Xây Dựng Khối đại đoàn Kết Dân Tộc Trong Các Tổ Chức Mặt Trận Trong ...

Truy cập nội dung luôn ​ MENU
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Tổng quan
    • Lãnh đạo ngành
    • Sơ đồ tổ chức
    • Lịch sử hình thành và Phát triển
    • Chức năng – nhiệm vụ
    • Đơn vị trực thuộc
    • Thành tựu - phát triển
    • Đảng, đoàn thể
    • Hội khoa học Tâm lý và Giáo dục
    • Các tổ chức hội
      • Hội cựu Giáo chức
    • Đảng ủy Sở
    • Công đoàn ngành
    • Phòng Giáo dục Trung học
    • Phòng Tổ chức cán bộ
    • Phòng giáo dục chuyên nghiệp giáo dục thường xuyên
    • Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục
  • Thông tin thi
  • Tin tức - Sự kiện
  • Chuyên môn
  • Khuyến học - khuyến tài
  • Nghiên cứu khoa học
  • Văn bản
    • Phòng Tổ chức – Hành chính
    • Thanh tra
    • Phòng kế hoạch tài chính
    • Giáo dục tiểu học
    • Giáo dục mầm non
    • Giáo dục trung học
    • Phòng GDCN - GDTX
    • Khảo thí & QLCLGD
    • Công Đoàn
    • Chỉ đạo điều hành
    • Hội Cựu Giáo chức
    • Hội khoa học và tâm lý giáo dục
    • TT HTCTTVB&GDNG
  • Góp ý dự thảo văn bản
  • Liên hệ hỏi đáp
  • Thủ tục hành chính

>>>> TIN VẮN

Chủ đề năm học 2024-2025: "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo"

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong các tổ chức mặt trận trong lịch sử Việt Nam giai đoạn 1939 - 1945 09/12/2020

Bài học về coi trọng việc đoàn kết dân tộc để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đoàn kết mọi lực lượng dân tộc trong Mặt trận Việt Minh để đánh đổ chính quyền của đế quốc phát xít và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền nhân dân trong cách mạng tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay

1. Đường lối đoàn kết dân tộc của Đảng - Cơ sở lý luận và thực tiễn

a. Cơ sở lý luận

- Chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng lịch sử là do nhân dân sáng tạo ra và cách mạng là sự nghiệp của quần chúng được giác ngộ, tập hợp và tổ chức. Khẩu hiệu chiến lược của Mác: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” và của Lênin: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!” đã được các đảng cộng sản và các dân tộc thuộc địa thực hiện, từng bước làm nên những thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam, đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”.

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu

(Nguồn:https://baotanghochiminh.vn/cung-co-phat-trien-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-hien-nay-theo-tu-tuong-ho-chi-minh.htm)

b. Cơ sở thực tiễn

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những đặc điểm riêng về lịch sử - văn hóa, đồng thời lại có nền kinh tế - xã hội khác nhau. Ngay trong nội bộ của một dân tộc cũng có các giai cấp khác nhau và trong một giai cấp lại có những tầng lớp khác nhau (trong địa chủ có đại, trung và tiểu địa chủ; trong tư sản có tư sản mại bản và tư sản dân tộc; trong nông dân có phú nông, trung nông, bần nông…). Ngoài ra, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam còn có những tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và trong một tôn giáo lại có sự khác nhau về vai trò, về vị trí của mỗi người. Chính sự đa dạng, phong phú nói trên đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên chăm lo sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc để có thể vượt qua những thử thách trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Công cuộc chống giặc ngoại xâm và nội phản, xây dựng và phát triển đất nước, sáng tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử đã hình thành nên truyền thống đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.

Từ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, những bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết, trong đó bài học có giá trị quan trọng là phải luôn xây dựng cho được khối đại đoàn kết toàn dân.

2. Vai trò của Mặt trận

Tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho mọi người dân thuộc các thành phần, giai cấp khác nhau giác ngộ, nhận thức đúng đắn vị trí và vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng, ra sức cống hiến cho công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Phối hợp, tham gia với cơ quan Nhà nước tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đẩy nhanh sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Tập hợp đông đảo quần chúng, vận động và tổ chức các tầng lớp nhân dân thành những lực lượng chính trị hùng hậu, phá tan âm mưu chia rẽ của ngoại xâm và nội phản, tạo lập được khối đoàn kết dân tộc mạnh mẽ, cô lập và phân hóa cao độ kẻ thù nhằm chĩa mũi nhọn đấu tranh lật đổ chúng.

