Xây Dựng Bằng được Thương Hiệu Khuyến Nông Việt Nam

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu trong buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu trong buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Bảo Thắng.

Vai trò trung tâm

Trong buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chiều 15/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đặt ra hai câu hỏi cho hệ thống khuyến nông, đó là: Khuyến nông là gì? Và tại sao hệ thống khuyến nông bị đứt gãy?

Theo Bộ trưởng, “nông” ở đây không chỉ là nông nghiệp, mà bao hàm cả “nông nghiệp, nông thôn, nông dân”. Công tác khuyến nông không những khuyến khích sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị tăng thêm cho nông sản, mà còn đóng góp tích cực vào việc cải thiện nếp sống nông thôn và nâng cao năng lực cho người nông dân, cho cộng đồng.

“Muốn đào sâu, thì miệng giếng phải rộng. Muốn hoạt động khuyến nông thực sự hiệu quả thì chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc nâng cao năng lực, tri thức, sự hiểu biết cho người dân. Sứ mệnh của khuyến nông rất rộng. Trong chừng mực nào đó, khuyến nông là trung tâm là của các hoạt động sản xuất, bởi ngành trồng trọt, chăn nuôi… muốn ra cộng đồng hầu hết đều phải qua khuyến nông”, Bộ trưởng nói.

Ngành nông nghiệp đang chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, hệ thống khuyến nông cũng không thể nằm ngoài dòng chảy ấy.

Ông gợi mở, rằng các cán bộ khuyến nông nên tích hợp đa giá trị trong công việc hàng ngày. Bên cạnh chuyển giao công nghệ, tăng năng suất, sản lượng, phòng chống dịch bệnh, tư vấn kỹ thuật cho người dân, hệ thống khuyến nông cần quan tâm hơn tới các giá trị kinh tế của chuỗi sản xuất như chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chi phí sản xuất, thị trường tiêu thụ, cũng như xây dựng chuỗi ngành hàng, thiết lập kết nối cung - cầu.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác.

Bộ trưởng lấy ví dụ về mô hình trồng lúa nuôi cá ở Thái Lan. Từ chỗ không có khả năng làm việc ở thành phố, vướng bận gia đình, thu nhập thuần từ trồng lúa, không đủ khả năng trang trải cuộc sống, một người dân tại vùng quê Thái Lan nâng thu nhập lên gấp ba lần nhờ được hướng dẫn giải quyết từng khó khăn như thức ăn chất lượng tốt, giá vật tư nông nghiệp ổn định, cũng như nhận các lời khuyên, tư vấn từ cán bộ khuyến nông.

“Chúng tôi ăn cùng nhau, chia sẻ công việc, hạnh phúc cùng nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy câu kết của người nông dân Thái Lan làm đích đến cho hệ thống khuyến nông. Đó là kết nối tinh thần hợp tác.

Khi tái cơ cấu ngành, Bộ trưởng cho rằng, ngành nông nghiệp nói chung và hệ thống khuyến nông nói riêng phải là cộng thêm nhiều yếu tố liên kết, hợp tác, tăng sức bền vững. Cụ thể, hệ thống khuyến nông cần có sức lan tỏa, khuyến khích người dân tích cực tham gia các thiết chế cộng đồng. Trước hết là để người nông dân chia sẻ những vấn đề đơn giản trong cuộc sống, sau đó là xây dựng những lợi ích bền chặt và niềm tin.

“Nhiệm vụ của khuyến nông trong thời đại mới rất nhiều, ngoài việc vận động nông dân vào HTX, còn tham gia một cách có trách nhiệm vào tổ chức đời sống, cách thức sản xuất cho người dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, tổ chức khuyến nông, giống và thủy lợi là ba thành tựu của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống khuyến nông bị đứt gãy, thiếu đồng bộ tại cơ sở, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa.

Theo Thứ trưởng, hai việc hệ thống khuyến nông cần làm ngay là: Một, kết nối hệ thống theo cả chiều dọc – từ trung ương đến địa phương, lẫn chiều ngang – giữa trạm khuyến nông, tổ khuyến nông cơ sở với các viện nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.

Hai, là từng bước xây dựng bài bản khuyến nông cấp cơ sở. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận xét, đây là yếu tố then chốt giúp người dân duy trì, phát triển các mô hình nông nghiệp tốt, sau khi được xây dựng.

Bên cạnh nguồn lực, Bộ NN-PTNT sẽ tìm cơ chế, chính sách giúp các tổ khuyến nông cơ sở hoạt động định kỳ và ngày càng phát triển. Ngoài ra, ông khuyên hệ thống khuyến nông tự tìm tòi các bài học kinh nghiệm từ những nước có khuyến nông phát triển như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc… Trên cơ sở đó, các bên sẽ tìm ra phương án tiếp cận phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Tư duy thị trường

Để tạo ra một nông sản, người dân phải trải qua nhiều bước như canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, đóng gói, bao bì, phân phối, thị trường… Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, người dân hoàn toàn có thể tạo giá trị tăng thêm ở bất cứ khâu nào.

