Xây Dựng Con Người Và Phát Triển Nguồn Nhân Lực Chất Lượng Cao

Tìm tin theo ngày
Tháng Mười một 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30
≤ < ≡ > ≥
Giới Thiệu Tổ Chức

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

Công dân Khuyến học

Truyền hình thực tế

TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC

Thông tin » Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục 11.2024
Xây dựng con người và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao 03.2011

Hoikhuyenhoc.vn- Về bài "Khuyến học và việc đi tìm mô hình xã hội học tập ở Việt Nam" của GS-TS Phạm Tất Dong, chúng tôi đã đăng 3 kỳ. Để phục vụ bạn đọc, chúng tôi sẽ đăng tiếp vào các kỳ sau. Xin giới thiệu bài viết khác của GS-TS Phạm Tất Dong với tựa đề"Xây dựng con người và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - Nhân tố quyết định sự phát triển đất nước trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế"

XÂY DỰNG CON NGƯỜI VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

 CHẤT LƯỢNG CAO - NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ PHÁT TRIỂN ĐẤT

          NƯỚC TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP         QUỐC TẾ                                   

I. XÁC ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP LUẬN CHO VIỆC TRIỂN KHAI CHUYÊN ĐỀ

 Có rất nhiều công trình nghiên cứu về con người, và có rất nhiều cách hiểu về con người. Con người là gì? Sự giải thích khái niệm này phụ thuộc vào chỗ đứng của nhà nghiên cứu. Ở hai chỗ đứng khác nhau rất khó có được một định nghĩa chung về con người. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi người ta nghiên cứu về con người thường không đơn thuần đi đến một định nghĩa, mà từ định nghĩa để giải quyết một mục đích nào đó đã được đặt ra. Hơn nữa, ngay khi lý giải con người là gì, nhà khoa học khó có thể  đưa ra một khái niệm gói trong một mệnh đề nào đó. Chân dung của con người được chụp ở nhiều góc độ khác nhau như chụp chính diện, chụp nghiêng, v.v…Định nghĩa về con người cũng phải làm thế thôi.

Lấy một ví dụ, khi khai thác những di sản kinh điển của Karl Marx về con người, kể từ khi ông còn trẻ với những tư tưởng qua đối thoại với Feuerbach, Hegel cho đến khi hình thành chủ nghĩa Marx (nhất là trong Capital), chúng ta có thể rút ra những cách hiểu về con người như:

- Con người là một thực thể tự nhiên có tính chất người;

- Con người cá nhân và con người xã hội đều là thực thể loài;

- Bản chất tự nhiên của con người tồn tại thông qua bản chất xã hội của con người;

- Giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người;

- Lao động bị tha hóa là thực trạng con người đánh mất bản chất lao động của mình;

- Khoa học tự nhiên sẽ bao hàm trong nó khoa học về con người và khoa học về con người sẽ bao hàm trong nó khoa học tự nhiên. v.v…và v.v…

Mỗi người có thể khai thác tư tưởng trên đây của Marx vào công trình khoa học của mình. Chẳng hạn, việc nghiên cứu về sự phát triển bền vững của giới tự nhiên và của nền kinh tế, chắc không ít người phải dựa vào quan điểm giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người, bởi bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững không có mục đích tự thân. Sự bảo đảm ấy cuối cùng là phải đi đến mục tiêu phát triển con người bền vững.

Quay về chuyên đề này, tôi hiểu rằng, việc xây dựng con người ở đây không dừng lại ở những vấn đề con người cá nhân, mà từ khái niệm con người như là một chìa khóa quan trọng để mở ra vấn đề nhân lực. Đó mới là mục tiêu cuối cùng của chuyên đề. Do vậy, ngay từ đầu, về phương diện phương pháp luận, chúng tôi khẳng định rằng, phải dựa trên nền tảng tư tưởng về con người của Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời căn cứ vào những quan điểm triết học của Marx và những nhà khoa học thuộc các lĩnh vực triết học, tâm lý học, giáo dục học, văn hóa học, v.v…theo quan điểm mácxít về con người và nhân cách con người để mở hướng đi vào vấn đề nhân lực chất lượng cao như một nhân tố quyết định sự phát triển đất nước.

II. CON NGƯỜI VÀ NHÂN CÁCH CON NGƯỜI

1. Con người

Cái kiến thức phổ thông nhất về con người là sự hiểu biết một thực thể sinh học đứng ở bậc thang cao nhất của sự tiến hóa muôn loài. Sự vươn lên đỉnh cao của thang tiến hóa là nhờ vào phương thức lao động mà F.Engels đã tổng kết trong tác phẩm về lao động và sự phát triển từ vượn thành người. Điều quan trọng nhất để con người vượt lên trên mọi động vật còn lại là ý thức.

Tóm lại, nội dung của khái niệm ý thức, ta có thể nêu lên mấy ý sau:

- Ý thức của con người là toàn bộ những tri thức của họ về thế giới ngoài Ta và trong Ta. Nó là sự phản ánh cao nhất mà nhờ đó, con người tách mình khỏi ngoại giới, đồng thời lại tách được ngoại giới mà họ phản ánh ra khỏi chính họ như một hiện tượng, một sự vật.

- Ý thức là thái độ của cái Tôi đối với cái không Tôi, tức là thể hiện được tự ý thức của con người và quan hệ của con người với người khác, với cộng đồng, với xã hội.

- Ý thức là thái độ của con người đối với môi trường, Karl Marx đã từng nói: Thái độ của tôi đối với môi trường chính là ý thức của tôi.

- Ý thức của con người là văn hóa trong họ. Con người với văn hóa của mình phát triển và tiến hóa theo quy luật lịch sử - xã hội. Mỗi bước tiến hóa của con người không ghi dấu ấn trên cơ thể, mà ghi lại trên những đồ vật, những công cụ nhận thức, công cụ sinh hoạt và công cụ lao động. Chính nền văn hóa trong xã hội loài người mới là cơ sở để con người tiến hóa từ hiện tại đến tương lai, và nhờ đó, con người sẽ ngày càng tiến xa trên con đường văn minh. Mọi động vật khác ghi dấu ấn tiến hóa trên cơ thể chúng. Sự tiến hóa này bị chi phối theo quy luật sinh vật. Trong tác phẩm “Con người và văn hóa”, nhà tâm lý học xô viết, ông A.N. Leontiew viết rằng, ở bên này của sự tiến hóa, con người phát triển theo những quy định của các quy luật lịch sử - xã hội; ở bên kia của sự tiến hóa, quy luật sinh vật vẫn giữ vai trò độc tôn.

Từ nhận thức này, chúng ta có thể hiểu được quan điểm về bản chất con người của Karl Marx. Trong luận cương về Feuerbach, Marx viết rằng: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là sự tổng hòa những quan hệ xã hội”. Hiểu theo Marx, chúng ta sẽ có được một phương pháp luận rất cơ bản trong nghiên cứu con người: để hiểu biết bản chất của con vật, chúng ta phải dùng phương pháp giải phẫu sinh lý, còn để hiểu bản chất con người, cần phải mổ xẻ, phân tích những quan hệ xã hội mà việc vận hành những mối quan hệ này là do con người với tư cách là một chủ thể.

Trên cơ sở nghiên cứu tâm lý con người dưới ánh sáng của học thuyết Marx về con người, nhà Tâm lý học xô viết - A.N.Leontiew - đã có một luận điểm nổi tiếng: “Con người là giao điểm của những quan hệ xã hội”. Đó là một trừu xuất tuyệt vời. Hãy xếp lại những ấn tượng về một con người tự nhiên, con người sinh học, con người thể lực, v.v…, chúng ta sẽ thấy sự tập trung của những quan hệ xã hội do một con người đang thực hiện, đang điều hành và từ đó có thể hiểu họ thiện hay ác, tài hay bất tài, khoan dung hay ích kỷ, trung thành hay phản động, tử tế hay lưu manh, lương thiện hay tham nhũng, v.v…

2. Phát triển con người (Human Development)

Hiểu con người là gì là vấn đề rất quan trọng. Những hiểu biết lệch lạc về con người sẽ dẫn đến những chính sách sai đối với sự phát triển con người.

UNDP đưa ra một quan niệm về con người (xét về phương diện kinh tế học), được nhiều quốc gia chấp nhận. Quan niệm đó được gói gọn trong mệnh đề “Con người là tài sản thật sự của quốc gia”. Từ quan niệm này, UNDP đã khẳng định: “Phát triển con người không chỉ là sự tăng lên của thu nhập quốc dân, mà còn tạo ra một môi trường mà trong đó mọi người có thể phát triển mọi khả năng của mình và làm chủ một cuộc sống sáng tạo hữu ích, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của họ”.

Như vậy thì, vấn đề cơ bản nhất trong phát triển con người là làm cho những khả năng của con người được nảy nở.

Trong công trình “Phát triển bền vững: khái niệm và các ưu tiên”, Sudhir Anand và Amartys Ksen([1]) nói đến nhiều về con người trong sản xuất hàng hóa, sự giàu sang và những thành công tài chính. Về cách tiếp cận này, chúng ta không coi nhẹ cách tiếp cận con người dựa vào nguồn của cải, nhưng chưa đủ để xây dựng một lý thuyết về phát triển con người (Human Development). Những người sáng lập ra môn kinh tế học định lượng (như William Petty, François Quesnay,v.v…hay những người đi tiên phong về kinh tế học chính trị (như Adam Smith, David Ricardo, Karl Marx, v.v…) đều cho rằng, vấn đề cơ bản trong phát triển con người ở đây là những nhu cầu thiết thân cần phải được thỏa mãn và sự công bằng trong phân phối quyền lực xã hội.

Những tác giả nói trên đã đồng tình với Immanuel Kant: “Đối xử với con người như một mục đích chứ đừng bao giờ chỉ coi là phương tiện”.

Trong tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh, quan điểm phát triển con người luôn luôn được Người nhấn mạnh. Viết thư cho học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết: “Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những làm tay sai, làm tôi tớ cho bọn thực dân Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”([2]).

Như vậy thì, trong tư tưởng giáo dục trên đây, phát triển con người là phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có (tức là những tiềm năng, những khả năng đang còn ẩn tàng bên trong con người).

Việc phát triển con người theo những quan điểm hiện đại, bao giờ cũng gắn với lợi ích của chính con người, và sau đó là gắn với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội.

Thời Tiên Tần, Quản Trọng có nêu lên một tư tưởng lớn:

Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc

Thập niên chi kế mạc như thụ mộc

Bách niên chi kế mạc như thụ nhân

Nghĩa là

Tính kế một năm thì trồng lúa

Tính kế mười năm thì trồng cây

Tính kế trăm năm thì trồng người

Là người uyên thâm Nho học, lại đứng trên lập trường mácxít, Hồ Chí Minh đã vận dụng câu nói trên một cách sáng tạo và đậm nét tinh thần cách mạng dân chủ nhân dân vào hoàn cảnh Việt Nam:

lợi ích mười năm thì phải trồng cây

lợi ích trăm năm thì phải trồng người.

Vấn đề con người trước hết là bảo đảm và luôn gia tăng những lợi ích trong cuộc sống của họ. Đó là những lợi ích tinh thần và những lợi ích vật chất, làm cho họ sống thật sự xứng đáng là một CON NGƯỜI. Từ quan điểm lợi ích trên đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta rằng:

“Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để dành độc lập….

Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì? Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Chúng ta phải thực hiện ngay:

- Làm cho dân có ăn;

- Làm cho dân có mặc;

- Làm cho dân có chỗ ở;

- Làm cho dân có học hành;

Cái mục đích chúng ta đi lên là 4 điều đó”([3]).

Như vậy thì, vấn đề con người trước hết là vấn đề đáp ứng những nhu cầu sống của từng cá nhân trong xã hội. Cuộc đấu tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo cuối cùng là đem lại cho mỗi người dân cái quyền được sống một cuộc sống thỏa mãn ngày càng cao những nhu cầu tinh thần và vật chất trong đời sống xã hội.

Cuộc đấu tranh ấy luôn hướng vào những điều kiện cần và đủ để người dân thấy mình là con người:

 Dân tộc độc lập

 Dân quyền tự do

 Dân sinh hạnh phúc

Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan điểm hết sức đúng đắn về con người khi tuyên bố rằng: “con người là động lực và là mục tiêu của phát triển”. Cần nhấn mạnh rằng, đó là một tư tưởng lớn của thời đại, một tư tưởng hằng đúng trong suốt quá trình chúng ta đi vào tương lai. Tư tưởng này được xây dựng và phát triển quan niệm về con người của triết học phương Đông: Dân vi bản (Dân làm gốc)([4]). Những giá trị của tư tưởng này vô cùng lớn lao vì nó được tổng kết qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Trong giai đoạn hiện nay, việc làm mang ý nghĩa dân làm gốc có ý nghĩa cấp thiết nhất là chống đói nghèo. Có ba cái nghèo mà cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chưa xóa được cho người dân là:

- Nghèo thu nhập (Income Poverty). Đó là cái nghèo “truyền thống” có đến cả nghìn năm đeo bám người dân của chúng ta. Đến nay vẫn còn vô số người dân chưa kiếm nổi 1đôla/ngày. Về phương diện này, đây là một vấn đề làm cho ta xấu hổ trước thế giới.

- Nghèo nhân văn (Human Poverty). Đó là sự nghèo nàn về đời sống văn hóa, tinh thần, về những điều kiện để thụ hưởng được thành quả văn hóa gặt hái được. Một cộng đồng sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng nề, một không khí lo âu về tai nạn giao thông luôn rình rập, văn hóa “không nhường nhịn” mỗi khi ùn tắc giao thông, rất nhiều quan hệ xã hội được quy đổi thành “phong bì”, v.v…đã nói lên rằng, chúng ta rất nghèo về nhân văn, và cái nghèo này nhiều khi làm chúng ta xấu hổ hơn cả cái nghèo truyền thống.

Ở Trung Quốc có một quyển sách “Người Trung Quốc xấu xí”. Người ta xấu xí nhưng dám nhận mình là xấu xí. Như vậy, họ sẽ bớt xấu xí nhanh hơn. Chúng ta có quá nhiều thói hư tật xấu, nhưng lảng tránh khi động chạm tới, có lẽ vì thế mà tình trạng thiếu lành mạnh không những chẳng thuyên giảm, mà còn nhức nhối hơn.

- Nghèo tri thức (Knowledge Poverty). Đó là sự nghèo nàn về sự hiểu biết, về những giá trị đạo đức, về trình độ lành nghề, v.v…Người có bằng cấp sau đại học lúc náy khá nhiều, nhưng hình như trình độ học vấn sau đại học (một cách thật sự) lại không phải là nhiều. Xã hội lo lắng tình trạng thiếu tri thức (bao gồm cả một lối sống thiếu văn hóa trong một bộ phận dân cư, nhất là trong giới trẻ), nhưng lo lắng thì nhiều, nhưng đo lường thì không làm rõ được thực trạng chung, do vậy, lo mà không tìm ra một lời giải hữu hiệu.

3. Phát triển con người bền vững

Phát triển con người mà không bền vững thì con người không trở thành động lực phát triển, mà cũng không phải là mục tiêu của phát triển. Tuy nhiên, không dễ gì để thu hút sự chú ý của xã hội, của những nhà quản lý xã hội vào vấn đề phát triển con người bền vững, nhất là ở những quốc gia mà người dân đã phải sống trong giới hạn của mức tiêu dùng tối thiểu đã từ lâu, và từ đó họ đang quan tâm nhiều đến quyền được nhận mức sống cao hơn trong tương lai. Những ý tưởng phát triển trong tương lai đang bị mờ đi vì cuộc đấu tranh sống còn hằng ngày.

Đứng trước vấn đề này, nhà nghiên cứu Aleksandra Kornhauser đã có một bài viết với nhan đề “Tạo các cơ hội”([5]), trong đó có một ý kiến mà tôi rất tâm đắc:

“Một cách tiếp cận khác đối với sự phát triển con người bền vững “đang rất cần thiết”. “Phát triển” phải là lời hứa đầy lạc quan về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. “Con người” cần được quy chiếu về một hệ thống giá trị khác, làm tăng sức nặng cho sự giàu có phi vật chất và tình đoàn kết, và cần đưa ra nhiều trách nhiệm hơn của nhân loại đối với môi trường. Cuối cùng, “bền vững” cần trước hết có nghĩa là “tốt hơn”, tức là sự phát triển phải cho phép mọi người có được mức sống tốt hơn trong khi tiêu dùng lại ít hơn. Nói cách khác, “phát triển con người bền vững” cần được hiểu là sự tiến bộ, thông qua việc cải thiện chất lượng trong mọi hoạt động hàng ngày của con người.

Để có được chất lượng cuộc sống cao hơn, chúng ta cần có tri thức tốt hơn. Chúng ta cần có những thành tựu trong khoa học và công nghệ, trong khoa học xã hội và nhân văn. Những tri thức này cần được tích hợp lại thành tri thức của quốc gia và của địa phương. Công nhận chất lượng theo ý nghĩa phát triển con người, chúng ta cũng cần hoàn thiện hệ thống giá trị. Tri thức được gắn chặt với giá trị, tạo thành sự thông thái.

Báo cáo chủ yếu chú ý tới những giá trị cần thiết đối với thế kỷ XXI. Những giá trị này được bắt nguồn từ các nền văn hóa địa phương, quốc gia và thế giới. Chúng ta cần trở lại sự đối thoại giữa những nhà khoa học và những nhà văn hóa. Khoảng cách giữa họ ngày nay không mang tính tự nhiên mà cũng không mang tính lịch sử. Sự khác biệt này chính là đặc trưng cơ bản của thế kỷ XXI, được tạo ra phần lớn bởi sự bỏ bê sự nghiệp giáo dục vì sự toàn vẹn con người.

Nhưng, một câu hỏi đặt ra: Những giá trị chung nào là cần thiết vì nền đạo đức toàn cầu thế kỷ XXI? Tổng hợp những ý kiến của nhiều chuyên gia lớn tầm cỡ quốc tế, có thể chú ý đến những giá trị sau:

a) Sự thừa nhận những quyền con người, kết hợp với ý thức về trách nhiệm xã hội. Ở đây, quyền lợi không tách rời nghĩa vụ, nhân quyền phải khớp nối với những truyền thống văn hóa và những nội hàm riêng của mỗi quốc gia hay khu vực, quyền của cá nhân phải gắn liền với quyền của tập thể.

b) Sự bình đẳng xã hội và sự tham gia dân chủ khi ra quyết định và giải quyết các công việc phải là mục tiêu trung tâm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống([6]).

c) Hiểu biết và khoan dung trước những khác biệt và tính đa chiều của văn hóa. Thiếu hiểu biết và sự khoan dung này sẽ không thể có được sự gắn kết xã hội, sự chung sống hòa bình và không bao giờ giải quyết nổi những vụ xung đột dùng vũ lực.

d) Tinh thần quan tâm đến người khác. Đây là giá trị cốt lõi của nền giáo dục tương lai. Người khác ở đây không chỉ là những thành viên trong gia đình, mà còn phải mở rộng ra đối với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, láng giềng, những người có hoàn cảnh khó khăn, v.v…

e) Tinh thần hợp tác. Trong khi cạnh tranh diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống hàng ngày thì hợp tác lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tình hữu nghị được thể hiện trong khẩu hiệu “Mỗi chúng ta phải có nghĩa vụ chia sẻ trách nhiệm chung”([7]).

g) Tinh thần tạo nghiệp. Đó là một phẩm chất rất cần cho việc tạo ra năng suất kinh tế và sức cạnh tranh, đồng thời cũng là yếu tố không thể thiếu được đối với việc giải quyết mọi tình huống của cuộc sống.

h) Tính sáng tạo. Sáng tạo luôn cần cho những tiến bộ về công nghệ, tiến bộ xã hội, năng động kinh tế.

i) Tính nhạy cảm với sự bình đẳng về giới. Đó là chìa khóa mở cửa cho phát triển và đấu tranh xóa bỏ đói nghèo([8]), mặt khác là cách cửa đi đến phát triển, đồng thời là thước đo sự phát triển([9]).

k) Tinh thần mở, chấp nhận thay đổi. Chấp nhận không thay đổi là điều duy nhất không thay đổi, là thái độ chỉ chấp nhận sự thay đổi mà còn là tác nhân của những thay đổi tích cực.

l) Ý thức về nghĩa vụ bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững. Đây là thái độ không chấp nhận để lại những nợ nần về kinh tế, xã hội và môi sinh cho các thế hệ tương lai.

Đến đây, quan niệm về con người xã hội cũng đã phần nào được xác định.

4. Nhân cách và vấn đề xây dựng nhân cách con người

Con người sẽ sản sinh ra con người, còn giáo dục sẽ đẻ ra nhân cách. Nói như vậy để thấy rằng, những động chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, v.v…, những sự kiện trong xã hội như chiến tranh hay hòa bình, cách mạng hay phản cách mạng, thiết lập chính quyền dân chủ hay xây dựng chế độ độc tài, văn hóa hay phản văn hóa, thiện hay ác v.v…đều phải xem xét từ giác độ nhân cách chứ không phải từ bình diện con người. Những bước thăng trầm của quốc gia hay của toàn nhân loại phụ thuộc nền giáo dục đã giáo dục con người như thế nào, hay nói khác đi, là từ nền giáo dục, người ta đã gặt hái được những nhân cách nào.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, và nhất là ở Liên Xô, đã lung lay và rạn vỡ, không ít người phê phán mô hình xã hội ở Cộng hòa dân chủ Đức, ở nước Tiệp Khắc hay Ba Lan xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là mô hình Liên Xô,v.v…Không ít người cho rằng, mô hình xã hội phúc lợi của Thủy Điển lúc đó đang gọi là lý tưởng đối với người Nga. Lúc đó, cũng đã có người Nga viết rằng, thời Sa hoàng, người Nga cũng đã học tập nhiều ở những gì Thụy Điển làm. Thực ra, Pièrre Đại đế chỉ học tập cách xây dựng những hạm đội hùng mạnh của Thụy Điển chứ không phải muốn bê mô hình xã hội Thủy Điển vào nước Nga lúc bấy giờ.