Trên cơ sở các lực lượng chính trị, các hội, đoàn thuộc Mặt trận đã được tổ chức, củng cố và phát triển, từng bước hình thành lực lượng vũ trang cách mạng. Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang với hai mặt trận đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành chính quyền cũng như giữ vững chính quyền và xây dựng đất nước.

Tùy theo hoàn cảnh lịch sử, Mặt trận đã có lúc thực hiện vai trò của một chính quyền (Mặt trận Việt Minh). Mặt trận quản lý vùng giải phóng, chia ruộng đất cho nông dân, tổ chức nông dân làm ăn tập thể, động viên thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, tổ chức cho nhân dân học tập, thực hiện việc cứu tế, chăm lo đời sống của người dân, cổ vũ mọi người đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.

3. Các mặt trân giai đoạn 1939 - 1945

a. Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (Mặt trận Phản đế Đông Dương) (11-1939)

Ngày 1-9-1939, quân đội Đức tấn công Ba Lan, mở màn cho Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, Toàn quyền Catơru ra lệnh tổng động viên, thi hành chính sách “Kinh tế chỉ huy”, huy động tối đa nguồn lực của Đông Dương để cung cấp cho nước Pháp.

Từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị, quyết định đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đánh dấu sự chuyển hướng đúng đắn của Đảng về chỉ đạo chiến lược cách mạng. Về Mặt trận, Hội nghị đã có những quyết sách mới, kịp thời và phù hợp với sự biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước.

Nghị quyết Hội nghị vạch rõ, chính sách cai trị của Chính phủ Pháp đã hoàn toàn phát xít hóa, ách thống trị các thuộc địa, nhất là Đông Dương chính là một chế độ phát xít rõ rệt và mưu mô đầu hàng, thỏa hiệp với phát xít Nhật đã đặt ra trước mắt vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương. Vì thế, “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”.

Trước đây, Mặt trận dân chủ là thích hợp nhưng nay do tình hình thay đổi, phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương là hình thức liên hiệp tất cả các dân tộc Đông Dương, tất cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế muốn giải phóng cho dân tộc, để tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, chống xâm lược phát xít, đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai của đế quốc đòi hòa bình cơm áo, thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương.

Khác với Mặt trận dân chủ là sự liên hiệp các giai cấp có ít nhiều tiến bộ, các đảng phái cách mệnh với các đảng phái cải lương để đòi cải cách, Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế là mặt trận cách mệnh, là sự liên hiệp các dân tộc, các giai cấp, các đảng phái, các phần tử có tính chất phản đế. Mục đích của Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương là đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến tay sai. “Lực lượng chính của cách mạng là công nông dựa vào các tầng lớp trung sản thành thị, thôn quê và đồng minh chốc lát hoặc trung lập giai cấp tư sản bổn xứ, trung tiểu địa chủ,… dưới quyền chỉ huy của vô sản giai cấp”.

Về phương pháp, Hội nghị một mặt cho rằng phải biết khôn khéo hoạt động công khai và bán công khai để che đậy cho những tổ chức bí mật, biết lợi dụng những tổ chức tương tế ái hữu, phường, hội, hiếu hỷ, văn hoá, thể thao... để thâu phục quảng đại quần chúng, mặt khác, nhiệm vụ chính của Đảng trong công tác tổ chức quần chúng là thành lập những hội bí mật như Công hội, Nông hội, Phản đế hội, và nếu không chú ý củng cố và khuếch trương các tổ chức ấy tức là thủ tiêu cách mệnh. Về hình thức tổ chức, phải tuỳ theo trình độ quần chúng mà tổ chức hoặc tương tế bảo an hoặc phản chiến, phản đế. Phải biết hướng tất cả phong trào tranh đấu lẻ tẻ vào cuộc tranh đấu chung, phản đối đế quốc chiến tranh, chống đế quốc Pháp và tay sai, chuẩn bị để bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, đến cuối năm 1940, các tổ chức quần chúng đã từng bước được củng cố và phát triển. Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương được tổ chức từ làng đến tỉnh và chuẩn bị đi đến thống nhất toàn xứ. Trong khi đó, tình hình có thêm những chuyển biến mới, ngày 22-9-1940, quân đội phát xít Nhật tiến vào Lạng Sơn và đổ bộ lên Hải Phòng, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.

