Xanh Rờn Một Cây | Hoàng Hải Thuỷ

Chinese smokers   Những năm 1960-1970 trong ngôn ngữ người dân Sài Gòn — những người từ 30 đến 50 tuổi — thường có những câu hỏi đáp:

– Một cây? – Ừa. Một cây xanh rờn.

Người ta bảo nhau với giọng đề cao:

Một cây xanh rờn đấy.

Người được gọi là “một cây xanh rờn” nếu là đàn bà, là người có những đức tính chịu chơi, đẹp, ăn nói hay, bạo, tác phong ngổ ngáo nhưng biết điều, ăn ở làm cho người nể chứ không ghét. Nhắc lại “Một cây xanh rờn, xanh rờn một cây” là lời ca tụng trong ngôn ngữ dân Sài Gòn những năm 1960-1970.

Hôm nay, một ngày Tháng Mười Một năm 2008, ở Xứ Kỳ Hoa, tôi nhớ đến thành ngữ “Xanh Rờn Một Cây” khi tôi đọc tiểu thuyết Vỡ Đê của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng.

Drug AddictTừ năm 10 tuổi, tôi đọc Giông Tố, Số Đỏ, Cơm Thầy, Cơm Cô của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, đọc say mê và nhớ kỹ cốt truyện; ba tác phẩm Cạm Bẫy Người, Làm Đĩ, Lục Xì của ông tôi chỉ đọc qua, tôi không thích nên tôi không nhớ, tôi không đọc Vỡ Đê của ông.

Vỡ Đê tả chuyện vỡ đê ở một huyện lỵ Bắc Kỳ. Nam Kỳ, dường như cả Trung Kỳ, sông không có đê nên người dân không biết chuyện vỡ đê. Mùa nước lớn ở miền Nam nước sông cứ thế dâng lên, tràn ngập rộng ra hai bên bờ sông, sông lớn ở miền Bắc có con đê cao ngăn hai bên sông; năm nào nước lớn đánh vỡ một khúc đê, nước tràn vào đồng, gây ngập lụt tai hại cho miền nào đó chẳng may bị nạn đê vỡ.

Drug AddictTrong tiểu thuyết Vỡ Đê, Phú, một thầy giáo làng trẻ tuổi cùng đi với dân làng ra hộ đê: đắp thêm đất cho khúc đê có thể bị vỡ. Thấy dân phu phải làm việc nặng nhọc, đã cực khổ còn bị lính, tuần phu đánh chửi, Phú chống lại. Anh bị bắt và bị gán tội xui dân làm loạn chống Nhà nước. Viên Tri Huyện cố tình làm hại Phú để chạy tội và tâng công. Kim Dung, cô con gái của ông Huyện là người tốt, thương người, cô thấy thầy giáo Phú bị oan, cô tìm cách giúp cho thầy giáo thoát ra khỏi nhà tù của huyện.

Dưới đây là đoạn ông Huyện có ông bạn đến chơi. Quí vị đọc xong tôi sẽ viết tại sao tôi đặt tên bài này là Xanh Rờn Một Cây:

VỠ ĐÊ. VŨ TRỌNG PHỤNG

Vợ ông lại nói như xui, như giục ông:

– Đấy cậu coi. Hai bát họ mỗi bát hai nghìn để chạy chọt ra làm quan! Đã bao lâu nay đến tiền họ vẫn chưa đóng hết. Như người ta thì đã tậu xe ô tô rồi. Lắm lúc nghĩ cứù làm tham tá thì lại sướng thân, chả đến nỗi phải lo mất ăn mất ngủ.

Ông Huyện lặng thinh trước lời trách cứ. Ông chan đầy canh vào bát cơm và lùa luôn mấy đũa rồi vứt bát đứng lên. Chợt có một hồi giầy tây nện vang lên.

– Lậy quan lớn ạ.

Một người to béo, mặc quần áo đi săn, lưng đeo một khẩu súng hai nòng, đứng sững trên thềm nhà mà cười như lệnh vỡ với anh lính lệ nét mặt hoảng hốt đứng bên cạnh. Ông Huyện rộ lên:

– A..A.. Anh Khoái. Cơn gió nào thế, hở giời?