Hiện vai trò của khuyến nông chủ yếu nằm ở việc tư vấn, giống và quy trình canh tác. Lãnh đạo ngành nông nghiệp khuyến cáo, khi đưa một hạt giống xuống đồng, mỗi cán bộ khuyến nông cần hình dung luôn viễn cảnh nông sản ấy ra thị trường như thế nào.

“Trong thời đại 4.0, khuyến nông không đơn thuần là giống, là canh tác, mà phải tạo ra môi trường làm việc hài hòa giữa con người với nhau, hình thành nếp sống cộng đồng. Khuyến nông giờ là khái niệm mở. Đó có thể là sự kết hợp giữa nhà nước với xã hội, doanh nghiệp, nhằm hướng tới cái đích sau cùng là thứ mà thị trường cần”, Bộ trưởng bày tỏ.

Với vai trò trung tâm kết nối, tư lệnh ngành nông nghiệp định hướng hệ thống khuyến nông cần tăng cường sự chủ động, tạo nguồn lực đa phương, sẵn sàng xây dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới. Đây là nền móng cho những mục tiêu, chiến lược lâu dài của khuyến nông, tiến tới giúp người dân tăng giá trị nông sản bằng chế biến tinh, hay tự đóng gói, bao bì.

Quan điểm khuyến nông là một chuỗi giá trị rất dài, từ vùng nguyên liệu cho tới lúc thành sản phẩm đóng gói đến tay người tiêu dùng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở với câu hỏi, là tại sao còn ít doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp. Ông cho rằng, phải chăng là do hệ thống khuyến nông - trung tâm của chuỗi sản xuất - chưa được đầu tư, xây dựng một cách bài bản.

“Ở nước ngoài, khuyến nông là một nhiệm vụ quan trọng. Cán bộ khuyến nông phải có hiểu biết ở nhiều lĩnh vực, nhưng tại Việt Nam, người làm công tác này phải kiêm nhiệm, thậm chí thiếu đào tạo trong việc tiếp cận người dân ở cấp cơ sở”, Bộ trưởng nói.

Một buổi tập huấn của cán bộ khuyến nông xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Một buổi tập huấn của cán bộ khuyến nông xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Ví von về chuyện thụ phấn cho cây ngô, giống dù tốt vẫn có thể không đạt chất lượng, nếu lẫn phấn từ ruộng bên cạnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo, cần tạo dựng một cách vững chắc những tổ khuyến nông cơ sở. Chính những cán bộ cơ sở sẽ là người tiếp xúc với nông dân hàng ngày, hỗ trợ họ sản xuất, kết nối thị trường và truyền cảm hứng. Từ chỗ tiếp cận với các chuẩn mực của thị trường, các tổ khuyến nông cơ sở sẽ tư vấn để nông dân điều chỉnh sản xuất.

Trên con đường xây dựng nông thôn trở thành một nơi đáng sống, Bộ trưởng tin chính những giá trị mềm từ các hoạt động khuyến nông sẽ tạo ra một lớp thế hệ mới chung tay vì lợi ích cộng đồng.

Trước mắt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức nhiều buổi hội thảo, và mời một số địa phương, lãnh đạo khuyến nông, doanh nghiệp để trình bày, thảo luận về các cách tiếp cận mới; đồng thời nghiên cứu phương án hợp tác công tư với khối doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng giao các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT nghiên cứu, tham mưu đưa việc thành lập tổ khuyến nông cơ sở vào một trong những tiêu chí của xây dựng nông thôn mới.

Đón nhận những cảm hứng được gợi mở từ lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết: “Buổi làm việc là điểm mốc, tạo ra bước ngoặt cho hệ thống khuyến nông. Có những thứ, anh em vẫn làm hàng ngày, nhưng nay được định hình rõ nét hơn”.

Ông Thanh thừa nhận, rằng “Muốn thay đổi tư duy người khác, mình thay đổi trước”. Trên cơ sở ấy, lãnh đạo hệ thống khuyến nông cam kết với Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ biến những nội dung trong buổi làm việc thành hành động cụ thể, thích ứng với hơi thở thời đại. Bất chấp những đứt gãy tại một số địa phương, ông đặt ra mục tiêu “xây dựng bằng được thương hiệu khuyến nông Việt Nam”

Nhằm đối phó với việc hệ thống bị đứt gãy, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị khuyến nông nhận diện rõ 3 thách thức. Một, là sản xuất đúng thứ thị trường yêu cầu. Hiện vai trò của khuyến nông còn khá mờ nhạt trong việc định hướng người dân. Để giải quyết, ông khuyên hệ thống khuyến nông phải xây dựng mô hình gắn với vùng nguyên liệu, nhất là các vùng chuyên canh.

Hai, là tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Nguồn vốn hoạt động hàng năm của hệ thống khuyến nông hiện khó đáp ứng được với những yêu cầu trong tình hình mới. Do đó, Thứ trưởng khuyến cáo hệ thống khuyến nông cần tìm phương án huy động nguồn lực từ xã hội.

Ba, là củng cố, nâng cao năng lực khuyến nông, kết nối một cách có hệ thống từ trên xuống dưới. 

Từ khóa » Hệ Thống Khuyến Nông Việt Nam