Trong các ngày 6 đến ngày 9-11-1940, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị và chỉ rõ chính sách của Pháp ở Đông Dương: về nội trị là khủng bố, về ngoại giao là đầu hàng - bên Pháp Pêtanh đầu hàng Đức, bên Đông Dương G. Đờcu đầu hàng Nhật. Trong lúc này kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là đế quốc chủ nghĩa Pháp, Nhật. Vì thế, phải tập trung hết thảy những lực lượng phản đế, phản phong ở Đông Dương, liên hiệp các lực lượng ấy thành một Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính và tay sai của chúng.

Trong Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, vô sản giai cấp phải mật thiết liên lạc với bần nông, liên minh với trung nông và tiểu tư sản thành thị, bắt tay tư sản bản xứ và địa chủ phản đế, biến họ thành những lực lượng của cuộc cách mạng tư sản dân quyền, của mặt trận phản đế, liên hiệp với Hoa kiều kháng Nhật và những người Pháp chống phát xít và có những xu hướng dân chủ, tán thành cho Đông Dương độc lập. Nghị quyết chỉ rõ: “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế là sự liên minh giữa các lực lượng cách mạng phản đế không phân biệt giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo, mục đích là thực hiện việc thống nhất hành động giữa các lực lượng ấy đặng tranh đấu tiến lên võ trang bạo động đánh đổ đế quốc Pháp, Nhật và các lực lượng phản động ngoại xâm, diệt trừ phong kiến và các hạng phản bội quyền lợi dân tộc, làm cho Đông Dương được hoàn toàn giải phóng... Hiện thời Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế gồm có những đoàn thể sau này: Đảng Cộng sản Đông Dương, các công hội, nông hội, Việt Nam phản đế cứu quốc hội, các hội phản đế cứu quốc,... hội phụ nữ giải phóng, thanh niên phản đế đoàn, các đội tự vệ, các hội tán trợ cách mạng”.

Ngoài ra, Hội nghị còn vạch rõ hình thức Mặt trận và hệ thống tổ chức của nó, chương trình cụ thể và phương pháp tuyên truyền cổ động của Mặt trận, vấn đề Đảng lãnh đạo Mặt trận... Nghị quyết xác định: “Trong giờ tranh đấu quyết liệt, Mặt trận phải trực tiếp võ trang cho dân chúng cùng Đảng tổ chức nhân dân cách mệnh quân, trực tiếp tham gia điều khiển bạo động”.

Trong vòng chưa đầy nửa năm, từ tháng 9-1940 đến tháng 1-1941, trên cả ba kỳ đã nổ ra hai cuộc khởi nghĩa (Bắc Sơn, 27-9-1940; Nam Kỳ, 23-11-1940) và cuộc binh biến Đô Lương (13-1-1941). Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu của hình thức đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam, đồng thời minh chứng cho chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế là hoàn toàn đúng đắn.

b. Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) (5-1941)

Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Từ tháng 2 đến tháng 4-1941, Người đã xây dựng được các tổ chức cứu quốc ở Cao Bằng. Tại Pác Bó (Cao Bằng), từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị khẩn trương cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ trong lúc này quyền lợi của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của của dân tộc. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó, Đảng phải thống nhất các lực lượng cách mạng dưới một ngọn cờ thống nhất, tập hợp tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo có tinh thần chống Pháp, chống Nhật thành thật muốn độc lập cho đất nước trong một mặt trận để thực hiện cuộc cách mạng dân tộc giải phóng.

Từ đó, tổ chức mặt trận không như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế chung cho toàn Đông Dương mà là Mặt trận riêng cho mỗi nước ở Đông Dương. “Mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay ở Việt Nam là Việt Nam độc lập đồng minh hay nói tắt là Việt Minh. Đảng ta và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào tổ chức ra Cao Miên độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh để sau đó lập ra Đông Dương độc lập đồng minh”.

