Xảo Ngôn Loạn đức, Nhỏ Không Nhẫn Thì Loạn đại Mưu - Văn Hiến Plus

Màn biểu diễn “nhẫn việc nhỏ để thành đại sự” đã giúp Lưu Tú bình an, gặp hung hóa cát. Cuối cùng ông đã thành tựu đại nghiệp nhất thống thiên hạ.

Hán Quang Đế Lưu Tú khi còn nhỏ đã là một đứa trẻ hết sức chăm chỉ cần cù, thích làm việc thực chứ không thích khoa trương, là người đôn hậu, hòa ái. Tuy cậu bé muốn hiển đạt siêu quần, nhưng chưa bao giờ hiển lộ chí hướng ra ngoài. Vì vậy anh trai của cậu là Lưu Diễn tự ví mình với Lưu Bang (vì khi Lưu Bang còn nhỏ cũng là một công tử phóng túng), và ví Lưu Tú với người anh thứ hai của Lưu Bang là Lưu Hỷ (vì Lưu Hỷ là người có tầm nhìn nông cạn, không có chí hướng lớn), và tỏ ra rất xem thường và hay chê cười cậu.

Lưu Tú đến Trường An học, khi đọc đến câu “Khổng Tử nói: ‘Xảo ngôn loạn đức, nhỏ không nhẫn thì loạn đại mưu’” trong “Luận ngữ”, cậu vui mừng hoa chân múa tay nói: “Hay quá, hay quá, đúng là một câu đi thẳng vào vấn đề cốt lõi”. Từ đó cậu coi câu nói này là danh ngôn chí lý để quy phạm hành vi, lời nói của mình.

Hai anh em Lưu Diễn, Lưu Tú phát động khởi nghĩa Thung Lăng. Kết quả Lưu Huyền làm hoàng đế khiến Lưu Diễn trong lòng không vui. Lưu Huyền cũng biết rõ Lưu Diễn tính tình ngang ngược, lại có tham vọng lớn. Hơn nữa quân Thanh Lăng do Lưu Diễn cầm đầu chiến đấu với quân đội của Vương Mãng liên tiếp thắng lợi, chiến công trác việt. Không nghi ngờ gì, tất cả những điều này là uy hiếp to lớn đối với ngôi báu hoàng đế của mình. Do đó Lưu Huyền luôn tìm thời cơ để trừ khử Lưu Diễn.

Lưu Tắc là bộ tướng của Lưu Diễn, nghe nói Lưu Huyền làm hoàng đế thì trong lòng vô cùng bất mãn, liền bực dọc nói: “Ngày nay dấy binh mưu đồ đại sự toàn là công lao của Lưu Diễn, Lưu Huyền là cái thứ gì, có tư cách gì mà xưng hoàng đế?”.

Lưu Huyền nghe được nghĩ cách mua chuộc Lưu Tắc, phong ông ta làm Kháng uy tướng quân, Lưu Tắc cự tuyệt không nhận. Lưu Huyền muốn giết Lưu Tắc thì bị Lưu Tân phản đối. Lưu Huyền nổi giận giết Lưu Diễn và Lưu Tắc. Sau đó để nhổ cỏ nhổ tận gốc, chờ thời cơ giết Lưu Tú.

(Ảnh minh họa)

Lưu Huyền để kiếm cớ đã sai người đến chỗ Lưu Tú tuyên bố chiếu thư rằng: “Thái thường thiên tướng quân Lưu Tú anh dũng thiện chiến, nay phong làm Phá lỗ đại tướng quân, Vũ Tín hầu”.

Còn chưa đợi Lưu Tú tạ ân, liền tuyên bố tiếp: “Đại tư đồ Lưu Diễn xưa nay vẫn mưu đồ bất chính, thường có ý chống lại hoàng đế, do đó đã giết ông ta”.

Lưu Huyền muốn làm như thế để thử xem phản ứng của Lưu Tú, nếu hơi có chút oán hận liền xử lý ngay tại chỗ. Lưu Tú rất thông minh, đối với dụng ý này của Lưu Huyền làm sao có thể không biết? Nhỏ không nhẫn thì loạn đại mưu.

Lưu Tú nghe chiếu xong, hết sức khống chế nỗi căm hận thù giết anh trong lòng, vội vàng dập đầu tạ ân và nói: “Bệ hạ thưởng phạt công minh. Hạ thần công lao nhỏ bé không có gì đáng nói, được hoàng thượng ban thưởng như thế này, hạ thần thực lấy làm hổ thẹn. Anh trai Lưu Diễn vốn có ý phản. Hạ thần thường khuyên anh phải trừ bỏ tham vọng đi, nhưng anh trai không nghe, đến nỗi hôm nay bị hình phạt, thực sự là tội rất xứng đáng”.

