Xét Nâng Bậc Lương, Ngạch Lương Của Công Chức Và Viên Chức

Công chức, viên chức công tác thuộc cơ quan Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong quá trình làm việc, công tác thường sẽ phải học lên để đảm bảo được mức lương tốt nhất cũng như có những vị trí cao hơn trong đơn vị, cơ quan của mình. Vậy để được nâng bậc, nâng ngạch đối với công chức, viên chức thì cần những điều kiện gì để được nâng đúng hạn và có thể là được nâng trước hạn. Luật Dương Gia dựa trên những căn cứ, cơ sở pháp lý xin trình bày về vấn đề này cụ thể như sau:

Mục lục bài viết

  • 1 1. Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng bậc lương của công chức, viên chức:
    • 1.1 1.1. Nâng bậc lương thường xuyên:
    • 1.2 1.2. Nâng bậc lương trước thời hạn:
  • 2 2. Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng ngạch lương của công chức, viên chức:
    • 2.1 2.1. Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng ngạch lương của công chức:
    • 2.2 2.2. Điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh của viên chức:
  • 3 3. Tính thời hạn nâng bậc lương thường xuyên:

1. Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng bậc lương của công chức, viên chức:

1.1. Nâng bậc lương thường xuyên:

Công chức, viên chức làm việc và bảng xếp bậc lương của mình chưa được xếp đến bậc lương cuối của ngạch công chức, của chức danh nghề nghiệp viên chức hiện tại đang đảm nhiệm thì sẽ được xem xét và tiến hành nâng lên một bậc lương khi công chức, viên chức đó có đủ điều kiện về thời gian giữ bậc tại ngạch công chức hay nghề nghiệp công chức và đảm bảo đủ các điều kiện về tiêu chuẩn nâng bậc lương.

Thứ nhất, điều kiện về thời gian:

– Chức danh chuyên gia cao cấp thì thời gian được xét nâng bậc lương đó là đủ 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp.

– Các chức danh hay các ngạch mà có yêu cầu cần có trình độ từ cao đẳng trở lên thì sau thời gian đủ 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh.

– Các chức danh hay các ngạch mà có yêu cầu trình độ trung cấp trở xuống, nhân viên thừa hành, hay phục vụ thì sau thời gian đủ 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương của các chức danh hay các ngạch đó.

– Thời gian vẫn được tính để xem xét nâng bậc lương thường xuyên gồm những thời gian sau:

+ Thời gian nghỉ làm việc theo quy định của Bộ luật lao động được hưởng nguyên lương.

+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

+ Thời gian 06 tháng trở xuống cộng tổng thời gian nghỉ tai nạn lao động, nghỉ ốm đau, bệnh nghề nghiệp (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

+ Khoảng thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, công tác, thực tập hay đi học ở trong nước và cả nước ngoài (tính cả khoảng thời gian đi dưới hình thức là phu nhân hay phu quân được Chính phủ quy định) được cơ quan cấp có thẩm quyền cử đi và vẫn trong diện trả lương của đơn vị, cơ quan đó.

+ Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự

– Thời gian không được xem xét để tính nâng bậc lương thường xuyên gồm có:

+ Khoảng thời gian nghỉ không hưởng lương.

+ Khoảng thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác hay khảo sát trong nước và nước ngoài đã quá thời gian cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

+ Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự).

+ Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

+ Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên.

+ Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật.

+ Khoảng thời gian mà công chức, viên chức bị đình chỉ công tác hay bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác trừ các thời gian được tính để nâng bậc thường xuyên nêu trên.

Cách tính: tính tròn tháng, trường hợp có những ngày lẻ không tròn tháng thì được tính như sau: nếu lẻ dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không được tính, còn nếu từ 11 ngày trở lên thì được tính là tròn 1 tháng.

– Thời gian bị kéo dài thời gian để xem xét nâng bậc lương thường xuyên trong các trường hợp:

Kéo dài thời gian 12 tháng đối với cán bộ bị kỷ luật cách chức; công chức bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức; viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.

Kéo dài 06 tháng đối với cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; viên chức bị kỷ luật cảnh cáo; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng.

Kéo dài thời gian 03 tháng đối với các viên chức bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách.

Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài nêu trên.

Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng: nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý ký luật hành chính quy định tại khoản này.

Thứ hai, về tiêu chuẩn nâng bậc lương:

– Tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức:

+ Về khả năng làm việc và thực hiện công việc được giao: ược cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên

+ Mức độ vi phạm: đảm bảo không vi phạm kỷ luật vào một trong các hình thức đó là cảnh cáo, giáng chức, khiển trách hay cách chức.