Giữa lúc những cuộc Hội thảo ở nước ta được tiến hành với những buổi tranh luận nóng bỏng để tìm một hướng đổi mới, chúng tôi bắt gặp một bài viết của André Dazin với nhan đề: “Những kiến thức của chúng ta về tiến hóa có cho phép chúng ta tưởng tượng ra một con đường tắt để thoát khỏi tình trạng kém phát triển được chăng?” Trong bài viết này, tôi rất tâm đắc với đoạn mà xin được trích dưới đây:

“Không có gì đáng ngạc nhiên nếu những nước hình như đáng chiếm vị trí tiên phong trong tiến hóa của nhân loại, với những thành tựu kinh tế và kỹ thuật được phân tích như là những thành công lớn, đã gây một thứ thôi miên đối với những người đang cảm thấy mình đang lạc hậu. Nhưng vì bị thôi miên, tức là không còn đầu óc phê phán và mất bản lĩnh nên sẽ chạy theo khuôn mẫu, trong khi sự hòa nhập trên đời này hình như chỉ đạt được khi biết tôn trọng tính nhiều dạng và muôn màu muôn vẻ. Muốn tím đường tắt để thắng sự kém phát triển thì phải có sự phân tích giá trị của hình mẫu: Phát triển ra sao, nhằm những giá trị nhân cách nào?”.

Tôi mượn lời của André Dazin để đi vào những vấn đề nhân cách sau đây:

a) Xây dựng khái niệm nhân cách

Trong tâm lý học, giáo dục học, xã hội học và triết học có tới hàng trăm định nghĩa về nhân cách. Cần lựa chọn hoặc phải tự mình đưa ra khái niệm nhân cách làm cơ sở lý giải để nguồn nhân lực như một nội dung cơ bản của chuyên đề này.

Mỗi con người đều có cuộc sống riêng. Xét từ bình diện xã hội, cuộc sống con người là những dòng hoạt động. Khi cái chết xảy ra thì hoạt động của con người sẽ dừng lại. Lúc đó, những giá trị của con người cụ thể sẽ còn lại trong những sản phẩm lao động mà họ đã tiến hành khi còn sống. Sự bất tử của con người vĩ đại nào đó chính là sự tồn tại vĩnh hằng của những giá trị do họ tạo ra, đã kết tinh lại trong những sản phẩm văn hóa vật thể hay phi vật thể được xã hội bảo tồn, gìn giữ.

Mỗi con người đều có bộ mặt tâm lý riêng mà ta gọi là cá tính (Individuality). Song, trong quá trình sống, những nét tâm lý riêng của từng cá nhân dần được hình thành, làm cho con người ngày càng có nhiều nét tâm lý riêng biệt. Đó là quá trình cá tính hóa của con người (Individualization).

Như vậy, cá tính của con người là cái không lặp lại, cái “độc nhất vô nhị” trong xã hội loài người. Người ta chết đi, giá trị con người của họ có thể tồn tại lâu dài hoặc mãi mãi, nhưng cá tính của họ không thể tái tạo ở bất kỳ thời gian hay không gian nào.  Cá tính là cái làm cho người này không trùng lặp với người khác về phương diện tâm lý, hay nói cách khác, về tâm hồn họ.

Những phẩm chất cá tính của con người cụ thể (cá nhân) mà nhờ đó con người trở thành chủ thể hoạt động và giao lưu, chủ thể của những quan hệ xã hội được gọi là nhân cách (Porsonality) của họ.

Cá tính là bộ mặt tâm lý riêng của con người. Nhân cách là bộ mặt xã hội để trong hoạt động và giao lưu, con người luôn là chính họ.

Rất khó có thể có một định nghĩa chung về nhân cách. Vì vậy, chúng tôi chọn cách diễn giải nội hàm của khái niệm này thành nhiều ý sau đây:

- Nhân cách là người mang tải những chuẩn mực pháp luật, đạo đức và thẩm mỹ của xã hội. Người thể hiện được những chuẩn mực mà xã hội quy định sẽ được xã hội coi là những nhân cách tốt, ngược lại là nhân cách phản xã hội. Nếu như nhân cách là một cái Tôi rất riêng thì nhân cách bao giờ cũng biểu hiện ở một kiểu lao động riêng, một kiểu giao tiếp riêng, một kiểu sáng tạo riêng.

- Nhân cách là một tích hợp trong cá nhân những đặc điểm có ý nghĩa đối với một xã hội nhất định. Những đặc điểm đó được hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn, trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể. Nhân cách là sự phản ánh những đặc điểm điển hình và không lặp lại về phương diện lịch sử của một thời đại trong cá nhân.

- Nhân cách con người là những quan hệ xã hội giữa những cách xử sự (giữa những hành vi). Đó là ý kiến rất hay của Lucien Sève - một nhà lý luận của Đảng Cộng sản Pháp. Qua Sève, ta có thể hiểu nhân cách như một phương thức tồn tại của con người trong những điều kiện lịch sử cụ thể, là hình thức tồn tại và phát triển những mối quan hệ và liên hệ xã hội rất riêng biệt ở từng con người.

- Nhân cách là sản phẩm muộn của sự phát triển tâm lý. Về phường diện lý luận, nhân cách là cái được hình thành chứ không phải là cái tự có. Nhân cách hình thành nhờ giáo dục. Khi tâm lý con người đạt tới một trình độ nhất định thì nhân cách mới hình thành. Trình độ đó là ý thức. Nói cách khác, khi nào con người thấy được mình đang đối diện với người khác, tức là khi phân biệt được cái “Tôi” và cái “không phải Tôi” thì lúc đó, con người bắt đầu trở thành nhân cách (Đây là ý kiến của Bozovitch, một nhà tâm lý học xô viết nổi tiếng vào những năm 60 - 70 của thế kỷ XX).

- Nhân cách được coi là một cấu tạo tâm lý mới, nghĩa là, nhân cách luôn nằm trong trạng thái vận động. Bảo rằng, nhân cách đã ở giai đoạn định hình rõ nét, đã hoàn thiện là không đúng. Sự vận động đi lên của cấu tạo tâm lý này là sự bổ sung thường xuyên, hoàn chỉnh liên tục của nhân cách để đáp ứng những đòi hỏi mới của xã hội. Từ đó, nhân cách được coi là phát triển. Nếu cấu tạo tâm lý được bổ sung bằng những phẩm chất không phù hợp với yêu cầu xã hội, lúc đó xuất hiện những nhân cách suy thoái.

Như vậy, cấu tạo tâm lý của nhân cách mang tính không hoàn thiện. Đây là cơ sở cho sự phát triển không giới hạn của nhân cách.

Từ những quan niệm trên đây về nhân cách, chúng ta tạm rút ra một số kết luận có thể áp dụng vào việc chuẩn bị, đào tạo nguồn nhân lực:

- Việc xây dựng nguồn nhân lực phải dựa vào việc giáo dục con người để họ trở thành nhân cách, và những phẩm chất nhân cách của con người mới là yếu tố cơ bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực.

- Sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tùy thuộc vào trình độ phát triển nhân cách tạo thành những bộ phận hợp thành cấu trúc nguồn nhân lực. Do vậy, giáo dục nhân cách phải được thực hiện trong bất cứ quá trình nào của chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

- Những suy thoái nhân cách bao giờ cũng làm tổn thương đến sự phát triển nguồn nhân lực (một tập đoàn doanh nghiệp có thể phá sản nhiều khi chỉ do một nhóm cán bộ lãnh đạo sa vào tình trạng tham nhũng).

- Giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời là một nguyên tắc cơ bản để mỗi nhân cách luôn phát triển bền vững. Đó là điều kiện không thể thiếu được khi xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Tôn trọng cái riêng, độc nhất vô nhị, của nhân cách sẽ xây dựng được nguồn nhân lực phong phú và muôn màu sắc về năng lực hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

b) Quan điểm nhân cách của Hồ Chí Minh

Về nhân cách con người, Hồ Chí Minh luôn quan niệm rằng, để thành người, phải trau dồi ĐỨC và TÀI. Quan hệ Đức - Tài thể hiện ở trình độ chính trị - chuyên môn, ở việc làm Thiện - Ác, ở nhận thức Phải - Trái, trong đó:

- Đức là gốc, tài là quan trọng;

- Đức là phải có trước tài;

- Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác 

- Chính trị phải có trước, chuyên môn có sau;

Chúng ta thường nói con người phải vừa Hồng vừa Chuyên chính là nói đến sự cần thiết phải có Đức và có Tài trong mọi hoạt động.

Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng đạo đức cách mạng và đạo đức công dân, bởi đạo đức là yếu tố có ý nghĩa quyết định, nó không cho phép ta “Ăn xôi chùa thì đánh chuông, hết xôi chùa thì không đánh chuông”([10]).

Nội dung đạo đức là gì? Người viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người”([11]).

Đạo đức ấy thể hiện ở thái độ “nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường, tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Đạo đức của con người nói riêng, nhân cách của con người nói chung không phải từ trên trời rơi xuống, không phải là cái bẩm sinh. Tất cả đều từ giáo dục mà ra. Quan niệm này được Hồ Chí Minh thể hiện trong bài thơ chữ Hán sau đây:

DẠ BÁN

Thụy thì đô tượng thuần lương hán,

Tỉnh hậu tài phân thiện ác nhân.

Thiện, ác nguyên lai vô định tính

Đa do giáo dục đích nguyên phân

Dịch:

NỬA ĐÊM

Ngủ thì ai cũng như lương thiện,

Tỉnh dậy phân ra kẻ, dữ hiền.

 Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn.

Phần nhiều do giáo dục mà nên.

Là một người uyên thâm Nho học, Hồ Chí Minh đã vận dụng Đạo đức của Nho giáo vào cuộc sống của cán bộ và nhân dân ta một cách rất nhuần nhuyễn, nhưng lại không thấy đây là tư tưởng của Nho giáo. Ngày xưa, Khổng Tử nói:

“Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ. Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ”, đại ý là: Người quân tử coi trọng tài đức, kẻ tiểu nhân coi trọng đất đai, ruộng vườn. Người quân tử coi trọng pháp độ thể chế, kẻ tiểu nhân coi trọng ân huệ.

Nói chuyện về chữ Liêm, Hồ Chí Minh dạy rằng:

“Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là tham danh đạo vị (đạo là trộm).

Gặp việc phải mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm là tham dật úy lao.

Gặp giặc mà rút rè, không dám đánh là tham sinh úy tử.

Đều là trái với chữ Liêm.

Do Bất Liêm mà đi đến tội ác, trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, Bất Liêm tức là trộm cắp.

Cụ Khổng nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”.

Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”.

Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên.

Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công dinh tư”.

Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân.

“Quan tham vì dân dại”. Nếu dân không hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không Liêm cũng phải hóa ra Liêm.

Vì vậy, cần biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm.

Phép luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì.

Mọi người phải nhận rằng tham lam là điều rất xấu hổ; Kẻ tham lam là có tội với nước với dân.

Cán bộ thi đua thực hành Liêm Khiết thì sẽ gây nên tinh thần Liêm Khiết trong nhân dân.

Một dân tộc biết cần kiệm, biết Liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ…”([12]).

