Vùng Trời Quốc Gia Là Gì? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Lãnh thổ quốc gia là gì?
  • Khái niệm vùng trời quốc gia
  • Quy định về vùng trời quốc gia

Hiện nay trong luật quốc tế nói chung và luật hàng không dân dụng quốc tế nói riêng vẫn chưa có quy định xác định cụ thể độ cao của vùng trời, nhưng các quốc gia thường coi độ cao của vùng trời chính là độ cao của bầu khí quyển. Vậy Vùng trời quốc gia là gì?

Lãnh thổ quốc gia là gì?

Lãnh thổ quốc gia là một phần của Trái Đất, bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời và vùng lòng đất, thuộc chủ quyền hoàn toàn, riêng biệt hoặc tuyệt đối của một quốc gia. Lãnh thổ quốc gia là toàn vẹn và bất khả xâm phạm.

– Vùng đất là bộ phận cấu thành lãnh thổ của một quốc gia, gồm có đất liền và các đảo thuộc chủ quyền quốc gia. Quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối ở vùng đất;

– Vùng nước là toàn bộ các vùng nước nằm trong đường biên giới quốc gia gồm: vùng nước nội địa (ao, hồ, sông… nằm trong đất liền) và biển nội địa.

Vùng nước nội địa thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của quốc gia; vùng nước biên giới, nước sông, hồ, biển nội địa nằm ở khu vực biên giới, vùng nước nội thuỷ, vùng nước biển nằm phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển quốc gia.

Vùng nội thuỷ thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của quốc gia hữu quan; vùng nước lãnh hải, vùng nằm phía trong đường biên giới biển của quốc gia, giáp với đường cơ sở. Trong vùng nước lãnh hải, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ;

– Vùng trời là khoảng không gian bao trùm trên vùng đất, vùng nước của quốc gia;

– Lòng đất là phần đất nằm dưới vùng đất, vùng nước của quốc gia.

Trong quan hệ giữa các quốc gia, lãnh thổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi lãnh thổ là cơ sở để duy trì ranh giới quyền lực nhà nước đối với một cộng đồng dân cư nhất định. Đồng thời tạo dựng và duy trì một trật tự pháp lý quốc tế hoà bình và ổn định trong quan hệ giao lưu quốc tế.

Khái niệm vùng trời quốc gia

Vùng trời quốc gia là khoảng không gian bao trùm trên vùng đất và vùng nước thuộc chủ quyền của quốc gia, vùng trời của quốc gia thuộc chủ quyền hoàn toàn, riêng biệt của quốc gia.

Các phương tiện bay của nước ngoài muốn hoạt động trên vùng trời của quốc gia phải được sự đồng ý của quốc gia đó theo những điều kiện và thể thức nhất định, phải tuân theo pháp luật của quốc gia đó.

Vùng trời của mỗi quốc gia bị giới hạn bởi:

– Biên giới xung quanh là mặt thẳng đứng được dựng qua các điểm nằm trên đường biên giới trên bộ và trên biển của lãnh thổ quốc gia và có hướng chạy thẳng vào tâm trái đất.

Biên giới xung quanh giới hạn chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia trong vùng trời nước mình.

– Biên giới trên cao để xác định chủ quyền của mỗi quốc gia đối với vùng trời của mình.

Ý nghĩa pháp lý quan trọng của việc xác định biên giới này đã được khẳng định trong Luật hàng không quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động của các quốc gia. Cho đến nay, Luật hàng không quốc tế chưa quy định cụ thể về độ cao của biên giới này.

Quy định về vùng trời quốc gia

Chúng ta đã hiểu được khái niệm Vùng trời quốc gia là gì? qua nội dung đã phân tích ở trên.

Về quy chế pháp lý của vùng trời quốc gia, một nguyên tắc được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế là quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối đối với vùng trời quốc gia.

Điều 1 Công ước Chicago về Hàng không dân dụng quốc tế năm 1944 quy định “Các bên ký kết công nhận mỗi Bên đều có chủ quyền hoàn toàn và độc quyền đối với không phận phía trên lãnh thổ của Bên đó.”

Điều 2 Công ước giải thích “lãnh thổ” bao gồm cả lãnh thổ đất liền và lãnh hải. Trước đó, quy định tương tự đã được ghi nhận trong Công ước Paris về Quy định hàng không năm 1919.

Đến nay Công ước Chicago có 191 quốc gia thành viên chiếm tuyệt đại đa số các quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Với sự tham gia rộng rã như vậy quy định về chủ quyền quốc gia đối với vùng trời quốc gia ở Điều 1 Công ước Chicago có thể được xem là quy định tập quán quốc tế ràng buộc mọi quốc gia.

Với chủ quyền hoàn toàn và độc quyền quốc gia có thể có thẩm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp với mọi hoạt động trong vùng trời quốc gia trừ trường hợp có quy định khác trong luật pháp quốc tế.

Pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng trời quốc gia trong nhiều luật như Hiến pháp năm 2013, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng năm 2006, Luật Biển Việt Nam năm 2012.

Điều 1 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.”

Luật Biên giới quốc gia năm 2003 xác định rõ hơn vùng trời quốc gia của Việt Nam, quy định “Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời,” và không đặt ra giới hạn độ cao.

Vùng trời quốc gia là một thành phần quan trọng của nền an ninh quốc gia. Nắm rõ quy chế pháp lý của vùng trời quốc gia giúp các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế đảm bảo và tôn trọng quyền năng của các quốc gia còn lại.

Từ khóa » Khoảng Không Gian Bao Trùm Trên Vùng đất Và Vùng Nước Của Quốc Gia Là