Người khách bước vào, không bông phèng nữa, cúi đầu chào bà Huyện:

– Lậy bác ạ. Tôi tạt vào xin ngủ trọ, mai đi săn sớm.

Bà Huyện trả lời:

– Không dám ạ, lạy bác.

Nói xong bà ra hiêu cho cô con gái đi sang phòng bên. Không còn đàn bà, trẻ con trong phòng nữa, hai người bạn lập tức tỏ tình thân mật ngay.

– Thế nào mày? Mày làm quan độ này có khá klhông?

– Nước chó gì. Chán chết.

– Thôi đi, đừng nói phét. Ông biết tỏng ra. Dân huyện này nó kêu mày như cháy đồi. Dù sao đi nữa thì nghề làm quan cũng vẫn còn kiếm ăn được.

– Thế mày, độ này có phát tài không?

– Tối nguy! Chí nguy! Rượu thì bị rượu Fontaine hạ giá, rượu lậu nó cạnh tranh dữ dội! Xe thì vừa rồi một chiếc lăn mẹ nó xuống sông, một chiếc nhẩy lên vồ phải đầu xe lửa! Kiện nhau mấy tháng chưa biết thua được ra làm sao. Buôn bán cái gì cũng hỏng, chết mất mày ạ.

– Ừ, báo cũng có đăng, tao cũng đã biết.

– Đấy, mày xem. Mày không cứu ông thì ông tự tử mất.

– Tao làm gì được?

– Quan thầy mày vừa sang bằng chuyến Henri Rivière đấy thôi. Mày chả phất thì còn ai phất nữa.

– Chưa chắc. Thế mày muốn gì?

– Ông.. Ông chỉ muốn xoay một vố. Nhân vụ đê điều này.. có cái số tre đó ắt ăn được. Mày để tao thầu tre, nhé? Nhất là lụt thì tao hả quá. Mày ạ, tao có hai nghìn tấn gạo sắp mốc, thế có chết không. Với lại bốn nghìn bao gai mà Phòng Thương Mại nó không lấy nữa. Mày thử nghĩ hộ tao xem có cách gì làm ra tiền..

Đến đây, ông khách ngừng lại. Vì người lính lệ đã mang khay nước ra. Ông khách tháo súng, cởi cái thắt lưng đầy những ổ đạn, thào cả giày ống. Pha xong nước, người lính lặng lẽ lui ra.

– Mày ngủ đây chứ, Khoát?

– Thì đã hẳn. Mai tao đi săn sớm. Bảo nó trông cái xe mô-tô của tao cẩn thận ở sân ngoài.

– Được. Lâu nay anh em mình chưa có đêm nào đôi hồi được vài câu tâm sự. Thế thì để tao phải bảo nó dọn cái món “Xương Khiếu” mới được.

– Thuốc phiện ấy à?

– Chứ gì nữa.

– Thế thì nhất! Người Việt Nam ở Thế kỷ Hai Mươi này mà lại không hút thì còn ra cái thể thống chó gì nữa. Bảo ngay đi thôi.

Quay nhìn về phiá sau thấy cô con gái đứng sau rèm, ông Huyện gật lại, khẽ nói:

– Này con. Con nói với mợ bảo thằng bếp nó làm một con gà nhé. Sửa soạn cho các cậu ăn cháo đêm. Bảo mua ít nem chua nhắm rượu, trứng gà tươi, lạp xường, ca-la-thầu ăn cháo, cái gì cũng phải đủ. Và gọi cho cậu thằng lính.

Khi thằng lính vào, ông lại hất hàm một cái, ra cái hiệu lệnh bí mật bằng cách nắm tay lại, để lên mồm như người ta thổi một cái tù và tưởng tượng.

Người lính cúi đầu, mỉm cười, lui ra.

