Vườn Dâu Tây Đà Lạt Với Công Nghệ Cao Và Thủy Canh

Vườn dâu tây ở Đà Lạt hầu hết đã áp dụng công nghệ cao

Ở Đà Lạt (Lâm Đồng), hoạt động nông nghiệp đã lên đến đỉnh cao về áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là trồng dâu tây trong nhà kính.

Điển hình là vườn dâu tây công nghệ cao của gia đình ông Vương Đình Phi, số 162, đường Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt. Gia đình ông Phi đầu tư gần 3.000m2 nhà kính để trông dâu tây công nghệ cao. Dâu tây được trồng hoàn toàn trên giá đỡ.

dâu tây công nghệ cao Đà Lạt

Vườn dâu tây công nghệ cao ở thành phố Đà Lạt

Những yêu cầu của trồng dâu tây công nghệ cao

Trồng dâu tây công nghệ cao đòi hỏi phải có kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư lớn. Chỉ riêng việc đầu tư làm nhà kính 1 sào (1.000m2) đã mất khoảng 180 triệu đồng, chưa tính giá thuê nhân công, giống và chi phí khác đầu tư hàng ngày.

Bên cạnh hệ thống tiêu tiêu cực kỳ hiện đại như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, người ta còn phải dùng lớp lưới bên trên để che nếu trời quá nắng, dùng quạt để tạo gió làm mát cho dâu tây. Người ta tỉ mỉ cắt tỉa từng cọng lá già, gốc dây tây phải luôn trong tình trạng sạch sẽ, tuyệt nhiên không sâu bệnh.

Trồng dâu tây trong nhà kính với kỹ thuật đòi hỏi cao

Trồng dâu tây trong nhà kính với kỹ thuật đòi hỏi cao

Trồng dâu tây công nghệ cao đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư rất lớn nên giá loại dâu này thường cao hơn nhiều so với giá dâu trồng trên đất, ngoài trời. Chất lượng quả tăng rõ rệt (to và chắc, màu sắc đẹp, hương thơm hơn…).

Nhiều nhà vườn ở Đà Lạt cũng chủ động nhập các giống dâu mới từ Pháp, Mỹ, Đài Loan… Anh Nguyễn Hữu Tuấn (phường 9) nhập giống dâu mới từ New Zealand với giá 1 cây giống lúc bấy giờ lên tới 1 USD; đồng thời sản xuất theo hướng sạch và an toàn (tiêu chuẩn VietGAP).

Vườn dâu tây thủy canh ở Đà Lạt

Trường hợp điển hình đó là thành công của chàng thạc sĩ sinh học Nguyễn Lâm Thanh (trú tại Đa Phú, phường 7). Ở tuổi 28, anh Thanh đã vận dụng những kiến thức khoa học từ chính đề tài luận văn tốt nghiệp của mình vào vườn dâu tây. Đây là mô hình trồng dâu thủy canh (không dùng đất) theo hướng sạch.

dâu tây thủy canh Đà Lạt

Trồng dâu tây theo phương pháp thủy canh ở Đà Lạt

Sơ lược về trồng dâu tây theo phương pháp thủy canh

Anh Thanh làm nhà kính và dựng giàn nổi trên mặt đất, sau đó đặt những túi ni lông (dài khoảng 1m) được nhồi giá thể xơ dừa đã qua xử lý lên giàn. Mỗi túi được khoét 7 – 8 lỗ để trồng dâu tây. Giá thể này giúp rễ của cây dâu dễ dàng bám vào hút dinh dưỡng dưới dạng dung dịch thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Vườn dâu còn có các thiết bị đo nhiệt độ, bẫy bắt côn trùng…; dùng thiên địch để đối phó với sâu bệnh chứ không sử dụng hóa chất.

Thủy canh thường được định nghĩa như là “Trồng cây trong nước”. Tuy nhiên do có rất nhiều môi trường tổng hợp được sử dụng để trồng cây nên có thể mở rộng định nghĩa thủy canh là ” trồng cây không sử dụng đất”.