– Tiêu chuẩn đối với viên chức và người lao động:

+ Mức độ vi phạm: đảm bảo không vi phạm kỷ luật và bị áp dụng một trong các hình thức cảnh cáo, cách chức hay khiển trách.

+ Về khả năng làm việc và thực hiện công việc được giao: được đánh giá tối thiểu ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

1.2. Nâng bậc lương trước thời hạn:

Trường hợp 1: Do trong quá trình công tác lập được thành tích xuất sắc

– Đảm bảo các tiêu chuẩn đối với xét nâng bậc lương thường xuyên.

– Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao có thành tích xuất sắc và việc này đã được công nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Nếu trường hợp xét đến ngày 31/12 của năm dương lịch được xét nâng bậc lương đó mà cá nhân còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được xét nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì sẽ được nâng một bậc lương trước so với thời hạn và tối đa là 12 tháng.

– Đối với trường hợp nâng bậc lương trước thời hạn do lập được những thành tích xuất sắc và được công nhận thì xác định tỷ lệ công chức, viên chức được nâng trước thời hạn trong một năm là không được quá 10% so với toàn bộ công chức, viên chức hưởng lương tại cơ quan, đơn vị đó.

– Danh sách trả lương được tính dựa trên quyết định của cơ quan, cấp có thẩm quyền giao đối với biên chế đến ngày cuối cùng của năm dương lịch mà xét nâng bậc trước thời hạn.

– Đối với mỗi ngạch, chức danh thì phải đảm bảo việc không thực hiện nâng lương trước thời hạn hai lần liên tiếp nhau.

Trường hợp 2: Khi có thông báo nghỉ hưu

– Công chức đến tuổi về hưu và đã có thông báo về việc nghỉ hưu, nếu tại thời điểm giữ bậc mà công chức đó đạt đủ 02 tiêu chuẩn theo quy định, cùng với đó thì chưa đạt đến ngạch hoặc chức danh cuối. Thời gian từ ngày có thông báo đến ngày có quyết định nghỉ hưu có thời gian còn thiếu ít hơn 12 tháng để được xem xét nâng bậc lương thường xuyên thì công chức sẽ được nâng lên một bậc lương.

Lưu ý: nếu công chức vừa thuộc diện được nâng lương do lập thành tích xuất sắc vừa được nâng lương trước thời hạn do có thông báo nghỉ hưu thì công chức đó có quyền lựa chọn một trong hai cách nâng bậc lương.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng ngạch lương của công chức, viên chức:

2.1. Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng ngạch lương của công chức:

– Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

– Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;

– Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi;

+ Trường hợp công chức có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của ngạch dự thi thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của ngạch dự thi.

+ Trường hợp công chức được miễn thi môn ngoại ngữ hoặc môn tin học theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 37 Nghị định này thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của ngạch dự thi.

– Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi;

+ Trường hợp công chức trước khi được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí có yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp (nếu thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan có thẩm quyền tính làm căn cứ xếp lương ở ngạch công chức hiện giữ thì được tính là tương đương với ngạch công chức hiện giữ.

+ Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch dự thi tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.

2.2. Điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh của viên chức:

– Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

– Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

– Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;

+ Trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định này thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;

– Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.

+ Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.

+ Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

3. Tính thời hạn nâng bậc lương thường xuyên:

Tóm tắt câu hỏi:

Cho em hỏi em đang hưởng lương trung cấp bậc 3 = 2,26 từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2015 em có bằng Đại học thì khi em chuyển ngạch từ trung cấp lên đại học thì em được tính như thế nào thời gian nâng lương lần sau được tính từ tháng mấy?

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, có thể xác định bạn đang là công chức, viên chức được hưởng lương theo ngạch trong cơ quan nhà nước.

Về điều kiện, tiêu chuẩn xét bậc lương.

Theo quy định tại Điều 5 Quyết định 51/QĐ-LĐTBXH thì:

Điều 5. Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên

Công chức, viên chức và người lao động chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức (sau đây gọi là chức danh) thì được xét nâng 1 bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

1. Điều kiện về thời gian giữ bậc trong ngạch, trong chức danh

a) Đối với công chức, viên chức và người lao động giữ ngạch, chức danh loại A3, A2, A1, A0 thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng 1 bậc lương.

b) Đối với công chức, viên chức và người lao động giữ ngạch, chức danh loại B, C và nhân viên thừa hành, phục vụ thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng 1 bậc lương.

2. Tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên

Công chức, viên chức, người lao động có đủ điều kiện thời gian giữ bậc quy định tại Khoản 1 Điều này và qua đánh giá, đạt đủ 2 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng 1 bậc lương thường xuyên:

a) Đối với công chức:

– Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên;

– Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

b) Đối với viên chức và người lao động:

– Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;

– Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

Trong trường hợp là công chức, khi có bằng đại học và  có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 30,Nghị định số 138/2020/NĐ-CP bạn mới có khả năng được chuyển xếp lương.