Hội nghị còn vạch ra khá toàn diện về nội dung, nhiệm vụ, cách tổ chức và phương pháp hoạt động của Mặt trận Việt Minh. Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng nǎm cánh ở chính giữa làm huy hiệu, có một bản chương trình đưa ra để hiệu triệu nhân dân, thực hiện khẩu hiệu chính trước mắt là: Phản Pháp, kháng Nhật, liên Hoa, độc lập. Về cách tổ chức, Việt Minh lấy làng, đường phố, nhà máy làm cơ sở tổ chức, đồng thời thay tên gọi của các tổ chức đoàn thể là Công nhân Cứu quốc hội, Nông dân Cứu quốc hội, Thanh niên Cứu quốc đoàn, Phụ nữ Cứu quốc đoàn, Quân nhân Cứu quốc hội, Nhi đồng Cứu vong đoàn, Vǎn nhân Cứu quốc hội, Giáo viên Cứu quốc hội, Phụ lão Cứu quốc hội, Học sinh Cứu quốc đoàn. Ngay cả với cai ký, đốc công, phú nông, địa chủ, nếu thành thật vì cách mạng cứu dân, cứu nước thì lôi kéo vào công hội, nông hội hoặc tổ chức họ vào các đoàn thể như nhóm bạn Liên Xô, ủng hộ quỹ Việt Minh, hay Phú hào Cứu quốc hội.

Chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 về cách mạng Việt Nam nói chung và về Mặt trận nói riêng đã mở ra một thời kỳ mới trong việc tập hợp rộng rãi, đoàn kết các lực lượng cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày 25-10-1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, trong đó nêu rõ Việt Minh liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp, cùng nhau đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật, giành quyền độc lập cho đất nước.

Thực hiện chủ trương của Hội nghị, từ cuối năm 1941 đến đầu năm 1942, các hội, đoàn Cứu quốc của các giới đã ra đời ở nhiều tỉnh và thành phố Hà Nội, Hải Phòng, trong đó Cao Bằng là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiếp thu chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh. Sau Cao Bằng, tổ chức Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc nhanh chóng lan rộng sang các tỉnh khác: Quảng Trị, Quảng Nam, Thanh Hóa, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Mỹ Tho,...

Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân từ ngày Mặt trận Việt Minh ra đời có bước phát triển mới (đấu tranh của công nhân Hà Nội, Sài Gòn... của nông dân Thái Bình...). Hoạt động tuyên truyền, rải truyền đơn, ra sách, báo... trở nên sôi nổi hơn.

Đến đầu năm 1943, khi Chiến tranh thế giới thứ hai có những chuyển biến sâu sắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp Hội nghị từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943, chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Việt Minh và chuẩn bị gấp rút việc khởi nghĩa vũ trang.

Nghị quyết Hội nghị xác định kẻ thù số một của dân tộc Đông Dương lúc này không phải là tất cả đế quốc chủ nghĩa mà chỉ là đế quốc phát xít, đặc biệt là phát xít Nhật - Pháp, cho nên phải vận động mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp. Mặt trận dân tộc giải phóng Đông Dương không phải là Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế nói chung mà là Mặt trận thống nhất chống phát xít Nhật - Pháp. Do đó, phải ra sức tìm kiếm các phái đảng cách mạng Việt Nam chưa gia nhập Việt Minh và đề nghị với Việt Minh mở ngay những cuộc đàm phán chính thức với họ đặng thực hiện cuộc liên minh chính thức; mặt khác, phải luôn luôn củng cố và phát triển những tổ chức của thợ thuyền, dân cày vì đó là xương sống của Mặt trận, nhưng đồng thời phải hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc của thanh niên, phụ nữ và tư sản, địa chủ, tiểu thương... nếu không, Mặt trận dân tộc không có tính chất toàn dân mà chỉ có tính chất công nông mà thôi.

Với chủ trương đó, năm 1943, Đảng đã đề ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam, và sang năm 1944, Đảng Dân chủ Việt Nam và Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập, đứng trong Mặt trận Việt Minh. Nhiều tờ báo của Mặt trận Việt Minh được xuất bản, góp phần đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cách mạng, đồng thời chống những thủ đoạn chia rẽ, lừa bịp của địch.

Đêm mồng 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị và ngày 12-3-1945 ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị nêu rõ phát xít Nhật đã trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương, trước mắt phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị, cho đến những hình thức cao như biểu tình thị uy, vũ trang du kích, sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện. Mặt trận Việt Minh phải mở rộng cơ sở, thành lập những ban “tổ chức xung phong” đi gây cơ sở cứu quốc ở những nơi chưa có, dùng những tổ chức đơn sơ như bảo an, nhân dân tự vệ đội, nghĩa dũng đoàn... rồi do những hình thức ấy mà gây ra cơ sở cứu quốc nhanh chóng, đặc biệt chú ý phát triển các đội tự vệ cứu quốc và thanh niên cứu quốc.