Không chỉ làm vườn để thu dâu trái, tận dụng lợi thế nằm ngay trên ngã ba đường vào khu du lịch Suối Vàng, Nguyễn Lâm Thanh luôn mở cửa vườn sẵn sàng cho du khách vào tham quan miễn phí như một dịp để họ hiểu về cây dâu Đà Lạt. Du khách có thể mua dâu hoặc không nhưng đều được ông chủ trẻ dẫn đi tham quan nhiệt tình và không ít người trong số họ quay trở lại với lòng yêu mến một cách làm nông nghiệp rất đặc sắc của người dân phố núi.

Giống dâu đặc trưng được trồng thủy canh

Giống dâu trồng thủy canh trong nhà kính là giống dâu New Zealand có vị ngọt, đặc cơm tuy năng suất không cao như giống trồng ngoài trời. Nhưng nhờ là dâu sạch nên giá bán dâu của Lâm Thanh bao giờ cũng cao hơn thị trường và gần như “cung không đủ cầu” nên anh đang tích cực nhân thêm cây giống, nhằm tăng diện tích vườn dâu.

Hiệu quả mang lại cho người trồng và an toàn cho người ăn

Thêm một điều có lợi là dù năng suất thấp nhưng trồng dâu trên giàn thì diện tích thực tế tăng rất cao, ví dụ như trồng dâu dưới mặt đất 1 sào khoảng 5 ngàn cây thì trên giàn sẽ là 20 ngàn cây, gấp 4 lần (do giàn nhiều tầng). Anh khẳng định: “Nông dân bình thường cũng vẫn trồng được dâu trên giàn được một cách không khó khăn. Quan trọng nhất là vốn với chi phí đầu tư khoảng 400 ngàn đồng/m2 và thứ hai là quy trình quản lý thuốc sao cho tiết kiệm và an toàn nhất”.

hái dâu tây ở Đà Lạt

Khách du lịch có thể đi vào những hàng dâu và lựa hái quả chín

Sự mở rộng của phương pháp trồng dâu thủy canh trong nhà kính

Một trường hợp thành công khác với phương pháp thủy canh trong nhà kính là chị Nguyễn Thị Bích Thủy. Chị Thủy đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng lập trang trại Biofresh, trồng 1ha giống dâu chất lượng cao Mara des Bois nhập từ nước ngoài.

Trang trại dâu tây này áp dụng quy trình canh tác nông nghiệp của Pháp. Quả dâu Mara des Bois mềm, mọng, hương thơm, vị thanh nên nhiều nhà hàng, siêu thị ưa chuộng, đặt mua thường xuyên.

Chuyên gia nông nghiệp nói gì?

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, Lại Thế Hưng cho biết, diện tích dâu tây ở địa phương đã tăng trở lại từ giữa năm 2012, hiện có khoảng 135ha – cao nhất trong vòng mười năm nay, năng suất từ 60 – 70 tấn/ha/năm. Dâu tây là loại dễ bị nhiễm bệnh bậc nhất trong số các loại quả nhưng tín hiệu đáng mừng là tất cả các mẫu dâu tây tại các vườn dâu công nghệ cao được đem đi phân tích đều an toàn.

Sự hấp dẫn cho khách du lịch đến Đà Lạt

Những vườn treo xinh xắn trồng dâu tây ở Đà Lạt đang trở thành điểm tham quan hấp dẫn. Nhiều du khách tìm đến các vườn dâu để được tự tay chọn những quả đẹp và ngon nhất dẫu giá dâu không dưới 200.000 đồng/kg, cao gấp 4 – 5 lần loại dâu trồng theo lối cũ (lộ thiên, dưới đất).

Dalattrip Team

4/5 - (4 bình chọn)
  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Pinterest (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ lên LinkedIn (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Tumblr (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ lên Reddit (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để in ra (Mở trong cửa sổ mới)

đặc sản, rau quả Đà Lạt

Từ khóa » Dâu Tây đà Lạt Giống Pháp