Những lời Khổng Tử nói ra cách đây mấy ngàn năm, lời của Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta cũng cách ta chí ít cũng là một nửa thế kỷ. Có điều lạ rằng, hình như những vĩ nhân đó đang nói về một vấn đề thời sự, một vấn đề mang tính thời đại. Và cũng hình như tính chất nghiêm trọng của lòng tham ở thời đại này còn đậm nét hơn, bức bối hơn.

5. Vài lời bình luận về nhân cách con người thời đại ngày nay

Bước vào thế kỷ XXI, những nước phát triển đang từng bước chuyển nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Nhiều nước đang phát triển cũng tính đến việc tiếp thu và tận dụng những thành quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại để tranh thủ đưa một bộ phận sản xuất phát triển theo hướng kinh tế tri thức. Việc làm đó phải dựa vào việc đào tạo ra những nhân cách nào.

a) Đứng ở góc độ triết học, những nhà nghiên cứu thường cho rằng, trong thời đại kinh tế nông nghiệp, con người hoạt động với tư cách là những nhân cách phụ thuộc” lấy quần thể làm bản vị. “Nhân cách phụ thuộc” một mặt làm cho tiềm năng sinh mệnh của cá nhân trong việc chống chọi với tự nhiên có thể phát huy và tăng cường, đẩy văn minh loài người tiến lên, mặt khác lại làm cho quần thể tiến hóa dần thành một thực thể “siêu cá nhân” và “nhân cách hóa”, quay trở lại áp chế và trói buộc cá nhân, hạn chế sự sáng tạo của cá nhân.

b) Giương cao ngọn cờ lý tính đi tới thời đại công nghiệp, con người ở mức độ lớn đã thoát khỏi sự nô dịch của giới tự nhiên, từ đó thoát ra khỏi thứ quan hệ phụ thuộc nhân thân trong thời đại kinh tế nông nghiệp, đạt được sự độc lập nhân cách. Nhân cách thời đại công nghiệp có đặc trưng tinh thần khoa học như tôn trọng thực tế, theo đuổi chân lý, dám hoài nghi, không ngừng tiến thủ, khoan dung mở ngỏ, phê phán cái cũ, sáng tạo cái mới. Những nhân cách này thúc đẩy sự sáng tạo, truyền bá tri thức khoa học, phát huy văn hóa, nâng cao trí tuệ, chống lại sự dã man, ngu muội, thúc đẩy văn minh hóa hành vi xã hội và đạo đức hóa tư tưởng và hành vi con người. Tuy nhiên, cái yếu trong nhân cách của xã hội công nghiệp lại thể hiện ở “nhân cách đơn điệu”, quy phạm hành vi và vai trò chủ thể bị vật hóa.

c) Trong tác phẩm “Làn sóng thứ ba” (The third wave), Alvin Toffler đưa ra một cách nhìn độc đáo về những phẩm chất nhân cách:

“Trong kỷ nguyên Lán sóng thứ hai, công việc trong nhà máy và văn phòng cứ lặp đi lặp lại, chuyên môn hóa, chặc chẽ về thời gian, các ông chủ muốn người làm việc phục tùng, đúng giờ và vui vẻ thực hiện những nhiệm vụ quen thuộc. Cái đặc điểm tương ứng cũng đã được đào tạo ở trường học và được các công ty khuyến khích.

Khi Làn sóng thứ ba tràn qua xã hội chúng ta, công việc ít lặp đi lặp lại hơn, ít tỉ mỉ hơn, mỗi người làm một nhiệm vụ lớn hơn. Thời gian linh hoạt và nhịp điệu riêng thay thế cho mọi việc đồng bộ hóa đại chúng về hành động. Người làm việc buộc phải đối phó với những thay đổi thường xuyên hơn trong nhiệm vụ của họ, cũng như phải đối phó với sự thay đổi vị trí cá nhân, thay đổi sản phẩm và sự tổ chức lại”([13]).

Về đạo đức con người mới (mà Toffler gọi là đạo đức người tiêu - sản), ông viết: “…đạo đức tiêu - sản sẽ đánh giá con người theo những gì con người làm được. Có nhiều tiền bạc vẫn còn được coi trọng, song những đặc tính khác cũng được xem trọng. Những đặc tính này có thể coi là tinh thần tự học, khả năng thích nghi và tồn tại trong những điều kiện khó khăn và khả năng tự làm các việc với chính bàn tay của mình”([14]).

d) Những nhà nghiên cứu ở Trung Quốc thì cho rằng, đặc trưng nhân cách trong thời đại mới (thời đại kinh tế tri thức) phải là:

- Khám phá, tiến thủ, coi trọng thực tế;

- Tôn trọng giới tự nhiên, yêu quý môi trường;

- Không ngừng hoàn thiện bản thân;

- Đoàn kết, sống thân thiện và khoan dung với người khác, hợp tác trong lao động.

Trong nhân cách người lao động thời đại kinh tế tri thức bao gồm tinh thần khoa học và những giá trị nhân văn cao cả.

Xem ra, nhà trường Việt Nam chưa hướng vào mục tiêu đào tạo những nhân cách với những phẩm chất nói trên. Do vậy, việc xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là xa vời. Nguồn nhân lực được dựng nên không dựa vào việc giáo dục nhân cách lý tưởng của thời đại sẽ giống như xây dựng lâu đài trên cát mà thôi.

III. XÂY DỰNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

1. Quan niệm về nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực (Human Resource) hay nguồn lực con người được quan niệm là tổng thể tiềm năng lao động của một đất nước, một cộng đồng, bao gồm dân số cả trong độ tuổi lao động lẫn dân số ngoài độ tuổi lao động. Nguồn nhân lực, xét từ bình diện cá nhân, cần phải được quản lý, chăm sóc và phát triển từ thai nhi, qua các thời kỳ lứa tuổi đến hết thời kỳ sau tuổi lao động. Điều này nói lên rằng, người về hưu và người cao tuổi cũng nằm trong phạm trù nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực là một khái niệm ra đời muộn hơn so với khái niệm “Vốn con người” hay “Tư bản người” (Human Capital). Khái niệm Nguồn nhân lực bổ sung cho khái niệm Vốn con người để giúp nhà quản lý điều hành quá trình tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội theo hướng bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII có đoạn viết: “Nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định đặc biệt đối với nước ta khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp. Nguồn lực đó là người lao động có trí tuệ cao, có tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp được đào tạo bồi dưỡng và phát huy bởi một nền giáo dục tiên tiến gắn liền với một nền khoa học công nghệ hiện đại. Giáo dục phải làm tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đội ngũ lao động cho khoa học công nghệ”.

Chính với quan niệm này, từ lâu Nhà nước ta đã chủ trương thực hiện mục tiêu giáo dục “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” và coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển xã hội chứ không đơn thuần là đầu tư cho phúc lợi xã hội.

Có hai khái niệm gắn với khái niệm nguồn nhân lực. Đó là sức người (manpower) và “lực lượng lao động” (Labour force). Tuy nhiên, khi dùng hai khái niệm này, người ta chú ý đến phạm trù số lượng, đến tổng số nhân khẩu trong độ tuổi lao động nhiều hơn. Nhân khẩu độ tuổi dưới 15 và trên 60 được coi là dân số phụ thuộc.

Khi nói đến “Sức người”, trong quan niệm chung, nước nào có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động trên 65% trong tổng dân số thì cộng đồng đó có cơ cấu dân số lao động tốt. Một trong nội dung gắn với sức người là việc làm trong cơ cấu lực lượng lao động. Cơ cấu này được thể hiện ở tỷ lệ người có việc làm và người không có việc làm (thất nghiệp). Người ta cho rằng, trạng thái kinh tế tốt là quá trình phát triển kinh tế phải tạo ra việc làm mới cho số lao động dự bị gia nhập đội ngũ lao động chính thức. Kinh tế thực sự được coi là tăng trưởng khi nó không tạo ra tình huống người lao động bị mất việc làm.

2. Những nguồn vốn cần đạt được khi phát triển nguồn nhân lực

Sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một yêu cầu bức thiết của các quốc gia khi đứng trước xu thế toàn cầu hóa đang ngày càng gia tăng, lôi cuốn các quốc gia vào dòng chảy hội nhập quốc tế ngày càng sâu.

a) Vào những năm 60 của thế kỷ XX, một đòi hỏi đặt ra cho việc xây dựng nguồn nhân lực là phải gia tăng được vốn con người (Human Capital) hay còn gọi là Tư bản người. Nhà kinh tế học người Mỹ, Theodor Schoultz (được giải thưởng Nobel năm 1979), đã có công đưa ra khái niệm này, và Gary Backer, cũng là nhà kinh tế học người Mỹ (được giải thưởng Nobel năm 1992) đã tiếp tục hoàn chính khái niệm Vốn con người. Từ khái niệm này, các nhà khoa học nói trên đã hình thành học thuyết kinh tế -“Thuyết tư bản con người”.

Theo nghĩa hẹp, Schoultz cho rằng, mỗi con người nhờ có giáo dục mà có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Kết quả của giáo dục đem lại được gọi là “Vốn trí tuệ”. Nhờ vốn trí tuệ mà mỗi con người có thu nhập tiền lương và địa vị xã hội.

Theo nghĩa rộng, Schoultz coi nền kinh tế của mỗi nước tồn tại và phát triển nhờ vốn vật chất (tư bản vật chất) như tài nguyên, đất đai và chủ yếu là nhờ vốn con người (Tư bản người). Vốn con người nhờ giáo dục đào tạo nên, thể hiện trình độ lành nghề của nguồn nhân lực (của đội ngũ lao động).

Một nền giáo dục tốt sẽ tạo nên một nguồn nhân lực chất lượng cao, thể hiện ở trình độ lành nghề của nguồn nhân lực. Như vậy, giáo dục có ý nghĩa lớn lao trong việc tạo ra vốn con người cho xã hội.

Những người cùng môn phái với Schoultz như E.Maxlip, Baker, Blon, R.Lauerd, v.v…khi định lượng hiệu quả kinh tế của giáo dục đều dựa vào luận điểm sau:

Thứ nhất, sự đầu tư vào giáo dục sẽ tạo ra “Tư bản người”, mà về tính chất giá trị, tư bản này không có gì khác biệt với tư bản vật chất;

Thứ hai, giáo dục sẽ hình thành ở con người năng lực thể chất và năng lực tư duy. Năng lực nào cũng tạo ra được một phần nhất định trong thu nhập của cá nhân. Tổng tiền lương và những thu thập khác kèm theo đều dựa vào những năng lực đó;

Thứ ba, tiền lương ngày càng có xu hướng cấu thành chủ yếu từ phần vốn trí tuệ.

b) Cùng với khái niệm vốn con người còn có khái niệm Vốn xã hội (Social Capital). Đây là khái niệm được nhà nghiên cứu Pierre Bourdieu đề cập từ năm 1986. Sau đó Irma Adelman mở rộng khái niệm này trong bài viết: “Năm mươi năm phát triển kinh tế chúng ta học được gì?” trong sách chuyên khảo “Tư duy mới về phát triển cho thế kỷ XXI”([15]). Các nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội hiện sử dụng khái niệm “Vốn xã hội” với nội hàm gồm: mức độ đoàn kết, đồng thuận xã hội; tinh thần sẵn sàng hành động vì những điều tốt đẹp; niềm tin của cộng đồng vào sự phát triển; các quy tắc hợp tác và mức độ phổ cập những mối quan hệ giữa các cá nhân trong đời sống xã hội. Vốn xã hội tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa nhà nước với xã hội dân sự.

c) Cùng với khái niệm vốn con người và vốn xã hội còn có khái niệm “Vốn tổ chức” (Organizational Capital) do Francis và Wookcok đề xuất. Khái niệm này được đặc trưng bằng các tiêu chí sau:

- Trong tổ chức, mọi người làm việc theo quy chế;

- Quan hệ trong tổ chức là sự đối xử nhân ái, sự gắn bó mỗi nhóm.