Trong đoạn truyện trên có cái món ông Huyện gọi là “xương khiếu.” Tôi chắc nhiều quí vị không hiểu “món xương khiếu” là món gì. Chẳng có gì hay ho nhưng phải là dân Hít-tô-phe lâu năm, nghe nhiều chuyện bàn đèn, lại hay đấu hót, mới biết nghĩa thuật ngữ Ăn Đong ấy. Nguyên nó là “Cao Xương Khiếu.” Khiếu là tên gọi giống chim, giống như chim sáo, có tài bắt chước tiếng người, lại hay hót. Có câu “hót như khiếu.” Đại đa số Tiên Ông khi chưa hút thì nằm im rơ, im re, không nói năng chi cả, hút phê rồi thì cũng chẳng nói năng chi, chỉ nằm nhắm mắt lơ tơ mơ, đi mây, về gió, danh từ những năm 1970 gọi là “phi, phê.” Nhưng cũng có những Tiên Ông hút đủ thoóc dzồi là tươi tỉnh, vui vẻ, ba hoa chít choè nói thao thao đủ mọi thứ chuyện. Các Tiên Ông khác cho Tiên Ông hút đủ đô rồi nói như thế là những ông ăn cao xương khiếu — cao nấu bằng xương chim khiếu — nên nói như khiếu.

Đoạn truyện trên có một câu tôi gọi là Xanh Rờn Một Cây. Đó là câu nhân vật Khoái nói:

– Người Việt Nam ở Thế kỷ Hai Mươi này mà lại không hút thì còn ra cái thể thống chó gì nữa.

Mèn ơi! Đúng là xanh rờn một cây. Xanh rờn đến nỗi không cái xanh rờn nào có thể xanh rờn hơn. Năm 1937 hay 1938, Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, ở Hà Nội, viết một câu xanh rờn như thế trong tiểu thuyết, ông có tội vạ gì đâu, có ai kết tội ông mạ lỵ, phỉ báng người Việt Nam đâu. Ông nửa đuà, nửa thật, đề cao Á Phiện thẳng thừng, ông viết đụng chạm đến danh dự tất cả đàn ông Việt Nam ở Thế Kỷ Hai Mươi. Mà ông tỉnh queo. Ai kết tội ông phỉ báng dân tộc là người ấy ngớ ngẩn. Tôi phục ông quá đi mất. Vì câu nói Xanh Rờn của ông, tôi viết bài này và đặt tên bài là Xanh Rờn Một Cây.

Vỡ Đê có mấy ông ký giả nhà báo đến huyện lấy tin. Mời quí vị đọc cảnh Nhà Văn Vũ Trọng Phụng tả về cuộc tiếp xúc giữa Quan Huyện và Ký Giả Nhà Báo:

Vỡ Đê. Trích:

Đứng thập thò ngoài thềm là một thiếu niên mà Dung thấy quen mặt. Người ấy mặc áo the, đi giày ta, đội mũ tây, có một cái răng vàng trong hai hàm răng đen. Dễ thường gặp Dung ngoài phố mấy lần người ấy đều có ngả mũ kính cẩn chào, để Dung cũng phải lễ phép chào lại, tuy chẳng biết người ấy là ai. Dung đem khay nước ra bàn, rồi sang phòng bên cạnh, lắng tai nghe. Thì ra đó là một tay phóng viên nhà báo.

– Bẩm quan lớn, thấy ngài cho gọi là chúng tôi đến ngay.

– Có một tin quan trọng lắm, ông ạ. Nếu ông dùng điện thoại mà đánh về nhà báo thì tôi chắc ông chủ báo sẽ hoan nghênh hết sức. Ông ngồi xuống đây mà chép đi, tôi đọc cho.

– Bẩm, xin phép quan lớn.

Tay nhà báo ngồi xuống ghế, lấy quyển sổ tay để ra bàn, lấy bút chì hí hoáy viết. Ông Huyện khoanh tay ngồi đọc như một ông giáo đọc ám tả cho học trò:

– Phải chăng là một đảng viên cách mệnh? Ba trăm phu toan làm reo. Người cầm đầu là một thiếu niên trí thức cùng nhập bọn với dân quê để tiện việc xúi giục họ. Tin riêng của đặc phái viên bổn báo.

Viết xong mây dòng ấy, tay nhà báo ngẩng đầu lên, ngừng tay, ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:

– Bẩm, ngài làm ơn thuật qua câu chuyện cho chúng tôi hiểu rõ đầu đuôi thì có lẽ tiện hơn.

Nhưng ông Huyện cau mặt, xua tay một cái mà rằng:

– Thì ông cứ viết đi, được không? Xưa nay bao nhiêu tin quan trọng tôi vẫn đọc cho ông viết thì ông có phải chữa lại mấy tí đâu.

