Xây Cầu Mã Đà, Kết Nối Bình Phước Với Đồng Nai: Cần Tính Toán Kỹ

Mới đây, tỉnh Bình Phước đã đề xuất Chính phủ xây dựng cầu Mã Đà và nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.753 kết nối vào tỉnh Đồng Nai, qua đó kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép Thị Vải. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, cần được tính toán kỹ lưỡng do lo ngại làm ảnh hưởng tới việc bảo vệ rừng và các loài động vật quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng khi xây dựng cầu Mã Đà, mở rộng đường ĐT.753 kết nối Bình Phước vào Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Lo ngại ảnh hưởng rừng và các loài động vật quý hiếm

Theo kiến nghị của UBND tỉnh Bình Phước, việc xây dựng cầu Mã Đà và nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.753 sẽ rút ngắn khoảng cách từ tỉnh Bình Phước đi sân bay Long Thành hơn 60km so với hiện tại. Sau khi xây cầu Mã Đà, tuyến đường ĐT.753 sẽ kết nối với đường ĐT.761 của tỉnh Đồng Nai, sau đó “nâng cấp” thành quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai để ra quốc lộ 1 (đoạn huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai được thành lập từ năm 2004 với nhiều giá trị nổi bật. Đến năm 2011, khu bảo tồn cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai và năm 2021 đã được UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030. Trong đó, sẽ đầu tư tuyến đường ven hồ Trị An đi đến thay thế tuyến đường ĐT.761 xuyên qua khu vực rừng khu bảo tồn.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai – cho rằng: Việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ tạo ra tuyến đường gần 40km đi xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng do khu bảo tồn đang quản lý.

Cùng với đó, việc người dân tự ý lưu thông trên đường rừng sẽ gây khó khăn về phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Trên địa bàn do khu bảo tồn quản lý có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia nên việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng.

Do đó, mới đây, tập thể Thường trực tỉnh uỷ Đồng Nai đã có kết luận, giao cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, xin ý kiến các bộ ngành và cơ quan có liên quan về việc xem xét điều chỉnh hướng tuyến quốc lộ 13C đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai. Qua đó, nghiên cứu giải pháp tối ưu đối với việc điều chỉnh hướng tuyến nhằm đảm bảo việc kết nối lưu thông giữa các địa phương và hạn chế tối đa việc đi qua phạm vi quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai, đảm bảo công tác bảo vệ rừng.

Dự án cầu Mã Đà nhiều lần “nâng lên, đặt xuống”

Dự án xây dựng cầu Mã Đà đã khảo sát lập dự án từ năm 2002. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hồ sơ dự án xây dựng cầu Mã Đà, xét thấy lưu lượng xe trên tuyến chưa nhiều, cầu Mã Đà có mức vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn nên năm 2012, Sở Kế hoạch và đầu tư Đồng Nai đã đề xuất chưa đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận.

Từ năm 2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai khảo sát làm việc cụ thể thống nhất vị trí, hướng tuyến, phương án xây dựng cầu Mã Đà, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông chung của vùng Đông Nam Bộ.

Cũng trong năm 2016, tại hội nghị giữa các sở ngành của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước về đề xuất xây dựng cầu Mã Đà đã đi đến thống nhất về việc: Đầu tư xây dựng cầu Mã Đà kết nối 2 tuyến đường của 2 tỉnh là không khả thi và không phù hợp định hướng bảo vệ và phát triển khu bảo tồn, không phù hợp quy hoạch tổng thể dự án đầu tư phát triển khu bảo tồn, gây ảnh hưởng công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật quý hiếm ở khu bảo tồn.

Đến năm 2020, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam tiếp tục ban hành thông báo kết luận của Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp khảo sát xây dựng cầu Mã Đà nhằm kết nối mạng lưới giao thông trong vùng giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai. Trong đó, đề nghị Sở GTVT Bình Phước chủ trì, phối hợp với Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổ chức Hội thảo phương án tuyến kết nối, đánh giá tác động môi trường để xem phương án đầu tư, hạn chế tác động môi trường khu vực của khu bảo tồn.

Về vấn đề này, ngày 12.4, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cũng cho biết: Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT chủ trì.

Được biết, về phía tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã giao Sở GTVT chủ trì, cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu về việc điều chỉnh hướng tuyến quốc lộ 13C đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai và cầu Mã Đà, từ đó tham mưu đề xuất UBND tỉnh để báo cáo Thường vụ tỉnh uỷ.

Về đề nghị nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép, Thị Vải, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Phước chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giao Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, làm việc với các bộ ngành liên quan, các địa phương và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà.
Nguồn: Hà Anh Chiến/Báo Lao Động

Bài liên quan:

  1. Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị
  2. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  3. Buôn bán trái phép ĐVHD cần được xem là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất
  4. 4 phương án làm cầu Mã Đà và đường nối Đồng Nai – Bình Phước
  5. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  6. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  7. Suy thoái tài nguyên rừng trên thế giới – Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp
  8. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, công tác bảo vệ rừng gặp khó
  9. Quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: Bất cập và khuyến nghị

Từ khóa » Cầu Mã đà ở đâu