Một cộng đồng có vốn tổ chức khi nó thể hiện được sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần.

Khi xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là: việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có làm tăng vốn con người, vốn xã hội và vốn tổ chức hay không? Trong tình trạng cộng đồng lao động thiếu sự thể hiện được các nguồn vốn nói trên, chắc chắn đó là một tập hợp lao động lỏng lẻo, thiếu mục đích phấn đầu chung và chắc chắn sẽ hạn chế năng suất lao động xã hội.

Ngày nay, vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang hướng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững, do đó, việc xây dựng nguồn nhân lực phải được đặt ra bởi một tư duy chiến lược ở tầm thời đại. Chẳng hạn, xét ở góc độ kinh tế, hàm số tăng trưởng phải thể hiện ở công thức sau:

Q = F (K, L, H, A)

Trong đó:

- K: Vốn vật chất

- L: Lao động

- H: Vốn con người

- A: Nhân tố tổng hợp gồm Thông tin (Information), Tri thức (Knowledge), vốn xã hội, vốn tổ chức.

Xu hướng phát triển chung của thế giới là người ta đang ngày càng đầu tư mạnh vào vốn con người so với vốn vật chất. Theo một thông tin về vấn đề này, năm 1986, Mỹ đã dành 610 tỷ USD vào vốn con người, trong khi đó vào vốn vật chất là 440 tỷ USD.

Theo dõi một số năm, những nhà nghiên cứu đã thống kê tổng tư bản tự nhiên so với tư bản người ở một số nước phương Tây như sau:

Năm 1800, tổng tư bản tự nhiên/tư bản người là         : 78/22

Năm 1860                                                                : 77/23

Năm 1913                                                                : 67/33

Năm 1950                                                               : 52/48

Năm 1973                                                                : 43/57

Năm 1998                                                                : 31/69

IV. NHỮNG YÊU CẦU CHUNG CỦA THỜI ĐẠI NGÀY NAY ĐẶT RA VỚI VẤN ĐỀ XÂY DỰNG NGUỒN NHÂN LỰC

1. Những yêu cầu đặt ra trước bối cảnh toàn cầu hóa

Đặc trưng cơ bản nhất của thời đại ngày nay là xu hướng toàn cầu hóa (Globalization) đang ngày càng gia tăng, cuốn hút ngày càng nhiều quốc gia vào dòng chảy của nó.

a) Trước hết, phải nói đến toàn cầu hóa kinh tế. Bước vào thế kỷ XXI, toàn cầu hóa kinh tế đang làm gia tăng dòng giao lưu toàn cầu về vốn đầu tư, hàng hóa, lao động, dịch vụ ngân hàng, thông tin, v.v…Sự thâm nhập lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia đã tạo ra nhiều mối quan hệ mới, tạo ra những cơ hội cho một số quốc gia này, song lại là thách thức với nhưng quốc gia khác.

Với mục đích tìm lợi nhuận siêu ngạch và vươn tới những đỉnh cao trong kinh doanh, các công ty xuyên quốc gia nhanh chóng mở rộng hoạt động của mình trên phạm vi toàn cầu nhằm khai thác những cơ hội đầu tư. Các dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ngày càng đổ về nước có lợi thế về trí thức và tay nghề cao của nguồn nhân lực.

Về vấn đề trên, Phernando Enrike Cardozo (Tổng thống Brazil) nhận định như sau: “Khả năng cạnh tranh của mỗi nước ngày càng được xác định nhiều hơn bởi chất lượng các nguồn lực con người, tri thức, khoa học, công nghệ - những cái được áp dụng trong quá trình sản xuất. Sự dư thừa sức lao động và nguyên liệu ngày càng là một lợi thế so sánh có giá trị thấp, trong khi mà tỷ phần của chúng trong giá trị bổ sung của tất cả các sản phẩm đang giảm đi. Xu hướng không thể đảo ngược này làm cho thành công của các nước phía Nam ít xảy ra nếu dựa vào sức lao động rẻ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên”([16]).

Một đặc trưng đáng kể của toàn cầu hóa kinh tế là sự liên kết thế giới những công đoạn sản xuất và phân phối giữa các địa điểm khác nhau về địa lý do nhiều công nghệ mới, trước hết là những công nghệ truyền thông và thông tin  mới. Về đặc trưng này, R.Reich (1993) viết như sau: “Thiết bị chính xác đối với môn hockey (khúc côn cầu) trên băng được phát minh ở Thủy Điển, cấp vốn ở Canada, lắp ráp ở Cleveland (Hoa Kỳ) và Đan Mạch, rồi được phân phối ở Bắc Mỹ và châu Âu, v…Một chiếc ôtô được Nhật Bản cấp vốn, thiết kế ở Italia và dựng khung ở bang Indiana (Hoa Kỳ), Mexico và Pháp; nó bao gồm những linh kiện điện tử mới nhất được hiệu chỉnh tại New Jersey (Hoa Kỳ) và được sản xuất tại Nhật Bản”.

Điều này cho thấy rằng, muốn tham gia bình đẳng vào xu thế toàn cầu hóa, nguồn nhân lực của các quốc gia có sự thâm nhập kinh tế lẫn nhau, phải có được một trình độ tương đương về khoa học, công nghệ, về học vấn và trình độ chuyên môn, cũng như về kỹ năng sản xuất. Nguồn nhân lực có chất lượng cao về trí tuệ và tay nghề mới là lợi thế cạnh tranh cho mỗi quốc gia. Nếu nguồn nhân lực chỉ hàm chứa những lao động với trình độ kỹ thuật đơn giản thì sẽ là sức ép đối với quá trình tăng trưởng và phát triển ở những nước đi sau về công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ở đây, các nước chậm phát triển rất lúng túng trước một mâu thuẫn điển hình: do nghèo nên thường không đầu tư đúng mức vào việc đào tạo nguồn nhân lực. Và, khi nguồn nhân lực được đào tạo với chất lượng thấp thì đến lượt mình, nó lại làm cho quá trình tăng trưởng và phát triển không tiến nhanh lên được.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những chuẩn mực về kỹ năng và năng suất lao động, về hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh ngày càng phụ thuộc vào việc vận dụng những tiến bộ công nghệ và tri thức khoa học. Chỉ có con người làm chủ được tiến bộ công nghệ và tri thức khoa học mới làm chủ được quá trình phát triển. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của hệ thống sản xuất xã hội được nhiều quốc gia coi như quốc sách hàng đầu. Do đó, hệ thống giáo dục luôn luôn phải bắt kịp và đón đầu sự vận động của kinh tế. Nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển đã khẳng định giáo dục và đào tạo là yếu tố quyết định trong cạnh tranh.

Trên đây là mấy ý kiến nhỏ về vấn đề nguồn nhân lực trước xu thế toàn cầu hóa kinh tế. Còn trước xu thế toàn cầu hóa văn hóa thì vấn đề nguồn nhân lực có gì đáng được lưu tâm?

b) Để trở thành một xã hội văn minh, cần phải có sức mạnh kinh tế và năng lực sáng tạo công nghệ. Song cả hai yếu tố này nhiều khi chỉ mang lại sự tăng trưởng kinh tế mà không giải quyết được những vấn đề của phát triển xã hội. Yếu tố cần thiết ở đây là văn hóa. Trước đây, Ederico Mayor (nguyên Tổng Giám đốc UNESCO) đã từng nói: “Từ nhận thức vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển, chúng ta cần vượt lên những cách tiếp cận kinh tế học thuần túy và tìm ra hàng trăm phương thức có thể được để tính công nghiệp và tính sáng tạo gắn bó, móc nối với nhau và để kinh tế có khả năng bắt rễ trong văn hóa”([17]). Theo quan điểm của UNESCO thì văn hóa là chìa khóa của phát triển, là mục tiêu, động lực và hệ điều tiết của phát triển.

Bảo vệ và duy trì tính đa dạng của văn hóa trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa là điều kiện rất cơ bản, nhất là đối với các nước đang chủ trương “công nghiệp hóa cấp tập” hay “công nghiệp hóa rút ngắn”, bởi văn hóa sẽ không ngừng hoàn thiện chất lượng con người, nâng cao khả năng hoạt động sáng tạo của họ.

Trước đây, nền tảng chiến lược đối ngoại của các nước lớn, trước hết là Hoa Kỳ, là sức mạnh quân sự và kinh tế. Sang đầu thế kỷ XXI, cái gọi là sức mạnh mềm (Soft Power) của Mỹ tác động đến các nước khác có nhân tố trung tâm là văn hóa. Hiện tượng này nói lên sự bành trướng ảnh hưởng văn hóa của quốc gia này đối với quốc gia khác, nó diễn ra trong tiến trình toàn cầu hóa văn hóa và không đồng nhất với toàn cầu hóa văn hóa. Cần phải giải quyết sự bành trướng và xâm thực của văn hóa ngoại lai như Milchin I đã từng viết trong bài “Văn hóa là nhân tố ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ” rằng, việc phân tích ảnh hưởng của văn hóa Mỹ trên thế giới phải được xác lập dựa trên căn cứ khẳng định rằng, chỉ có thể chống lại nó bằng cách tạo ra một môi trường văn hóa hấp dẫn hơn, chứ không phải bằng cách phủ nhận nó chỉ bằng lời, bằng chữ hay bằng một hình thức biệt lập nào đó. Đấy là tiền đề của đời sống văn hóa đương đại.

Trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cần giải quyết đúng mối quan hệ giữa toàn cầu hóa văn hóa và bản địa hóa văn hóa. Đây là một cặp phạm trù thống nhất biện chứng, giữa chúng không có mâu thuẫn căn bản nào. Trong bài viết “Tư duy biện chứng về quan hệ giữa toàn cầu hóa và bản địa hóa văn hóa”, Ghen Gang và Li Linhe có mấy ý kiến đáng tham khảo:

- Phải bảo vệ, phát huy những tinh hoa trong văn hóa dân tộc, đồng thời phải loại bỏ những thứ mục nát, lạc hậu trong đó.

- Trong quá trình toàn cầu hóa văn hóa, văn hóa các dân tộc giao lưu, dung hợp, xâm thấu và bổ sung lẫn nhau, không ngừng phá vỡ tính hạn chế về khu vực và về mô hình của văn hóa dân tộc và trong sự bình phán, chọc lọc của loài người mà đạt được tính đồng nhất văn hóa, không ngừng chuyển các nguồn khu vực của văn hóa dân tộc mình thành các nguồn thụ hưởng chung, sở hữu chung của loài người. Văn hóa dân tộc không vì thế mà mất đi.

