Vượt Qua Nỗi đau Sau Khi Ly Hôn Cho Người Phụ Nữ - Wiki Phununet

Cuộc sống sau khi ly hôn là điều mà mỗi người trong cuộc đều lo lắng, suy nghĩ. Nhiều người rơi vào tuyêt vọng, thiếu tự tin và xấu hổ với người xung quanh khi hôn nhân đổ vỡ.

LẤY LẠI THĂNG BẰNG SAU KHI LY HÔN

Nhưng đó lại là thời điểm mở ra một trang mới trong cuộc sống của bạn, thay đổi những gì không được như ý trong suốt thời gian cuộc hôn nhân trước dựa trên lý trí và những cảm xúc tích cực.

Ổn định cảm xúc

Để đối mặt với chuỗi thời gian này thì việc ổn định cảm xúc có tầm quan trọng sống còn.

Bạn dễ có xu hướng tự kéo tụt tinh thần của mình xuống sau khi trải qua cú sốc tình cảm. Nhưng nếu mạnh mẽ, can đảm thừa nhận thất bại trong tình cảm của mình để hoạch định về một cuộc sống tương lai thì bạn lấy lại thăng bằng nhanh hơn.

Ổn định cảm xúc bằng cách đối mặt với thực tế là bước đầu tiên giúp bạn vực dậy tinh thần sau ly hôn.

Có cái nhìn tươi sáng, tích cực

Làm thế nào có thể xây dựng lại một cuộc sống như bạn vẫn mong muốn? Nếu có những tích cực về mặt tinh thần sẽ là khởi đầu mới mẻ để bạn đón nhận sự khác biệt lớn trong cuộc sống.

Sau ly hôn sẽ trở thành giai đoạn vô cùng khó khăn nếu bạn không còn suy nghĩ tích cực về những điều trước mắt. Bạn hãy lên kế hoạch thư giãn, giải trí, tìm những người bạn có thể sẻ chia, vui vẻ, tìm một hình thức thư thái khi trở về nhà, đăng ký một lớp học thêm về tâm lý, lên chương trình mới cho công việc... Khi đó, cuộc sống mở ra trước mắt bạn tràn ngập ánh sáng chứ không tối tăm, mù mịt và bế tắc.

Dành thời gian bên người thân, bạn bè

Sẽ vội vàng nếu bạn bắt đầu ngay với những mối quan hệ mới. Hãy dành thời gian để quan tâm tới người thân, bạn bè. Đó chính là liều thuốc tốt cho trái tim tổn thương của bạn.

Dừng lại và suy nghĩ về những người thân thiết trong gia đình hay bạn bè của mình. Đó nên là những người mà bạn ưu tiên hàng đầu trong suy nghĩ của mình thời điểm này. Họ sẽ giúp bạn vượt qua cú sốc tình cảm để không chìm sâu trong những suy nghĩ tiêu cực.

Làm những công việc yêu thích

Hãy chắc chắn rằng bạn dành nhiều thời gian thưởng thức cuộc sống sau khi ly hôn. Ít nhất một lần trong tuần, bạn dừng công việc thường ngày để tập trung đi chơi hoặc làm điều gì mình thực sự thích. Điều đó sẽ giúp bạn đối phó với cuộc sống sau ly hôn một cách dễ chịu hơn.

Đặt mục tiêu cụ thể và thực hiện

Cuộc sống sau ly hôn là thời điểm của nhiều thay đổi, xáo trộn. Để chắc rằng bạn cảm thấy tốt về bản thân và tận hưởng cảm giác của những thành tích mang lại, hãy đặt cho mình một mục tiêu mà bạn đã chưa từng đạt được. Sau đó, ưu tiên những mục tiêu nhỏ và lập kế hoạch để đạt được nó, từng bước một.

Thực hiện thành công mỗi kế hoạch, bạn sẽ hạnh phúc với những trải nghiệm này. Cuộc sống của bạn sau khi ly hôn sẽ trở thành tháng ngày giúp bạn khám phá thêm những khả năng mà bạn chưa có cơ hội để thực hiện.

