Xe Gắn Máy Và Những Kiến Thức Cơ Bản Bạn Nên Biết (Phần I) - Genk

Tóm tắt bài viết:

- Bài viết nhằm giới thiệu những kiến thức cơ bản về xe gắn máy, một trong những phương tiện cơ giới phổ biến nhất hiện nay.

- Trong phần I, chúng ta sẽ tìm hiểu qua khái niệm cơ bản, phân loại, lịch sử phát triển và việc phân bố, sử dụng xe máy trên toàn thế giới.

Bên cạnh ô tô, những chiếc xe máy cũng là một trong những phương tiện di chuyển rất phổ biến hiện nay. Thậm chí ở một số quốc gia, số lượng xe gắn máy còn vượt trội hơn rất nhiều so với các loại xe ô tô và phương tiện công công, Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia như vậy. Bên cạnh những ưu điểm như sử dụng tiện lợi, điều khiển dễ dàng, phù hợp với nhiều loại địa hình và đường xá, những chiếc xe máy còn có giá thành rẻ hơn cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn khá nhiều so với ô tô.

Xe gắn máy và những kiến thức cơ bản bạn nên biết (Phần I)

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những kiến thức cơ bản về xe gắn máy, xem chúng có cấu tạo và hoạt động như thế nào cũng như sự phát triển công nghệ của những chiếc xe trong tương lai.

Khái niệm cơ bản và phân loại

Theo Wiki, xe máy là phương tiện cơ giới có hai bánh, được trang bị động cơ truyền động tới bánh sau giúp chiếc xe có thể di chuyển về phía trước. Người lái điều khiển chiếc xe thông qua tay lái nối liền với bánh trước. Các bộ phận điều khiển trên tay lái giúp kiểm soát tốc độ, bộ ly hợp (đối với xe có tay côn) và phanh trước, trong khi hai bàn đạp chân cho phép thay đổi hộp số và phanh sau.

Về phân loại, có khá nhiều cách để phân loại xe máy. Có thể phân loại theo số bánh xe, mặc dù khái niệm cơ bản xe máy là loại phương tiện hai bánh, nhưng một số biến thể xe gắn máy có 3 bánh hoặc 4 bánh như hack (loại xe máy có ghế phụ ở bên cạnh) vẫn được xếp vào dòng xe máy. Ngoài ra có thể phân loại theo dung tích xilanh, xe dưới 50 phân khối, xe từ 50-175 phân khối và xe trên 175 phân khối (xe phân khối lớn).

Xe gắn máy và những kiến thức cơ bản bạn nên biết (Phần I)

Tuy nhiên, kiểu phân loại phổ biến nhất là dựa trên tính chất, cấu tạo và công dụng của chiếc xe. Chúng ta có xe máy thông dụng thường thấy ở Việt Nam là kiểu xe Underbone và Scooter. Trong đó, Underbone là dòng xe số, như Wave, Future, Sirius, Exciter... Đặc điểm chính của loại xe này là động cơ đặt bên dưới khung xe, bình xăng ở dưới yên. Với thiết kế này, trọng tâm xe lùi về sau hoặc ở giữa, phần đầu xe nhẹ nhàng.

Xe gắn máy và những kiến thức cơ bản bạn nên biết (Phần I)

Scooter, hay còn gọi là xe tay ga, do sử dụng hộp số vô cấp (cũng có một số dòng xe Scooter sử dụng hộp số tay với số và côn được tích hợp ở tay lái bên trái). Đặc điểm chính của Scooter là có động cơ đặt phía sau xe, phần đuôi xe khá lớn với cốp xe rộng, không gian phía trước thoải mái, nó cũng có đường kính vành xe nhỏ hơn so với hầu hết các dòng xe khác. Underbone và Scooter cũng sử dụng nhiều công nghệ khác nhau mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong các phần sau.

Xe gắn máy và những kiến thức cơ bản bạn nên biết (Phần I)

Ngoài ra còn có các xe phân khối lớn được chia thành các dòng xe chính như Naked, Sport, Cruiser, Touring và xe địa hình Motocross. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết Tổng quan về Moto Phân Khối Lớn.

Lịch sử thăng trầm

Chiếc xe gắn động cơ đầu tiên được phát minh trên thế giới tại Pháp vào năm 1868, do Pierre Michaux và Louis-Guillaume Perreaux chế tạo. Chiếc xe máy đầu tiên sử dụng một động cơ hơi nước chạy băng cồn, với một xilanh và công suất 0,5 mã lực, truyền động tới bánh sau băng hệ thống dây cua-roa.

Chiếc xe gắn máy đầu tiên trên thế giới chạy bằng động cơ hơi nước.

Chiếc xe gắn máy đầu tiên trên thế giới chạy bằng động cơ hơi nước.