Kết quả là từ tháng 3 đến giữa tháng 8-1945 đã diễn ra làn sóng khởi nghĩa từng phần dâng lên tại nhiều nơi. Trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945), cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi trong cả nước. Ngày 30-8-1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên Ngôn Độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hǎng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng tháng Tám đã thắng lợi” - nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên vai trò của Việt Minh trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Bài học về coi trọng việc đoàn kết dân tộc để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đoàn kết mọi lực lượng dân tộc trong Mặt trận Việt Minh để đánh đổ chính quyền của đế quốc phát xít và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền nhân dân trong cách mạng tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay./.

Thạc sĩ Nguyễn Công Chánh (Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang)

Tin liên quan Tổng Bí thư Tô Lâm: Người thầy là đầu tàu cho giáo dục - 15/11/2024 TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018: Phát triển đội ngũ nhà giáo giỏi nghề, tận tâm với học sinh - 07/11/2024 Mời đọc Tập san Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang 20/11/2024 - 07/11/2024 Miền đất học Tiền Giang trong nửa đầu thế kỷ XIX - 18/10/2024 Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông năm học 2024 - 2025 - 08/10/2024  2568/SGDĐT-TCHC: V/v triển khai thực hiện Quyết định số 2961/QĐ-UBND ngày 03/12/2024 của UBND tỉnh về việc công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang
cv_trien_khai_quyet_dinh_2961_ubnd_tinh_congbobotthcnganhgiaoduc_hc_signed_signed.pdf(1-lượt)
2961_qd_signed.pdf(1-lượt)
 2567/SGDĐT-TCHC: V/v triển khai thực hiện Quyết định số 892/QĐ-BNV ngày 05/12/2024 của Bộ trưởng Bộ nội vụ về Phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính” giai đoạn 2024 -2030
Dinh-kem-cv-2567.zip(2-lượt)
cvtrienkhaiqd892cuabonoivu_signed_signed.pdf(1-lượt)
 2541/SGDĐT-TCHC: V/v chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực từ bản chính khi thực hiện thủ tục hành chính
8835_VPCP-KSTT_30112024_1-signed.pdf(8-lượt)
cvchanchinhtinhtrangyeucaucungcapbansaochungthuctubanchinhkhithuchientthc_signed_signed.pdf(8-lượt)
7793_signed.pdf(7-lượt)
 1048/QĐ-SGDĐT: Quyết định về việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2024
dskktshangnamnam2024_signed_signed.pdf(12-lượt)
dskktslandaunam2024_signed_signed.pdf(10-lượt)
dskktsbosungnam2024_signed_signed.pdf(9-lượt)
qdcongkhaidoituongkkts2024(lan2)_signed_signed.pdf(10-lượt)
dskktspvctcbnam2024_signed_signed.pdf(7-lượt)
 2514/SGDĐT-KTQLCLGD: V/v hướng dẫn tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THPT năm học 2024-2025
cautrucdethihocsinhgioicaptinhthptnamhoc2024-2025_signed.pdf(3-lượt)
thichonhsg_captinh_thpt_2025_signed_signed.pdf(5-lượt)
Xem tất cả >>

Liên kết website Thi tìm hiêu về Chuyển đổi số Bộ Giáo dục và Đào tạo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang Mail Moet.edu.vn Viễn thông Tiền Giang Hội Khoa học Tâm và Giáo dục Tiền Giang Một cửa Tiền Giang
Đang truy cập: -
Hôm nay: -
Tuần hiện tại: -
Tuần trước: -
Tháng hiện tại: -
Tháng trước: -
Tổng lượt truy cập: -
Natural Natural Natural Natural Natural Natural Natural
Chung nhan Tin Nhiem Mang​TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TIỀN GIANG http://sgddt.tiengiang.gov.vn - http://tiengiang.edu.vn Cơ quan quản lý: Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Tổ chức quản lý trang thông tin điện tử: Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Tiền Giang Người chịu trách nhiệm: Lê Quang Trí Giấy phép: 15/GP-TTĐT Địa chỉ: Số 397, đường Hùng Vương, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang Điện thoại: 073.3872603 - Fax: 073.885373 Email: banbientap@tiengiang.edu.vn

Từ khóa » đảng Chủ Trương Thành Lập Mặt Trận Thống Nhất Nhân Dân Phản đế đông Dương để