LẤY LẠI CẢM XÚC SAU LY HÔN

Trải qua một cuộc ly hôn là thời gian thách thức lớn trong cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên bạn vẫn phải nghĩ và chuẩn bị cho cuộc sống sắp tới. Hãy sử dụng những cơ hội quý giá để tìm lại chính mình với những đề nghị sau:

Trân trọng khả năng của mình

Hãy làm mọi việc bạn có thể để lập trình cho sự thành công của chính bạn. Tìm lại sức mạnh và kỹ năng của bạn để giúp bạn chuyển hướng tích cực.

Hãy thực sự tin vào chính bạn, bạn sẽ đạt được kết quả trong cuộc sống khi bạn tin là bạn xứng đáng được hưởng. Hãy giữ cho bạn những phẩm chất tốt đẹp mà bạn vốn có như nụ cười, sự tử tế, lòng tốt, sự khoan dung độ lượng, sự quan âm đến mọi người... Khi bạn bắt đầu tập trung vào nó, tự bạn sẽ tỏa sáng.

Nghỉ ngơi

Trong và sau khi ly hôn, thường thì bạn sẽ cảm thấy đau lòng và buồn chán, dường như bạn đã mất đi một cái gì đó rất quý giá.

Nhiều phụ nữ đã cảm thấy tinh thần hoảng loạn và tâm trí bị strees một thời gian, đến nỗi họ sẽ lao vào công việc để quên đi thời gian.

Một lúc nào đó bạn hãy gửi con cho ông, bà, hãy tạm rời công việc để dành thời gian cho chính bạn. Có thể chỉ đơn giản là đi tắm, đi bộ, đọc một quyển sách với tách trà mà bạn ưa thích. Hãy cho phép chính bạn được như thế.

Bạn hãy nhớ là: Bạn hạnh phúc hơn thì gia đình bạn sẽ hạnh phúc hơn.

Đừng hối tiếc, đau đớn hay chua xót

Bạn đừng hối tiếc và đau lòng với quá khứ, hãy nghĩ về mọi việc đã qua và thay đổi mọi thứ. Điều quan trọng là thừa nhận cảm nhận của bạn và học những kinh nghiệm trong quá khứ để chuẩn bị thời kỳ mới trong cuộc sống của bạn được tốt hơn.

Hãy chấp nhận thực tế là bạn đã ly hôn, không thể cứu vãn được và bạn phải làm gì để cuộc sống sau này của bạn vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Khi bạn sống có mục đích, bạn có thể có một nghị lực mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau và có một cuộc sống thực sự ý nghĩa cho bản thân và cho mọi người quan tâm đến bạn. Vì vậy bạn hãy xác định cho mình mục đích sống với cảm xúc thực sự từ con tim của bạn.

Sống có nghị lực

Khi trải qua môt cuộc ly hôn, cảm xúc của bạn như những đợt sóng ngầm cuồn cuộn. Bạn trở nên căng thẳng, sợ hãi, tiêu cực, căm phẫn và cảm giác thiếu một thứ gì đó. Tất nhiên bạn phải hiểu và chấp nhận những cảm giác thiếu nghị lực đó. Và hãy bắt đầu tạo một nghị lực mạnh mẽ cho chính bạn.

Hãy bắt đầu từng bước như em bé tập đi. Học sự thích thú, phóng khoáng, tích cực hay lòng trắc ẩn, hãy làm những việc mà con tim mách bảo là đúng. Có thể đơn giản chỉ là vỗ lưng con vật yêu của bạn, ngửi một bông hoa, hay nghĩ về những chuyện vui trước đây đã làm cho bạn cười.

Hãy tạo một sự thay đổi bắt đầu từ nghị lực của bạn. Nó sẽ giúp bạn hoàn thành được công việc với sự cố gắng ít hơn và dễ hơn.

Trung thực với bản thân và mọi người

Trong và sau ly hôn, bạn thường chứa đầy sự ngờ vực. Hãy lắng nghe con tim của bạn, những gì nó cảm thấy đúng thì bạn làm. Đôi lúc có những tình huống mà con tim cũng bị lúng túng thì bạn hãy chờ đợi. Khi lắng nghe con tim thì có nghĩa là bạn đã trung thực với chính bạn.

