó thu nhập của người dân tăng lên, tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và góp phần đưa kinh tế xã hội phát triển. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao mô hình trồng chuối xuất khẩu của Cty Cổ phần xuất nhập khẩu Xanh Việt đã thay đổi vùng đất phèn khi chuyển sang trống chuối cấy mô theo VietGAP. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao mô hình trồng chuối xuất khẩu của Cty Cổ phần xuất nhập khẩu Xanh Việt đã thay đổi vùng đất phèn khi chuyển sang trống chuối cấy mô theo VietGAP. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vào những lúc cao điểm, số lượng nhân công làm việc cho công ty có thể lên đến gần 100 người, với mức thu nhập ổn định, đối với nam từ 200.000 – 250.000 đồng/ngày và 160.000 đồng/ngày đối với nhân công nữ, nếu làm tốt sẽ thưởng thêm. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, thời gian tới, Cty Xanh Việt đầu tư thêm hệ thống cáp treo để thuận tiện cho việc thu hoạch cũng như giảm thiểu số lượng chuối bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển đến nhà kho. Đồng thời, tiếp tục áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào trồng trọt theo tiêu chuẩn châu Âu cho ra sản phẩm đạt chất lượng, năng suất cao.

"Trồng chuối cấy mô trên đất phèn là mô hình vừa phù hợp với thổ nhưỡng, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng đất, đáp ứng các tiêu chuẩn nông sản chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là điều kiện để An Giang nhân rộng mô hình này, hướng đến đưa cây chuối là một trong những cây chủ lực của tỉnh", ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang.

Theo bà Nga, hiện vùng nguyên liệu chuối cấy mô của Cty trồng được đầu tư hệ thống tưới tự động, thu hoạch có hệ thống dây chuyền chuyển từ vườn đến nhà xưởng để chế biến đóng gói và đặc biệt hơn sử dụng phân thuốc hữu cơ. Vì vậy chuối sản xuất ra rất thơm ngon, được thị trường nhập khẩu đánh giá cao. Trong thời gian tới, Cty cải tạo đất tiếp tục chuyển đổi 60ha đất còn lại để trồng chuối. Bên cạnh đó Cty còn đứng ra liên kết với nhiều hộ nông dân trong huyện có diện tích đất nhiều thực hiện trồng chuối để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân.

Dù thời gian qua nông dân trồng chuối xuất khẩu ở An Giang có bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nhưng nhờ canh tác theo quy trình an toàn sinh học, sản phẩm chuối vẫn được tiêu thụ tốt tại thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc…

Trong đợt hạn mặn vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trực tiếp đến thăm trang trại chuối cấy mô của Cty Cổ phần xuất nhập khẩu Xanh Việt ở huyện Tri Tôn (An Giang), đã đánh giá cao mô hình này. Đây là hướng đi mới để chuối xuất khẩu tốt hơn sang các thị trường trên thế giới.

Cty Xanh Việt trồng 60ha chuối cấy mô theo hướng VietGAP, để phục vụ xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc… Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cty Xanh Việt trồng 60ha chuối cấy mô theo hướng VietGAP, để phục vụ xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc… Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Tấn Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, cho biết: Xã đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ. Ngoài trồng chuối cây mô, hiện nay, xã đang liên kết với các công ty như Agmex Kitoku liên kết sản xuất 210ha lúa Hana, Tập đoàn Lộc Trời liên kết trồng lúa diện tích 60ha, Công ty Tấn Vương liên kết lúa Jasmine diện tích 100ha. Ngoài ra, trên địa bàn xã đang triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như Cty TNHH Nông nghiệp xanh Lư Gia xây dựng 500ha trồng chuối xuất khẩu và Cty Chuối Xanh Việt 100ha chuối. Các mô hình này hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết: Mô hình trồng chuối cấy mô hiện nay trên địa bàn đang phát triển khá mạnh vì có đầu ra thuận lợi. Theo thống kê hiện tại toàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp, nông dân sản xuất chuối cấy mô với diện tích trên 700 ha, được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đạt chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, An Giang đang lên đề án quy hoạch hơn 10.000ha đất để trồng chuối theo hướng quy mô lớn. Trước mắt, tỉnh ưu tiên trồng ở huyện Tri Tôn vì đây là vùng đất còn nhiễm phèn, trồng chuối hiệu quả hơn một số loại cây trồng khác. Từ huyện Tri Tôn, tỉnh sẽ nhân rộng cây chuối ra các vùng có điều kiện khác.

Từ khóa » Trồng Chuối Xuất Khẩu