Đến năm 1885, sau rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, nhà phát minh người Đức Gottlieb Daimler và Wilhelm Maybach đã chế tạo thành công một chiếc xe máy sử dụng động cơ đốt trong 4 thì đầu tiên trên thế giới, có tên là Reitwagen. Chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong dung tích xilanh 264 phân khối, chạy băng nhiên liệu xăng hoặc dầu hỏa, có thể đạt vận tốc 12km/h.

Chiếc xe Reitwagen chạy bằng động cơ đốt trong.

Chiếc xe Reitwagen chạy bằng động cơ đốt trong.

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, việc sản xuất xe máy được đẩy mạnh đáng kể, nhằm cung cấp phương tiện vận chuyển và thông tin liên lạc trên chiến trường. Harley-Davidson của Mỹ và Triumph của Anh là hai công ty sản xuất xe máy nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Chiếc Model H của Triumph được xem là nguyên mẫu đầu tiên của xe gắn máy hiện đại ngày nay. Với một động cơ bốn thì 550 phân khối, được trang bị bộ chế hòa khí và hộp số 3 cấp, truyền động bằng dây đai.

Model H - chiếc xe gắn máy hiện đại đầu tiên do Triumph chế tạo.

Model H - chiếc xe gắn máy hiện đại đầu tiên do Triumph chế tạo.

Sau chiến tranh là thời kỳ phát triển thịnh vượng của những chiếc xe đua, với các giải đua hàng đầu thế giới như Grand Prix. Các hãng xe nổi tiếng bắt đầu cải tiến các mẫu xe của mình, thay đổi thiết kế, tăng công suất động cơ nhằm chế tạo những chiếc xe nhanh nhất và khỏe nhất. Các công nghệ xe máy bắt đầu được nghiên cứu và áp dụng.

Trong thế kỷ 20, ngành công nghiệp xe máy bị chi phối lớn bởi các công ty Nhật Bản như Honda. Một ví dụ là năm 1958, chiếc xe Super Cub của Honda được ra mắt và đã trở thành chiếc xe máy bán chạy nhất mọi thời đại, với hơn 60 triệu chiếc được bán ra tính đến năm 2008. Đến nay, các công ty của Ấn Độ bắt đầu nổi lên và thống trị thị trường xe hai bánh với những tên tuổi như Hero MotoCorp hay TVS Motors.

Việt Nam là một trong những nước sử dụng xe máy nhiều nhất trên thế giới

Theo thống kê, số lượng xe máy phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Những nước phát triển có số lượng ô tô vượt trội hơn, trong khi đó các nước đang phát triển lại sử dụng nhiều xe máy hơn như một phương tiện di chuyển chính. Trên thế giới có khoảng hơn 200 triệu chiếc xe máy (bao gồm cả các loại xe đạp gắn động cơ và xe ba bánh), trung bình khoảng 1000 người thì có 33 chiếc xe máy. Khá ít so với tỷ lệ 141/1000 của xe ô tô.

Xe gắn máy và những kiến thức cơ bản bạn nên biết (Phần I)

Số lượng xe máy tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á, trong đó Ấn Độ có khoảng 37 triệu chiếc, đứng đầu thế giới. Trung Quốc đứng thứ hai với khoảng 34 triệu chiếc xe máy. Theo đánh giá, 4 thị trường xe máy lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam.

Trong những năm gần đây, số lượng xe máy vẫn không ngừng tăng, không chỉ ở những nước đang phát triển mà còn ở cả những nước phát triển như Mỹ. Lý do là do giá nhiên liệu tăng cao và tình trạng ách tắc trong đô thị gia tăng.

Xe gắn máy và những kiến thức cơ bản bạn nên biết (Phần I)

Tại các nước đang phát triển, người ta có nhiều chính sách làm giảm số lượng xe máy để tránh tình trạng ách tắc giao thông. Tuy nhiên ở những nước phát triển lại hoàn toàn ngược lại, họ có nhiều chính sách khuyến khích đi xe máy thay vì ô tô. Như tại Anh, xe máy được miễn 10 Bảng Anh phí tắc nghẽn giao thông tại London, bên cạnh đó còn được miễn thu phí phí tại các cửa sông như cầu Severn , Dartford Crossing , và đường hầm Mersey. Tại Mỹ, xe máy cũng được giảm phí lưu hành và được sử dụng chung làn đường với xe bus. Nhiều quốc gia phát triển khác cũng có các chính sách tương tự.

Trong phần tiếp theo của bài viết, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các kiến thức kỹ thuật và tìm hiểu cấu tạo, hoạt động bên trong của một chiếc xe gắn máy, cũng như một số công nghệ được áp dụng phổ biến hiện nay.

(Còn tiếp...)

Tham khảo: HowStuffWork, Wiki

>>Tìm hiểu về động cơ của xe ô tô (Phần I)

Từ khóa » Hiểu Biết Về Xe