Lấy lại cảm xúc sau ly hôn

PHỤ NỮ VÀ NHỮNG NỖI ĐAU SAU HÔN NHÂN BẤT THÀNH

Hôn nhân và ly hôn

Có lẽ chưa khi nào người ta lại dễ bị sốc với cuộc sống hôn nhân và gia đình như bây giờ. Họ kết hôn theo sự tự do lựa chọn, ly hôn cũng do chính mình quyết định.

Nếu như khi kết hôn ai cũng cho rằng mình đang hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn. Thì khi ly hôn là con đường ''giải thoát'' cho cả hai người trong cuộc hôn nhân đầy những bất hòa.

Ảnh minh họa

Đa phần người dân Việt Nam chúng ta khi bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân đều "mù" về luật hôn nhân và gia đình. Điều mà tôi muốn nói đến ở đây đứng trên đại diện của phái nữ, ngay như bản thân tôi cũng không hề có chút kiến thức nào về luật hôn nhân và gia đình. Những điều cơ bản nhất để bắt đầu bước chân vào ngưỡng của của hôn nhân cũng không có, điều này sẽ được chứng minh qua câu chuyện mà tôi sẽ kể dưới đây.

Ngày cô bạn thân nhất của tôi đồng ý cưới, nó gọi điện chỉ để hỏi ''đăng ký kết hôn như thế nào?". Tôi lại phải chạy đi hỏi bà chị của mình về thủ tục đăng ký kết hôn. Rồi tôi gọi lại cho nó.

- Mày về bảo ông Q. mang hộ khẩu ra phường rồi làm giấy xác nhận của phường về tình trạng hôn nhân nếu đăng ký tại địa bàn của vợ. Còn nếu đăng ký ở địa bàn chồng thì làm ngược lại.

Nói xong cô bạn cám ơn lắm lắm. Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua, nó sống tràn ngập trong hạnh phúc, cả hai vợ chồng nó đều làm kế toán, cuộc sống không thiếu thốn về vật chất và cũng bởi là vợ chồng son nên nó muốn để thời gian tận hưởng rồi mới có con. Gần 1 năm sau nó có thai. Nhưng mang thai được mấy tuần nó phát hiện ra máu và đi khám được chuẩn đoán là ''dọa xảy thai''. Bác sĩ kê đơn thuốc an thai và kêu nó nghỉ ngơi nhiều. Công việc của nó làm kế toán công ty đóng tàu Bạch Đằng nên đi lại rất nhiều, điều này ảnh hưởng không ít đến thai nhi. Lần thứ hai bị đau bụng nó xin với cơ quan cho nghỉ phép. Về nhà ngoại ở nhưng lại quên mang theo thuốc an thai, đau bụng lắm nhưng nó nhất định không gọi cho chồng mang thuốc tới. phải giải thích rất nhiều, hàng tiếng đồng hồ nó mới chịu gọi. Nhưng đã quá muộn bởi cả ngày hôm ấy nó không uống, nên nửa đêm máu ra quá nhiều gia đình đưa nó đi cấp cứu may mà giữ được mạng sống của nó nhưng cái thai đã mất. Sáng ấy nhắn tin cho tôi mà lo lắng cho nó bởi sảy thai rất buồn, bề ngoài nó cười nhiều như để an ủi tôi thì đúng hơn.

Mấy ngày trên viện nó về nhà nghỉ ngơi, rồi đi làm lại. Nó bắt đầu xanh xao hơn. Nó bắt đầu thấy dấu hiệu chán nản từ chồng và bắt đầu sợ nguy cơ tan vỡ của hôn nhân. Hai bên gia đình nội, ngoại tìm đủ thuốc bồi bổ cho nó để sớm có thai, nó cũng đi khắp nơi để điều trị bệnh rồi tính chu kỳ để thụ thai. Những cố gắng của nó cũng không có khả quan lắm. Đang chán nản vô bờ bến thì nó có thai, người đầu tiên nó thông báo là tôi, mừng cho nó biết bao, hy vọng hạnh phúc sẽ mỉm cười với nó.