Thấy thế nhà báo lại cúi đầu xuống phục tòng để cho ông Huyện đọc tiếp:

– Công việc hộ đê vẫn tiến hành rất gấp ở huyện T. thì mới đây xẩy ra một vụ bắt bớ quan trọng. Nhờ sự tận tâm về phận sự của quan huyện sở tại là một người rất mẫn cán, quãng đê V.V. mới năm hôm nay đã có một con chạch cao 50 phân Tây, và do thế dân mấy phủ huyện đã có hy vọng tránh được thủy tai. Chẳng dè hôm vừa đây, khi mấy trăm dân phu đang tiến hành công việc thì một người đã đứng ra xui giục họ đình công, đương đầu lại với quan sở tại. Nguyên do dân phu có tụ họp nhau lại một chỗ đòi tiền công. Quan huyện đã phải cắt nghĩa rằng còn đợi lệnh của quan Công sứ đã, Nhà nước tuy có hứa trả tiền nhưng sự thật là huyện chưa nhận được tiền. Ngờ đâu đã chẳng biết nghe lời nói phải, dân phu lại còn dùng đến khí giới toan đánh lại lý dịch, chống lại người Nhà nước.

Đến đây ông Huyện ngừng lại ba phút, hỏi ông phóng viên:

– Thế nào? Nghe xuôi đấy chứ? Ông thử đọc qua lại một lần chúng ta nghe xem.

Phóng viên nhà báo ho, khạc để dọn cổ họng rồi ngoan ngoãn đọc lại những dòng đã viết. Quan gật gù cái đầu, khoái chí, lại hỏi:

– Có được không? Văn chương gọn ghẽ, dễ hiểu.

– Bẩm vâng.

– Khúc chiết đâu ra đấy lắm đấy chứ?

– Bẩm vâng.

– Thôi thế ông cứ việc chép đi.

– Bẩm xin quan lớn đọc tiếp.

– Nếu không có sự điều đình rất khôn khéo của viên tri huyện sở tại thì ắt đã xảy ra một cuộc bạo động, một vụ đổ máu ghê gớm. Trong khi mấy trăm dân hộ đê hung hăng vác xẻng, cuốc khiêu khích lính tráng và lý dịch và đánh đập một người cai và một người tuần đến nỗi bị thương rất nặng thì quan Huyện đã phải ra lệnh cho đôi lính khố xanh bắn súng chỉ thiên để thị uy nên họ mới chịu giải tán và lại chăm chỉ làm việc. Xét ra bọn này có người cầm đầu. Sợ nguy hiểm về sau, ông Huyện đã cho bắt giam tên H.V. Phú, vì tên này quả thực đã diễn thuyết xui dân phu đình công. Ngay khi xảy ra vụ xung đột này, bản báo đặc phái viên đã tức tốc đến tận nơi và điều tra rất kỹ lưỡng. H.V. Phú vốn là con cái một họ có tiếng là bướng bỉnh và nguy hiểm. Phụ thân của y, anh ruột của y, đã vì chống lại chính phủ mà bị đầy đi Côn Lôn. Đến nay, y lại len lỏi vào đám dân quê, cùng đi làm phu hộ đê, để nhân cái phong trào đình công này, mà làm rối trật tự. Vậy thì H.V. Phú là người của VNQDĐ hay người của Moscou? Đặc phái viên bổn báo còn đang mở cuộc điều tra, được tin gì sẽ đăng tiếp.

Ấy thế là xong cuộc điều tra của ông “đặc phái viên” kia. Ông chép xong, lại đọc cho ông Huyện nghe lần nữa. Ông Huyện bảo:

– À.. Ông viết thêm vào hộ câu này nữa.

– Bẩm, thêm vào chỗ nào?

– Ấy ..ấy.. sau câu “giải tán và lại chăm chỉ làm việc” thì ông viết thêm vào, đại khái rằng: “Lúc giải tán thì dân phu chạy hỗn loạn, có mấy người bị thương vì xẻng cuốc của dân phu va phải mà nên nỗi, chứ lính tráng không đánh đập ai cả.”

Chép xong đâu đấy, báo giới lại kính đọc để quan trường nghe. Thật là ý hợp, tâm đồng. Một mẩu tin vặt thế mà hai ngài cứ bình văn mãi như ngâm nga những áng thơ kiệt tác vậy.