- Bảo vệ nền văn hóa dân tộc là tôn vinh một hệ thống bao gồm truyền thống, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, quan niệm giá trị trong lịch sử dân tộc trong quá trình hiện đại hóa. Quá trình này đang tồn tại và diễn ra cùng quá trình toàn cầu hóa văn hóa.

- Văn hóa của mỗi dân tộc không bao giờ là mẫu mực, hoàn mỹ hay lý tưởng. Các dân tộc phải học hỏi lẫn nhau, tham khảo văn hóa của dân tộc khác. Trên thế giới, không có thứ văn hóa nào là chủ đạo, do đó, không thể thủ tiêu tính đa dạng của văn hóa trên thế giới.

Vì vậy, trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục có trách nhiệm giải quyết các mâu thuẫn sau đây:

- Mâu thuẫn giữa toàn cầu với cục bộ, sao cho con người sống như một công dân toàn cầu mà không mất gốc;

- Mâu thuẫn giữa phổ biến với riêng lẻ, tham gia vào giao lưu văn hóa toàn cầu mà vẫn giữ được truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc;

- Mâu thuẫn giữa truyền thống với hiện đại, thích ứng nhanh với hiện đại mà không quay lưng lại quá khứ;

- Mâu thuẫn giữa dài hạn với ngắn hạn, tập trung vào giải quyết những đề tức thời nhưng vẫn phải lo đến những vấn đề chiến lược lâu dài;

- Mâu thuẫn giữa cạnh tranh với sự quan tâm đến bình đẳng về cơ may, đồng thời giải quyết ba động lực phát triển: cạnh tranh, hợp tác và đoàn kết.

- Mâu thuẫn giữa sự phát triển nhanh về tri thức và công nghệ mới với trình độ có hạn trong tiếp thu tri thức, kỹ năm mới;

- Mâu thuẫn giữa trí tuệ với vật chất, không chạy theo lối sống ích kỷ để luôn giữ được những giá trị cơ bản nhất của dân tộc và nhân loại.

Nói tóm lại, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có văn hóa.

2. Yêu cầu của kinh tế tri thức đối với việc chuẩn bị nguồn nhân lực

Cơ sở kỹ thuật cho sự xuất hiện và phát triễn xã hội tri thức mà hình thái kinh tế của nó là kinh tế tri thức (Knowledge Economy) bao gồm các quá trình Tin hóa, Mạng hóa và Số hóa.

Tin hóa là làm cho loài người chuyển từ mặt bằng hoạt động lấy vật chất và năng lượng làm cơ sở sang mặt bằng mới, lấy Mạng làm cơ sở. Tin hóa đang dần dần xóa bỏ những thành lũy thời gian và không gian. Mạng hóa sẽ làm cho sự giao tiếp giữa con người được thực hiện với tốc độ cao, giúp cho việc chuyển giao tri thức và kỹ năng xuyên quốc gia, bất chấp ranh giới địa lý. Số hóa sẽ trở thành động lực cơ bản để chuyển sang chuẩn thức sản xuất thông tin và tri thức (trong xã hội tri thức).

Chính “3 hóa” trên đây đã từng bước làm cho phương thức sinh tồn và môi trường hoạt động của loài người có những biến đổi to lớn. Có thể nói đến những  chuẩn thức xã hội mới sau:

a) Từ lao động chân tay (Brawll) chuyển sang lao động trí tuệ (Brains)

Trên thực tế, vào giữa thập kỷ 50 của thế kỷ XX, số công nhân cổ áo trắng (White collar) ở Mỹ đã vượt số công nhân cổ áo xanh (Blue Collar). Theo John Naisbitt, đó là tiêu chí chuyển từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin. Do những tiến bộ lớn về máy tính và công nghệ thông tin mà trong nhiều lĩnh vực sản xuất, người lao động làm công tác tri thức đã thay thế người lao động thể lực. Theo đánh giá của nhà quản lý Peter Drucker (Mỹ), công nhân cổ áo xanh ngành chế tạo máy của Mỹ chiếm 33 %. Con số tương ứng ở năm 1960 là 30%, những năm 80 là 20%, giữa thập kỷ 90 là 17%, còn ở 10 năm đầu thế kỷ XXI là 12%.

b) Sự sản xuất kiểu vật chất chuyển sang sản xuất kiểu phi vật chất

Nói cụ thể hơn là, nền sản xuất lấy hàng hóa làm cơ sở đang chuyển sang sản xuất và phân phối tri thức, lấy công nghệ thông tin làm chủ đạo. Các dịch vụ xử lý thông tin và dịch vụ tri thức sẽ đóng góp nhiều hơn vào GDP quốc gia. Tri thức và thông tin trở thành đòn bẩy của tăng trưởng kinh tế. Nigielobanti cho rằng, “cùng với việc chúng ta sử dụng ngày càng ít nguyên tử mà ngày càng nhiều bit, bản chất của thị trường việc làm cũng có những biến đổi to lớn” (1996).

c) Tính khép kính, tính khu vực chuyển sang tính mở ngỏ, tính toàn cầu

Trong xu thế chuyển biến này, nền kinh tế có mấy đặc tính sau:

- Sự phát triển thương mại điện tử sẽ làm cho nền kinh tế bất chấp địa lý, khoảng cách và thời gian;

- Các ngành dịch vụ, đặc biệt là tiền tệ, điện tín và vận tải đang tạo ra cho nền kinh tế một kết cấu hạ tầng toàn cầu.

- Thông tin và tri thức không còn bị cột chặt trong một nước hay khu vực, mà lưu động không hạn chế và có khả năng mở rộng vô tận.

- Kỹ thuật không biên giới mở đường cho mỗi quốc gia truy cập tri thức và thông tin được dễ dàng hơn.

d) chuyển biến cơ bản về quản lý tổ chức

Cuộc cách mạng thông tin đang biến một số cơ cấu tổ chức theo kiểm “kim tự tháp” thành hệ thống mạng tự động. Caral cho rằng, muốn dùng mạng để thay  thế cho kết cấu “kim tự tháp” thì nhất thiết phải chuyển biến quan niệm, thực hiện sự chuyển biến căn bản về chuẩn thức quản lý (management paradigm), thay thế chuẩn thức quản lý cũ bằng chuẩn thức quản lý mới. Ví dụ, sự xuất hiện thư viện ảo, trường học ảo, v.v…sẽ không thể quản lý theo cơ chế cũ, theo phương thức quản lý cũ được. Để điều hành hệ thống hành chính, các cơ quan, doanh nghiệp giờ đây phải có mạng máy tính. Chính phủ điện tử ra đời từ đây.

Nhiều nhà nghiên cứu trong nước cũng như ở nước ngoài đã đi vào phân tích những đặc trưng của kinh tế tri thức. Họ đưa ra một số đặc trưng sau:

- Tri thức là nguồn lực có ý nghĩa quyết định nhất đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tri thức đang và sẽ tham gia vào các quá trình quản lý, điều khiển sản xuất, đồng thời lại trực tiếp là thành tố trong các sản phẩm cũng như nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, đầu tư vào vốn vô hình cho nền kinh tế có ý nghĩa rất lớn (ví dụ đầu tư đào tạo nhân lực).

- Nền kinh tế tri thức mang tính toàn cầu. Trong kinh tế tri thức, không gian điện tử - các hoạt động mạng (chủ yếu là Internet) là bộ phận quan trọng của hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Chính không gian này sẽ rút ngắn thời gian, giảm khoảng cách không gian, làm mất dần ý nghĩa biên giới địa lý, bảo đảm cho con người vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, cùng tồn tại và phát triển.

- Nền kinh tế tri thức bảo đảm tính phát triển bền vững. Nguồn tài nguyên trí tuệ là vô tận. Nguồn tài nguyên hóa thạch thì cạn kiệt dần, việc sử dụng năng lượng hóa thạch lại đang là mối đe dọa về ô nhiễm môi trường. Do đó, con người trong nền kinh tế tri thức phải có năng lực sử dụng hệ thống công nghệ cao, sử dụng những năng lượng mới (ví dụ công tái chế không chất thải, năng lượng mặt trời, v.v…), hướng vào khai thác tài nguyên vũ trụ.

- Nền kinh tế thị trường làm biến đổi cơ bản thị trường truyền thống. Trong nền kinh tế này, tài sản vô hình ngày càng trở thành vốn đầu tư chính. Thông tin, tri thức, tài sản trí tuệ, vốn con người đang dần dần áp đảo các loại vốn thông thường (tiền, tài sản). Thương mại điện tử đang xóa dần thương mại truyền thống. Tốc độ luân chuyển dòng hàng và dòng tiền sẽ tăng nhanh, nhất là trong buôn tiền, buôn bán chứng khoán. Người ta sẽ phải bố trí lại những cơ sở sản xuất, kho bãi, phương tiện vận tải đối với hàng hóa thông thường. Còn đối với hàng hóa ký hiệu (tư vấn, thiết kế, âm nhạc, sách báo, v.v…) thì mua và giao hàng sẽ thực hiện qua mạng. Từ đây sẽ có siêu thị ảo, chợ trời ảo, v.v…

- Kinh tế thị trường làm thay đổi cơ cấu xã hội và thang giá trị xã hội. Trong xã hội tri thức, số lao động dịch vụ tăng lên, lao động tri thức đông dần. Do trình độ và vai trò của công nhân tri thức (Knowledge Worker) được nâng cao, mối quan hệ mới giữa giới chủ với giới thợ sẽ thay đổi.

Những cộng đồng dân cư kiểu mới sẽ xuất hiện như các tổ hợp sản xuất - nghiên cứu - học tập, các làng khoa học, các công viên khoa học, các vườn ươm khoa học.

Trong kinh tế công nghiệp, số vốn bằng tiền (hữu hình) quyết định bậc thang giá trị. Trong kinh tế tri thức, bậc thang giá trị mới sẽ được quyết định bởi vốn vô hình.

- Phương thức phát triển cơ bản của kinh tế tri thức là xã hội học tập. Sự “lão hóa” nhanh chóng của tri thức, sự rút ngắn chu kỳ kỹ thuật, sự liên tục trong việc thay đổi công nghệ buộc con người trong xã hội tri thức phải học tập suốt đời. Đó là những yếu tố dẫn đến việc xây dựng xã hội học tập, trong đó người ta phải tiến hành giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập trong suốt thời gian sống.

Từ những vấn đề trên đây, ta có thể kết luận rằng, muốn xây dựng một nguồn lực chất lượng cao, nhất quyết phải tiếp cận xu thế phát triển của kinh tế tri thức. Xét từ nhiều phương diện, hệ thống giáo dục hiện nay chưa đủ năng lực cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu mới. Nhưng, có lẽ điều này lại bắt nguồn từ quan điểm chỉ đạo giáo dục chưa ngang với tầm nhìn của thế giới hiện đại, một thế giới phát triển mau lẹ và có đầy thách thức đối với chúng ta.

3. Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với việc chuẩn bị nguồn nhân lực

a) Xét từ quan điểm xây dựng nguồn nhân lực, chúng ta cần xác định những đặc trưng của công nghiệp hóa (Industrialization). Đó là:

- Hiểu một cách đơn giản nhất, công nghiệp hóa là đưa đặc tính công nghiệp cho một hoạt động, trang bị các nhà máy, các loại hình công nghiệp cho một vùng, một lãnh thổ, một quốc gia([18]). Nói sâu hơn vào bản chất thì công nghiệp hóa là quá trình trang bị hoặc trang bị lại công nghệ hiện đại cho tất cả các lĩnh vực thuộc nền kinh tế quốc dân, trước hết là cho các ngành chiếm vị trí trọng yếu. Chính vì vậy, nói đến công nghiệp hóa là phải nói đến khái niệm chuyển giao công nghệ (Transfert Technologique). Có được công nghệ mới, các nước chưa có truyền thống công nghiệp sẽ tránh được những bước đi đầy khó khăn mà các nước phương Tây đã trải qua.

- Công nghiệp hóa là quá trình phát triển công nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất và hoạt động trong cả nước. Kết quả tất yếu của quá trình này là dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong một nước. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ làm cho cơ cấu lao động trong xã hội do đó cũng chuyển dịch. Chiến lược xây dựng nguồn nhân lực luôn phải dự báo được xu thế chuyển dịch này.

- Công nghiệp hóa không chỉ là quá trình kinh tế - kỹ thuật mà còn là quá trình kinh tế - xã hội. Quá trình kinh tế - xã hội sẽ thủ tiêu tình trạng lạc hậu về xã hội, nâng cao dân trí, nâng cao mức sống xã hội và xây dựng lối sống văn minh. Chuẩn bị nguồn nhân lực không chỉ chăm lo đến những trình độ kỹ thuật và công nghệ mới, mà còn phải giáo dục về ý thức đạo đức, tinh thần trách nhiệm trước công việc, những giá trị xã hội cần thiết và tác phong lao động một cách có văn hóa.

- Công nghiệp hóa đồng thời là quá trình mở rộng quan hệ quốc tế, hội nhập kinh tế thế giới. Nguồn nhân lực sẽ phải được chuẩn bị kỹ càng về năng lực cạnh tranh, nhưng lại phải thể hiện được ý thức hợp tác quốc tế, chung sống trong một “ngôi làng toàn cầu”.

b) Cùng với vấn đề công nghiệp hóa, việc đào tạo nguồn nhân lực phải tính đến những yêu cầu của hiện đại hóa (Modernization). Việc đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa bao giờ cũng nằm trong ý tưởng nhanh chóng nhập vào nền văn minh hiện đại. Những nước đang trên đường hiện đại hóa (Modernizing Societies) đang vươn tới trình độ của nước đã hiện đại hóa (Modernized Societies).

Hiện đại hóa là quá trình cải biến từ một xã hội cổ truyền sang một xã hội có trình độ văn minh cao hơn. Song, đã có người có quan niệm sai lầm, cho rằng, hiện đại hóa là chuyển xã hội phương Đông cổ truyền sang xã hội phương Tây hiện đại. Về vấn đề này, Alain Touraine đã có cái nhìn đúng. Ông nói: “Hiện đại hóa cưỡng bức, rập theo mô hình của các nước khác chỉ là tai họa cho các dân tộc vì nó đối nghịch với bản sắc dân tộc, thù địch với dân chủ”([19]).

Một xã hội hiện đại trước hết phải là một xã hội có nền kinh tế phát triển, thể hiện ở nhịp độ tăng trưởng nhanh về tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính trên đầu người. Nhịp độ tăng trưởng này liên quan chặt chẽ với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Các quốc gia còn phải hiện đại hóa về phương diện chính trị mà sự biểu hiện tập trung là dân chủ. Kinh tế thị trường và dân chủ đều đối nghịch với những áp đặt tùy tiện, với tư tưởng độc đoán, quan liêu mệnh lệch và chuyên quyền. Dân chủ chỉ có thể thực hiện khi trong xã hội có chính sách phát huy năng lực sáng tạo của con người, bảo đảm cho nguồn nhân lực được sử dụng tận lực. Xây dựng nhà nước pháp quyền chính là để đảm bảo cho quyền dân chủ của công dân. Khi nhà nước là của dân, do dân, vì dân thì xã hội được gọi là xã hội công dân. Mỗi quan hệ giữa nhà nước pháp quyền với xã hội công dân được K.Marx và F.Engels chỉ rõ: “Không phải nhà nước chế ước và quyết định xã hội công dân, mà xã hội công dân chế ước và quyết định nhà nước”([20]).

V. CẤU TRÚC NGUỒN NHÂN LỰC

1. Trong xã hội nông nghiệp, việc đào tạo nhân lực theo mô hình kết cấu một tam giác cân có 3 tầng:

- Tầng thấp nhất: Những lao động trình độ sơ cấp

- Tầng thứ giữa: Những lao động trình độ trung cấp

- Tầng trên cùng: Những lao động có trình độ đại học trở lên 

Trong xã hội nông nghiệp, việc đào tạo tuân thủ mô hình “tam giác nhân lực” trên đây là hợp quy luật. Có một số năm việc đào tạo theo mô hình “tam giác lộn ngược”, tức là làm cho “thầy nhiều hơn thợ”, đã tạo ra sự rối loạn trong việc bố trí, sử dụng nguồn nhân lực đã được đào tạo.

Nhưng, vào giai đoạn công nghiệp phát triển và chuyển dần sang kinh tế tri thức thì mô hình trên đây không còn phù hợp nữa. Trong kinh tế tri thức, người được đào tạo ở trình độ cao không còn vai trò làm “thầy” thiên hạ. Bậc đại học đào tạo chủ yếu những lao động có tri thức, có tay nghề cao, để trở thành những người tham gia trực tiếp vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Đó là những lao động tri thức (Knowledge Worker). Trong khi đó, người lao động có trình độ sơ cấp sẽ ít dần. Mô hình đào tạo có kết cấu như một “quả trứng nằm ngang”, tức là như một mô hình ô-van. 

Ở giai đoạn cuối của nền kinh tế công nghiệp mà việc đào tạo nhân lực vẫn theo tư duy của kinh tế nông nghiệp sẽ không còn phù hợp.

2. Những bộ phận cấu thành nguồn nhân lực cần có ở nước ta hiện nay

Phân tích các thành phần chính của nguồn nhân lực, ta thấy có những bộ phận sau:

- Nhân lực nông nghiệp;

- Nhân lực công nghiệp;

- Nhân lực hành chính;

- Nhân lực dịch vụ;

- Nhân lực kinh doanh;

- Nhân lực khoa học, công nghệ;

- Nhân lực văn hóa, nghệ thuật;

- Nhân lực lãnh đạo, quản lý.

Xét về trình độ đào tạo thì tất cả các thành phần nhân lực này vẫn có thể xếp vào một cấu trúc “3 tầng” như ở mục 1 trên đây đã trình bày. Ở đây, chúng tôi quan niệm rằng, ngôi nhà nhân lực cao hay thấp, vững vàng hay siêu vẹo tùy thuộc rất nhiều vào mặt bằng dân trí([21]). Vì vậy, phải đầu tư để mặt bằng dân trí trở thành nền móng vững chắc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đưa ra mấy khuyến cáo sau:

a) Phải nhanh chóng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và thực hiện càng sớm càng tốt việc phổ cập giáo dục bậc trung học cho thế hệ trẻ.

b) Đồng thời với kế hoạch phổ cập giáo dục cho thanh thiếu niên phải có một chiến lược giáo dục người lớn (Adult Education), coi nhẹ giáo dục người lớn sẽ là một sai lầm nghiêm trọng và sẽ làm chậm lại tiến độ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

c) Nguyên liệu để xây dựng ngôi nhà này là nhân cách. Mỗi nhân cách là một viên gạch dùng vào việc dựng nên ngôi nhà. Từ tầng thấp nhất đến tầng cao, tầng nào cũng phải được xây dựng nên bởi những nhân cách có tài, có đức. Càng ở tầng trên, vấn đề nhân cách càng phải được coi trọng.

d) Giáo dục phải là “xi măng” chất lượng cao để xây dựng tòa nhà nhân lực. Một nền giáo dục yếu kém sẽ không  bao giờ làm tròn nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao được.

3. Những kiến nghị cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực

a) Đào tạo công nhân kỹ thuật

- Hình thành hệ thống cao đẳng nghề cấp tỉnh, thành, sao cho mỗi địa bàn này có một trường để đào tạo công nhân tri thức cho địa phương. Trường cao đẳng nghề phải gắn mục tiêu đào tạo với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở cấp tỉnh, thành. Ở cấp Trung ương, trường cao đẳng nghề cũng cần được thành lập để đào tạo công nhân cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

- Tại cấp quận, huyện, mỗi địa bàn cần có một trung cấp nghề, liên thông với các trường trung học phổ thông. Loại trường này vừa góp phần đào tạo công nhân lành nghề, vừa thực hiện mục tiêu phổ cập trung học.

- Ở cấp xã, phường, nhất thiết phải có trường hoặc các trung tâm dạy nghề sơ cấp, những lớp dạy nghề ngắn hạn gắn với cơ sở sản xất, những trung tâm xúc tiến việc làm và hướng nghiệp cho nông dân và những lao động nghèo khó đang tìm kiếm nghề mới hoặc việc làm để tăng thu nhập, hoặc để chuyển từ nghề nông sang những nghề phi nông nghiệp.

- Nhà nước khuyến khích mở những trường lớp đào tạo, bồi dưỡng người lao động tại công ty, xây dựng những quy chế pháp lý ràng buộc công ty chia sẻ phần đào tạo nhân lực với ngành giáo dục và ngành lao động.

b) Đào tạo nông dân

- Đến năm 2010, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn có ít nhất một trung tâm học tập cộng đồng. Nội dung học tập ở trung tâm chủ yếu là chuyển giao tri thức khoa học và công nghệ sản xuất, dạy nghề ngắn hạn.

- Mở các trung tâm đào tạo trình độ sơ cấp nông nghiệp để một số nông dân được đào tạo ngay tại xã. Những trung tâm này là vệ tinh của trung tâm đào tạo nghề cấp huyện.

- Trường trung cấp nghề ở cấp huyện phải có khoa kỹ thuật nông nghiệp để đón nhận những nông dân đã học xong chương trình sơ cấp nghề ở xã.

- Tổ chức tại địa bàn huyện loại trường cao đẳng cộng đồng. Trường cao đẳng cộng đồng liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để giúp cho nông dân theo học các lớp không chính quy tại trung tâm. Với nông dân có thể theo học cao đẳng cộng đồng, nhà nước tạo điều kiện (như cho vay tiền đi học) cho họ để có thể theo học dưới hình thức chính quy. Trường cao đẳng cộng đồng là trường đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện đa mục tiêu giáo dục.

- Tại các xã và huyện cần có câu lạc bộ khoa học và kỹ thuật.

c) Đào tạo công chức

- Đào tạođào tạolại (Refresher training) cho hàng chục nghìn cán bộ quản lý xã, phường, quận, huyện thông qua một chương trình quốc gia và tiến hành tại các trung tâm đào tạo, huấn luyện ở các cấp hành chính.

- Tại các tỉnh, thành, chính quyền chỉ đạo các ngành xây dựng các chương trình học tập nhằm đào tạo lại và nâng cao trình độ cho hệ thống cán bộ, công chức trên địa bàn.