Nhưng có lẽ hạnh phúc rất biết đùa với nó, 9 tháng 10 ngày mang thai thì ngần ấy thời gian dọa sảy thai. Nó nghỉ việc để dưỡng thai quan trọng hơn, thời gian ở viện nhiều hơn thời gian ở nhà. Rồi nó vượt cạn, con gái 1,9 kg. Chồng nó là con trưởng lại thích có con trai hơn nên cũng buồn. Cuộc sống ngột ngạt kể từ khi nó có con. Gia đình nhiều mâu thuẫn hơn, nó bắt đầu chán nản. Những lời mạt sát của chồng càng làm nó thêm chán nản hơn với hôn nhân, rồi cả gia đình chồng còn bảo con trai ''bỏ vợ'' đi cho đỡ khổ.

Bây giờ đứa bé 16 tháng tuổi, nó đi làm trở lại nhưng hôm rồi nó hỏi tôi muốn ly hôn thì làm như thế nào? Đây là câu hỏi của bất kỳ phụ nữ nào khi lựa chọn lối thoát duy nhất là ly hôn, bởi chính bản thân họ trước khi bước vào hôn nhân ngoài những hành trang thiên bẩm ra thì cũng không có chút kiến thức nào. Đến khi đối mặt với những mâu thuẫn không thể giải quyết được họ tìm tới giải thoát.

Nó đi gặp luật sư để tư vấn ''nếu làm đơn ly hôn liệu có được phân chia tài sản không? Và có được nuôi con không?'' bởi suốt thời gian qua nó không đi làm nên kinh tế không có, phụ thuộc chu cấp của chồng.

Để trả lời câu hỏi của nó tôi cũng vào mạng để kham khảo, hỏi cả những người học luật và cả những anh chị đã từng đóng phí ''ngu'' tại tòa án để học hỏi. Mất gần nửa tiếng để nói chuyện qua điện thoại, truyền tải lại những gì ông anh họ đã nói.

- Để làm thủ tục ly hôn mày phải có giấy chứng nhận kết hôn bản chính (bản sao có công chứng). Tuy nhiên mày không được làm đơn ly hôn mà phải để cho chồng mày làm đơn này. Thứ hai là mày phải bắt ông chồng kê khai đầy đủ tài sản chung của hai vợ chồng. Mày phải nuôi con không được ủy quyền cho chồng hay gia đình nhà chồng nuôi.

Điều quan trọng mày phải xem lại thái độ sống nữa, không được có những hành động gây ảnh hưởng đến sức khỏe, lăng mạ chồng. Nếu như chồng và mẹ chồng có nói điều nặng nề hoặc đuổi mày ra khỏi nhà thay vì đối đầu, bỏ về bên ngoại thì mày hãy nhẹ nhàng nói thế này ''Em nói cho anh biết là cha mẹ anh cũng như anh phải mang cơi chầu cau qua nhà thưa với bố mẹ em, rồi anh cũng phải mất tiền để làm đám cưới em về nhà anh. Như vậy không phải là em tự ý về nhà anh được, nên em không thể về nhà bố mẹ em như vậy được. Em là con dâu nhà anh nên nhà anh có phước nào thì em được hưởng phước ấy."

Mày đừng nổi nóng, hãy bình tĩnh. Còn nếu quá đáng quá không thể nói chuyện được thì hãy ''nếu anh không còn yêu em nữa thì anh làm đơn và nội dung do em đồng ý mới ký". Nếu mày làm đơn thì sau ly hôn mày sẽ mất tất cả, đi lấy chồng thế nào thì về cũng như vậy đấy. Nếu nó có bồ nhí thì mày cũng không nên làm ầm lên, những bằng chứng ấy đủ để mày lấy được toàn bộ quyền lợi để ly hôn nhưng sau này sẽ thù hận nhau. Mày cứ bình tĩnh, bởi con mày mới 16 tháng tuổi nếu ra tòa đảm bảo con sẽ do mày nuôi, 9 tuổi trở lên tòa mới hỏi ý kiến của con mày sẽ ở với bố hay mẹ. Và dưới 3 tuổi chồng mày không thể làm đơn ly hôn được trừ khi mày làm đơn ra tòa. Chồng mày có làm đơn và ký với đầy đủ đơn từ nhưng không có chữ ký của mày thì cũng bị bác bỏ thôi.