Ngưng trích Vỡ Đê.

Theo tôi, đoạn truyện trên không được khá mấy. Tác giả tả anh ký giả tồi quá, ông Huyện sắc quá. Anh nhà báo Vỡ Đê này, răng nhuộm đen, đội nón cối, không phải là ký giả nhà nghề, anh không đến từ Hà Nội, anh chỉ là một thứ gọi là thông tín viên, nhưng dù là thông tín viên báo chí huyện lỵ, tả anh ta khúm núm trước quan Huyện đến như thế là quá đáng. Cái dzở thứ hai: Viên Tri Huyện không thể ứng khẩu đọc dễ dàng một bài báo tường thuật một chuyện có đầu, có đuôi mà lại gọn gàng như thế. Người viết bài báo đó phải là một ký giả nhà nghề, có kinh nghiệm viết báo.

Câu nói xanh rờn: “Người Việt Nam ở Thế kỷ Hai Mươi này mà lại không hút thì còn ra cái thể thống chó gì nữa.” làm tôi nhớ lại chuyện Hít Tô Phe — Hút Thuốc Phiện — năm xưa ở quê hương tôi. Thế rồi Bức Tranh Vẽ Ông Nghiện ngồi bên bàn đèn nạo sái trong tẩu — thuật ngữ Phi Yến là “đánh sái” — gợi cho tôi, và cho những vị Khưá Lão Việt Nam tuổi đời năm nay Bẩy Bó ở chín phương trời, mười phương đất hải ngoại thương ca, nhớ lại những ngày tháng cắp sách đến trường 60 mùa thu xanh xưa. Những ngày xưa ấy chúng tôi học luân lý trên những trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Hôm nay, trong những ngày cuối đời, ở quê người, tôi mời quí vị cùng tôi đọc lại mấy bài dậy chúng ta về Cái Hại của Thuốc Phiện trong những sách:

Luân Lý Giáo Khoa Thư Lớp Đồng Ấu.

* Nghiện thuốc phiện

Thuốc phiện rất là tai hại. Mắc nghiện vào thì người yếu, trí quẫn, sinh ra làm biếng, không làm được việc gì ra tuồng nữa. Tuy vậy mà có nhiều người nghiện, là vì ham mê, không biết giữ gìn ngay từ đầu. Đến sau muốn thôi cũng không thôi được nữa. Người đã mắc nghiện, có bao nhiêu của rồi cũng hết, thường hay sinh ra làm bậy, làm xằng.

* Vì nghiện mà khổ

Anh Mười cha mẹ xưa, nhà giàu-có, để lại cho của-cải cũng nhiều. Anh chẳng học-hành gì cả, chỉ lêu-lổng chơi bời với những đồ du-đãng. Nay rượu-chè, mai thuốc-phiện. Chẳng bao lâu hút mãi quen đi, thành ra mắc nghiện. Từ đó, nhà cửa có gì, cứ bán dần đi hết. Được mấy năm. gia-tài khánh-kiệt cả, anh phải đi ăn nhờ anh em, ho-hàng, nhưng rồi sau chẳng ai nhận anh nữa, vì lúc trước đã nhiều lần khuyên-bảo, anh không nghe.

Vì anh nghiện mà người anh gầy gò ốm yếu, mặt bủng, da chì, chẳng làm nên nghề nghiệp gì cả, thành ra nguời vô dụng. Cùng quá, có khi anh phải đi ăn-xin, ăn-mày, trộm cắp, làm xằng. Thật là để nhơ nhuốc cho ông cha. Tuy vậy, anh cũng không bỏ được cái xe, cái lọ. Ghê gớm thay! Cái tật hút thuốc phiện nó làm cho người nghiện tai hại, khổ sở biết chừng nào.

Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Lớp Sơ Đẳng.

* Người nghiện thuốc phiện

Trông thầy Chánh Còm ai cũng biết là người nghiện. Trước kia, thầy là người béo tốt phương-phi, tinh nhanh khôn khéo, mà bây giờ thì mặt bủng, da chì, xo vai, rụt cổ, giọng nói khàn khàn, cái môi thâm sịt, nom người lẻo khẻo như cò hương. Thầy mới ăn thuốc phiện mấy năm nay mà đã khác hẳn đi vậy.