- Tri thức hóa hệ thống cán bộ, đảng viên, những cán bộ trung, cao cấp để thực hiện có chất lượng chiến lược đào tạo công chức trong bước chuyển giao từ xã hội công nghiệp sang xã hội tri thức

d) Hình thành đội ngũ nhân tài

Trong chuyên đề này, chúng tôi coi những công nhân, kỹ sư, những cử nhân cũng những người có trình độ tương đương đại học là những lao động tri thức. Còn những tri thức thực thụ, những nhân tài phải là những cán bộ chuyên môn đầu ngành, những nhà khoa học có uy tín trong nước và trên thế giới, những văn nghệ sĩ có tên tuổi, những danh y, những nhà quân sự tài năng, những nhà chính trị gia lỗi lạc, những doanh nhân thành đạt lớn, v.v…

Không phải những người xuất thân từ những trường đại học, những học viện, những cơ quan khoa học quốc gia, v.v…đều là trí thức. Trí thức thực thụ phải là những người thấy được những điều mà nhiều người chưa nhận thức ra, suy tư những gì mà nhiều người khác không thấy hết, lo lắng về những gì của đất nước mà nhiều người khác chưa cảm nhận được. Cha ông ta gọi họ là hiền tài.

Trí thức - nhân tài không phải là giới có đặc quyền về “chất xám”, mà là những người chia sẻ “chất xám” cho công nông để công, nông trở thành lao động tri thức.

Bằng thiên chức của mình, các bậc tài năng hợp lại thành lực lượng một xã hội tạo nên động lực cho sự phát triển. Trí thức là một bộ phận không tách rời sự tồn vong của dân tộc. Nếu những bậc trí thức mà chúng tôi nói trên đây tách khỏi nhân dân thì điều này cũng có nghĩa là, họ sẽ tự đánh mất sự thông tuệ của mình, đánh mất chỗ đứng của mình.

Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, K.Marx và F.Engels đã viết: “Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên  vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn tất cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh, v.v…Nó buộc tất cả những dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư bản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Tóm lại, nó tạo ra một thế giới theo hình ảnh của nó”([22]). Nhưng điều này có thực hiện được hay không còn phụ thuộc ý chí và bản lĩnh của mỗi dân tộc. Điều đó có liên quan đến việc bảo vệ các giá trị văn hóa, giữ được bản sắc dân tộc độc đáo trong nền văn hóa của quốc gia mình, mà nhiệm vụ ấy đặc biệt lại phụ thuộc ở đội ngũ trí thức.

GS -TS Phạm Tất Dong

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

I. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT

1. Đặng Danh Ánh. Hệ thống dạy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chuyên đề viết cho đề tài “Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam”, Hà Nội, 2007.

2. Đặng Quốc Bảo. Đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam. Chuyên đề viết cho đề tài “Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam”, Hà Nội, 2007.

3. Vũ Đình Cự. Một số vấn đề kinh tế tri thức và thực tiễn công nghiệp hóa ở nước ta. Chuyên đề 5, Tài liệu của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, 2004.

4. Phạm Tất Dong (Chủ biên). Định hướng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong công nghiệp hóa. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

5. Thái Thị Xuân Đào. Định hướng giáo dục không chính quy giai đoạn mới. Đề tài B.2005-80-270.

6. Đặng Hữu (Chủ biên). Phát triển kinh tế tri thức, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

7. Phạm Phụ. Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam. Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2005.

8. Lê Hồng Sơn. Tổ chức đào tạo, bổ túc tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động trong các doanh nghiệp. Chuyên đề thuộc đề tài “Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam”, Hà Nội, 11/2008.

9. Bế Trường Thành. Vài ý kiến về hình thức học tập cho người lao động các dân tộc thiểu số. Một số vấn đề xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Hà Nội, 2008.

10. Trần Đình Thiên. Kinh tế tri thức và vấn đề lựa chọn mô hình phát triển ở Việt Nam. Hội thảo “Kinh tế tri thức và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Hà Nội, 2008. 

II. TÀI LIỆU NƯỚC NGOÀI

1. Jacques Delors. L'éducation: Un trésor est caché dedans. Raport à l’UNESCO de la commission internationale sur l'éducation pour le vingt et unième siècle. UNESCO.1996. Educations ODILE JACOB.1996.

2. David C.Korten. Bước vào thế kỷ XXI. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

3. François Hutart. La mondialisation. Edition Fidélité. No 54, 15 Mass, 2003.

4. Le Duaron Pierre (extrait). La formation tout au long de la vie. Rare françaire d'Administration public. N.104/2002/4, ff573-580, mạng Google.

5. Nico Stehr. Thế giới sinh thành từ trí thức. Tạp chí Xã hội học, 2/2002, Bản dịch từ tiếng  Pháp.

6. Peccei A. The Human Quality. Bản dịch tiếng Nga, M.1980, Nhà xuất bản Progress.

7. Phermando Enrke Cardozo. Các hiệu quả xã hội của sự toàn cầu hóa. Tạp chí “Châu Mỹ La tinh”, 4/1994.

8. Philip G.Albach. Knowledge and Education as International commodities: The collapse of common Good - International Higher Education, Summer, 2002, Boston college.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

([1]) Xem chuyên khảo “Phát triển con người từ quan niệm đến chiến lược hành động”. Nhà xuất bản Chính trị quộc gia, Hà Nội, 1999.

([2]) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập IV, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.32-33.

([3]) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập IV, tr.152.

([4]) Về quan niệm “con người”, dòng văn hóa phương Tây nêu cao khẩu hiệu “con người là trung tâm của sự phát triển”.

([5]) Xem trong cuốn “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn” của Jacques Delors. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.188-189.

([6]) Báo cáo phát triển con người, 1993, New York, Nhà xuất bản Đại học Oxford, 1993.

([7]) Jacques Delors. Diễn văn tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển, Rio de Janeiro, Brazin, 6/1992.

([8]) Colin Power. Diễn văn tại Bắc Kinh trong Ngày Văn hóa quốc tế 8/9/1995 

([9]) Federio Mayor. Diễn văn tại Bắc Kinh trong Ngày Văn hóa quốc tế 8/9/1995 

([10]) Hồ Chí Minh. Bài nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên năm 1959. Tư liệu Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh

([11]) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập V, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.231.

([12]) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập V, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1965, tr.231

([13]) Alvin Toffler. Làn sóng thứ ba. Nhà xuất bản Thông tin lý luận, Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr.182

([14]) Sđd (11), tr.183

([15]) Cuốn sách này được dịch và xuất bản do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia thực hiện năm 2000

([16]) Phernando Enrike Cardozo. Các hiệu quả xã hội của sự toàn cầu hóa. Tạp chí “Châu Mỹ La tinh”. 4/1994.

([17]) Ủy ban quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa. Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Bộ Văn hóa – Thông tin xuất bản.

 ([18]) Xem “Petit Larousse illustré - 1992”, tr.520

([19]) A. Touraine. Dân chủ là gì? Người đưa tin UNESCO, Hà Nội, 1992, số 11.

([20]) Mác, Engghen, Tập 6, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.334.

([21]) Mặt bằng dân trí được hiểu là số năm đi học trung bình trong dân số độ tuổi từ 7 đến 60 tuổi. Tổng số năm đi học của dân số này được chia cho đầu người trong độ tuổi thành mặt bằng dân trí. Hiện nay, mặt bằng dân trí của Việt Nam mới trên 7 năm (ở nhiều nước châu Âu là 12 năm, Mỹ là 14 năm).

([22]) C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, Tập IV, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995,  tr.602

Bản để in Lưu dạng file Gửi tin qua email
Những bản tin khác: Giáo sư Nguyễn Thị Doan: Học sinh "đắm mình" trong công nghệ, giáo viên phải đổi mới không ngừng để thích ứng [08.2024] Phú Thọ: Tôi học để làm công tác khuyến học [08.2021] Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Tri thức thời nay không phải cuốn bí kíp nội bộ' [12.2020] Mỗi cán bộ khuyến học phải là một cán bộ 'Dân vận khéo' [05.2020] Gia đình học tập là tế bào quan trọng để xây dựng xã hội học tập [02.2020] Nét mới trong Kết luận số 49 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị khóa X [07.2019] Nên có sự lồng ghép nội dung các phong trào thi đua, phong trào xây dựng các mô hình trong giai đoạn hiện nay [07.2019] Người lớn cần trả lại môi trường giáo dục lành mạnh cho trẻ em [06.2019] Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động GDTX đáp ứng yêu cầu HTSĐ của mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập [11.2018] Giáo dục phổ thông: Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa [11.2018] Xem tiếp...
01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 2024 2023 2022 2021 2020
Truy cập nhanh Thông tin nổi bật Văn bản của Trung ương Hội Khuyến hoc và Giáo dục Hoạt động khuyến học Hoạt động khuyến học » Đại hội thi đua Khuyến học toàn quốc lần thứ II Trung tâm học tập cộng đồng Gương sáng khuyến học & GD Xây dựng xã hội học tập Nhân tài Đất việt Nhân tài Đất việt » Nhân tài đất Việt Văn bản Pháp quy Dòng họ khuyến học Gia đình & dòng họ học tập Sổ tay khuyến học Tài trợ & Học bổng Giải thưởng Chu Văn An Giới thiệu Tổ chức Thông tin khuyến học địa phương Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục Kinh tế - Xã hội Văn Hóa-Đời sống Tài liệu sưu tầm về xã hội học tập Điều lệ Hội Khuyến học VN Điều lệ Hội Khuyến học VN » Điều lệ Hội Khuyến học Việt Nam Hội Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh (Thử nghiệm) Lên đầu trang
Tìm hiểu

Hội Khuyến học Việt Nam

Tin mới cập nhật
Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Cao Bằng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Toạ đàm "Một số giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó học giỏi"
Kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam: Không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp trồng người
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát động Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt năm 2025"
Hội Khuyến học Việt Nam sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: "Thiên tai và nghịch cảnh khiến con người càng coi trọng việc học"
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan: Vận dụng tư tưởng của Bác về phát triển con người vừa Hồng vừa Chuyên
Hội Khuyến học Việt Nam góp phần đào tạo bồi dưỡng người công dân tốt trong thời kỳ mới
Tạp chí Công dân và Khuyến học phát động cuộc thi viết “Gia đình học tập”
Trao giải cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước"
Hội Khuyến học tỉnh Nam Định trao học bổng không bao giờ cùng 2024
Hội Khuyến học Việt Nam ký kết phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Hội Khuyến học Việt Nam ủng hộ đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng bão số 3
Hỏi - Đáp về công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Giáo sư Nguyễn Thị Doan: Học sinh "đắm mình" trong công nghệ, giáo viên phải đổi mới không ngừng để thích ứng
Chủ trương xây dựng và phát triển xã hội học tập ở Việt Nam
Nhà báo, Nhà văn Huỳnh Dũng Nhân: 70 tuổi tôi vẫn tự học, kể cả học từ học trò của mình
Đẩy mạnh các mô hình, không gian phục vụ học tập suốt đời
Long An: Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả nổi bật
Thời gian mở trang: 1.587 giây. Số lần truy cập CSDL: 11Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014 của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tửPhụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam. Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.

Từ khóa » Nguồn Nhân Lực Con Người Là Gì