Câu chuyện kết thúc để lại cho tôi không ít những nỗi buồn. Đó mới chỉ là một trong hàng vạn câu chuyện ly hôn mà thôi. Nhiều người chồng cực am hiểu luật hôn nhân và gia đình nên trước khi làm đơn ly hôn họ âm thầm chuẩn bị những kịch bản hoàn hảo. Rồi khi thời cơ đến họ đẩy người vợ vào thế ''bị động''. Cũng bởi không am hiểu luật với tâm lý ''giải thoát'' càng nhanh càng tốt nên họ làm theo hướng dẫn của chồng để rồi những năm tháng tuổi thanh xuân chôn vùi theo cuộc hôn nhân. Còn người chồng sau ly hôn không mất mát nhiều về tài sản họ nhanh chóng có bồ mới, cô gái còn trẻ và xinh đẹp hơn vợ mình rất nhiều.

Bởi vậy chị em cần phải chú ý, trước khi làm điều gì hãy bình tĩnh suy nghĩ thật kỹ, tìm hiểu rõ luật để có thể tìm được công bằng cũng như có tài sản để bắt đầu lại cuộc sống sau hôn nhân. Nhưng suy cho cùng nếu thấy còn khả năng để duy trì hạnh phúc thì hãy cố gắng thay đổi bản thân, bởi phụ nữ vẫn là ngọn lửa sưởi ấm cho gia đình. Đừng lạnh nhạt nếu chồng hờ hững với mình thay vào đó hãy chăm sóc chồng hơn nữa. Những cử chỉ quan tâm nho nhỏ tuy chỉ đạt ở mức độ nhỏ nhưng giữ được mái ấm gia đình, con cái được hạnh phúc phát triển đầy đủ nhân cách khi có đủ cha và mẹ.

Ảnh minh họa: internet

Cuộc sống để có những cuộc hôn nhân được đến từ rất nhiều điều kiện khác nhau. Nhiều cuộc hôn nhân không phải đã là mối tình đầu của nhau, họ trải qua những thất bại trong tình yêu và hôn nhân khi đã đứng tuổi, gia đình nói quá nhiều. Những cuộc hôn nhân như vậy đều sẽ có những rạn vỡ khi tình yêu không đến từ hai phía. Sự tồn tại kéo dài 6 năm và bắt đầu đứng trước sự thay đổi bởi sau những cố gắng của cả hai trong hôn nhân suốt mấy năm trời cũng không thể xây dựng lên tình yêu được. Người chồng là người sẽ có những phản ứng rõ rệt cho sự thay đổi này và cũng là người bắt đầu có những biểu hiện cho sự tan vỡ. Lúc này người vợ bắt đầu thấy lo sợ và ấm ức bởi sau những cố gắng với tuổi thanh xuân cũng như con cái cũng không thể lấy được tình yêu từ chồng. Họ bắt đầu có biểu hiện lạnh nhạt, đa nghi những mối quan hệ của chồng với những người khác giới, nhìn đâu cũng thấy đó là nhân tình của chồng.

Nhiều người vợ đã lén lấy điện thoại của chồng khi có tin nhắn rồi trả lời thay chồng với nội dung ''hai mẹ con ăn tối vui vẻ nhé, anh nhớ em nhiều lắm'' rồi gửi đi. Khi thấy tin nhắn không có tác dụng như đã định, họ mới thôi. Khi chồng biết chuyện càng thấy coi thường vợ hơn mà thôi. Đến chồng mình mà còn chẳng hiểu và tin tưởng lẫn nhau thì sự cố gắng cũng chỉ là vô nghĩa. Nhiều người vợ đi nghe nhạc, xem phim với chồng, thấy chồng được nhiều người vui vẻ hỏi chuyện hoặc cảm phục trước sự hiểu biết sâu rộng thay vì tự hào thì lại cạy khóe nhau ''cứ thấy gái đẹp là tít cả mắt lại". Câu nói ấy cũng làm chồng tổn thương và bẽ mặt trước đám đông. Nên lần sau đi thì đi một mình cho yên chuyện.

