We Can Nếu Không Ngừng Hy Vọng - Báo Phụ Nữ
Có thể bạn quan tâm
Một ngã rẽ
Một chiều trung tuần tháng Mười, chị Lê Hoàng Ngân vừa hồi phục sau đợt điều trị liều cao để ngăn chặn di căn của tế bào ung thư. Gương mặt hiền lành của chị vẫn còn nét mỏi mệt trong trận chiến dài hơi. Vậy nhưng khi nhắc đến We Can, tổ chức thiện nguyện do chị sáng lập và những đứa trẻ vừa nhận được học bổng từ tổ chức này để tiếp tục đến trường, chị tươi tỉnh hẳn.
Với chị, trong thời điểm đầy khó khăn này, đây là điểm tựa để chị “lội ngược dòng”.
Từ một cô giáo từng không có tham vọng lớn lao trong cuộc sống, nhờ We Can, Lê Hoàng Ngân trở thành một phiên bản khác, quyết liệt hơn |
Quay ngược thời gian, một ngày tháng 2/2019, mọi thứ như sụp đổ trước mắt khi Lê Hoàng Ngân phát hiện mình mắc ung thư phổi giai đoạn 4. Đây là cú sốc quá lớn với cô giáo tiếng Anh 29 tuổi vẫn còn nhiều hoài bão, hy vọng.
Những ngày vào viện của chị ngày một nhiều hơn. Cơn đau sau mỗi lần điều trị khiến chị nghĩ đã vượt ngưỡng chịu đựng. Chị không thích lựa chọn, vậy mà cuối cùng buộc phải chọn bỏ đi mầm sống đang dần hình thành trong mình. Lúc ấy, Ngân không muốn mở mắt thức dậy. Chị từng muốn mình không thể dậy...
Cuộc gặp gỡ với bác sĩ Lê Quốc Tuấn (Trưởng khoa Ung bướu) khi Ngân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã đưa cuộc đời chị rẽ một hướng khác. Anh đề nghị chị dịch quyển sách Ung thư và cảm xúc sang tiếng Việt với mong muốn chị đừng… ngồi yên.
“Ban đầu, tôi có hơi dỗi. Tôi nói với bác sĩ, sao cứ đặt tôi vào tình thế phải chọn lựa”, chị cười nhớ lại.
Lúc đó, tình cờ một người nằm giường cạnh bên, cũng là giáo viên tiếng Anh, lại hào hứng muốn góp sức. Điều này thôi thúc Ngân thực hiện đề nghị của vị bác sĩ, bởi “Chị ấy bệnh rất nặng còn muốn đóng góp thì tại sao tôi lại không? Hơn nữa, bác sĩ Tuấn nói, biết đâu đây là điều tôi để lại cho đời”.
Quyển sách ra đời cũng là lúc chị nhận ra bệnh nhân ung thư vốn luôn cố gắng mạnh mẽ để chiến đấu, chỉ cần sự quan tâm tế nhị đủ giúp họ nuôi hy vọng sống tiếp tục.
Các tình nguyện viên của We Can |
“Tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình, trao thêm một chút hy vọng, niềm tin cho họ. Hơn ai hết, tôi hiểu cảm giác họ đang mang. Thực tế, người bệnh, trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, vẫn lo cho người ở lại nhiều hơn bản thân. Một người mẹ nằm trên giường bệnh chỉ lo nghĩ đến con. Mặc vết mổ chưa lành, đau buốt, họ luôn nuôi hy vọng được trở về bên gia đình, chăm sóc người thân. Tâm tư đó khiến tôi trăn trở suốt một thời gian. Và thế là We Can ra đời”, chị tâm sự.
Cái giá đắt nhưng đáng!
Cuộc sống trước đó của Lê Hoàng Ngân chỉ quanh quẩn với học sinh, giáo án. Vì thế, khi bắt đầu We Can, chị phải học nhiều thứ: truyền thông, tổ chức sự kiện, cách kêu gọi gây quỹ... Nhờ sự hỗ trợ từ học trò cũ, khi đó đã là sinh viên, ước mơ đã được hiện thực hóa nhanh chóng. We Can bước đầu đã có đến 35 tình nguyện viên đồng hành, giúp chị bước đi tự tin hơn.
Buổi ra mắt sách tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 100 bệnh nhân ung thư đánh dấu sự ra đời của We Can.
Tại đây, bệnh nhân được nghe chia sẻ kinh nghiệm điều trị cũng như những lời động viên, truyền cảm hứng để họ chiến đấu với bệnh tật; được tặng quà; được thưởng thức văn nghệ. Nhìn những bệnh nhân đang kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần say sưa chia sẻ, Ngân hiểu mình phải tiếp tục, dù con đường mới có quá nhiều thử thách.
Buổi ra mắt sách Ung thư và cảm xúc |
Từ một người vốn ngại nhờ vả, cũng ít kết giao bên ngoài, chị tập viết mail, tìm đến các doanh nghiệp, đơn vị để xin hỗ trợ. Không ít lần, chị nhận về những cái lắc đầu hoặc những lời chê dự án nhỏ, tầm cỡ... “ao làng”. Tuy nhiên, chị không buồn, bởi: “Tôi hiểu trong hoạt động thiện nguyện, việc có được lòng tin của mọi người rất khó. Mỗi lời từ chối lại tiếp thêm sức mạnh giúp tôi làm tốt hơn để có thể gõ cửa những nơi khác. Tôi luôn có niềm tin một ai đó sẽ hiểu mình, bởi những gì tôi làm đều xuất phát từ sự đồng cảm dành cho những người cùng cảnh ngộ.
Tôi quen dần với công việc nên không còn cảm giác e ngại. Tôi cũng bắt đầu học được cách tìm đến những nhà tài trợ tiềm năng thông qua việc tìm hiểu về họ”.
