Xanh Tím: Nguyên Lý Nội Khoa

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Da và/hoặc niêm mạc đổi sang màu tím thường do tăng số lượng hemoglobin khử [>40 g/L (>4 g/dL)] trong giường mạch máu. Xanh tím thường được quan sát rõ nhất ở môi, giường móng, tai, và gò má.

Tím trung ương

Nguyên nhân do giảm độ bão hoà oxy máu động mạch hoặc xuất hiện hemoglobin bất thường. Thường thể hiện khi độ bão hoà oxy máu động mạch ≤ 85%, hoặc ≤ 75% ở người da đen. Nguyên nhân gồm:

1. Suy giảm chức năng phổi: Thông khí phế nang kém hoặc giảm khả năng khuếch tán oxy; thường gặp nhất trong viêm phổi, phù phổi, và COPD; ở bệnh nhân COPD có tím thường gặp đa hồng cầu.

2. Nối tắt mạch máu giải phẫu: Nối tắt giữa máu tĩnh mạch nghèo oxy và máu động mạch có thể do bệnh tim bẩm sinh hoặc rò động-tĩnh mạch phổi.

3. Giảm O2 hít vào: Tím có thể tiến triển khi lên đến độ cao > 4000 m (>13,000 ft).

4. Các hemoglobin bất thường: Methemoglobin, sulfhemoglobin, và hemoglobin đột biến làm giảm ái lực với oxy.

Tím ngoại biên

Xảy ra khi độ bão hoà O2 máu động mạch bình thường với tăng giải phóng O2 từ máu mao mạch do giảm tưới máu cục bộ. Nguyên nhân do co mạch khi tiếp xúc với lạnh, giảm cung lượng tim (vd, trong sốc).

Bảng. nguyên nhân gây tím

Tím trung ương

Giảm bão hoà oxy máu động mạch.

Giảm áp suất không khí-ở độ cao cao.

Suy giảm chức năng phổi.

Giảm thông khí phế nang.

Mất cân bằng giữa thông khí và tưới máu phổi (tưới máu ở các phế nang giảm thông khí).

Giảm khuếch tán oxy.

Nối tắt giải phẫu.

Một số bệnh tim bẩm sinh nhất định.

Rò động-tĩnh mạch phổi.

Nhiều nối tắt nhỏ trong phổi.

Hemoglobin giảm ái lực với oxy.

Hemoglobin bất thường.

Methemoglobin-di truyền, mắc phải.

Sulfhemoglobin-mắc phải.

Carboxyhemoglobin (không phải xanh tím thực sự).

Tím ngoại biên

Giảm cung lượng tim.

Tiếp xúc lạnh.

Tái phân bố dòng máu từ các chi.

Tắc động mạch.

Tắc tĩnh mạch suy tim, bệnh mạch máu ngoại biên có kèm tắc nghẽn động mạch hoặc co thắt mạch. Tăng áp lực tĩnh mạch cục bộ (vd, viêm tĩnh mạch huyết khối) hoặc trung tâm (vd, viêm màng ngoài tim co thắt) làm nặng thêm triệu chứng xanh tím.

Tiếp cận bệnh nhân xanh tím

Hỏi thời gian tiến triển (tím từ lúc sinh gợi ý bệnh tim bẩm sinh) và phơi nhiễm (thuốc hoặc hoá chất tạo ra các hemoglobin bất thường).

Phân biệt tím trung ương và tím ngoại biên bằng cách khám giường móng, môi và niêm mạc. Tím ngoại biên thường thấy rõ nhất ở giường móng và có thể phục hồi khi chi được sưởi ấm.

Khám móng tay dùi trống, tức là, phần xa của ngón tay và ngón chân phì đại có chọn lọc, do mô liên kết phì đại. Ngón tay dùi trống có thể do di truyền, vô căn hoặc mắc phải do ung thư phổi, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, giãn phế quản, hoặc xơ gan. Ngón tay dùi trống kết hợp với tím thường thấy trong bệnh tim bẩm sinh và bệnh ở phổi (abscess phổi, rò động-tĩnh mạch phổi, nhưng không đi kèm bệnh phổi tắc nghẽn không biến chứng).

Khám ngực để tìm bệnh ở phổi, phù phổi hoặc các âm thổi liên quan đến bệnh tim bẩm sinh.

Nếu tím khu trú ở một chi, đánh giá tình trạng tắc mạch ngoại biên.

Lấy khí máu động mạch để đo độ bão hoà O2. hệ thống. Lặp lại khi bệnh nhân được thở O2 100%; nếu độ bão hoà không tăng >95%, có thể do nối tắt mạch máu làm máu không đi qua phổi (vd, shunt từ phải sang trái trong tim).

Đánh giá các hemoglobin bất thường (vd, điện di hemoglobin, đo quang phổ, đo nồng độ methemoglobin).

Từ khóa » Tím Trung ương Và Tím Ngoại Biên