Ảnh minh họa

Chúng ta biết rằng cho đi là nhận về, không phải cho đi là đòi hỏi phải về nhiều hơn như kinh doanh. Bởi tình cảm là thứ phải xây dựng lâu dài, nếu thực sự yêu chồng thì nên chăm sóc chồng với thái độ nhã nhặn và thành tâm. Vẫn biết áp lực của chồng với công việc bên ngoài rồi về nhà làm việc nhà, đón con, chăm sóc con cái đó là người chồng quá tuyệt vời rồi. Người vợ hãy nên động viên chồng, chăm sóc sức khỏe cho cho chồng. Ngoài những món ăn đầy đủ dinh dưỡng thì cũng cần có sự chăm sóc về tinh thần, những cái vuốt ve nhẹ nhàng trên cơ thể hay xoa bóp mát-xa cơ thể mệt mỏi của chồng sau ngày làm mệt mỏi để lấy lại tinh thần thì liệu có ai muốn rời khỏi tổ ấm của mình không? Trong cuộc hôn nhân ấy chỉ có người vợ là người hiểu chồng mình nhất, đừng bao giờ làm mất mặt chồng trước đám đông bởi không những không đạt được điều mong muốn mà còn đem lại những kết quả tệ hơn nữa.

LỜI KHUYÊN CHO BẠN: ĐỪNG VỘI VÀNG KẾT HÔN SAU KHI LY HÔN

Sau ly hôn, cuộc sống vẫn tiếp tục. Sau ly hôn, người ta vẫn cần được sẻ chia, được yêu thương và đem đến yêu thương cho một người nào đó... Nhưng, so với lần kết hôn đầu tiên, tái hôn phức tạp và khó khăn hơn bội phần.

Khi kết hôn, người ta thường “ưu tiên” cho tình yêu trước, quyết định chọn bạn đời cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều, bởi ta chọn “một nửa” chỉ cho riêng ta. Nhưng khi tái hôn, ta không chỉ vì tình yêu, không chỉ chọn bạn đời cho mình mà còn cho cả con cái. Thế nên, ta phải đắn đo, suy xét nhiều điều.

Tôi có những người bạn gái đã chán ngán cuộc sống hôn nhân nhưng vẫn cố níu giữ nó với những lý lẽ không phải là không có lý. Họ e ngại rằng, ly hôn rồi không biết có “ở vậy” được không hay lại “cầm lòng không đậu” mà vơ quàng vơ xiên phải đối tượng còn tệ hơn người cũ. Đó là chưa kể đến trăm mối phức tạp, rồi con ông, con bà, con chúng ta... Vậy thì tốt nhất là không ly hôn để tránh... tái hôn!

Thực tế, khi tái hôn chẳng mấy ai có được cuộc sống ấm êm, vẹn cả đôi đường. Người phụ nữ khi đã ly hôn, dù không phải lỗi của họ, dù họ có nhiều điều tốt đẹp thì vẫn cứ “rớt giá” trong mắt mọi người, bởi đã qua một lần đò. Nếu thêm vướng bận con cái lại càng “mất thế” hơn nhiều. Bởi vậy, “chẳng dại chui đầu vào rọ” như suy nghĩ của chị Hoàng Anh cũng là suy nghĩ của nhiều phụ nữ sau ly hôn.

