Xây Dựng Nông Thôn Mới Gắn Với Quá Trình đô Thị Hóa

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định riêng phê duyệt Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18/5/2017) để định hướng cho các địa phương trong xây dựng NTM gắn với đô thị hóa. Đề án hướng tới hình thành môi trường dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn cấp huyện phù hợp với tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn. Trong đó, xác định rõ 6 định hướng rất rõ ràng theo ngành, lĩnh vực, cụ thể là:

a) Hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gắn với các thị trấn, trung tâm cụm xã, các cụm công nghiệp và các thị tứ gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung;

b) Phát triển các điểm dân cư tập trung trên địa bàn xã: Xây dựng nông thôn mới phù hợp với lộ trình, giai đoạn nâng cấp lên đô thị với mục tiêu phát triển kinh tế tối đa, sử dụng đất đai hiệu quả, có sự chuẩn bị cho việc lên đô thị, việc xây dựng nông thôn mới cần có sự gắn bó mật thiết với quá trình đô thị hóa, có sự kế thừa, tránh đầu tư lãng phí khi phát triển lên đô thị.

c) Phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung vào sản xuất cung ứng phần lớn vật tư phục vụ nông nghiệp

d) Phát triển dịch vụ thương mại: Phát triển các loại hình tổ chức thương mại đặc thù tại các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung hoặc vùng ven đô.

đ) Phát triển cơ sở hạ tầng khung: Đảm bảo phục vụ cấp nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế. Phát triển giao thông vận tải một cách bền vững, tạo sự liên kết, liên hoàn thông suốt. Đối với cơ sở hạ tầng tại các huyện có tốc độ đô thị hóa cao cần rà soát, tính toán việc áp dụng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của đô thị nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng được đầu tư trong quá trình xây dựng nông thôn mới để phát triển đô thị.

e) Phát triển hệ thống hạ tầng xã hội: Phát triển hệ thống công trình giáo dục trung học phổ thông, hệ thống công trình y tế cấp huyện gắn với các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất.

2. Kết quả xây dựng nông thôn mới

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, xây dựng NTM đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước. Sau 10 năm triển khai, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành công nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016… Đến nay, cả nước đã có 64,8% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 16,7 tiêu chí/xã; có 201 đơn vị cấp huyện thuộc 52 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hóa một bước theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, thương mại nông thôn được tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách với khu vực đô thị.

3. Một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng NTM gắn với đô thị hóa

Bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, sự kết nối giữa nông thôn và đô thị còn hạn chế, nông thôn mới chưa hài hòa và phù hợp với quá trình đô thị hóa, dẫn đến quy hoạch manh mún, đứt gãy, các trung tâm đô thị, thị xã, thị tứ chưa phát huy được vai trò đầu tầu về kinh tế, chưa tạo ra được các hiệu ứng lan tỏa. Một số địa phương có xu hướng “đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa miền quê” dẫn đến phá vỡ cảnh quan, không gian văn hóa truyền thống của nông thôn Việt Nam. Cụ thể như sau:

Việc quy hoạch xây dựng NTM chủ yếu mới tập trung vào cấp độ quy hoạch chung, với 03 vấn đề chính là xây dựng, sản xuất, sử dụng đất. Hoạt động quy hoạch chi tiết trung tâm xã, các điểm dân cư nông thôn, cảnh quan NTM còn ít được quan tâm. Chưa quan tâm đến việc gìn giữ kiến trúc nông thôn, đặc biệt là vùng miền, thiếu không gian, kiến trúc đặc trưng, có hiện tượng đồng về cảnh quan, kiến trúc, khu vực nông thôn.

Nhiều địa phương có xu hướng dành những khu vực có điều kiện thuận lợi nhất để quy hoạch phát triển thành đô thị, còn những vùng đất khó khăn, những nơi thiếu thốn thì giữ lại nông thôn, dẫn đến sự phát triển đô thị và không gian đô thị chưa hợp lý. Ở một số địa phương, chủ yếu tập trung vào ưu tiên đầu tư cho các hạ tầng trong lõi của vùng đô thị, mà chưa quan tâm đến đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ giữa đô thị và các vùng nông thôn, nhất là vùng ven đô.

Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đa dạng của các vùng, miền và các dân tộc chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là các vùng ven đô thị, có khả năng phát triển thành đô thị.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí và đặc biệt là rác thải ở các vùng nông thôn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Cùng với đó, khu vực nông thôn gánh chịu những tác động về ô nhiễm môi trường: Chất thải sinh hoạt của đô thị được thu gom tập trung và xử lý tại nông thôn; nước thải đô thị cũng thải trực tiếp ra các kênh, mương ở nông thôn… Trong khi đó, khu vực đô thị lại chưa làm tốt và phát huy đầy đủ vai trò đầu tầu, dẫn dắt và hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông thôn, từ thị trường tiêu thụ, công nghệ, hiệu ứng kinh tế lan tỏa…

Đối với khu vực ven đô, chính quyền và người dân chưa được chuẩn bị, trang bị đầy đủ khi lên đô thị, nhất là ở các vùng giáp ranh nông thôn ven đô. Năng lực của chính quyền chưa được chủ động chuẩn bị để làm tốt vai trò của chính quyền đô thị. Người dân cũng chưa được chuẩn bị, nâng cao năng lực để từ nông dân trở thành thị dân.

Một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng chưa có hướng dẫn để đảm bảo sự kết nối giữa nông thôn và đô thị, dẫn đến tình trạng một số xã sau khi đạt NTM được chuyển thành phường thì các công trình hạ tầng không đáp ứng tiêu chí của đô thị (đường giao thông, nhà văn hóa…) dẫn đến sự lãng phí về nguồn lực đầu tư.

II. Định hướng xây dựng NTM gắn với đô thị hóa

1. Một số định hướng chính

Bước sang giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, kết nối chặt chẽ xây dựng NTM với quá trình đô thị hóa (Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030).

Cùng với đó, Nghị quyết 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng đã xác định rõ mục tiêu xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Căn cứ các định hướng của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (Tờ trình số 5301/TTr-BNN-VPĐP ngày 20/8/2021) với những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa, cụ thể là:

- Xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền giữa nông thôn - đô thị.

- Xây dựng NTM phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Hướng đến nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, người dân được tiếp cận chất lượng dịch vụ đời sống được tốt hơn (kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế…)

- Xây dựng NTM phải chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, các giá trị tốt đẹp về văn hóa, con người Việt Nam được bảo tồn và phát huy.

2. Giải pháp xây dựng NTM gắn với đô thị hóa

a) Về quan điểm

Xác định quá trình đô thị hóa là tất yếu và phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình đô thị hóa nhưng mối quan hệ tương hỗ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới phải dựa vào nguyên tắc: Cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro. Đô thị hóa phải hỗ trợ quá trình xây NTM bền vững; đảm bảo kết nối và đồng bộ về hạ tầng giữa đô thị và nông thôn, không chỉ hạ tầng cứng mà cả hạ tầng về thông tin, chuyển đổi số…

b) Giải pháp cụ thể

Rà soát, điều chỉnh lập quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với quá trình CNH-ĐTH nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM, làm cơ sở lập quy hoạch chung các xã, các đô thị, các khu chức năng thuộc huyện. Quy hoạch cảnh quan, kiến trúc nông thôn cần chú trọng đến bảo tồn, chỉnh trang các không gian làng, xã mang đặc trưng của vùng miền, bảo đảm phù hợp, tạo nên sự hài hòa và thân thiện với môi trường.

Đẩy mạnh gắn kết các thị trấn, thị tứ, điểm dân cư tập trung trên địa bàn huyện hoặc liên huyện với các điểm sản xuất, dịch vụ từ nông nghiệp. Tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa tại chỗ, phát triển dân cư phi nông nghiệp trên địa bàn cấp huyện, xã.

Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, từng bước bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện. Ưu tiên vốn đầu tư cho các hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng liên thông nông thôn - đô thị; hạ tầng về xử lý môi trường; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin…

Xác định rõ về định hướng vai trò của nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực ven đô để có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp. Tăng cường phát triển đô thị ven đô theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đưa nông nghiệp ven đô trở thành không gian sinh thái, nghỉ dưỡng, phục vụ đô thị.

Đô thị hóa phải hài hòa với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng của các vùng miền, các dân tộc nhằm kết nối các giá trị văn hóa giữa đô thị - nông thôn, tạo sự hài hòa, phù hợp trong quá trình phát triển kinh tế xã hội nông thôn.

Tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phân tán; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam. Nâng cao trách nhiệm đầu tư của đô thị cho khu vực nông thôn về hạ tầng môi trường, xử lý rác thải, nước thải, phù hợp với vai trò là nơi tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt của đô thị.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng đến NTM thông minh nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, khả năng tiếp cận dịch vụ chất lượng đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là các chất lượng về giáo dục, y tế, thương mại…

Định hướng và hướng dẫn cụ thể trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM để phù hợp với tiến trình đô thị hóa các xã, huyện. Đặc biệt là các quy định, tiêu chuẩn về hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế…

Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách cho các tỉnh; các quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã hỗ trợ ngân sách cho các huyện để hài hòa, cân bằng lợi ích.

Từ khóa » Khái Niệm Dân Cư Nông Thôn