Thầy Chánh Còm từ khi đa mang thuốc xái đến giờ, thành ra lười biếng, chậm trễ. Sáng dậy, ít ra cũng phải mươi lăm điếu mới mở mắt ra được, và cả ngày chỉ quanh quẩn cạnh bàn đèn, chỉ cái xe, cái lọ, ngoài ra không thiết đến việc gì nữa.

Xem thế mới biết thuốc phiện là một thứ thuốc độc rất hại. Nó hại cho sức khoẻ, hại tinh thần. Nó làm cho mất thì giờ, mất tiền của, có khi mất cả phẩm giá con người nữa. Vậy ta chớ nên hút thuốc phiện.

Thầy mới ăn thuốc phiện có mấy năm nay. “Ăn thuốc” dịch đúng tiếng của đàn anh Ba Tầu: “Sực dzín.” Các đàn anh không nói “Hấp dzín: hút thuốc” mà nói “Sực dzín: ăn thuốc.”

Sách học dậy học trò như thế nhưng ngoài đời, Thuốc Phiện được Chính Phủ Đại Pháp Bảo Hộ nhập cảng — độc quyền — bán công khai cho dân, chính phủ thu thuế, lấy lãi. Nàng Tiên Nâu, Cô Ba Phù Dung — hai tên thơ mộng khác của Á Phiện — bị văn thơ Việt đả kích nhưng cũng được văn thơ Việt ca tụng. Thi sĩ làm Thơ về Thuốc Phiện nhiều nhất, hay nhất là Thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Mời quí vị đọc lại bài Thơ QUÊN:

QUÊN. VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Đã hẹn với Em rồi, không tưởng tiếc Quãng đời xưa, không than khóc gì đâu. Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc, Sát gần đây, gần nữa, cặp môi nâu.

Đêm nay lạnh, tìm Em trên gác tối Trong tay Em dâng cả tháng năm thừa. Có lẽ đâu tâm linh còn chọn lối Để đi về cay đắng những thu xưa.

Trên nẻo ấy tơi bời, Em đã biết Những tình phai, duyên uá, mộng tan tành. Trên nẻo ấy, sẽ từ muôn đáy huyệt Ái ân xưa vùng dậy níu chân Anh.

Không, Em ạ, không còn can đảm nữa Không! Nguồn yêu, suối lệ cũng khô rồi. Em hãy đốt dùm Anh trong mắt lửa Chút ưu tư còn sót ở đôi môi.

Hãy buông lại gần đây làn tóc rối, Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên. Rồi Em sẽ dìu Anh trên cánh khói Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.

Ngày Giỗ Đầu ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ Nhiệm Nguyệt San VĂN, tôi gặp anh Vũ Hoàng Chương ở Toà Soạn VĂN. Nhân anh em nói đến chuyện Thơ, tôi nói riêng với anh Chương:

– Tôi đong thoóc một phần là vì bị ảnh hưởng bài QUÊN của anh.

Tôi từng có, ít nhất, thập niên đăng hoả ở Sài Gòn, từ 1960 đến 1970. Nôm na và huỵch tẹt là tôi từng mắc nghiện á phiện 10 năm. Vì có Thập Niên Đăng Hỏa ấy nên từ lâu rồi tôi dự định viết một Hồi Ký — Biên Khảo — Tán Dzóc về Phù Dung Tiên Nữ. Tôi thấy lối chơi Á Phiện bằng bàn đèn, dọc tẩu đã bắt đầu mất trong Thế Giới Ma Túy, bàn đèn mất dạng không chỉ ở Việt Nam, Trung Hoa mà trên toàn thế giới. Lối chơi thuốc phiện bàn đèn, dọc tẩu lích kích, mất thì giờ quá. Người chơi ma túy, lâu rồi, dùng lối chích, hít, uống cho nhanh, nên tôi muốn ghi lại hình ảnh Bàn Đèn Thuốc Phiện ở nước tôi, trong thời tôi trước khi nó chìm mất trong Thời Gian và Quên Lãng.

Tôi sẽ viết Hít Tô Phe trong những tháng sắp tới.

Share this:

  • Facebook
  • X
Like Loading...

Related

Filed under: Viết Ở Rừng Phong |

Từ khóa » định Nghĩa Xanh Rờn Là Gì