Đừng vội vàng thử sau ly hôn - 1

Ly hôn thường tạo ra tâm lí tổn thương trong mỗi người (Ảnh minh họa)

Sau ly hôn, thường thì người đàn ông bước tiếp “tập hai” nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều so với người phụ nữ. Chẳng phải họ “có giá” gì hơn, nhưng do quan niệm xã hội, dù đã “thoáng” hơn rất nhiều, vẫn cứ bất công với người phụ nữ. Cứ nhìn vào thực tế thì thấy rõ, đàn ông đã “một đời vợ” vẫn có thể tái hôn dễ dàng với “gái tân”, nhưng phụ nữ “một đời chồng” mà lấy được “trai tân” là điều hiếm thấy. Họ nhẹ nhàng hơn cũng bởi vì khi đã ly hôn, họ ít khi trực tiếp nuôi con nên cái sự “ràng buộc” cũng phần nào được “nới lỏng”, dễ được chấp nhận hơn.

Trong bài “Tập 2: cũng đáng để thử...” của anh Minh Phúc đã thể hiện rất rõ điều đó. Dù cũng đau khổ, mất lòng tin vào hôn nhân như chị Hoàng Anh, nhưng sau một thời gian nguôi ngoai, anh lại háo hức “bước tiếp” với tinh thần đầy lạc quan, và cho rằng chẳng có gì đáng ngại nếu cả hai đều có lòng. Và việc tái hôn với anh hình như cũng chẳng mấy quan trọng, nếu không được như mong đợi thì cũng “đáng để thử một lần lắm chứ!”.

Đừng vội vàng thử sau ly hôn - 2

Đừng vội vã tái hôn khi tâm lí chưa ổn định (Ảnh minh họa)

Tôi cứ nghĩ mãi điều này, chỉ “thử” thôi sao? Chuyện hệ trọng liên quan đến cuộc đời của không chỉ một người mà sao lại là “thử”? Chỉ riêng mình anh thôi hay rất nhiều người đàn ông trước khi tái hôn đều nghĩ như thế? Biết bao bi kịch từ những cuộc “tái hôn” mà không được suy xét thấu đáo mọi bề. Biết bao cuộc “tái hôn” mau chóng thất bại khi những người trong cuộc chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cần thiết cho “tập 2”, hoặc do chưa đủ tấm lòng độ lượng bao dung. Vậy nên, chuyện vô cùng quan trọng này chúng ta không thể “thử”.

Tái hôn, dẫu có là “con đường hoa hồng” thì thực sự cũng rất khó để vượt qua. Hoa hồng dù đẹp và ngát hương, nhưng ẩn sau những bông hoa đẹp là rất nhiều gai nhọn. Ai dám chắc bước đi trên con đường ngát hương hoa ấy mà không một lần “dính” gai tứa máu, đớn đau? Chẳng có hạnh phúc nào trọn vẹn, đặc biệt là hạnh phúc từ những cuộc tái hôn nếu không được trân trọng và có ý thức giữ gìn, vun đắp... Đối với con riêng của mỗi người, cũng cần trang bị cho chúng kiến thức cần thiết về kỹ năng ứng xử trong cuộc sống mới, nếu chúng đã đủ lớn để hiểu biết. Và hơn cả, cần nhất vẫn là tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu, bao dung. Chỉ có vậy mới có thể hóa giải được những xung đột tất yếu trong cuộc sống chung “lắp ghép” này.

Sẽ chẳng ngoa chút nào nếu nói rằng, tái hôn đòi hỏi lòng dũng cảm, sự kiên trì và tấm lòng rộng mở. Tái hôn đòi hỏi ý thức và sự nỗ lực gấp nhiều lần của mỗi người trong cuộc. Để vững vàng trong suốt hành trình và đi hết con đường này, ngoài nỗ lực vượt khó của hai người trong cuộc, còn cần đến sự ủng hộ, giúp sức của những người thân yêu bên cạnh hai người. Điều này xin chớ bỏ qua, bởi chính họ sẽ cùng ta làm nên cuộc sống mới.

Nguyên nhân dẫn đến ly hôn thời hiện đạiNuôi con sau khi ly hôn bố mẹ nên làm thế nàoThủ tục làm đơn xin ly hôn đơn phươngThủ tục đăng ký kết hôn lần 2 Cuộc sống vợ chồng li thân (st)

Từ khóa » Cú Sốc Ly Hôn