Những lời nói này của Lưu Tú biểu hiện rất chân thành, không chỉ người báo tin tuyên chiếu hoàn toàn tin tưởng không nghi ngờ, mà ngay cả thuộc hạ của ông cũng đều tin là thật, không ai không cảm động rơi nước mắt trước Lưu Tú đại nghĩa diệt thân.

Sau khi người tuyên chỉ rời đi, Lưu Tú trở về trong trướng, đóng kín cửa, đấm ngực khóc lớn, căm hận nghiến răng nói: “Thù giết anh không trả thì không xứng làm người”.

Nhưng hôm sau ông lại lập tức đến chỗ Lưu Huyền, mỗi lời lại xưng bệ hạ, nói đều là ân hoàng đế mênh mông, hoàn toàn không nói đến công lao chiến thắng Côn Dương. Ông thể hiện vô cùng cung kính cẩn trọng, lại biểu hiện độ lượng. Bình thường ông nói năng không lộ ra một chút đau buồn nào, cũng không mặc tang phục chịu tang Lưu Diễn, ăn uống cười nói vẫn cứ y như bình thường.

Màn biểu diễn “nhẫn việc nhỏ để thành đại sự” của Lưu Tú cuối cùng cũng khiến Lưu Huyền giải tỏa mối nghi kỵ trong lòng, đã thay đổi cánh nhìn nhận đối với ông, cho rằng Lưu Tú thực sự trung thành với mình.

Ba tháng sau, Lưu Tú với thân phận Phá lỗ đại tướng quân, làm việc của Đại tư mã được phái đến đóng quân ở Hà Bắc. Từ đó, Lưu Tú đã thoát khỏi sự khống chế, giám sát của Lưu Huyền, nhanh chóng chiêu binh mãi mã, chiêu nạp nhân tài, phát triển thực lực. Trong thời gian nhậm chức chưa đầy một năm, ông đã phát triển quân đội trên 10 vạn binh sỹ, có một loạt các tướng thiện chiến tài năng, lại luôn trung thành với ông, khiến ông rất nhanh chóng có đủ lực lượng đối kháng với Lưu Huyền. Sau đó ông công khai chống đối lại Lưu Huyền.

Quang Vũ Hoàng đế (Lưu Tú), tranh của Diêm Lập Bản thời nhà Đường (thế kỷ thứ 7)

Lưu Diễn dễ nổi giận, ngang ngược ngỗ nghịch, hiển lộ hết sở trường nên đã trở thành thây ma dưới cái đao của Lưu Huyền. Lưu Tú tính cách hướng nội, mọi việc không để lộ ra vẻ bề ngoài, trầm tĩnh kín đáo, nhẫn chịu nhất thời nên không loạn mưu lớn. Khi tin tức Lưu Diễn bị giết, Lưu Tú để tránh xung đột trực diện quá sớm với Lưu Huyền nên đã dốc hết sức khống chế bản thân. Ông từ chiến trường ra, trước mặt Lưu Huyền không hề nhắc đến một chữ công lao, cũng không mặc tang phục chịu tang anh trai, ăn uống nói cười như bình thường, không hề biểu hiện một chút đau buồn nào. Màn biểu diễn che giấu tài năng chí lớn thành công này cuối cùng đã khiến Lưu Tú bình an, gặp hung hóa cát, không những không bị liên lụy, trái lại lại được thăng tước, giữ thực lực để sau này ông dựng lên vương triều Đông Hán, cuối cùng thành tựu đại nghiệp nhất thống thiên hạ.

***

Khổng Tử nói: “Xảo ngôn loạn đức, nhỏ không nhẫn thì loạn đại mưu”. Ý nghĩa là, việc nhỏ mà không nhẫn nại thì sẽ làm hỏng cả kế hoạch lớn. Đối với câu danh ngôn chí lý này của Khổng Tử, hoàng đế khai quốc triều Đông Hán là Lưu Tú đã thực sự học được đến nơi đến chốn rồi.

Vì mục tiêu cao xa, vì sự nghiệp to lớn nên những đau thương vui buồn oán hận cá nhân đều có thể nhẫn chịu được. Khi trong lòng ôm chí lớn thì những được mất cá nhân kia sao có thể sánh được. Nhưng làm được nhẫn nhịn không dễ, thế nên xưa nay người mưu đại sự thì nhiều mà người thành đại sự thì rất ít, chỉ khác nhau bởi một chữ nhẫn mà thôi.

Theo Mạng truy học Lịch sử

FacebookTwitterGoogle+Pin It

Từ khóa » Tiểu Bất Nhẫn Tắc Loạn đại Mưu