Ngày nhận được mười suất quà hỗ trợ đầu tiên từ một thương hiệu mỹ phẩm, trong sự kiện định kỳ dành riêng cho bệnh nhân ung thư, Ngân mừng rơi nước mắt. Hôm ấy, các bệnh nhân như rạng ngời hơn khi được hướng dẫn trang điểm cho phù hợp.
“Trước khi hóa trị, bệnh nhân nữ nào cũng hỏi bác sĩ liệu họ có bị rụng tóc không. phụ nữ luôn thích mình trông thật đẹp. thế nhưng, vì hoàn cảnh khó khăn, lại thêm gánh nặng chữa trị, họ dần quên bản thân. Ít nhất, tôi đã mang đến niềm vui cho họ dẫu nhỏ nhoi, dẫu chỉ trong giây lát, dẫu có hơi muộn màng…”, chị tâm sự.
Giờ đây, chị mong muốn viết tiếp hy vọng cho bệnh nhân ung thư, bằng cuộc đời của con em họ. Đêm nhạc gây quỹ trao học bổng “Cùng em dệt ước mơ” ra đời. Chị tự tay viết thư, thuyết phục vợ chồng NSƯT Quốc Nghiệp - ca sĩ Ngọc Mai đến dự, bên cạnh phần biểu diễn của chính bệnh nhân, y, bác sĩ. Trung tuần tháng Chín vừa qua, quỹ đã trao 18 phần học bổng trị giá 12 triệu đồng/năm mỗi suất.
Trong số các em có cha, mẹ mắc ung thư nặng hoặc đã qua đời có Duy Phú - con của người đồng nghiệp năm nào cùng thực hiện quyển sách với chị. “Ở đâu đó, tôi tin chị ấy sẽ vui”, Ngân tâm sự. Hay trường hợp em Mai Nguyễn Hải Đăng có cha mẹ mắc bệnh, nhà lại nghèo nên có ý định bỏ học. Quỹ học bổng đã tiếp sức kịp thời để Đăng tiếp tục đến trường.
Giao lưu tại buổi trao tặng học bổng “Cùng em dệt ước mơ” |
Sau một năm điều trị, bác sĩ tiếp tục đưa ra hai phác đồ. Ngân chọn phác đồ điều trị diễn ra trong sáu đợt. Sáu tháng trôi qua thật dài vì tác dụng phụ của thuốc. Có lúc, chị không thể đọc được bất kỳ tài liệu gì cộng sự gửi đến do đầu óc luôn đau nhức, căng thẳng.
Cách đây vài tháng, chị phải vào TPHCM để dự một sự kiện được tổ chức cho bệnh nhân ung thư, kết hợp với một thương hiệu. Hai tay chị gần như lúc nào cũng phải bấu chặt vào nhau bởi đầu chị có vẻ không còn nghe chị điều khiển, đau nhức không ngừng.
Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất với chị từ khi thành lập We Can. Chị chưa từng nghĩ sẽ có những cơn đau kinh hoàng như thế. “Tôi phải chiến đấu vì ngoài kia đang có nhiều người chờ mình”, chị nói. Từ một cô giáo từng không có tham vọng lớn lao trong cuộc sống, nhờ We can, chị trở thành một phiên bản khác, quyết liệt hơn. Điều đó xuất phát từ thực tế còn rất nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ, mà trước tiên phải có sự ủng hộ, chung tay từ cộng đồng.
“Nghĩ lại thời gian trước, tôi thấy cuộc đời mình đơn điệu quá. Bây giờ, tôi thực sự vui khi có thể đóng góp, giúp đỡ nhiều người có thêm hy vọng sống”, chị tâm sự. Người ta thường bảo cuộc đời là hành trình của những trải nghiệm nhưng có lẽ với Lê Hoàng Ngân, trải nghiệm này quá đắt giá. Chị thừa biết nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận vì “đắt nhưng đáng giá”.
Thời gian còn lại bao nhiêu, chị không rõ, cũng không bận lòng đo đếm. Thay vào đó, chị muốn biết hành trình tới đây sẽ có bao nhiêu người được trao thêm niềm vui, cơ hội.
Nguyễn Thành Lâm
(Ảnh nhân vật cung cấp)
Từ khóa » Không Ngừng Hy Vọng
-
Nghị Luận Xã Hội Về Câu Nói: Luôn Luôn Hi Vọng, Không Bao Giờ được ...
-
Nghị Luận Xã Hội 200 Chữ Bàn Về Hi Vọng
-
Viết đoạn Văn Nghị Luận Về Hi Vọng (11 Mẫu) - Văn 12
-
Vì Cuộc Sống Là Không Ngừng Hy Vọng
-
Bài Văn Mẫu Bình Luận Về Câu Nói: Luôn Luôn Hi Vọng, Không Bao Giờ ...
-
Đời Công Nhân: Không Ngừng Hi Vọng - Tuổi Trẻ Online
-
Ở Nơi Không được Ngưng Hi Vọng
-
"Luôn Luôn Hi Vọng, Không Bao Giờ được Tuyệt Vọng. Đó Là Bản Chất ...
-
Dàn ý Bình Luận Về Câu Nói: Luôn Luôn Hi Vọng, Không Bao Giờ được ...
-
Bí Quyết Sống Thanh Thản - Hãy Ngừng Phán Xét Và Kỳ Vọng
-
Cách Diễn đạt Hy Vọng Và Mong Muốn Trong Tiếng Anh - E
-
Nghị Luận Xã Hội Về Câu Nói: Luôn Luôn Hy Vọng, Không Bao Giờ ...
-
Viết đoạn Văn Nghị Luận Về Hi Vọng (9 Mẫu) - Văn 12 - Sen Tây Hồ