Điều 30. Căn cứ, nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch công chức

1. Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan sử dụng công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Căn cứ vào số lượng chỉ tiêu nâng ngạch của cơ quan, tổ chức sử dụng công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan quản lý công chức có trách nhiệm rà soát, xác định và lập danh sách công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch.

3. Công chức được đăng ký dự thi nâng ngạch khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;

c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi;

Trường hợp công chức có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của ngạch dự thi thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của ngạch dự thi.

Trường hợp công chức được miễn thi môn ngoại ngữ hoặc môn tin học theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 37 Nghị định này thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của ngạch dự thi.

d) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi;

Trường hợp công chức trước khi được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí có yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp (nếu thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan có thẩm quyền tính làm căn cứ xếp lương ở ngạch công chức hiện giữ thì được tính là tương đương với ngạch công chức hiện giữ.

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch dự thi tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.

4. Cơ quan quản lý công chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện của công chức được cử tham dự kỳ thi nâng ngạch và lưu giữ, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch của công chức theo quy định của pháp luật.

Vậy trong trường hợp này bạn đáp ứng được những điều kiện đủ ở trên vẫn phải thông qua kỳ thi nâng ngạch khi được cơ quan, đơn vị sử dụng bố trí đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với trình độ đào tạo và đáp ứng các yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đăng ký dự thi.

Tinh-thoi-han-nang-bac-luong-va-muc-luong-duoc-huong

Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568

Trong trường hợp là viên chức, bạn phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Điều 32. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;

Trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định này thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;

d) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.

Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

2. Các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý, sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ.

Theo thông tin bạn cung cấp bạn đang hưởng lương trung cấp bậc 3 là 2,66, đối chiếu với bảng thang lương số 2, số 3 quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì bạn đang hưởng mức lương của công chức, viên chức loại B có trình độ trung cấp. Thông tư 02/2007/TT-BNV hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức. Cụ thể tại Khoản 3, mục II Thông tu quy định:

3. Xếp lương khi chuyển loại công chức, viên chức:

Trường hợp công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn và điều kiện được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển loại công chức, viên chức từ loại A0 sang loại A1; từ loại B, loại C sang loại A (gồm A0 và A1) hoặc từ loại C sang loại B, thì thực hiện như cách xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức hướng dẫn tại Khoản 1 mục II Thông tư này.

Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Đối với công chức, viên chức giữ ngạch, chức danh loại B thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng 1 bậc lương.

Về thời hạn nâng bậc lương, trong trường hợp này của bạn là trường hợp đối với các ngạch có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên( đại học) và chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định như sau:

Điều 2. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên

Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây gọi là chức danh) hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong suốt thời gian giữ bậc lương như sau:

1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:

a) Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên:

– Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;

– Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;

– Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

b) Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

– Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

c) Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

– Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

– Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;

– Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

Tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điểm này (nếu có) được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì được tính như sau: Dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính; từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 01 tháng.

Vậy trong trường hợp của bạn, sau 36 tháng kể từ thời điểm giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương. Ngoài ra tại Khoản 3,4 Điều 2 Thông tư trên cũng quy định những trường hợp thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương như sau:

3. Thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên:

Trong thời gian giữ bậc lương hiện giữ, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này như sau:

a) Kéo dài 12 tháng (một năm) đối với các trường hợp:

– Cán bộ bị kỷ luật cách chức;

– Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;

– Viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.

b) Kéo dài 06 (sáu) tháng đối với các trường hợp:

– Cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;

– Viên chức và người lao động bị kỷ luật cảnh cáo;

– Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 (sáu) tháng.

c) Kéo dài 03 (ba) tháng đối với viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách.

d) Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này.

đ) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng thì thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30 tháng 3 năm 2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Việc kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên được căn cứ vào hình thức xử lý kỷ luật do cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quyết định theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền là oan, sai sau khi bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam, bị kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức) thì thời gian này được tính lại các chế độ về nâng bậc lương thường xuyên như sau:

a) Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam do oan, sai được tính lại vào thời gian để xét nâng bậc lương;

b) Không thực hiện kéo dài thời gian xét nâng bậc lương đối với các hình thức kỷ luật do oan, sai;

c) Được truy lĩnh tiền lương, truy nộp bảo hiểm xã hội (bao gồm cả phần bảo hiểm xã hội do cơ quan, đơn vị đóng) theo các bậc lương đã được tính lại.

Từ khóa » Chu Kỳ Bậc 3